Một Đường Dây Chạy Án Bình Định Chìm Xuồng

Bách Việt

Gần đây, Thi hành án TP Qui Nhơn cho tiến hành cưỡng chế căn nhà số nhà 4C, đường Trần Hưng Đạo, phường Hải Cảng, TP Qui Nhơn, tỉnh Bình Định để thi hành bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Bình Định tuyên vợ chồng Phan Đình Vương (49 tuổi) và Võ Thị Sầu (44 tuổi), phải hòan trả cho bà Trần Thị Thu Hà (SN 1958- ngụ tại Tổ 9, KV 3, phường Lý Thường Kiệt- Quy Nhơn) 50 triệu tiền vay, cộng với 13,95 triệu tiền lãi phát sinh. Mặc dù giá trị tài sản tranh chấp không nhiều nhưng vụ án được dư luận cực kỳ quan tâm bởi, đằng sau số tiền cho vay 50 triệu có ẩn chứa nhiều dấu hiệu không bình thường của một đường dây chạy án giữa luật sư với các cơ cán bộ đang công tác trong ngành bảo vệ pháp luật.

Nhẫn Tâm Gạt Bỏ Quyền Thừa Kế Của Người Tâm Thân

Hai vợ chồng ông Phan Đình Minh và bà Trần Thị Lê có 9 người con là Phan Đình Vương, Phan Đình Hạt, Phan Đình Chiến, Phan Đình Hưng, Phan Thị Hà, Phan Thị Hòa, Phan Thị Thu Hồng, Phan Thị Thu Hằng và Phan Thị Thu Hạnh. Trước năm 1975, ông Minh lấn chiếm đất công xây căn nhà số 4C, đường Trần Hưng Đạo, phường Hải Cảng, TP Qui Nhơn bằng vách nứa, nền cát với diện tích 4m2 x 12m2, sử dụng sửa chữa xe đạp cùng với vợ chồng anh Phan Đình Vương với Võ Thi Sầu. Từ năm 1976 đến 1979, ông Minh là người trực tiếp nộp thuế thổ trạch và đứng tên trong đơn xin phép chính quyền địa phương sửa chữa căn nhà 10/10/1987, ông Minh làm Giấy ủy quyền cho lại cho ông Vương trọn quyền sử dụng căn nhà nói trên vì lý do tuổi già sức yếu. Năm 1988, ông Minh qua đời không để lại di chúc, bà Trần Thị Lê cho rằng căn nhà nói trên là tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mới yêu cầu vợ chồng Vương, Sầu phải chia cho bà một phần hai giá trị tài sản của ông Minh. Vợ chồng Vương, Sầu không đồng ý, bà Lê có đơn khởi kiện đến TAND TP Qui Nhơn.

Ngày 22/9/2004, TAND TP Quy Nhơn mở phiên tòa xét xử sơ thẩm tuyên: “Công nhận ngôi nhà 4C Trần Hưng Đạo, phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn là tài sản chung của vợ chồng bà Trần Thị Lê và ông Phan Đình Minh. Vợ chồng Vương, Sầu cũng như tất cả các thành viên trong gia đình chỉ được thừa hưởng phần di sản thừa kế của người cha để lại từ 2 căn nhà tổng cộng với số tiền là 29,636 triệu đồng. Tuy nhiên, vì xét thấy căn nhà số 4C Trần Hưng Đạo, phường Hải Cảng, TP Qui Nhơn mà vợ chồng Vương, Sầu đã ở ổn định nên Hội đồng xét xử giao quyền sở hữu, sử dụng; đồng thời phải có nghĩa vụ thối lại giá trị chênh lệch tài sản cho: bà Trần Thị Lê: 209.517.000đ; anh Phan Đình Hạt, Phan Đình Chiến, Phan Đình Hưng, chị Phan Thị Hà, Phan Thị Hòa, Phan Thị Thu Hồng, Phan Thị Thu Hằng, Phan Thị Thu Hạnh, mỗi người là 19.047.000đ. Như vậy, tổng cộng số tiền mà vợ chồng anh Vương phải thối lại cho mẹ và các em là 351,2949 triệu đồng.

Sau khi phiên tòa sơ thẩm kết thúc, vợ chồng Vương, Sầu có đơn kháng cáo vì cho rằng căn nhà 4C Trần Hưng Đạo là thuộc sở hữu riêng của mình. Ngày 20/5/2005, TAND tỉnh Bình Định mở phiên tòa xét xử phúc thẩm với nhận định: Xét nguồn gốc căn nhà 4C Trần Hưng Đạo, phường Hải Cảng, TP Qui Nhơn ban đầu do ông Phan Đình Minh là cha của anh Phan Đình Vương đứng tên kê khai nhưng sau đó có giấy uỷ quyền lại cho anh Vương. Qua đối chiếu các giấy tờ liên quan đến ngôi nhà thì thấy rằng việc uỷ quyền giao nhà cho anh Vương thì cũng chỉ xảy ra giữa ông Minh và anh Vương, bà Lê nại bà không biết là có cơ sở vì theo giấy uỷ quyền giao nhà thì không có chữ ký của bà Lê. Như vậy, xét tài sản của ngôi nhà 4C Trần Hưng Đạo là tài sản chung của bà Lê và ông Minh, nhưng ông Minh tự động định đoạt toàn bộ là không phù hợp pháp luật, mà tài sản này có sở hữu ½ của bà Lê. Cấp sơ thẩm xem xét chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn tranh chấp toàn bộ đất có nhà là không phù hợp với những chứng cứ có được bởi vậy cần cải sửa phần này. Giá trị nhà 4C đường Trần Hưng Đạo, phần nhà do vợ chồng anh Vương xây dựng, phần đất có giá trị là 12.000.000đ/m2 x 25,9m2 = 310.800.000 đồng. Phần bà Lê được sở hữu ½ giá trị đất là 155,4 triệu đồng, ½ giá trị còn lại là phần của ông Minh đã cho ông Vương khi còn sống nên thuộc quyền sở hữu của anh Vương. Vợ chồng anh Vương được quyền sở hữu sử dụng căn nhà 4C đường Trần Hưng Đạo và chỉ có nghĩa vụ thối lại cho bà Lê 155,4 triệu đồng. Đối với ngôi nhà tọa lạc tại tổ 38, khu vực 7, phường Hải Cảng hiện đứng tên sở hữu của bà Trần Thị Lê và ông Phan Đình Minh như án sơ thẩm đã xác định, các bên không kháng cáo nghĩ nên giữ nguyên như án sơ thẩm. Ai định cư, sử dụng và xác lập quyền sở hữu phải có nghĩa vụ thối lại giá trị chênh lệch cho những người khác là 10,5981 đồng.

So với án sơ thẩm của TAND TP Qui Nhơn thì kết quả phiên tòa phúc thẩm của TAND tỉnh Bình Định, vợ chồng anh Vương “thắng kiện” với số tiền chênh lệch đến 206,493 triệu đồng. Vụ án tranh chấp di sản thừa kế khép lại trong sự bất bình của đông đảo dư luận quần chúng nhân dân vì Hội đồng xét xử TAND tỉnh Bình Định đã gạt bỏ quyền được thừa hưởng tài sản của 8 người em của anh Vương. Nhẫn tâm hơn, trong đó có đến 2 người bị bệnh tâm thần, không có khả năng mưu sinh tồn tại, phải sống phụ thuộc vào người mẹ già yếu là: Phan Thị Thu Hồng và Phan Thị Thu Hòa.

Một Hợp Đồng Vay Mượn Tiền Không Bình Thường

Theo lời tường trình của vợ chồng Vương, Sầu về vụ việc kết quả phiên tòa phúc thẩm bị đảo ngược là: Khi phiên tòa sơ thẩm kết thúc mà chỉ được hưởng 29,636 triệu đồng, mới hoảng sợ là có nguy cơ mất trắng căn nhà nên mới tìm đến LS Thủy nhờ tư vấn. Sau khi xem xét với nghiên cứu hồ sơ, LS Thủy mới đề nghị: phải có tiền chạy án mới thắng kiện tòan bộ căn với chi phí trọn gói 150 triệu; nhưng trước hết phải ứng 50 triệu để LS Thủy chung chi, lo lót tại phiên tòa phúc thẩm. Vợ chồng anh Vương đồng ý nhưng lại than là không có tiền nên LS Thủy mới chủ động giới thiệu người bạn là bà Trần Thị Thu Hà sẽ đứng ra cho vay 50 triệu. Thế là, “phi vụ chạy án” được vợ chồng Vương, Sầu viết đến 2 giấy nhận nợ: “50 triệu từ số tiền của bà Hà xuất tiền vay từ ngân hàng để LS Thủy dùng vào việc dàn xếp kết quả vụ án; 100 triệu ký nợ là tiền “thù lao” sẽ trả đủ sau khi phiên tòa phúc thẩm mà vợ chồng anh Vương được trọn quyền sở hữu căn nhà mà không phải có nghĩa vụ phải thối lại cho mẹ cùng các em của mình một đồng nào cả. Thế nhưng, kết quả phiên tòa phúc thẩm lại không thành công mỹ mãn như những gì LS Thủy đã cam kết: vợ chồng anh Vương tuy thắng kiện đến trên 200 triệu đồng nhưng phải thối lại cho mẹ mình là bà Trần Thị Lê số tiền 155,4 triệu đồng.

Vịn vào “nguyên kế” này, vợ chồng Vương, Sầu tuyên bố không trả lại số tiền 50 triệu vay cho LS Thủy dùng vào việc chạy án; bà Trần Thị Thu Hà khởi kiện ra trước Tòa án, cả 2 cấp sơ thẩm và phúc thẩm đều tuyên vợ chồng Vương, Sầu phải hòan trả cho bà Hà 50 triệu, cộng với 13,95 triệu tiền lãi phát sinh.

Nếu như chúng ta trực tiếp xúc, trao đổi với vợ chồng Vương, Sầu một lần thì mới hiểu được việc tại sao dư luận phải đặt nghi vấn: chị Sầu thì “mua gánh, bán bưng” quanh quẩn ở chợ khu I, mỗi ngày kiếm trên chục ngàn đủ chi tiêu, trang trải sinh họat trong ngày; anh Vương thì sửa, vá xe đạp ở trước nhà, nhưng là “đệ tử ruột của lưu linh”, hễ kiếm được đồng nào là uống rượu hết nên lúc nào con người cũng trong tình trạng “nửa tỉnh nửa mê”. Vậy, tại sao có người lại “liều mạng” đến mức cho vợ chồng này vay đến 50 triệu đồng?

Trong thời buổi kinh tế thị trường, khi cuộc sống vật chất lên ngôi, làm mai một đi những giá trị chuẩn mực về đạo đức, thì chuyện vay mượn tiền giữa những người thân thích, ruột thịt với nhau vài ba triệu trong những lúc khó khăn, ngoặt nghèo cũng đã là một vấn đề chẳng dễ dàng chút nào. Chính vì thế, hợp đồng vay mượn số tiền 50 triệu đồng được xác lập giữa vợ chồng anh Vương với bà Trần Thị Thu Hà (là những người không hề quen biết với nhau) khiến cho dư luận phải đặt nghi vấn: phải chăng số tiền vay mượn này đã chi dùng cho việc “chạy án”, nên vợ chồng anh Vương đã thắng kiện trên 200 triệu đồng tại phiên tòa phúc thẩm?

Lý giải về nghi vấn này, bà Trần Thị Thu Hà tại phiên tòa khởi kiện vợ chồng Vương, Sầu hòan trả số tiền 50 triệu khẳng định: “ Tôi cũng là một người hoạt động trong lĩnh vực cho vay và mua bán nhà đất. Nên khi được Luật sư Nguyễn Thị Thủy – Đòan Luật sư Bình Định (SN 1960- ngụ tại 109R/1 Trần Hưng Đạo) giới thiệu cho vợ chồng anh Vương vay tiền để “mua bán và đau ốm”, tôi có đi khảo sát thực trạng căn nhà 4C Trần Hưng Đạo, phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn nhiều lần, và định giá sẽ mua 550 triệu đồng. Chính vì thế, tôi mới mạnh dạn cho vay tiền vì thiết nghĩ, nếu như vợ chồng anh Vương tranh chấp với căn nhà với mẹ cùng các em, được chia ½ giá trị tài sản tranh chấp thì cũng đảm bảo được khả năng thanh tóan nợ. Ngày 04/12/2004, tôi cho vợ chồng Vương, Sầu vay 50.000.000đ, thời hạn 04 tháng, từ ngày 07/12/2004 đến ngày 07/4/2005. Vợ chồng Vương, Sầu có viết giấy vay tiền, hai bên thỏa thuận miệng lãi suất 4%/tháng, thanh toán lãi và gốc dứt điểm một lần vào ngày 07/4/2005. Từ đó đến nay vợ chồng Vương, Sầu không thực hiện nghĩa vụ của mình. Nay tôi yêu cầu vợ chồng Vương, Sầu trả tiền gốc 50.000.000đ và yêu cầu lãi xuất 4%/tháng từ ngày vay là 07/12/2004 đến nay. Để có số tiền này, tôi phải nhờ đến người bạn vay tại Ngân Công thương chi nhánh tại Bình Định”

Thế nhưng trên thực tế, sự việc lại không phải như bà Hà giải thích. Vào thời điểm xảy ra việc vay mượn tiền, số tiền mà vợ chồng anh Vương được TAND TP Qui Nhơn tuyên được thừa hưởng trong phần di sản thừa kế của người cha để lại từ 2 căn nhà tổng cộng với số tiền chỉ vỏn vẹn là 29,636 triệu đồng. Nhìn vào bản án sơ thẩm, cũng như hòan cảnh thực tế hiện tại của vợ chồng anh Vương thì chuyện bảo đảm thu hồi nợ cho bà Hà chẳng khác nào việc “hái sao trên trời”. Như vậy, động lực nào đã khiến cho bà Hà cho vợ chồng Vương, Sầu vay tiền, phải chăng có sự hứa hẹn của Luật sư Thủy rằng: vợ chồng Vương, Sầu sẽ thắng kiện, giành trọn quyền sở hữu căn nhà tại phiên tòa phúc thẩm nếu như chi dùng số tiền vay trên cho việc “chạy án”?

Riêng LS Thủy thì phủ nhận tất cả: “Tôi với chị Hà là chỗ bạn bè. Chính tôi là người trực tiếp giới thiệu chị Hà cho vợ chồng Vương, Sầu vay tiền để giải quyết việc “khó khăn trong gia đình”. Sau đó mọi việc diễn ra như thế nào thì tôi không biết nhưng có nghe chị Hà nói có cho vợ chồng Vương, Sầu vay 150.000.000đ, vợ chồng Vương, Sầu đã trả 100.000.000đ hiện còn nợ chị Hà 50.000.000đ. Tôi chỉ tư vấn pháp luật cho vợ chồng Vương, Sầu kháng cáo, chứ không nhận bảo vệ quyền lợi tại Toà nên không nhận tiền của chị Hà. Việc vay mượn tiền giữa hai bên tôi chỉ nghe thông qua chị Hà chứ không chứng kiến việc cho vay”.

Sau khi bị Tòa án tuyên phải hòan trả cho bà Hà 50 triệu, cộng với 13,95 triệu tiền lãi phát sinh, vợ chồng Vương, Sầu gởi đơn tố cáo vụ việc chạy án của Luật sư Nguyễn Thị Thủy, đồng thời thú nhận hành vi đưa hối lộ 50 triệu đồng của mình đến khắp các cơ quan có thẩm quyền nhưng đều không được xem xét, giải quyết. Và việc gì đến cũng sẽ đến! Mới đây, Thi hành án TP Qui Nhơn cho tiến hành cưỡng chế căn nhà số nhà 4C, đường Trần Hưng Đạo, phường Hải Cảng, TP Qui Nhơn, tỉnh Bình Định để thi hành bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Bình Định tuyên vợ chồng Vương, Sầu phải hòan trả cho bà Trần Thị Thu Hà 50 triệu tiền vay, cộng với 13,95 triệu tiền lãi phát sinh.

Câu chuyện hấp dẫn, ly kỳ về một đường dây chạy án ở Bình Định chính thức bị chìm xuồng. Vụ việc khép lại giống như những gì mà Tiến sĩ Luật sư Cù Huy Hà Vũ đã trả lời phỏng vấn với BBC: “ở Việt Nam hiện nay, tình trạng tham nhũng có thể nói là kinh khủng luôn. Đến bây giờ tôi nghĩ nó còn hơn cả bầy khủng long thời tiền sử. Và cái chuyện để được bổ nhiệm thẩm phán chắc chắn phải qua các cửa đút lót, vậy thì có thể thẩm phán, nếu chưa hành nghề, thì làm sao anh có thể có tiền lớn để đút lót. Cái điều này cũng hạn chế số lượng thẩm phán được bổ nhiệm và đào tạo. Tôi muốn nói là có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có 2 nguyên nhân cơ bản. Một là từ phía các nhà lãnh đạo, những người lãnh đạo chính trị của đất nước. Cái thứ hai từ ngành tòa án là do nạn tham nhũng và người ta đặt đồng tiền lên trên hết, người ta không vì lợi ích của nhân dân, cho nên ai vào ngành tòa án, hoặc cụ thể là được bổ nhiệm thẩm phán, như là một cái chỗ để thu lợi, và theo tôi là thu lợi bất chính.Chuyện chạy án ở Việt Nam là cái chuyện ai cũng biết, ai cũng kêu, nhưng cho đến giờ khả năng sửa có thể nói là rất chậm, thậm chí nhiều nơi còn bế tắc, không sửa luôn”.

(Theo Trần Đình Cầu – Báo Kinh tế nông thôn cuối tuần)

Quảng Ngãi, 26/6/2007
Bách Việt