Một Năm Sau APEC Hà Nội, CSVN Vẫn Gặp Nhiều Chướng Ngại…

Ngô Văn

Hội nghị APEC lần thứ 15 được khai diễn tại thành phố Sydney, Australia, vào ngày 6 tháng 9 vừa qua, đây là một hội nghị cấp cao của những quốc gia nằm trong vùng biển Thái Bình Dương, chủ đề chính của hội nghị là bàn về việc trao đổi thương mại đa diện, hội nhập kinh tế khu vực. Nếu lấy thời điểm tổ chức hội nghị làm mốc thi APEC 14 ở Hà Nội đã trải qua một năm. Theo tinh thần của APEC thì chính quyền các quốc gia phải tạo điều kiện dễ dàng, đơn giản hóa thủ tục hành chánh cho những doanh nghiệp tư trong việc làm ăn hợp pháp của họ. Thế nhưng sau một năm, các doanh nhân Việt Nam vẫn còn gặp rất nhiều rào cản, nghĩa là lề lối làm việc của nhà nước CSVN không hề thay đổi, nếu có cũng chỉ là trên giấy tờ hay đầu môi chót lưỡi, chứ thực tế vẫn như xưa.

Trong hội nghị Phát triển doanh nghiệp dân doanh được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 7/9/2007, nhiều doanh nhân tham gia cho biết họ còn bị rất nhiều hạn chế về vấn đề thủ tục hành chánh làm cản trở hoạt động đầu tư và kinh doanh. Điển hình là thủ tục liên quan đến việc gia nhập thị trường, đất đai và giấy phép Con. Thủ tục về đầu tư còn chồng chéo, nhiều điểm chưa rõ ràng gây khó khăn cho người đầu tư, nhu cầu đất đai của doanh nghiệp rất lớn, hơn 65% doanh nghiệp cho biết muốn mở rộng hoạt động kinh doanh nếu thuê mướn mặt bằng dễ dàng. Nhiều doanh nghiệp đánh giá rất khó khăn để có đủ các loại giấy phép cần thiết. Đủ kiểu, đủ loại giấy phép Con không ngừng xuất hiện trong khi chẳng có cơ chế, quy chuẩn hay cơ quan rà soát, đánh giá về vấn đề giấy phép Con này.

Do thiếu năng lực, thông tin cho đến khung khổ pháp lý nên hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn đó là chưa kể đến cơ sở hạ tầng không đáp ứng đòi hỏi của sự yêu cầu. Trong hội nghị này các doanh nghiệp tư kiến nghị là phải cỏ mọi loạo giấp phép con, phải đẩy mạnh cải cách hành chánh gắn liền với công khai và minh bạch hóa. Đề nghị chính phủ ông Nguyễn Tấn Dũng dành nhiều thì giờ và nguồn lục để tăng cường trách nhiệm công khai hóa thông tin của bộ máy nhà nước, công khai cởi mở các thông tin chuyên ngành từ những bộ máy nhà nước như hải quan, thương mại, nông nghiệp, thống kê…

Về phía nhà nước CSVN thì sau hội nghị APEC, Hà Nội đã đặt chỉ tiêu đẩy mạnh đầu tư hạ tầng cơ sở cho năm 2007, nhưng khi tính sổ lại thì trong 8 tháng đầu của năm nay chỉ đạt ở mức 37% so với chỉ tiêu đề ra, con số này là do chính nhà nước đưa ra nên thực tế còn thấp hơn nhiều. Để giải thích tình trạng này, Tổng cục Thống kê nhà nước CSVN đã đưa ra những nguyên nhân như sau: Trước hết do công tác giải phóng mặt bằng triển khai không đúng tiến độ, ngoài ra còn do giá cả vật tư biến động lớn và năng lực của một số nhà thầu (quốc doanh) trong nước hạn chế về năng lực, kinh nghiệm.

Những điều mà Tổng cục Thống đưa ra gọi là nguyên nhân thì quá quen thuộc, nếu đã tìm ra đúng nguyên nhân thì phải có cách chữa trị chứ, nhưng hình như chúng là những căn bệnh không có thuốc trị, nên mới lập đi lập lại mãi như vậy. Đây không phải là những nguyên nhân, mà chỉ là các triệu chứng của những căn bịnh khó nhìn thấy hơn hay quá dễ thấy nhưng người ta không muốn nhìn thấy. Đó là nhận định trong một bài viết với tựa đề “Vì sao 8 tháng đầu tư nhà nước đạt thấp” được đăng trên báo Lao Động ngày 2/9/2007.

Năm ngoái, hội nghị APEC 2006, ông Nguyễn Tấn Dũng chủ trì mấy phiên họp bàn về phát triển kinh tế cho toàn khối. Lý do cũng dễ hiểu vì hội nghị được tổ chức ở Hà Nội mà ông Dũng là người đứng đầu cơ quan hành pháp của nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. APEC 2007 Sydney, người đi dự là ông Nguyễn Minh Triết chứ không phải ông Nguyễn Tấn Dũng. Theo như sự phân chia quyền lực như hiện nay thì người chịu trách nhiệm trực tiếp về việc phát triển kinh tế của Việt Nam là ông Thủ tướng chứ không phải ông Chủ tịch nhà nước. Nhưng thôi, ông Triết hay ông Dũng, ông nào di cũng vậy, có họp bao nhiêu cũng không thể nào làm cho đất nước phát triển kinh tế nổi vì những nguyên nhân như vừa nói trên.