Một Trái Tim Bao La Đã Ngừng Đập

Trần Đức Tường

Vào lúc 5 giờ 25 phút sáng ngày 22/01/2007, tại bệnh viên quân y liên quân Van đờ gratx (Val-de-Grâce), quận 5, giữa thủ đô ánh sáng Paris, một trái tim bao la bác ái đã ngừng đập. Trái tim đó nằm trong lồng ngực của một vị tu sĩ, một người mà thiên hạ biết đến với cái tên Abê Pi-e (Abbé Pierre). Trong suốt hơn nửa thế kỷ qua, trái tim này đã đập vì những kẻ vô gia cư, vì những người cùng khổ. Cả nước Pháp và thế giới đã thương tiếc và để tang một chiến sĩ bác ái vừa tạ thế ở cái tuổi 94.

Ngay từ sáng sớm ngày 22, trước cổng bệnh viện người ta đã thấy nhiều người tay cầm hoa tới đứng yên lặng nhìn qua hàng rào vào bên trong. Thế rồi trên những tấm cản trước hàng rào đã thấy xuất hiện những tầm hình một vị linh mục râu tóc bạc trắng, với cặp kính lão, đầu đội chiết bê rê (béret) đen, với nụ cười hiền hòa… Hỏi kỹ, đây là những người thuộc tổ chức “Bạn Đường Ê-mau”, những người đã được Abê Pi-e giúp đỡ cách đây hàng mấy chục năm, những người ngưỡng mộ công đức của vị linh mục này và những người bạn bè của Cha. Không phải tất cả đều là người Công Giáo thuần thành. Nhiều người có xu hướng chính trị khác nhau, người tả phái, kẻ hữu phái… Họ đến để tỏ lòng biết ơn, để thành tâm tưởng niệm một con người đã bất chấp khó khăn, nguy hiểm phục vụ cho những anh em khốn cùng nhất của xã hội.

Abê Pi-e, Ngài là ai?

Khi viết những giòng này thì chuông Nhà Thờ Đức Bà Paris đã đổ vang rền. Nước Pháp đang cử hành quốc tang cho vị linh mục có con tim bao la bác ái. Trong thánh đường, có hơn 3.000 quan khách trong đó có Tổng Thống và các quan chức cao cấp của chính quyền Pháp cùng những người trong hội “Bạn Đường Ê-mau” khắp thế giới. Trên quảng trường trước Nhà Thờ Đức Bà có khoảng 10.000 người khác tụ tập trước hai màn truyền hình vĩ đại để theo dõi tang lễ. Mọi người thầm lặng như ôm ấp tang chế trong lòng. Trước cung thánh, linh cữu của Abê Pi-e để trên mặt đất. Trên nắp có cái mũ bê-rê đen, cây gậy chống và chiếc áo khoác bằng dạ đen gắn liền với hình ảnh của ngài. Dưới chân là một cái gối trên để các huy chương của ngài, trong đó thấy rõ giải huy chương Bắc Đẩu Bội Tinh hạng Nhất, cao quý tột độ của nước Pháp. Trong hàng giáo phẩm, người ta thấy có cả đại diện các tôn giáo bạn trong đó có một đại diện Hồi Giáo và một vị tăng sĩ Phật Giáo…

Lời chào mừng đầu tiên là của vị chủ tịch hội Bạn Đường Ê-mau Pháp. Ông nói: “Chúng tôi hân hạnh đón nhận quý vị tại đây để giã biệt Abê Pi-e. Tôi dùng từ đón nhận vì suốt cuộc đời người cha quá cố của chúng ta đã đón nhận những người cùng khổ…”. Con người này, cách đây 95 năm đã sinh ra dưới cái tên Henri Grouès, trong một gia đình Công Giáo đạo đức ở thành phố Lyon. Thời niên thiếu, cậu Henri thường theo cha mẹ đi làm việc thiện. Năm 1931, cậu vào dòng Capucins, một dòng khổ tu và có tên dòng là Philippe. Năm 1938 thầy Philippe thụ phong linh mục. Đệ Nhị Thế Chiến bùng nổ, năm 1939 cha bị động viên gia nhập quân đội. Khi nước Pháp bị quân Đức chiếm đóng, với tấm lòng yêu nước nồng nhiệt, cha đã tham gia kháng chiến và hoạt động bí mật dưới bí danh Abê Pi-e (cha Phêrô). Từ đó người ta đã quên những cái tên cũ như Henri hay Philippe và cái bí danh thời kháng chiến đã gắn liền với ngài hơn nửa thế kỷ, cho đến ngày ngài nhắm mắt. Trong lúc tham gia kháng chiến, ngài đã giúp đỡ, cứu thoát nhiều người Do Thái thoát sự tàn sát của Đức Quốc Xã. Năm 1944 ngài bị quân đội Đức bắt tại vùng Nam nước Pháp; nhưng ngài đã vượt ngục, vượt biên sang Tây Ban Nha và sang Algérie với tướng De Gaulle. Trong chiến tranh ngài đã được ân tặng nhiều huy chương cao quý.

Vào lúc chiến tranh chấm dứt, nước Pháp lâm vào tình trạng đói khổ. Nhiều người không có nhà ở. Thanh niên giải ngũ không có việc làm, không có miếng ăn… Người ta kể lại câu chuyện người Bạn Đường đầu tiên tên là Georges. Anh là một phạm nhân vừa được thả. Ra tù anh đã mất tất cả. Anh thất vọng đến cực độ và muốn tự vẫn. Người ta báo cho Abbé Pierre. Cha tới gặp anh ta và nói với anh: “Trước khi chết, nhờ anh đến giúp tôi một tay”. Anh ta đã đi giúp cha xây cất nhà cửa cho những người không có nhà, đi khuân bàn ghế, đồ cũ về bán lấy tiền nuôi sống họ. Anh Georges đã từ bỏ ý định quyên sinh vì anh đã tìm được lẽ sống trong công việc mưu sống cho kẻ khác. Phải chăng chính cuộc gặp gỡ với anh Georges đã gợi cảm cho Abbé Pierre về ý nghĩa Bạn Đường Emau? Câu chuyện như thế này: Năm 1949 Abbé Pierre đã thuê được một căn nhà ở ngoại ô phía Đông Paris và dùng đó làm nơi tiếp nhận những người vô gia cư, những người cùng khốn. Đó là nhà tiếp cư Emau đầu tiên và ngài cũng đặt tên cho tổ chức ngài thành lập là Hội Bạn Đường Emau. Ngài đã lấy ý nghĩa của chương cuối Phúc Âm Thánh Luca viết về hai môn đệ của Chúa Giêsu vào ngày thứ ba sau khi Chúa chết trên thánh giá, đã bỏ thành Giêrusalem ra đi. Trên đường tới làng Êmau, cách Giêrusalem trên 10 cây số, hai ông gặp một người “bạn đường”; Trong bữa tối tại làng Emau, hai ông này mới nhận ra người bạn đường của hai ông chính là Đức Giêsu đã sống lại. Abbé Pierre đã giải thích sở dĩ ngài chọn cái tên Bạn Đường Emau để nói lên, những con người thất vọng như hai môn đệ Chúa Giêsu ngày xưa đã tìm được niềm hy vọng trở lại khi thấy Đức Giêsu đã sống lại.

Sau chiến tranh, Abbé Pierre đã đắc cử vào Quốc Hội Lập Hiến (1945-1946) và Quốc Hội Lập Pháp (1946-1951). Ngài đã dùng phụ cấp dân biểu để xây dựng các chung tâm tiếp cư cũng như tạo công ăn việc làm cho những người được Hội Bạn Đường Emau tiếp nhận. Năm 1951, ngài đã rời bỏ chính trường để cống hiến trọn vẹn cuộc đời mình cho công tác từ thiện bác ái.

Lời kêu cứu trên làn sóng điện.

Mùa đông năm 1954 rét khủng khiếp. Tại Paris, nhiệt độ xuống đến âm 13 độ C. Những người vô gia cư ngủ trên vỉa hè, trong các cửa hầm xe điện ngầm hay dưới gầm cầu không thể chống chọi được với tuyết giá. Mỗi đêm trung bình có đến 17 người người bỏ mạng. Sống giữa thủ đô ánh sáng mà còn có người không có nhà ở bị chết rét ngoài đường là điều khiến Abbé Pierre không thể chấp nhận được. Vào tháng giêng năm 1954, cha đã tới Quốc Hội nêu vấn đề, nhưng ngài đã gặp một sự thờ ơ lãnh đạm của giới chính trị. Ngài phải nghĩ cách khác để đánh động đến toàn dân Pháp.

Đồng hồ chỉ 13 giờ 10 phút, ngày 1/2/1954, bỗng trên làn sóng điện của đài Radio Luxembourg vang lên một giọng nói khẩn trương: “Thưa các bạn ! Xin hãy cứu vớt ! Đêm qua, lúc 3 giờ sáng một phụ nữ đã chết cóng trên vỉa hè đường Sébastopol, tay còn ôm tờ giấy đuổi nhà ngày hôm trước. Mỗi đêm có trên 2.000 người nằm co ro dưới tuyết giá, không mái che, không có gì ăn… Nhiều người quần áo phong phanh như ở trần… Chúng tôi cần cho chiều nay hay trễ lắm là ngày mai 5.000 tấm mền…”. Những lời sắc bén như dao nhọn đã đâm thấu trái tim của người dân Paris và các tỉnh lúc họ đang quây quần trong sự ấm áp giữa giờ cơm trưa thịnh soạn. Tổng đài điện thoại của radio Luxembourg đã nổ tung và chăn mền, tiền bạc, thực phẩm đã đổ về các trụ sở, các trại tiếp cư Bạn Đường Emau… Với tiền bạc đó, Abbé Pierre đã xây được nhiều chung cư cho những người không nhà, những người cùng khổ khắp nơi trên nước Pháp. Và cũng từ đó, Abbé Pierre liên tục chống gậy đi khắp hang cùng ngõ hẻm, không những trên khắp nước Pháp mà còn tới cả 4 lục địa để chiến đấu với nghèo đói, bất công.

Trung ngôn nghịch nhĩ.

Có người nói, Abbé Pierre là người nóng giận, ăn nói không thận trọng. Nhưng dần dần người ta thấy rõ là những cơn lôi đình của vị linh mục này là để bênh vực cho người cùng khốn. Ngài không sợ quyền lực, ngài không nể nang ai nếu cần nói những điều có lợi cho công bằng xã hội cho những người cùng khổ. Ngài đã gặp hầu hết các vị nguyên thủ quốc gia trên quả địa cầu này để trình bầy thẳng thừng nguyện vọng và nhu cầu của người dân nghèo. Thái độ quyết liệt này đã khiến cho những quan chức các chính phủ khó chịu. Người ta tặng cho ngài danh hiệu người gây phiền hà, người gây rối, người xô đẩy chính quyền, kể cả giáo quyền và thế quyền. Vì quyền lợi người nghèo, vì công bình và công lý, Abbé Pierre đã can đảm đương đầu với tất cả.

Chính cái kiên trì và dũng cảm của vị linh mục, không màng tư lợi, không màng danh vọng đã khiến cho các chính quyền phải ban hành những đạo luật bảo vệ và giúp đỡ người nghèo. Năm 1992, khi được ân tặng Đệ Nhị Đẳng Bắc Đẩu Bội Tinh, Abbé Pierre đã nhất mực từ chối vì chính phủ đã từ chối không cấp những công ốc bỏ trống cho người vô gia cư. Đến tận năm 2001 ngài mới chịu nhận huy chương cao quý này. Mùa đông năm nay, tuy không lạnh bằng năm 1954, nhưng vẫn còn nhiều người không có nhà cửa. Hội “Con Cái Don Quichote” đã noi gương Abbé Pierre căng lều cho họ ngay giữa Paris. Vì năm nay là năm bầu cử tổng thống Pháp, nên tổng thống Chirac tuyên bố sẽ cho ra đời một đạo luật bắt buộc Nhà Nước phải cung cấp nhà ở cho những người vô gia cư. Nghe tin Abbé Pierre qua đời, nhiều dân biểu, nghị sĩ đã gợi ý sẽ dặt tên cho đạo luật này là đạo luật Abbé Pierre.

Ngay từ năm 1954, vị linh mục tông đồ của người nghèo này đã biết sức nặng của truyền thông và đã sử dụng truyền thông để đánh động dư luận, đánh động lương tâm các nhà cầm quyền một cách rất hữu hiệu. Ngài từng nói: “Có truyền thông. Ngu sao mà không sử dụng?”. Đối với những vị lãnh đạo trên thế giới, ngài cũng lý luận tương tự. Vì thế từ các vị tổng thống như George Bush, De Gaulle đến Đức Giáo Hoàng, Đức Đạt Lai Lạt Ma, và những văn nghệ sĩ, học giả, trí thức…, tóm lại tất cả những ai có ảnh hưởng đến dư luận, đến thời cuộc, ngài đều tìm gặp.

Sự nghiệp chống nghèo đói.

Sau hơn nửa thế kỷ kiên trì đấu tranh, xây dựng để cung cấp một lẽ sống cho những người thất vọng, những người bần cùng, Abbé Pierre đã để lại một công trình vĩ đại. Hội Bạn Đường Emau không phải chỉ có ở Pháp mà đã lan rộng ra khắp thế giới, trên 4 lục địa: Âu, Á, Nam Mỹ và Phi Châu. Hiện nay đã có 327 hội đoàn, tổ chức thành viên của Bạn Đường Quốc Tế đang hoạt động tại 47 quốc gia trên thế giới. Tất cả đều theo tôn chỉ giúp đỡ người cùng khốn của vị sáng lập là Abbé Pierre. Các hoạt động này bao gồm: thu nhặt các phế liệu để tái tạo, khai thác nông nghiệp và chăn nuôi, chống nạn mù chữ, bảo vệ nhân quyền, đào tạo công nhân và chuyên gia, bảo vệ môi trường, y tế… Đặc điểm của Bạn Đường Emau là không nhận bố thí. Mọi Bạn Đường đều phải lao động để tạo ra miếng cơm, manh áo. Của cải có được nhờ lòng hảo tâm của thiên hạ được đầu tư vào những cơ sở để các Bạn Đường đều có công ăn, việc làm. Chủ trương này đã khiến cho những người được sự giúp đỡ của Abbé Pierre giữ được phẩm giá của mình và khiến họ tìm được lẽ sống trên đời, có ích cho xã hội. Nhiều người “con cái” của Abbé Pierre, nay đã trở thành kỹ sư, bác sĩ… Những người khác đã đứng lên được và có địa vị trong xã hội.

Tuy đạt được một số thành quả, nhưng trận chiến chống nghèo khó còn kéo dài. Đó cũng là quyết tâm của những Bạn Đường Emau trong cơn đau đớn mất đi người cha chung. Họ thề sẽ tiếp tục sự nghiệp của Abbé Pierre.

Nghĩ gì về Abbé Pierre?

Abbé Pierre là một nhà tu hành thánh thiện trong dòng Capucins, ngài là một anh hùng trong Đệ Nhị Thế Chiến, là vị tông đồ của người nghèo… Sự nghiệp của ngài rất vĩ đại, không những cho nước Pháp và còn cho nhiều nước nghèo trên thế giới. Đúng như trong bài điếu văn của Đức Hồng Y Philippe Barbarin, tổng giám mục giáo phận Lyon, là một linh mục Công Giáo, những gì Abbé Pierre, xuất phát từ những giáo huấn của đạo Công Giáo xây dựng trên nền tảng bác ái. Đã có những người xả thân vì bác ái vì bảo vệ, giúp đỡ người nghèo khó như Mẹ Têrêxa ở Calcuta, Đức Giám Mục Cassaigne ở Việt Nam vv… Chúng ta chỉ biết nghiêng mình ngưỡng mộ công việc vị tha, bác ái của các vị, và hỗ trợ các vị trong điều kiện có thể của chúng ta. Nhưng nếu các vị đó đã có thể làm được những công việc bác ái từ thiện thì cũng còn tùy thuộc môi trường. Dĩ nhiên là không có môi trường nào thuận lợi hoàn toàn và các vị đã phải vượt trăm ngàn khó khăn, nhiều lúc còn hiểm nguy đến tính mạng. Nhưng nếu Abbé Pierre hay Mẹ Têrêxa Calcuta, Đức cha Cassaigne có làm được công việc phi thường thì họ cũng phải được chính quyền cho phép hay ít là để yên cho họ làm. Thêm vào đó, họ còn được luật pháp bảo vệ.

Tại Việt Nam chúng ta, sau năm 1975, tất cả những cơ sở từ thiện, giáo dục đã bị tịch thu và các tôn giáo bị cấm hoạt động trên các lãnh vực giáo dục, từ thiện. Từ nhiều thế kỷ qua, người ta nhận thấy, có những lãnh vực chính quyền, Nhà Nước không thể làm xuể được với đội ngũ công chức làm cho xong việc, mà cần đến những tấm lòng, cần đến cái tâm vị tha bác ái, làm vì tình người, vì thương người. Nếu nói về lòng yêu nước thì định nghĩa sát thực tế nhất là yêu thương con người, yêu thương đồng bào. Abbé Pierre là người yêu nước vì trong chiến tranh, ngài đã xả thân làm kháng chiến, trong hòa bình ngài cũng quên mình phục vụ người nghèo trên quê hương ngài. Ngài không yêu chế độ vì ngài đã từng lên án chế độ, lên án chính quyền. Ngài cũng không yêu chủ thuyết nào ngoài chủ thuyết bác ái. Sự sai lầm của nhà cầm quyền là giành lấy những việc mà chính quyền không biết làm và làm không đến nơi đến chốn gây ra những hậu quả tai hại.

Kinh tế phát triển không xóa hết nghèo đói bất công nếu luật pháp không bảo vệ con người gồm cả tinh thần và thể chất. Về tinh thần, phải bảo vệ được nhân phẩm con người. Con người có nhân phẩm, đương nhiên gìn giữ được những giá trị tinh thần, khiến cho chính quyền không thể vì lợi ích của chính quyền mà xem thường quyền lợi, nhu cầu và đòi hỏi của dân chúng. Về thể chất, phải bảo đảm cho mọi người dân trong nước có một đời sống no cơm, ấm áo, có những tiện nghi của một dân tộc ở thời đại ngày hôm nay. Mọi sự hạn chế, mọi vi phạm chủ quyền đất đai, tài sản của người dân đều phải chấm dứt.

Tôn giáo có vai trò cảnh báo, an toàn để giúp con người hướng thiện. Tại sao chính quyền Pháp năm 1954 không xuất nổi ngân sách vài ba chục ngàn để có những biện pháp khẩn cấp giúp dân Pháp chống rét? Trong lúc đó, Abbé Pierre lên đài chỉ mong xin được ít ngàn bạc để cấp cứu cho các nạn nhân trận rét, đã thu được 150 triệu. Điều này cho thấy, có những cái dân tin tôn giáo hơn tin chính quyền.

Mới đây Tòa Thánh Vatican vừa tiếp một phái đoàn cao cấp của Việt Nam do ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hướng dẫn. Theo thông cáo báo chí của Tòa Thánh thì Tòa Thánh đang thảo luận với phía Việt Nam để được phép hợp tác với Nhà Nước trong lãnh vực giáo dục nhằm phục hồi những giá trị luân lý trong giới trẻ, trong lãnh vực từ thiện bác ái và trong lãnh vực y tế vv…Không biết kết quả sẽ ra sao. Bao lâu chưa có chuyển biến trong hệ thống chính trị, chưa có cải tổ sâu trong tư tưởng thì khó có thể có điều kiện để người nghèo khó ở nước ta được hưởng những sự nghiệp bác ái như của Abbé Pierre.

Xin thành tâm thắp nén hương lòng tưởng niệm Abbé Pierre, vị anh hùng, vị tông đồ của người cùng khốn.