Mùa Tưởng niệm – Những ngày không quên

Nguyễn Quang Hoàng Xuân Lĩnh

Tác giả trong giờ giảng dạy môn Sử cho các tân binh kháng chiến quân thuộc đoàn của chiến hữu Trần Quang Đô ở khu chiến. Hình do tác giả cung cấp, chiến hữu Trần Quang Đô là người chụp

Năm 1989, khi đang công tác tại Đài Phát thanh Việt Nam Kháng Chiến (VNKC), tôi nhận lệnh lên đường làm nhiệm vụ mới: huấn luyện các tân kháng chiến quân thuộc đoàn của chiến hữu Trần Quang Đô.

Sau chiến dịch Đông Tiến năm 1987, đài VNKC được chuyển đến một địa điểm mới bên trong lãnh thổ Thái Lan, an toàn hơn. Điều này khiến việc di chuyển trở nên thuận tiện hơn. Một chiến hữu tiếp vận đã lái xe pick-up đưa tôi đến vùng đồi núi, nơi đoàn của chiến hữu Đô đóng quân.

Gặp lại chiến hữu cũ thật là niềm vui lớn. Tôi, “lính mới” chân ướt chân ráo, vô gia cư, phải tá túc trong chòi của chiến hữu Biên, anh em thân mật gọi là anh Bảy. Trong đoàn, chiến hữu Đô là anh Sáu, chiến hữu Ngô Chí Dũng là anh Ba, còn anh Hai là chiến hữu Nguyễn Kim. Anh Bảy ít nói, hiền khô nên dễ hòa đồng.

Sau khi nghỉ qua đêm, sáng hôm sau, anh Bảy chỉ đường cho tôi đi nhận lớp. Phải nói, trước giờ tôi chỉ đi học, chưa từng dạy ai. Giờ mới thấu hiểu câu mà các chiến hữu huấn luyện khóa tôi từng nói: “Các chiến hữu học bây giờ rồi mai mốt truyền lại cho các chiến hữu khóa sau!”

Con đường mòn ngoằn ngoèo trên núi cuối cùng dẫn đến một cái chòi lớn, nơi lớp học của các tân binh đang chờ đợi. Khi tôi bước vào, cả lớp đồng loạt đứng dậy chào. Không chỉ có giảng viên hồi hộp mà cả chiến hữu tân binh giới thiệu lớp cũng vậy. Thay vì dùng từ “chiến hữu,” chiến hữu đó lại hô: “báo cáo cán bộ…”

Chưa hết, không biết từ đâu mà hai con chó con nhỏ cứ nhè chân giảng viên mà nhào vô đùa giỡn. Tôi cố gắng làm mặt nghiêm nhưng không được, cuối cùng phải phì cười, xuề xòa với chiến hữu trực lớp sau khi đá mấy con chó con đi chỗ khác để người lớn nói chuyện.

Làm giảng viên thực sự cũng không quá khó, vì đã có những bài giảng in sẵn về “Đức Tính của Người Kháng Chiến Quân,” Y Tế, “Mưu Sinh Thoát Hiểm,” v.v. Các chiến hữu tân binh là những anh em trẻ lớn lên dưới chế độ cộng sản, có người còn không biết chữ. Khi vào chiến khu, họ được học để biết đọc, biết viết.

Môn dạy mà tôi ngán nhất là môn Sử vì tài liệu rất ít, chỉ có cuốn “Anh Hùng Dân Tộc” do cơ sở của ta in ấn phát hành. Giữa trưa hè, gặp đề tài Sử mà giảng viên không chuyên thì cả lớp chắc tha hồ ngáp. Thời còn các chiến hữu Tiên Phong, tôi từng tham dự lớp Sử do chính hậu duệ nhà Trần là chiến hữu Trần Thiện Khải giảng dạy về chiến công hiển hách ba lần phá tan quân Mông Cổ của nhà Trần, nghe hấp dẫn như xem cinema.

Tôi còn nhớ cái hôm buổi trưa tôi đang đứng lớp giảng môn Sử thì anh Sáu (chiến hữu Trần Quang Đô) xách máy ảnh tới chụp hình lớp. Y như rằng sau đó ổng “khen” tôi dạy gì mà “dở”! Trời ạ!

Thời gian ở căn cứ phụ anh Sáu huấn luyện tân binh, tôi cũng cần một cái chòi để ở. Thế là một ngày nọ, anh em xúm lại, người chặt tre, người đơm lá. Chỉ trong vòng một ngày, tôi đã có mái “nhà tranh” ở riêng. Để cảm ơn anh em dựng chòi cho mình, tôi lội ra cái ao lớn gần đó kiếm ốc. Hay không bằng hên, tôi lội một vòng ao hốt được một mớ ốc to bằng nửa nắm tay, nhét đầy cái quần lính bốn túi.

Nhưng người tính không bằng trời tính. Hí hửng mang chiến lợi phẩm về chưa kịp làm để khoản đãi anh em thì tôi lại có lệnh di chuyển. Nhà chưa kịp ở, ốc chưa kịp luộc thì tôi lại xách ba lô lên đường nhận nhiệm vụ đặc biệt: đi học khóa truyền tin.

Chiếc pick-up lại đến điểm hẹn bốc nhóm sáu người đi học khóa truyền tin. Chúng tôi được chở đến một căn nhà nhỏ trong một quận lỵ Thái. Tại đây, anh em sẽ ăn ở và học truyền tin với một quân nhân người Thái. Giờ học, anh lính này sẽ chỉ chúng tôi các tín hiệu Morse và cách đánh máy. Tới trưa và chiều, anh ta đi xe máy mang về các bữa ăn. Nhóm sáu người chúng tôi gồm tôi (lớn tuổi nhất) là trưởng toán, rồi Ánh, Dũng, Hận, Hùng và Mỹ. Học và sinh hoạt chung là cơ hội cho tôi tiếp xúc thân mật hơn với anh em, có những chuyện vui kể với nhau giờ này vẫn còn nhớ.

Hùng kể, lúc nhập trại nhỏ ở Thái, bị đau bụng quá mà chỉ biết lõm bõm vài chữ tiếng Thái, nên anh chàng phải ráng tả bệnh để xin thuốc như sau: “Phủm puộc thủng xài khao” nghĩa là “Tôi đau cái… bao đựng gạo,” ý muốn nói là bao tử nhưng không biết chữ nên đành gọi là bao đựng gạo. Trời ạ! Kết quả chắc cũng được cho đúng thuốc.

Hận thì kể chuyện tâm linh và đè anh em ra thực hành luôn. Đại khái một người nằm, rồi mấy người khác sẽ chụm hai ngón trỏ vào nhau, sau đó cùng nhấc bổng người đó lên.

Nhưng ấn tượng nhất vẫn là chiến hữu Mỹ. Mỹ dong dỏng cao, tính tình hiền lành ít nói. Một lần, tôi cắt tóc cho Mỹ, vừa làm vừa hỏi thăm về gia cảnh. Cắt thế nào mà phạm cả vào tai chiến hữu, chảy máu, thật là tắc trách! Mỹ tâm sự rằng gia đình cha mẹ cho Mỹ đi vượt biên không phải để định cư xứ người mà để tìm lính phục quốc xin gia nhập, đặng trở về quang phục quê hương. Tới trại, Mỹ liên lạc được với Mặt trận tướng Hoàng Cơ Minh và viết thư về cho gia đình biết. Thật ngưỡng mộ tinh thần ái quốc của thân sinh chiến hữu.

Thời gian trôi nhanh, khóa học tiến triển, anh em đánh Morse ngày càng nhanh hơn. So với lúc đầu, tôi cũng khá hơn, nhưng càng về sau, các anh em trẻ vượt trội nhanh hơn mình nhiều. Học đánh Morse, nhận các bản tin, tiếp đến là học thiết kế mật mã, giải mã…

Tôi nhớ vào thời điểm đó, cũng là lúc người Thái bắt đầu ăn Tết của họ (tháng Tư). Thời tiết nóng, thuận lợi cho họ “tạt” nước chúc Tết nhau. Do căn hộ chúng tôi ở có mặt tiền trên trục lộ chính của quận nên dân tình chung quanh bắt đầu để ý: căn nhà có những người thanh niên ở mà chỉ có một người chạy tới chạy lui mang gà mên thức ăn về.

Một hôm, tôi đang đứng trên gác phía sau nhà thì có một nữ sinh lại gần. Cô bé hỏi gì đó, chắc muốn làm quen. Phụ nữ Thái rất tự nhiên, bạo dạn. Những lần đi công tác, ngồi trong xe pick-up, vào trạm xăng, có cô ghé xe nói chuyện mà tôi không hiểu nên đành lắc đầu xin lỗi: “Khỏ thốt khắp, phủm mây phút pa sả Thái, khắp” (dạ xin lỗi, tôi không nói tiếng Thái). Ở đây, tôi cũng biết thân, biết phận, cáo lỗi đánh bài chuồn, trong bụng còn thầm lo về vấn đề bảo mật cho công tác.

Tôi không phải lo xa, lo lâu nữa. Ngày Tết Thái hôm ấy, “cứ điểm Charlie” của chúng tôi hoàn toàn bị “tràn ngập” cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Bữa đó, anh lính Thái chắc bận ăn Tết nên vắng bóng. Anh em rảnh rỗi, ngồi nghịch máy PRC25. Hận táy máy thế nào mà vào ngay băng tần của Việt Cộng ở Phú Quốc. Thấy người “lạ,” chúng hỏi ngay, sau đó thấy chúng tôi ỡm ờ, chúng bèn nói: “Thôi, đàn anh để chúng em làm việc.” Chúng tôi ngưng vì không ngờ có khách “lạ” ghé thăm.

Căn phòng cả nhóm sinh hoạt ở tầng trệt, cửa lại hé mở, nên khi bầy “yêu nữ” kéo vào chúc Tết thì không ai trong chúng tôi kịp trở tay. Tập tục Thái chúc Tết là cầm một chén nhôm nước có ngâm hoa rưới lên hai bàn tay chắp lại của người được chúc. Bình dân hơn thì rưới nước lên người, lên đầu, lên cổ… Thô bạo hơn thì… tạt luôn cho nó đã! Ban đầu, bầy yêu nữ rất yểu điệu thục nữ. Nhưng rồi, gặp kháng chiến quân bảnh trai như Ánh, thì các cô và các chàng bắt đầu… buông thả. Tới lúc này, tôi (công tác trưởng) hay ông thần ông thánh nào cũng đành… bó tay. Trận chiến “tạt” nước diễn ra bao lâu tôi không nhớ. Chỉ biết sau đó, cả cái sàn nhà lênh láng nước. Ớn nhất là giây điện, ổ điện một đống trên sàn nhà. “Địch” kéo đi, phe ta còn nhìn nhau… ngơ ngác.

Dịp đó, anh Hai (chiến hữu Nguyễn Kim) ghé thăm anh em khóa truyền tin và ủy lạo một ít trái cây. Tôi cũng xin anh Hai tiếp tế cho anh em một ít thuốc hút vì thời gian huấn luyện thấy họ đi tìm “dế nhũi” (thuốc vụn) mà thương.

Cũng may khóa học tới đó là kết thúc. Đợt Đông Tiến đó, tôi xin anh Ba cho mình tháp tùng anh Sáu, nhưng có lẽ nhu cầu công tác còn cần nên anh Ba giữ tôi và Dũng ở lại. Khi đoàn anh Sáu lên đường, tôi có nhiệm vụ trực máy, nhưng không liên lạc được. Sau này, tôi được biết trên đường Đông Tiến, nhóm truyền tin của chúng tôi có Hùng và Hận hy sinh, Mỹ và Ánh bị bắt, Ánh vượt thoát được trở lại Thái.

Đầu năm 1991, Đài Phát thanh Việt Nam Kháng Chiến ngưng hoạt động. Chúng tôi, một số bị Thái giải giới, bị đẩy đi Kampuchea, nhưng rạch tay phản đối và được đưa vào trại tỵ nạn. Anh Ba mất tích ở vùng biên giới này.

Hơn 30 năm sau, nhân ngày Giỗ Thầy và các Kháng Chiến Quân Đông Tiến, tôi viết những dòng này để tưởng nhớ những anh em trong khóa truyền tin mà tôi đã có dịp tiếp xúc gần gũi như một nén hương dâng trễ. Như tôi đã đọc gần đây:

“Người chiến binh không chết,
Họ chỉ phai mờ theo thời gian.”

Anh hùng tử, khí hùng bất tử. Xin vinh danh những chiến hữu đảng viên Việt Tân đã hy sinh, cống hiến cả cuộc đời, tuổi thanh xuân của mình cho lý tưởng Canh Tân Đất Nước và Tự Do, Dân Chủ cho dân tộc.

P/s: Hình này do chiến hữu Trần Quang Đô chụp.

Hải ngoại, tháng Tám mùa Tưởng Niệm 2024

Nguyễn Quang Hoàng Xuân Lĩnh