Mục Sư A Đung Kể Lại Vụ Bị Bắt Giải Giao Về VN

Nam Nguyên

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA
2008-06-30

Lo sợ bị trục xuất về VN, nhiều người tị nạn trong các trại của LHQ ở Phompenh đả tìm đường bỏ trại ra đi. Một số người khác bị bắt và giải giao về VN, như trường hợp của gia đình Mục sư A Đung.

Tình hình ở các trại tị nạn của Cao ủy LHQ tại Phnompenh Cămpuchia được mô tả là rất hoang mang, xáo động. Người Thượng Việt Nam lo sợ bị cưỡng bách hồi hương. Rất nhiều người bỏ trại ra đi, 34 người tới Thái Lan trong bơ vơ.

Một số người khác bị bắt và giải giao về Việt Nam. Trong số này có trường hợp gia đình 4 người của Mục sư A Đung. Ông A Đung 40 tuổi, kể lại với Nam Nguyên về trường hợp của ông xảy ra vào ngày 3 tháng 6 ở Phnompenh Cămpuchia:

MS A Đung: Tôi là thầy Đung thuộc Hội Thánh Tin Lành Mennonite VN, tôi đang ở Sa Thầy Kontum. Giai đọan vừa rồi tôi đi từ VN sang trại tỵ nạn ngày 12/6/2007. Trong quá trình ở trại tỵ nạn tôi thấy nhân viên Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ có vẻ đối xử thiếu rõ ràng minh bạch trong vấn đề bảo vệ che chở những người đang gặp khó khăn.

Đứng trước tình hình căng thẳng như vậy, tôi quyết định ra trại, ra như vậy thì bị Bộ Nội Vụ chính phủ Hòang Gia Cămpuchia bắt đưa về Việt Nam luôn. Họ tống vào xe, đối xử rất thô bạo, bốn, năm công an Bộ Nội Vụ với chiếc xe Jeep màu đen chở thẳng về Việt Nam giao ở Sài Gòn.

Bị chỉ điểm, đấu tố

Nam Nguyên: Thưa mục sư, có tin nói ông bị chỉ điểm của một số người Việt Nam ở Phnompenh nên mới bị an ninh Cămpuchia bắt?

Mục sư A Đung: Công an Bộ Nội Vụ Cămpuchia bắt là do người Việt Nam mình ở Cămpuchia đó, họ thuê phòng cho, thuê xong thì họ đưa công an đến bắt, chuyện là như vậy đấy.

Đến Việt Nam tôi bị giam trong trại 10 ngày, rồi đưa về Huyện (Sa Thầy Kontum) một ngày. Đến ngày 11/6/2008 họ đưa tôi ra đấu tố ở Sa Bình Huyện Sa Thầy. Thành phần tham dự gồm các cơ quan báo chí, cơ quan Huyện, Tỉnh, chính quyền địa phương. Đấu tố vào lúc 19 giờ 30, thời gian đấu tố khỏang hai, ba tiếng gì đó tôi phải trình bày trứơc dân vấn đề tôi vượt biên sang Cămpuchia.

Sau khi đấu tố họ ra quyết định quản chế tại gia một năm. Vào ngày 15 hàng tháng tôi phải đi trình diện chính quyền địa phương. Trong giai đọan quản chế này, không được đi lại tự do, không được sinh họat thông công việc đạo với anh em Hội Thánh. Cho nên phải ở một chỗ, ở nhà thôi đi gần gần thôi, đi đâu phải báo cho chính quyền địa phương biết. Họ đồng ý thì mới được đi, họ không đồng ý thì mình không được quyền đi ra khỏi địa bàn.

Nam Nguyên: Thưa Mục Sư, năm ngoái lúc ông trốn đi khỏi Việt Nam, lúc đó ông có bị khó khăn gì trong việc hành đạo, truyền đạo hay nhóm đạo không?

Mục Sư A Đung: Vì lý do bức xúc không được thực hiện mục vụ, không được thực hiện thông công gặp gỡ anh em, mất đi quyền tự do cơ bản của con người, gọi là những quyền tự nhiên của con người đó, thế là bức xúc phải ra đi như vậy mà thôi. Nếu còn được cái quyền tự do cơ bản đó thì con người sống mới gọi là thoải mái được. Tôi cảm thấy mình sống bị xiềng xích, vì những bức xúc đó dẫn tới việc tôi phải ra đi trong thời gian vừa rồi.

Sẽ tiếp tục con đường đã chọn

Nam Nguyên: Xin phép hỏi Mục Sư là ở trại tỵ nạn ông đã được phỏng vấn chưa?

Mục Sư A Đung: Tôi được phỏng vấn ngày 24/7/2007 cho tới ngày tôi ra đi, nói chung đã được 11 tháng rồi nhưng kết quả thì không có công bố, không có mang lại kết quả. Nhưng mà những anh em khác thì một một tháng hai tháng, một tuần hai tuần họ đều có hết, từ chối hoặc công nhận.

Còn trường hợp của tôi không biết như thế nào mà Cao Ủy làm như vậy, kéo dài gần 1 năm không biết kết quả rớt hay là đâu cũng không biết luôn.

Trong quá trình ở đó (trại tỵ nạn Phnompenh) tôi thấy cách làm việc như vậy thiếu minh bạch rõ ràng, tôi căn cứ vào trường hợp những người khác nữa thì thấy rằng cách làm việc như vậy không công bằng thiếu sự rõ ràng minh bạch trong công tác bảo vệ (người xin tỵ nạn) cho nên tôi mới bức xúc phải tìm cách ra đi thôi.

Nam Nguyên: Vâng bây giờ sau khi cưỡng bách đưa về VN, bị kiểm điểm và quản chế 1 năm, hứơng họạt động của MS về vấn đề tôn giáo như thế nào. Ông sẽ tiếp tục con đường của mình?

Mục Sư A Đung: Sau khi gai đoạn quản thúc (quản chế) rồi, nếu được sự đồng ý của chính quyền địa phương cho vấn đề tự do, thì tất nhiên phải tiếp tục con đường hầu việc chúa, đó là cách con người hầu việc chúa thì không thể từ bỏ được dù rằng có sự khó khăn.

Giai đoạn này nói chung tôi cũng muốn để tâm tới Hội Thánh, thông công với Hội Thánh nhưng mà không dám điều gọi là không chấp hành luật quản chế tại gia. Tôi rất là lo lắng, rất sợ hãi việc đến thông công với những anh em khác, tôi không dám đi gì hết.

Nam Nguyên: Cảm ơn Mục Sư A Đung đã dành thời gian trả lời cuộc phỏng vấn của chúng tôi. Xin chúc Mục Sư mọi điều may mắn.