Năm 2050 đồng bằng sông Cửu Long sẽ biến mất

Phạm Nhật Bình

Dự báo cũ (trái) và mới (phải) tới năm 2050 nước biển dâng cao ảnh hưởng đối với vùng đất miền Nam, trong đó có vùng ĐBSCL. Ghi chú của ảnh: Màu xậm là vùng đất chìm dưới mặt nước khi thủy triều lên (nước lớn), màu xám là vùng dân cư. Ảnh: New York Times 29/10/2019

Được khai phá từ bàn tay của đoàn người di cư đầu tiên dưới thời của các Chúa Nguyễn, đồng bằng sông Cửu Long là một vựa lúa lớn nhất, nơi quần cư của gần 20 triệu dân. Ngoài lúa gạo, nguồn lợi thuỷ và hải sản phong phú cũng góp phần rất lớn vào sự phát triển kinh tế nông nghiệp toàn vùng.

Nhưng những điều kiện lý tưởng của vùng đất phù sa mầu mỡ này ngày nay đang đứng trước một đe doạ đến sự tồn tại của nó và được các nhà nghiên cứu dự báo trước.

Hôm 29 tháng Mười vừa qua, tổ chức Climate Central đã công bố một công trình nghiên cứu khí hậu toàn thế giới rất đáng quan tâm. Tổ chức phi chính phủ Climate Central có trụ sở tại Hoa Kỳ đưa ra lời cảnh báo rằng đến năm 2050, khoảng 300 triệu người trên toàn thế giới có nguy cơ bị ngập lụt trong đó có 20 triệu người ở đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.*

Nguyên do trong thế kỷ 21, sự biến đổi khí hậu có thể làm mực nước biển trên toàn thế giới có thể tăng lên từ 60 centimet đến trên 2 mét và có thể hơn. Đối với đồng bằng sông Cửu Long, mực nước biển dâng cao đồng nghĩa với việc nước ngọt và phù sa bị đẩy lùi. Và kết quả trước mắt trong những năm gần đây cho thấy nhiều vùng nông nghiệp bị thu hẹp diện tích trồng lúa do nước mặn ngày càng vào sâu.

Nhưng thiên tai ở đây lại đi kèm nhân tai, trở thành hai tai họa mà vùng đồng bằng sông Cửu Long phải gánh chịu cùng một lúc. Từ nhiều năm nay, thế giới đã nói đến nguy cơ của ít nhất 11 đập thuỷ điện của Trung Quốc xây ở thượng nguồn sông Mekong và đang dự trù xây thêm 8 đập nữa. Đây là đoạn sông Mekong chảy qua đất Trung Quốc mà họ gọi là sông Lan Thương.

Tại Lào, cùng ngày 29 tháng Mười, quốc gia này đã khánh thành đập thuỷ điện Xayabury trên sông Mekong nằm về phía Bắc sau nhiều năm tranh cãi. Ngoài đập Don Sahong đang xây dựng, Lào đang chuẩn bị tiếp theo cho dự án đập Luang Prabang.

Không thể chối cãi tất cả những đập thuỷ điện ấy đem lại nhiều lợi ích cho nước chủ nhà để phát triển kinh tế. Nhưng đồng thời họ cũng độc quyền nguồn nước, làm đảo lộn hệ sinh thái sông Mekong mà hai nước hạ nguồn Campuchia và Việt Nam lãnh đủ. Thiếu nước canh tác trong mùa nắng vì nước bị giữ lại trong các hồ chứa để đập thuỷ điện đủ nước vận hành. Một khi nước nguồn bị giữ lại, nước biển lại có cơ hội vào sâu hơn và đó là tai hoạ không tránh khỏi cho nông dân. Đó là chưa kể lượng phù sa đổ về hàng năm và thuỷ sản ngày càng cạn kiệt.

Trước tình trạng đó, những nhà lãnh đạo Việt Nam có vẻ như đang sống trong những giấc mơ mà chủ nghĩa cộng sản ra sức tô vẽ nhưng chưa bao giờ là hiện thực.

Mới đây tại Diễn đàn thường niên về Cải cách và Phát triển Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Phúc đã đăng đàn nói về ước mơ năm 2030 Việt Nam sẽ “hoàn thành mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá”. Và đến năm 2045 trở thành một nước “công nghiệp phát triển hiện đại” để đánh dấu 100 năm ngày cướp chính quyền, đồng thời Việt Nam bước vào Top 20 của thế giới!

Xem ra sự hô hào những câu chữ rôm rả “hiện đại hoá và công nghiệp hoá” như lá bùa thiêng đem dán lên tình trạng tụt hậu mọi mặt để giải toả sự bất lực của đảng cộng sản cầm quyền.

Chỉ cần nghe không thôi người dân cũng đủ bị mê hoặc cảm thấy sung sướng hân hoan, huống chi khi những điều kiện lý tưởng ấy hoàn toàn đạt được. Mà dù cho toàn bộ những điều ấy không đạt được thì đảng cũng có nhiều cách nói để lấp liếm cho qua. Đó cũng là biệt tài lừa phỉnh của những kẻ cầm quyền bất xứng.

Thế nhưng chưa ai biết triển vọng hoá rồng vào năm 2045 ra sao mà công trình nghiên cứu của Climate Central được Nữu Ước Thời Báo (New York Times) đưa lên làm thiên hạ bật ngửa. Vì một khi nó đến, quả là một thảm hoạ khủng khiếp cho mọi người.

Như phần trên đã đề cập, theo Climate Central do hậu quả của biến đổi khí hậu, phần lớn Miền Nam Việt Nam sẽ chìm trong biển nước vào giữa thế kỷ này. Tức là khoảng trên 20 triệu dân miền đồng bằng sông Cửu Long không còn đất sống vì hầu hết diện tích nông nghiệp không còn. Thử hỏi, vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long vốn là nơi nuôi sống cả nước mà nay chìm trong biển nước thì Việt Nam sẽ đi về đâu? Cùng với nguy cơ gây ra bởi hệ thống thuỷ điện thượng nguồn sông Mekong, Việt Nam rõ ràng phải đối mặt với một thảm hoạ kép trong lúc lãnh đạo cộng sản bình chân như vại.

Sự kiện này đã khiến ta phải nghĩ đến 3 điều:

1/ Chưa bao giờ người dân Việt nghĩ về điều này, nay nó trồi lên như một hiểm hoạ không tránh khỏi, vấn đề chỉ là thời gian. Rõ ràng người dân hoàn toàn mù tịt về tương lai của mình và đang say mê trong giấc ngủ như trong thời bao cấp. Và chính quyền thì mãi mê chạy theo những định hướng hào nhoáng để làm sao GDP tăng cao hàng đầu thế giới, vượt mặt Singapore. Đã đến lúc người Việt Nam cần phải biết rất rõ về hiểm họa này để cùng chung tay cứu lấy một phần đất của tổ quốc đang lâm nguy. Nhà cầm quyền Việt Nam hơn lúc nào hết phải có một bộ phận phụ trách việc thông tin và cảnh báo về nguy cơ của đồng bằng sông Cửu Long để mọi người đều hiểu biết và đóng góp ý kiến chung.

2/ Dân ta đã tiêu xài hoang phí với vùng đất mầu mỡ ông cha để lại, giờ đây phải đối diện với sự mất đất tự nhiên do khí hậu biến đổi, không khỏi hoang mang lo lắng. Đây là lúc mà xã hội phải để cho nhóm, đoàn thể tư nhân ra đời dưới hình thức là các tổ chức xã hội dân sự. Mục tiêu là qua các tổ chức xã hội dân sự sẽ giúp nâng cao ý thức của người dân, tổ chức những tập thể đưa ra các sáng kiến kiềm chế sự huỷ hoại môi trường, sự sạt lở đất đai.

3/Lãnh đạo CSVN cần phải ý thức rằng chính minh phải có một phần trách nhiệm khi lơ là và không bám sát việc theo dõi, lên kế hoạch kịp thời hầu ngăn chặn các nguy cơ của đồng bằng Cửu Long. Thật ra, họ chẳng làm gì và cũng chẳng quan tâm đến việc phải làm gì cho môi trường sống của người dân được tốt đẹp hơn. Một số biện pháp tự bảo vệ mà người dân đã làm như đắp bờ bao ngăn nước biển chỉ có tính cách cục bộ, địa phương thiếu sự đầu tư và kế hoạch của chính phủ. Về lâu dài, những công trình này không mang lại lợi ích bao nhiêu.

Nhà nước cộng sản hiện nay chỉ hân hoan với những cột khói khổng lồ phun lên không gian hàng ngày. Đó là những nhà máy điện chạy than thứ cấp mua của Trung Quốc, tạo thành một hệ thống đẩy nhanh tốc độ ô nhiễm không khí mà chính nước chủ nhà Trung Quốc đã chê. Mặt khác, đối với công trình nghiên cứu của Climat Central một số chuyên viên khí hậu tài ba trong các cơ quan chính phủ tỏ ra nghi ngờ về tính xác thực của cái mốc thời gian 2050. Họ khuyên nhủ người dân nên yên tâm đừng quá lo lắng về một chuyện còn xa vời!

Cái kết luận của ba điều trên cho thấy nhà cầm quyền CSVN phải chịu toàn bộ trách nhiệm về những mất mát to lớn này trong tương lai không xa.

Phạm Nhật Bình

*https://www.voatiengviet.com/a/hai-muoi-trieu-nguoi-dong-bang-scl-gap-nguy-co-vi-nuoc-bien-dan/5145514.html