Năng Lực Cạnh Tranh Của Việt Nam Ngày Càng Tụt Hạng

Cách đây đúng một năm, chính quyền Hà Nội lấy ngày 13 tháng 10 làm ngày Doanh Nhân Việt Nam để chứng tỏ là khu vực tư doanh tại Việt Nam đã được nhà nước thật sự tôn vinh hầu kêu gọi ngoại quốc vào đầu tư. Năm nay lễ kỷ niệm đệ nhất chu niên ngày Doanh Nhân Việt Nam cũng được tổ chức tại một số các thành phố lớn, nhưng trước đó vài tuần nhiều cơ quan nhà nước đặc biệt là các phương tiện thông tin đại chúng từ báo đến đài đều lên án rất nặng các doanh nghiệp tư nhân, cho đây là thành phần chuyên ép giá để đầu cơ trục lợi.

Sở dĩ có tình trạng như trên là vì môi trường kinh doanh tại Việt Nam chưa thuận lợi, vì luật của sân chơi không rõ ràng và bộ máy hành chính vốn còn muốn cai quản theo luật riêng của họ. Việt Nam vẫn chưa học được cách phục vụ các doanh nghiệp trong công cuộc chấn hưng kinh tế. Đó là ý kiến của TS Nguyễn Tiến Dũng nêu ra trên trang điện tử của tờ báo Tuổi Trẻ vào ngày 13 tháng 10 vừa qua. Nhiều ý kiến của người dân trong nước cho rằng nhà cầm quyền Hà Nội đang chơi một trò chơi nguy hiểm. Một mặt thì ca ngợi các nỗ lực của những nhà kinh doanh, hô hào cả nước kỷ niệm ngày doanh nghiệp, mặt khác thì cho báo chí, cơ quan truyền thông của đảng viết bài, làm phóng sự bêu rếu, bớt móc những tệ hại của các doanh nghiệp tư nhân hầu gián tiếp đề cao vai trò quốc doanh, theo đường lối ’quốc doanh chủ đạo nền kinh tế thị trường dưới định hướng xã hội chủ nghĩa’

Đúng vào lúc kỷ niệm 1 năm ngày Doanh Nhân Việt Nam tức là ngày 13 tháng 10 năm 2005, Diễn Đàn Kinh tế Thế Giới (WEF tức World Economic Forum) có trụ sở tại Geneve đã cho công bố một bản báo cáo kết quả xếp hạng về năng lực cạnh tranh vào năm 2004 của các quốc gia trên toàn cầu. Trong bản xếp hạng đó Việt Nam đứng hàng thứ 77 trên 104 nước. Tụt 17 hạng so với năm 2003. Về năng lực cạnh tranh kinh doanh, tức năng lực cạnh tranh ở tầm kinh doanh doanh nghiệp xếp hạng 79/103 nước (so với 50/95 nền kinh tế trong năm 2003). Đây là mức tụt hạng nặng nhất trong tất cả các nền kinh tế được xếp hạng so với năm 2003. Trong bản báo cáo này, WEF đã hai lần nhắc đến sự giảm sút năng lực cạnh tranh đầy kịch tính của Việt Nam và nhấn mạnh sự giảm sút này gắn liền với cả ba lãnh vực là môi trường kinh tế vĩ mô, thể chế và nền công nghệ.

Báo cáo của WEF được đánh giá là rất khách quan và trung thực nhất nên hầu hết các nhà đầu tư cũng như nhà soạn thảo chính sách các nước sử dụng nó làm tài liệu tham khảo gối đầu. Trong một biểu đồ, WEF đã mô tả những nguyên nhân cản trở nhất để kinh doanh tại Việt Nam là tham nhũng, bộ máy hành chánh kém hiệu quả. Tiếp đó là hạ tầng cơ sở chưa thích hợp, lực lượng lao động chưa được đào tạo tương xứng, quy định về thuế, khả năng tiếp cận các nguồn tài chánh…

Về vấn nạn tham nhũng, thiết nghĩ không cần phải nói đến ở đây vì nó đã trở thành một quốc nạn, còn về hạ tầng cơ sở thì vấn đề mất điện thường xuyên gây ảnh hưởng đến việc sản xuất. Kinh doanh là một trong những nỗi bức xúc hàng đầu từ bấy lâu nay của các nhà đầu tư. Nội trong tháng 9 vừa qua tại khu vực Sài Gòn-Biên Hòa đã có hơn 15 vụ mất điện xảy ra, trong đó có hai trường hợp mất điện được thông báo trước còn lại tất cả là mất điện đột xuất gây thiệt hại rất nhiều cho các doanh nghiệp tư. Bên cạnh đó, hệ thống thông tin liên lạc còn quá yếu kém. Mạng Internet quá tải, kết nối khó, ADSL chậm và đặc biệt còn có bức tường lửa do chính quyền Hà Nội lập ra để gọi là ngăn cản những “thông tin xấu”. Chính những cản trở trên đã làm cho khu vực tư doanh mất cơ hội kinh doanh với khách hàng (nước ngoài) khiến khả năng cạnh tranh của Việt Nam bị tụt hậu. Tình trạng giao thông cũng làm cho các nhà đầu tư đau đầu, mới đây Ban Quản lý Khu chế xuất, khu công nghiệp (HEPZA) đưa ra thông báo, doanh nghiệp ở khu chế xuất Tân Thuận, Tân Tạo, nếu có lượng nhân viên tuyển dụng trên 500 người thì 25% trong số đó phải sử dụng phương tiện giao thông công cộng, nhưng công ty phải trả hoàn toàn tiền xe cho công nhân. Sau khi thu thập ý kiến từ 40 nhà đầu tư Nhật trong khu chế xuất thì điều này là bất cập. Các nhà đầu tư Nhật cho rằng, việc xảy ra ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm hoặc xảy ra tai nạn là do hạ tầng cơ sở quá yếu kém. Đây là trách nhiệm của nhà nước, không thể đẩy sang cho doanh nghiệp.

Nạn tham nhũng tại Việt Nam ngày thêm trầm trọng, chính quyền siết chặt mọi thông tin, chèn ép khu vực tư doanh… đó là những thuộc tính của nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, chắc chắn sẽ làm cho khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong tương lai sẽ còn tụt hạng thêm nữa.