Nguyễn Phú Trọng lại hô hào ‘nhốt quyền lực’ để chống tham nhũng

TN - Người Việt

Đinh La Thăng (đứng) và Trịnh Xuân Thanh ra tòa với các tội từ ăn hối lộ đến “cố ý làm trái...” tại phiên sơ thẩm ngày 10/1/2018. (Hình: AFP/Getty Images)

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Tổng Bí Thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng hô hào “nhốt quyền lực” vào một cái lồng “cơ chế kiểm soát” chặt chẽ để đối phó với nạn tham nhũng phổ biến, đủ kiểu, từ cao xuống thấp.

“Quyền lực luôn có nguy cơ bị ‘tha hóa’, tham nhũng là ‘khuyết tật bẩm sinh’ của quyền lực, cho nên phải thiết lập cho được một cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực đối với người có chức vụ, quyền hạn theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền hạn phải được ràng buộc với trách nhiệm, quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền hạn càng cao, trách nhiệm càng lớn.”

Đó là lời ông Nguyễn Phú Trọng nói trong bài diễn văn bế mạc “Hội nghị toàn quốc về phòng, chống tham nhũng” tổ chức tại Hà Nội hôm Thứ Hai, 25 Tháng Sáu, 2018.

Lời hô hào của ông Nguyễn Phú Trọng tỏ ra mâu thuẫn so với lời phát biểu cách đây khoảng 1 tuần tại buổi tiếp xúc cử tri tại quận Cầu Giấy, Hà Nội, hôm 17 Tháng Sáu khi nói rằng “vấn đề kê khai tài sản cán bộ là vấn đề rất khó, nhạy cảm bởi nó liên quan đến quyền đời tư, quyền bí mật cá nhân.”

Tham dự “Hội nghị toàn quốc về phòng, chống tham nhũng” gồm hơn 100 đảng viên cấp cao nằm trong trung ương đảng và sự hiện diện đầy đủ của “tứ trụ triều đình” gồm Nguyễn Phú Trọng, Trần Đại Quang, Nguyễn Xuân Phúc và Nguyễn Thị Kim Ngân.

Cuộc họp diễn ra chỉ ba ngày sau phiên tòa phúc thẩm chưa thấy kêu án ông Đinh La Thăng, ủy viên Bộ Chính Trị, cựu bí thư Thành Ủy Sài Gòn với tội “Cố ý làm trái…” khi còn cầm đầu Tập Ðoàn Dầu Khí Việt Nam (PVN). Trong phiên phúc thẩm, thấy ông bị đề nghị y án 18 năm tù và phải bồi thường 600 tỉ đồng đã “mất trắng” khi góp vốn vào Ocean Bank.

Cùng chịu tội chung với ông và nhiều ông “cộm cán khác trong hệ thống PVN,“ ông Trịnh Xuân Thanh, cựu phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang bị kết tới 2 án tù chung thân về tham nhũng và “Cố ý làm trái” khi còn nắm Tổng Công Ty Xây Lắp Dầu Khí (PVC), một công ty con của PVN. Tuy nhiên, có dấu hiệu ông ta đang chờ đi Đức “đoàn tụ gia đình” vì Hà Nội cần lấy lòng chính phủ Đức hiện đang găm hiệp định tự do mậu dịch giữa Việt Nam với Liên Âu.

Trong hội nghị nói trên, ông Nguyễn Phú Trọng khoe “tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội…” nhưng cũng không quên cảnh báo đám thuộc cấp về những “xuyên tạc” của các “thế lực thù địch” bên ngoài và “phản động” “phần tử xấu” trong nước “luôn lợi dụng cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng để chia rẽ nội bộ, nói xấu, bôi nhọ đảng, nhà nước và chế độ ta.”

Ông ta nhìn nhận vẫn còn tình trạng chống tham nhũng “trên nóng, dưới lạnh” vì các thuộc cấp của ông “nể nang, né tránh, ngại va chạm; việc phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu; tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng trong nội bộ cơ quan, đơn vị vẫn là khâu yếu. Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công vẫn gây bức xúc trong người dân, doanh nghiệp.”

Nói khác, tình trạng tham nhũng tại Việt Nam vẫn tràn ngập từ trên xuống dưới khi đảng và chính quyền là một. Chế độ độc tài độc đảng nắm luôn cả chính quyền, cả Quốc Hội, độc diễn mọi mặt từ hành pháp, tư pháp sang lập pháp nên tay phải không “đành lòng” cầm dao chém tay trái. Các vụ án chống tham nhũng tại Việt Nam chỉ phơi bày được phần nổi nhỏ bé của băng sơn tham nhũng nằm dưới mặt nước.

Để đối phó, ông Nguyễn Phú Trọng hô hào hoàn tất một thứ “cơ chế” để “nhốt quyền lực” chống tham nhũng “đủ mạnh để kiểm soát chặt chẽ quyền lực; công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn chưa được quan tâm thực hiện.”

Hiện nay, chế độ Hà Nội vẫn duy trì chương trình bắt các đảng viên cán bộ có chức có quyền từ trung ương tới địa phương hàng năm phải kê khai tài sản. Tuy nhiên, những bản khai này không hề được phổ biến công khai để người dân giám sát dù chế độ tuyên truyền “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra.”

Cho nên, đầu Tháng Năm vừa qua, hàng trăm đảng viên cao cấp đã nghỉ hưu cùng các người Việt Nam trong ngoài nước quan tâm đến tình trạng tham nhũng đã gửi một bức thư yêu cầu ông Nguyễn Phú Trọng công khai bản kê khai tài sản của ông để mọi người giám sát.

Ông Nguyễn Phú Trọng vẫn thấy nín thinh. Chính ông Nguyễn Phú Trọng, hai năm trước, từng nhìn nhận chống tham nhũng của chế độ là “ta tự đánh ta” trong một cuộc tiếp xúc với “cử tri.” (TN)

Nguồn: Người Việt