Nhận định của chủ tịch Đảng Việt Tân về tình trạng đấu đá trên thượng tầng lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam

Việt Tân

Nhận định của chủ tịch Đảng Việt Tân
về tình trạng đấu đá trên thượng tầng lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam

Kính thưa toàn thể đồng bào,

Đảng Cộng Sản Việt Nam hiện đang ở vào thời điểm nghiêm trọng và chế độ độc tài này đang trong tiến trình phân hủy.

Ngay sau khi bế mạc Hội nghị Trung ương đảng 9 vào ngày 18 tháng 5, 2024, ông Nguyễn Phú Trọng đã tổ chức cuộc họp “lãnh đạo chủ chốt” gồm 6 nhân vật cao cấp nhất của đảng nhằm tạo hình ảnh “đoàn kết, thống nhất” để khỏa lấp những xung đột phe nhóm; nhưng qua thủ đoạn tước bỏ quyền lực của Tô Lâm trong bộ máy công an sau khi đẩy Tô Lâm lên nắm ghế chủ tịch nước, cho thấy số phận Tô Lâm rồi đây cũng sẽ trở thành “củi tươi” của ông Trọng trong thời gian tới, như các ông Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng bị buộc phải từ nhiệm trong thời gian qua.

Từ khi lên giữ chức tổng bí thư tại đại hội 11 vào tháng 1 năm 2011 cho đến nay, Nguyễn Phú Trọng chỉ tập trung vào mỗi một việc là “đốt lò” trên danh nghĩa “củng cố lòng tin của người dân vào chính quyền và sự lãnh đạo của đảng,” nhưng những gì diễn ra qua các cuộc truy tố và phanh phui trên mặt báo về tên tuổi của những “củi khô, củi tươi” thì thực chất cho thấy đây là cuộc sát phạt của ông Trọng nhắm vào các đối thủ chính trị của mình để “tập trung quyền lực và uy thế.”

Chính ông Nguyễn Phú Trọng và phe nhóm đang đẩy toàn xã hội Việt Nam rơi vào vòng xoáy bất ổn chính trị.

Trong một lá thư gửi cho lãnh đạo Hà Nội đề ngày 6 tháng 3, 2024 của đại diện Liên Hiệp Quốc, Ngân hàng Thế giới, các nhà tài trợ phương Tây và 18 đại sứ các nước tại Việt Nam mà hãng thông tấn Reuters tiết lộ vào ngày 16 tháng 5 cho biết, Việt Nam đã mất ít nhất 2,5 tỷ Mỹ kim tiền viện trợ trong ba năm qua và có thể mất thêm 1 tỷ Mỹ kim nữa bởi tình trạng “tê liệt” hành chánh do chiến dịch đốt lò gây ra.

Thứ nhất, sự đấu đá, tranh chấp quyền lực giữa các phe nhóm trong thượng tầng lãnh đạo của các chế độ độc tài, đặc biệt là trong chế độ độc tài cộng sản, thường vô cùng gay gắt nhưng do nhu cầu sống còn, các phe nhóm cố thỏa hiệp và mặc cả ở hậu trường nhằm tránh nguy cơ gây bất ổn cho chế độ. Tuy nhiên, những đấu đá hiện nay trong thượng tầng lãnh đạo của đảng Cộng Sản Việt Nam đã vượt qua lằn ranh thỏa hiệp và không còn có thể bưng bít. Các đòn triệt hạ nội bộ trở thành những tin đồn tràn ngập trên mạng xã hội. Đảng đã mất khả năng kiểm soát những xung đột phe nhóm và hoàn toàn bị động trước những rò rỉ thông tin.

Thứ hai, những vụ bê bối tham nhũng bạc tỷ đã được phanh phui và những vụ từ chức ở thượng tầng cho thấy sự cấu kết giữa các quan chức nhà nước và doanh nghiệp trong guồng máy ăn chia, phân bố lợi ích kinh tế là hệ quả đương nhiên của quyền lực độc tài. Chính vì thế mà càng đưa “củi” vào lò, ông Nguyễn Phú Trọng không những không triệt hạ được tham nhũng, mà càng cho thấy hình ảnh ruỗng nát của chế độ. Có chăng, đây là cơ hội để ông Trọng loại bỏ những thành phần “bất trị” và thu tóm quyền lực. Trò chơi vương quyền này đã và đang châm ngòi cho nhiều cuộc đấu đá nội bộ hơn nữa trong quá trình chuẩn bị đại hội 14.

Thứ ba, Cộng Sản Việt Nam thường ngụy biện cho rằng hệ thống chính trị dân chủ, tự do báo chí sẽ dẫn đến khủng hoảng chính trị và tạo ra tình trạng bất công vì của cải xã hội tập trung vào sự thao túng của những nhà tư bản. Trong thực tế, chính hệ thống chính trị độc tài độc đảng, luôn luôn tiềm ẩn sự đột biến về chính trị khi quyền lực dựa trên sự thỏa hiệp, cấu kết, và thậm chí cả cạnh tranh giữa các phe nhóm trong bối cảnh đốt lò chống tham nhũng, cuối cùng sẽ làm lung lay cán cân quyền lực nội bộ. Sự bất ổn chính trị đã dẫn đến sự yếu kém của bộ máy hành chánh và khiến mọi đầu tư phát triển đều trở nên khập khiễng.

Trước tình hình khủng hoảng chính trị hiện nay, có bốn nguy cơ đe dọa Việt Nam.

Một là CSVN mất khả năng đối phó với những tác động khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang đè nặng lên đời sống hằng triệu người lao động.

Hai là hoàn toàn bất lực trong việc đối phó với những hậu quả trầm trọng do biến đổi khí hậu đang gây ra tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Ba là không dám mạnh mẽ lên tiếng về việc Trung Quốc đứng sau Campuchia xây dựng kênh đào Phù Nam Techo, mà hệ quả là không chỉ làm giảm 50% nguồn nước đổ về Đồng bằng sông Cửu Long mà còn đe dọa đến an ninh Việt Nam trong tương lai.

Bốn là nguy cơ Trung Quốc khai thác nội tình CSVN để khuynh loát và gia tăng ảnh hưởng chính trị cũng như trục lợi kinh tế, siết chặt thêm vòng kim cô Bắc thuộc.

Trong khi đó, Bộ Chính trị lại ra Chỉ thị 24, tăng cường các biện pháp đàn áp và khống chế xã hội như kiểm soát thông tin, quản lý chặt chẽ xuất nhập cảnh, nhất là cấm người dân lập hội, biểu tình và đề cao cảnh giác các tài trợ quốc tế cho những dự án của các tổ chức xã hội dân sự.

Kính thưa quý vị,

Chỉ trong vòng hai năm, 6 người trong Bộ Chính trị, cơ quan lãnh đạo cao nhất của đảng CSVN bị kỷ luật và buộc phải từ chức trong số 18 người ủy viên – chiếm 33%, cho thấy là chưa có nhiệm kỳ nào mà sự xung đột quyền lực lại xảy ra một cách gay gắt và lộ liễu như nhiệm kỳ 13. Hệ quả của sự xung đột này đang là sự trì trệ của bộ máy hành chánh và đang khiến cho tình hình kinh tế xã hội Việt Nam ngày càng suy thoái và hỗn loạn.

Hơn bao giờ hết, Việt Nam đang cần một sự thay đổi toàn diện.

Chỉ với một thể chế dân chủ với quyền lực tối hậu nằm trong tay người dân để bầu ra những người trong sáng, có thực tài và thực tâm phục vụ cho quyền lợi của đất nước, thì mới tránh được tình trạng hỗn loạn này, mới đối phó được hữu hiệu các vấn nạn của quốc gia và đưa đất nước đi lên.

Đảng Việt Tân nguyện đồng hành cùng với toàn thể đồng bào, các lực lượng, đảng phái trên con đường kiến tạo một Việt Nam tự do dân chủ và phú cường.

Trân trọng kính chào toàn thể quý vị.

Lý Thái Hùng
Chủ tịch Đảng Việt Tân