Nhật Báo Yomiuri Của Nhật Viết Về Chuyến Đi Việt Nam Của Ông Hồ Cẩm Đào

Chiều ngày 31 tháng 10 năm 2005, ông Nông Đức Mạnh (Tổng Bí thư đảng CSVN) có mặt tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội để đón tiếp phái đoàn Trung quốc do ông Hồ Cẩm Đào cầm đầu chính thức sang thăm viếng Việt Nam. Từ trên xe bước xuống, ông Đào đã bước lại ôm choàng lấy ông Mạnh và áp má hôn theo kiểu cách của những nhà lãnh đạo cộng sản. Màn diễn xuất phải có này không ngoài mục đích muốn chứng tỏ cho thế gới biết rằng tình hữu nghị giữa hai nước Việt -Trung ngàn đời vẫn không phai lạt. Đó là lời vào đầu một bài viết dưới cái tựa “Sự diễn xuất cần thiết” để duy trì thể chế độc tài, độc đảng của hai nước. Bài này do một nhóm ký giả Nhật đi thu tin thực hiện và đã được đăng trên trang nhất của đại nhật báo Yomiuri số phát hành vào cuối tuần qua tại Nhật.

Theo toán ký giả đi thu tin này thì chuyến viếng thăm Việt Nam lần này của ông Hồ Cẩm Đào có hai mục đích: Thứ nhất là Bắc Kinh muốn chứng tỏ cho Washington thấy rằng ảnh hưởng của Trung quốc rất lớn ở Á châu nói chung và Đông Nam Á nói riêng, còn về phía Hà Nội thì cũng muốn lợi dụng việc này để ngầm báo cho Washington biết là Trung quốc đã xoay sang ủng hộ Việt Nam trong việc gia nhập WTO chứ không như Hoa Kỳ vẫn còn muốn đặt nhiều điều kiện để làm khó dễ Việt Nam. Thứ hai của cuộc viếng thăm này là Trung quốc muốn dùng ảnh hưởng của mình để làm sao cho những nhân sự thân Bắc Kinh trong Bộ chính trị đảng CSVN được nhiều lợi thế tại kỳ Đại hội lần thứ 10 sắp đến của đảng CSVN. Người ta không thể quên được chuyện ông Hồ Cẩm Đào với chức vụ Phó Chủ tịch nhà nước Trung quốc cầm đầu một phái đoàn sang tham dự Đại hội kỳ 9 của đảng CSVN vào năm 2001để ủng hộ ông Lê Khả Phiêu nhưng bất thành. Nay thì ông Đào đã trở thành người có quyền uy tột bực, với cương vị đầy đủ nhất của Trung quốc nên áp lực của ông Đào lên đảng CSVN ngày hôm nay chắc chắn sẽ nặng ký hơn cách đây bốn năm.

Nhóm ký giả này cho biết họ được một ủy viên Bộ chính trị CSVN (muốn dấu tên) cho hay là vẫn có nhiều người không muốn ngã theo Bắc Kinh. Mặc dù trong chuyến thăm lần này ông Hồ Cẩm Đào đã tuyên bố sẽ viện trợ nhiều hơn nữa cho Việt Nam và cho đến năm 2010 sẽ tăng kim ngạch mậu dịch giữa hai nước lên đến 15 tỷ Mỹ kim thay vì 10 tỷ Mỹ kim như dự tính trước đây, nhưng quan hệ mậu dịch với Trung quốc càng sâu đậm thì Việt Nam càng bị nhiều thâm thủng, đó là chưa kể nạn hàng lậu, hàng rẻ của họ mược sức tràn qua ngã biên giới một cách bán chính thức mà chưa chắc ai dám lên tiếng phản đối.

Nhóm ký giả của tờ Yomiuri còn viết rằng trong tháng 10 vừa qua, Bộ chính trị đảng CSVN đã ráo riết bàn thảo để sửa đổi một số điều trong Điều lệ của Đảng để đưa ra biểu quyết vào Đại hội đảng kỳ X vào mùa xuân năm 2006. Trước đây, bản Điều lệ đó định nghĩa giai cấp công nhân là đội tiền phương của đảng CSVN nay thì họ dự định thêm vào nhóm từ nhân dân cũng là đội tiên phương của đảng CSVN. Nếu được thông qua thì coi như ngang nhiên xác định Đảng là một tổ chức đứng trên nhân dân. Cũng có ý kiến của một số ủy viên trong Bộ Chính trị chống lại việc thêm nhóm từ “nhân dân cũng là đội tiên phương của đảng CSVN” trong bản Điều lệ của đảng chỉ vì cho rằng tại sao mọi chuyện lại phải bắt chước theo Trung quốc. Đại hội đảng Cộng sản Trung quốc kỳ 15 vào năm 1997 khi đưa ra thuyến Tam Đại Biểu, ông Giang Trạch Dân đã cho sửa lại câu “Giai cấp công nhân là đội tiền phương của đảng Cộng sản Trung quốc” thành câu “Nhân dân Trung quốc và dân tộc Trung Hoa là đội tiền phương của đảng Cộng sản Trung quốc”.

Nếu bảo rằng lãnh đạo đảng CSVN không cảnh giác trước việc Trung quốc muốn bành trướng thế lực từ kinh tế đến quân sự thì không đúng, nhưng vì muốn giữ vững thể chế độc tài, đảng trị nên lãnh đạo đảng CSVN khó mà có cách nào khác nếu không dựa vào thế lực của Bắc Kinh nên chuyện rập khuôn theo Bắc Kinh cũng không có gì lạ cho dù lịch sử của hai nước này từ xưa tới nay luôn cảnh giác nhau ở thời chiến cũng như thời bình.