Nhiều Điểm Tiêu Cực Trong Việc Bảo Vệ Quyền Sở Hữu Trí Tuệ Tại Việt Nam

Mặc dù Cộng Sản Việt Nam đã ký kết với các nước công ước Brene hoặc công ước Geneva về việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, nhưng trên thực tế Hà Nội vẫn còn có quá nhiều vi phạm, không thực hiện đúng theo những gì các công ước đó đã quy định. Các bộ, các cơ quan nhà nước liên hệ đến việc bảo vệ quyền sở hữu tùy tiện giải thích luật theo ý mình.

Ngày 24 tháng 8 vừa qua, bộ Văn hóa-Thông tin của Cộng sản Việt Nam vừa ra một văn bản số 3422 để chỉ thị cho các cơ sở trực thuộc ngưng việc thu tiền bản quyền tác giả đối với các tiệm kinh doanh Karaoke. Để giải thích cho văn bản này, Hoàng Hữu Lượng thuộc Bộ Văn hóa-Thông tin nói rằng: ’Bộ ủng hộ thực hiện nghiêm chỉnh luật bản quyền và các văn bản ký với các nước như công ước Berme, công ước Geneva. Tuy nhiên, cần phải có sự thống nhất từ trên xuống. Việc thu phí trong thời gian qua là do Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam tự đặt và nhờ các sở Văn hóa-Thông tin thu mà chẳng hề thông báo cho Bộ biết. Trong khi đó bản thân các cơ sở không có chức năng này. Chính điều đó đã gây ra phản ứng ở 30 tỉnh thành đã thực hiện thu phí’.

Giới nhạc sĩ tại Việt Nam cho rằng văn bản này coi như khuyến khích mọi người làm hàng lậu, hàng nhái, hàng trốn thuế…

Nhạc sĩ Lương Nguyên, Phó giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, nói rằng “Nếu Bộ ra văn bản 3422, yêu cầu ngưng thu tiền bản quyền tác giả, chúng tôi đề nghị cũng phải ra văn bản đến các đơn vị kinh doanh, cơ quan sử dụng tác phẩm, cấm sử dụng những tác phẩm âm nhạc của các nhạc sĩ đã đăng ký bản quyền với Trung tâm, như vậy mới công bằng’. .Trong khi đó, nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh thì cho rằng văn bản 3422 của bộ Văn-hóa Thông-tin là một quyết định không thuyết phục. Hầu hết các nhà sáng tác tại Việt Nam đều cho rằng Bộ Văn hóa – Thông tin ra văn bản làm cho đời sống nhạc sĩ thêm khó khăn. Lâu nay tại Việt nam nhiều văn bản và chỉ thị chỉ biết đề ra nhưng lại không được người có thẩm quyền hướng dẫn. Đây là một việc làm rất nguy hại…

Giáo sư nhạc sĩ Trọng Bằng, nguyên Tổng thư ký hội Nhạc sĩ Việt Nam, sau khi xem xong văn bản 3422 không muốn phát biểu gì, coi như là việc đã rồi. Giá như Bộ có sự trao đổi trước với hội Nhạc sĩ VN thì tốt hơn. Không có sự trao đổi là gây khó cho Trung tâm. Chúng tôi sẽ thông báo việc này với tổ chức nước ngoài, thậm chí với tổ chức Bản quyền tác giả thế giới và tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới.

Ông Michael Schlesinger, Phó chủ tịch Liên minh sở hữu trí tuệ thế giới, cho rằng hiện tượng vi phạm bản quyền ở Việt Nam không có dấu hiệu suy giảm vì Việt Nam chưa đưa ra được một khung hình phạt đủ mạnh. Ông nói, nếu đưa ra một mức bồi thường thấp hơn nhiều lần so với lợi nhuận thu được từ các hoạt động vi phạm bản quyền thì người dân chẳng dại gì mà lại không vi phạm. Ở Mỹ mức bồi thường được luật pháp quy định đối với việc vi phạm bản quyền một tác phẩm là 150.000 mỹ kim. Như vậy một nhà sản xuất nếu sao chép một dĩa nhạc có khoảng 12 bài thì số tiền phạt sẽ lên đến 1,8 triệu mỹ kim.

Liên quan đến việc này, trong buổi thảo luận hôm 14 tháng 8 vừa qua tại Quốc hội Cộng sản Việt Nam, Đại diện cục Sở hữu trí tuệ cho rằng mức trần (cao nhất) cho việc bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được đề xuất trong dự luật là 200 triệu đồng. Đây là con số quá thấp, nhưng nâng con số này lên bao nhiêu lại còn phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của người dân Việt Nam, vì nếu đưa ra một con số quá lớn, người dân không có điều kiện thực thi thì pháp luật chỉ mang tính hình thức.

Những lập luận như trên của bộ Văn hóa-Thông tin, của cục Sở hữu trí tuệ cho thấy trong thực tế Cộng sản Việt Nam không coi trọng quyền sở hữu trí tuệ. Đây là một trở ngại lớn trong những cuộc đàm phán mậu dịch với các nước trong thời gian vừa qua. Các đối tác đàm phán không những đòi hỏi phải có luật rõ ràng mà còn buộc phải nghiêm chỉnh thực thi các luật lệ đã ban ra. Không một đối tác nào chấp nhận luật chỉ có tính cách hình thức. Không giải quyết được việc này thì việc giao thương với các nước khó mà bền vững.