Nhiều Hãng Nhật Không Muốn Nhận Nghiên Cứu Sinh Việt Nam Vì Sợ Rắc Rối

Ngô Văn

Ngày 3 tháng 6 vừa qua, Đại diện của gần 62 công ty Nhật thu nhận nghiên cứu sinh Việt Nam (thực chất là lao động) lên tiếng cho hay là họ không dám nhận nghiên cứu sinh Việt Nam nữa, vì sợ gặp rắc rối do luật mới của Nhật phạt hành chánh rất nặng, nếu biết được nghiên cứu sinh nào trước khi sang Nhật phải đóng một số tiền thế chân cho những hãng môi giới lao động ở Việt Nam. Đối với Nhật, việc bắt đóng tiền thế chân này là phạm pháp, nhưng chuyện này là do các công ty môi giới Việt Nam tự ý làm, mà công ty Nhật không thể biết rõ nghiên cứu sinh nào bị bắt buộc phải đóng.

Nói về việc đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài làm thuê, ở mướn (Oshin) đã trở thành một kỹ nghệ lớn của chế độ CSVN trong suốt 20 năm qua. Sự kiện hơn 315 lao động Việt Nam bị chết ở Malaysia trong mấy năm gần đây (100 người đột tử vào năm 2007) đã làm cho người dân hết sức bức xúc và gia đình các nạn nhân thì căm phẫn. Tuy nhiên, nhà nước CSVN chẳng có một đối sách nào cả, ngoại trừ việc cử một vài cán bộ sang Malaysia điều tra cho có lệ để đóng hồ sơ. Nhà nước mà như vậy thì các cơ quan môi giới xuất khẩu lao động dại gì không bóc lột sức lao động của nguời dân, ăn luôn nhiều số tiền bồi thừờng tử vong cho gia đình nạn nhân từ các hãng bảo hiểm.

Sau sự kiện này việc xuất khẩu lao động sang Malaysia bị chìm xuống, nhưng nhà nước vẫn ca ngợi chuyện đi lao động nước ngoài là ’’Quang Vinh’’ bằng cách đưa việc đi lao động ở Nhật ra làm miếng mồi để dụ. Giữa tháng 4/2008, chế độ đã đưa bà Bộ trưởng Lao động-Thương binh-Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Trưởng ban Dân vận Quốc hội Trần Thế Vượng sang Nhật gọi là nghiên cứu thêm về thị trường lao động nước này. Trở về nước, bà Ngân đánh giá Nhật Bản là một thị trường rất phù hợp với tu nghiệp sinh và lao động Việt Nam; còn ông Vượng thì nhận xét rất nhiều người trẻ tuổi ở Việt nam khao khát được đến xứ sở của hoa anh đào, nơi có nền công nghiệp lớn bậc nhất thế giới để tu nghiệp…

Các ký giả tháp tùng theo phái đoàn của bà Ngân và ông Vượng viết bài làm người đọc có cảm tưởng là trong tương lai gần nhà nước sẽ ào ạt đưa người sang Nhật lao động, một thị trường rất hấp dẫn từ đồng lương cho đến điều kiện làm việc và nhất là chắc chắn sẽ có một tương lai sáng lạng sau khi hết hợp đồng. Tờ Lao Động số ra ngày 25/4/2008, còn viết thêm rằng có nhiều ý kiến (của lãnh đạo) cho rằng tiền đặt cọc (để đảm bảo không trốn hợp đồng) hiện nay tu nghiệp sinh (TNS) đang trở nên phổ biến. Nhiều nhà phải vay lãi để cho con em được đi. Sức ép trả nợ nhanh cũng là nguyên nhân khiến các em trốn khỏi nhà máy tìm công việc lương cao hơn… “Nhiều quan điểm cho rằng tiền đặt cọc chỉ nên ở mức 5.000 USD và tối đa là 7.000 USD. Dường như quan điểm này được cả phía ta và phía bạn ủng hộ. Và đó là một tin vui nữa với những ai có ý định đi tu nghiệp Nhật Bản”.

Tờ báo Lao Động viết bịa đặt vì vào tháng 6 năm 2007, chính phủ Nhật đã chính thức ra thông báo là sẽ phạt thật nặng những công ty Nhật bắt TNS làm việc lao động chân tay dưới bất cứ hình thức nào và sẽ cúp giấy phép từ 1 đến 3 năm đối với công ty môi giới nào bắt TNS phải đóng tiền đặt cọc 10.000 USD để được sang Nhật tu nghiệp… Sở dĩ chính phủ Nhật phải ra thông báo như thế vì biết được rằng một số hãng Nhật và những công ty môi giới ở Việt Nam đã lợi dụng kẽ hở của chế độ TNS để đưa người sang lao động với đồng lương rẻ mạt mà không sợ bị phạm luật Lao động. TNS không phải là lao động nên đồng tiền nhận từ hãng không gọi là tiền lương, đó là tiền phụ cấp sinh hoạt. Những ai ở Việt Nam có dự định sang Nhật theo chế độ TNS phải biết rằng không có chuyện đóng tiền đặc cọc, để khỏi bị các cơ quan môi giới lừa đảo thêm nữa.

Mỗi TNS từ Việt Nam mới sang mỗi tháng nhận được tối thiểu 5 hoặc 6 chục ngàn yen (tương đương 500 hoặc 600 mỹ kim), sau nửa năm được tăng thêm một chút, nếu chỉ tính về số tiền thì đúng là cao hơn rất nhiều so với Malaysia, Jordan, còn cao hơn cả Đài Loan hay Hàn quốc. Nhưng nên nhớ rằng vật giá sinh hoạt ở Nhật đắt đỏ nhất thế giới, TNS vào tiệm cơm bình dân ăn một bữa ít nhất là 5 mỹ kim, một lon Coca hơn 1 đô la, rút cuộc sau hai năm làm lụng mệt nhọc khi về cũng chẳng còn bao nhiêu. Đó là lý do tại sao nhiều TNS bỏ hợp đồng, trốn ra ngoài kiếm hãng khác làm chắc chắn có đồng lương cao hơn nhiều, tối thiểu cũng khoảng 1.200 USD/ tháng, và đương nhiên chấp nhận bị mất số tiền đặt cọc 10.000USD đã đóng ở Việt Nam cho công ty môi giới. Kiếm việc làm ở Nhật không khó, phần lớn do bạn bè bỏ trốn trước giới thiệu, nhưng cũng có người mới trốn được mấy tháng thì bị bắt đưa về nước, coi như trắng tay không biết lấy gì trả nợ cho số tiền đã vay để đặt cọc. Ấy thế mà người được tuyển đi lao động nước ngoài được coi là còn ’’tốt’’ số hơn rất nhiều người khác ở trong nước và nhà nước CSVN rất vui khi được báo cáo con số xuất khẩu lao động năm nay hy vọng sẽ nhiều hơn năm trước. Nhà nước CSVN đem ’’con’’ bỏ chợ mà cũng hãnh diện mới là khốn nạn chứ.

Ngô Văn