Nhiều Hành Động Nhỏ Đưa Đến Một Kết Quả Lớn

Nguyễn Ngọc Đức

Người Việt Nam ai cũng thuộc lòng một số câu ca dao, tục ngữ để nói lên tinh thần kết tụ những hành động nhỏ để có một kết quả lớn hơn. Thí dụ như câu “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao” vừa nói lên ý nghĩa của sự đoàn kết, vừa nêu bật tinh thần “tích tiểu thành đại”.

Nói đến nỗ lực tích tụ những hành động nhỏ để đạt kết quả lớn thì phải nói đến Amnesty International. Vào năm 1961, khi ông luật sư người Anh tên là Peter Benenson thành lập tổ chức này để bênh vực cho hai sinh viên người Bồ Đào Nha bị cầm tù vì đã chỉ trích chính quyền, nhiều người lúc đó đã không tin rằng cuộc vận động ân xá của Amnesty International có thể thành công. Nhưng từ vài trăm lá thư lúc đầu, số người hưởng ứng lời kêu gọi của Amnesty International lên đến hàng ngàn, rồi hàng chục ngàn và đã tạo ra áp lực đáng kể buộc chính quyền Bồ Đào Nha phải ân xá hai sinh viên này. Ngày nay, phương tiện áp lực chính của Amnesty International cũng vẫn là những lá thư của quần chúng gởi cho các chính quyền để can thiệp cho những trường hợp vi phạm nhân quyền.

Liên quan đến Việt Nam, trong những năm vừa qua, nhiều cuộc vận động chữ ký, nhiều chiến dịch kêu gọi gởi thư để can thiệp cho những người bị đàn áp hay tố cáo một hành động chà đạp nhân quyền của Hà Nội đã được phát động. Có người cho rằng cộng đồng người Việt bị lạm phát về các cuộc vận động như vậy và đánh giá là nó không có hiệu quả. Có thật sự là những cuộc vận động can thiệp cho vấn đề nhân quyền ở Việt Nam quá nhiều và không có hiệu quả?

Về con số, nếu chúng ta lên web site của Amnesty International thì sẽ thấy là từ đầu năm 2006 cho đến nay, tổ chức này đã tung ra 17 cuộc vận động chữ ký trong chương trình Kêu Gọi Hành Động (Appeals for action). Trung bình mỗi tháng tổ chức này tung ra 3 cuộc vận động chữ ký. Đó là chưa kể những cuộc vận động do các chi nhánh ở mỗi quốc gia của tổ chức này phát động. Trong khi đó về phía cộng đồng người Việt, các cuộc vận động cho vấn đề nhân quyền ở Việt Nam từ đầu năm đến nay đếm được trên đầu ngón tay.

Về hiệu quả, chúng ta có thể khẳng định là nếu không có những hành động nhỏ của mỗi người Việt Nam, thì sự hỗ trợ đến từ quốc tế cho công cuộc đấu tranh của người Việt Nam sẽ không ở mức mạnh mẽ như ngày hôm nay. Vụ tuyệt thực của 16 vị tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo tại tỉnh Đồng Tháp là một bằng chứng về hiệu quả của những hành động nhỏ. Ngay khi Cụ Lê Quang Liêm lên tiếng báo động về cuộc tuyệt thực này vào cuối tháng 5 vừa qua, nhiều tổ chức đã mở ngay những nỗ lực vận động dư luận quốc tế. Đồng bào ở khắp nơi cũng gởi điện thư về cho các tòa đại sứ ngoại quốc ở Hà Nội để báo động và kêu gọi can thiệp.

Cuối cùng, nhà cầm quyền CSVN đã phải nhượng bộ và hứa sẽ đáp ứng các yêu sách của các tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo. Cụ Lê Quang Liêm, trong lá thư cảm tạ ngày 10/6/2006, đã đề cập đến nỗ lực hỗ trợ của nhiều chính giới ngoại quốc, của các cơ quan truyền thông Việt Nam, của các tôn giáo, tổ chức người Việt và của đồng bào hải ngoại. Nếu không có những sự hỗ trợ mạnh mẽ này, Hà Nội sẽ không dễ dàng nhượng bộ và cuộc tuyệt thực của 16 vị tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo có thể sẽ kết thúc trong máu lửa.

Cuộc vận động hỗ trợ cho các tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo chỉ là một trong nhiều thí dụ điển hình về sự hiệu quả của nỗ lực đóng góp của từng người Việt Nam. Trong thời gian tới đây, nỗ lực đóng góp này cần được đẩy mạnh hơn nữa để đẩy lùi nguy cơ xảy ra một cuộc khủng bố quy mô nhằm đối phó với cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ đang ngày một phát triển mạnh mẽ trong nước. Vụ Hòa Hảo, vụ đập phá nhà nguyện Tin Lành, hay các cuộc sách nhiễu và tra khảo những người đã ký tên vào Tuyên Ngôn Dân Chủ 2006,… chỉ là những thủ đoạn nhằm thăm dò phản ứng của dư luận.

Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay cũng vô cùng thuận lợi cho cuộc đấu tranh của người Việt Nam. Vào tháng 11/2006 tới đây, Hội Nghị Thượng Đỉnh APEC sẽ diễn ra tại Hà Nội, với sự tham dự của nhiều nguyên thủ quốc gia, trong đó có Mỹ, Canada, Úc, Nhật Bản… Giai đoạn từ đây đến tháng 11/006 sẽ vô cùng quan trọng đối với sự lớn mạnh của phong trào dân chủ trong nước. Nếu áp lực của quốc tế tiếp tục gia tăng và đè nặng lên Hà Nội từ đây đến tháng 11/2006, đồng thời những nỗ lực tranh đấu ở quốc nội tiếp tục leo thang và gây bất ổn cho CSVN trên nhiều bình diện, thì Hà Nội sẽ bị đặt trong một tình huống vô cùng khó khăn.

Một trong những điểm mạnh của cộng đồng người Việt hải ngoại là khả năng vận động quốc tế. Chúng ta cần khai thác điểm mạnh này và khai thác bối cảnh thuận lợi để tạo áp lực tối đa lên chế độ CSVN. Một mặt, sự hỗ trợ các nỗ lực đấu tranh tại quốc nội cần được gia tăng để giúp cho phong trào dân chủ trong nước ngày một bành trường và tạo khó khăn cho Hà Nội trên nhiều bình diện như đình công, khiếu kiện, tôn giáo… Mặt khác, cộng đồng hải ngoại cần liên tục vận động nhằm gia tăng áp lực quốc tế. Chúng ta cần vận động chính phủ Hoa Kỳ tiếp tục duy trì Hà Nội trong danh sách CPC, vận động các vị dân cử Hoa Kỳ đặt vấn đề nhân quyền, dân chủ như là những điều kiện để thông qua quy chế trao đổi thương mại thường trực (Permanent Normal Trade Relation – PNTR), vận động các quốc gia tham dự hội nghị APEC tại Hà Nội vào tháng 1½006 sẵn sàng tẩy chay Hội Nghị nếu Hà Nội đàn áp và khủng bố những nhà dân chủ trong nước,…

Chúng ta chỉ có thể đạt được kết quả nói trên khi mỗi người Việt Nam sẵn sàng làm một hành động nhỏ cho nhu cầu đấu tranh chung. Với tinh thần “nhiều hành động nhỏ đưa đến một kết quả lớn”, mỗi chữ ký, mỗi lá thư, mỗi phản ứng của người Việt Nam đều là một đóng góp quan trọng cho kết quả sau cùng là dân tộc Việt Nam giành được tự do dân chủ.