Nhìn lại những vụ đốt lò của ông Trọng năm 2018

Phạm Nhật Bình

Nguyễn Phú Trọng. Tổng Bí Thư đảng CSVN Ảnh: VietTimes

Tính đến hết năm 2018, ông Nguyễn Phú Trọng đã thực sự cầm cương con ngựa đảng CSVN sau khi tái đắc cử chức vụ tổng bí thư trong Đại hội 12 gần tròn 3 năm, kể cả thời gian ông đăng quang ngôi vị chủ tịch nước từ tháng 10 năm 2018.

Rõ ràng là trong cuộc chiến tranh chấp nội bộ diễn ra trong Đại hội 12, ông Trọng bằng mọi mánh khoé chính trị đã thành công trong việc loại bỏ đối thủ Nguyễn Tấn Dũng ra khỏi đường đua. Bị một số dư luận phê phán “chơi đòn bẩn” nhưng ông Trọng đã chiến thắng “đúng quy trình” và tóm thu quyền lực vào tay mình một cách hài lòng. Ông cũng kín đáo tự hào khi tuyên bố “Tôi cũng không ngờ được đại hội tín nhiệm giới thiệu, được BCH Trung ương bầu làm tổng bí thư gần như 100% tuyệt đối.”

Ông Trọng vững tin vào vị thế chính trị độc tôn của mình và noi theo quan thày họ Tập, lập tức bắt tay vào việc thanh trừng phe phái đối nghịch trong đảng. Đây là một hành động không thể thiếu của các lãnh đạo độc tài cộng sản để củng cố quyền lực, thiết lập một bộ máy trung thành phục vụ cho con đường mình vạch ra. Chống tham nhũng là lý do chính đáng nhất để che giấu ý đồ triệt hạ phe cánh còn sót lại của cựu thủ tướng Dũng và những “đồng minh” một thời của phe ông Dũng như cựu Ủy viên bộ chính trị khóa 11 Nguyễn Văn Chi, ông Trần Đại Quang.

Nhưng chiến dịch đốt lò chống tham nhũng để chỉnh đốn đảng do ông Trọng đề xướng đối với dư luận như một trò mua vui không hơn không kém. Với câu nói “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy” không hề cho thấy quyết tâm chống tham nhũng của ông Trọng. Nó đơn giản chỉ là một màn kịch với một vài con tốt cần đưa ra chịu tội để mua vui khán giả.

Quả thật ông Trọng qua chiến dịch của mình với sự hỗ trợ của Uỷ ban Kiểm Tra Trung ương, đã biến không ít cán bộ cao cấp thành tích lem nhem thành củi một cách khá sôi nổi. Hành động của ông Trọng đã khiến các phe phải im lặng phục tùng hay ít ra cũng nín thở ẩn mình.

Tuy nhiên nhìn qua các vụ đốt lò của ông Trọng, người ta thấy ba điều:

Thứ nhất, để thu hút sự quan tâm của dư luận, ông Trọng chỉ chọn những vụ án có tính cách tạo tin tức “giật gân”, tức tạo nhiều sự chú ý để mang ra dựng lò đốt củi. Điển hình như thi hành kỷ luật một loạt cán bộ cao cấp từ Nguyễn Xuân Anh, Hồ Thị Kim Thoa đến quyết liệt truy bắt Trịnh Xuân Thanh. Hay nổi bật nhất là lần đầu tiên bắt giam đưa ra toà uỷ viên Bộ chính trị đương nhiệm Đinh La Thăng và một số cán bộ Tập đoàn Dầu khí, Ngân hàng.

Những thành tích ồn ào tung lên báo chí, ông Trọng được các cây bút lò Đảng đồng loạt tán dương, bốc thơm bằng đủ mọi danh hiệu, từ Người đốt lò vĩ đại đến dũng khí của “Kẻ sĩ Bắc Hà”. Năm 2018 cũng là năm mà một số tướng lãnh ngành công an một thời uy quyền bị sao quả tạ chiếu cố. Nhưng tất cả chỉ nhằm mục đích để tổng bí thư hoàn tất việc dọn dẹp Bộ Công an, thị uy quyền lực tuyệt đối đối với ngành này.

Trong lúc ấy, trong hệ thống đảng cũng như chính quyền còn hàng ngàn vụ tham nhũng khác đã và đang diễn ra không hề được ai nhắc đến. Chúng tồn tại ngang nhiên như một lời minh chứng đảng càng chống, tham nhũng càng vững và càng phát triển.

Thứ hai, ông Trọng chỉ đánh tham nhũng trong mức độ vừa phải hay chỉ đánh coi cho được vì sợ “ném chuột vỡ bình” như ông từng nói. Người ta chưa thấy ông dám rớ tới những con sâu chúa cỡ Lê Thanh Hải và nhất là “đồng chí X”, dù ông không phải là người dễ quên những giọt nước mắt tủi thân vào năm 2012.

Sau Vũ “nhôm”, Út Trọc, ông Trọng hướng lò về phía Nam để bắt mấy con tép riêu như Nguyễn Hữu Tín, Nguyễn Thành Tài nhằm khoả lấp vụ Thủ Thiêm. Nhưng vì lý do gì không đụng đến lãnh chúa Thành Hồ mà ai cũng biết là thủ phạm chính của “đại án Thủ Thiêm”? Rõ ràng là ông Trọng sợ đảng tan rã nếu đánh xả láng, nhất là trong tình hình tư tưởng cán bộ giao động, đảng viên ngày càng “nhạt đảng, khô đoàn”, chế độ đang đối phó quá nhiều vấn nạn về kinh tế, xã hội, chính trị.

Thứ ba, tuy tỏ ra hùng hổ trong vụ đốt lò, người ta thấy ông Trọng cũng để lộ sự thiên vị. Sở dĩ ông Trọng chỉ thị cho công an, tư pháp chơi tận cùng trong vụ Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh hay cán bộ ngân hàng OCEANBANK vì chúng là “phe địch” cần tận diệt tránh hậu hoạn, ngoài mục đích thị uy. Nếu so sánh với vụ MobiFone mua AVG bị đổ bể thì Bộ trưởng 4T Trương Minh Tuấn trên sân nhà chỉ bị mất chức và kỷ luật cảnh cáo, cho dù đã gây thất thoát ngân sách 7 ngàn tỷ đồng.

Hơn thế nữa ông Trương Minh Tuấn còn được Bộ Chính trị “phân công” về ngồi ghế Phó ban Tuyên giáo Trung ương để tiếp tục phò Trọng chống diễn biến hoà bình. “Đánh tham nhũng không có vùng cấm” như ông Trọng tuyên bố thực chất chỉ là bức màn lừa gạt người nhẹ dạ vì vùng cấm ở ngay trong phe Trọng. Có thể nhìn thấy điều này khi cựu Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đặng Thanh Bình, người chịu trách nhiệm gây thiệt hại 15 ngàn tỷ đồng trong vụ án Ngân hàng Xây dựng (VNCB) được hưởng án treo!

Tóm lại, đánh giá toàn bộ chiến dịch đốt lò của ông Trong từ ngày khởi xướng tới hết năm 2018, thật sự nó chỉ giúp cho tổng bí thư củng cố quyền lực cho cá nhân và phe nhóm mình, chuẩn bị cho Đại hội 13 diễn ra đúng kế hoạch. Còn nhìn chung đất nước và xã hội không thu được đồng nào từ hàng chục, hàng trăm ngàn tỷ đồng bị thất thoát qua các vụ đại án “nhờ” vào công ông Trọng đốt lò. Cái kết quả nhìn thấy rõ ràng nhất của những màn kịch đốt lò là sự thay thế lẫn nhau của các nhóm lợi ích do dịch chuyển quyền lực từ cấp cao nhất của chế độ.

Nói khác đi, đốt lò chống tham nhũng của Nguyễn Phú Trọng chẳng qua chỉ là một vụ đánh lừa dư luận vĩ đại do “người đốt lò vĩ đại” và đàn em thực hiện để củng cố địa vị cho phe nhóm của mình mà thôi.