Nhìn Lại Sự Sụp Đổ Bức Tường Bá Linh Sau 25 Năm

Thanh Thảo - RadioCTM

Radio CTM- Thanh Thảo: Ngày mồng 9 tháng 11 năm 2014 vừa qua, đánh dấu đúng 25 năm ngày Bức Tường Bá Linh sụp đổ vào ngày 9 tháng 11 năm 1989, dẫn đến sự cáo chung của các chế độ độc tài Cộng sản tại Đông Âu và đế quốc Liên Xô trong các năm 1990 và 1991, cũng như chấm dứt cuộc chiến tranh lạnh giữa hai khối Cộng sản và Tư Bản.

Trong ¼ thế kỷ qua, Đông Âu đã thay đổi rất nhiều kể từ khi thoát khỏi ách độc tài Cộng sản. Làn sóng dân chủ hóa Đông Âu cũng đã tạo ra những cuộc cách mạng Màu lần lượt xảy ra tại Trung Á vào đầu thập niên 2000 và tại Bắc Phi năm 2011. Nhưng tiếc thay chủ nghĩa Mác Lênin vẫn còn đeo đẳng 4 quốc gia Trung Quốc, Việt Nam, Cuba và Bắc Triều Tiên. Tại sao làn sóng Dân Chủ Đông Âu bị khựng lại ở các quốc gia này, phải chăng những đặc tính của Đông Âu khác với các nước Á Châu? Để tìm hiểu vấn đề này, xin mời quý thính giả theo dõi phần nhận định sau đây của ông Lý Thái Hùng, Tổng bí thư đảng Việt Tân trong chương trình phát thanh hôm nay.

Radio CTM: Kính chào ông Lý Thái Hùng. Thưa ông bức tường Bá Linh đã sụp đổ 25 năm qua và nước Đức đã thống nhất cũng như các quốc gia cựu cộng sản ở Đông Âu đã thay đổi rất nhiều về kinh tế, chính trị và đang tham gia vào khối NATO. Nhìn lại diễn biến lịch sử này thì theo ông, đâu là nguyên nhân cốt lõi đã làm sụp đổ bức tường Bá Linh, dẫn đến sự cáo chung của chế độ cộng sản tại đây?

Lý Thái Hùng: Sự sụp đổ của khối Cộng sản tại Đông Âu không phải bắt đầu từ sự sụp đổ của bức tường Bá Linh mà khởi đầu từ Ba Lan, sau hàng loạt những cuộc biểu tình, đình công của Công Đoàn Đoàn Kết từ năm 1985 đến năm 1988 đã làm cho lãnh đạo đảng Cộng sản Ba Lan vào lúc đó lúng túng đối phó. Cuối cùng đảng Cộng sản Ba Lan phải coi Công Đoàn Đoàn Kết là một tổ chức hợp pháp, mời tham dự hội nghị bàn tròn vào tháng 2 năm 1989 và chấp nhận cho Công Đoàn Đoàn Kết tham gia cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 6 năm 1989.

Sự toàn thắng của Công Đoàn Đoàn Kết trong cuộc bầu cử này đã tác động mạnh mẽ lên các nước cộng sản vào lúc đó, giúp cho phong trào dân chủ tại Hung Gia Lợi, Tiệp Khắc, Đông Đức, Bulgaria bộc phát một cách mạnh mẽ.

Riêng tại Đông Đức, áp lực của phong trào dân chủ đã lên đến cực điểm sau biến cố Ba Lan. Ngày 16 tháng 10 năm 1989, hơn 150 ngàn người dân Đức tham gia biểu tình tại thành phố Leipzig đòi Chủ tịch nước là Honecker từ chức.

Hai ngày sau, 18 tháng 10, ban lãnh đạo đảng Cộng sản Đức giải nhiệm chức chủ tịch nước và Tổng bí thư đảng của Honecker, thay thế bởi Egon Krenz. Sự giải nhiệm này cho thấy lãnh đạo đảng Cộng sản Đông Đức bị rúng động nên cục diện đấu tranh đã tập trung về Bá Linh.

Ngày 23 tháng 10, hơn 500 ngàn ngưòi Đức lại biểu tình đòi dân chủ nhưng đến ngày 4 tháng 11, hơn 1 triệu người bao vây thủ đô Bá Linh đòi đảng Cộng sản Đông Đức phải công nhận 3 quyền: ngôn luận, lập hội và báo chí.

Trước áp lực quá mạnh của quần chúng, Trung ương đảng Cộng sản Đông Đức nhóm họp ngày 8 tháng 11 và để cứu vãn tình hình, toàn bộ Bộ chính trị từ chức. Ngày hôm sau, chiều mồng 9 tháng 11, chính phủ Đông Đức tuyên bố tháo bỏ sự kiểm soát của bức tướng Bá Linh.

Những diễn biến chính trị xảy ra nói trên cho thấy sự sụp đổ của bức tường Bá Linh đến từ 3 nguyên nhân cốt lõi sau đây.

Thứ nhất là sự bất phục tùng chủ nghĩa Cộng sản của các dân tộc tại Đông Âu nên dân chúng đã tìm mọi cách thoát khỏi sự áp chế của chủ nghĩa này, nhất là tách khỏi sự kiềm chế của Liên Xô khi có cơ hội. Chính vì thế mà khi Công Đoàn Đoàn Kết Ba Lan thắng thế trong cuộc bầu cử vào tháng 6 năm 1989 đã kích lên niềm hy vọng cho người dân Đông Âu và họ đã xuống đường đấu tranh một cách đông đảo khiến cho các chính quyền độc tài trở tay không kịp kể cả Liên Xô vào lúc đó cũng rơi vào thế bị động.

Thứ hai là những chính sách cải tổ nửa vời đã dẫn đến những bất đồng quan điểm trên thượng tầng lãnh đạo, tạo ra tình trạng phân liệt trong bộ máy đảng và chính quyền, lúng túng đối phó trước các đòi hỏi cải cách của người dân, và tê liệt khi số đông lên đến hàng chục, hàng trăm ngàn người.

Thứ ba là tình trạng tham ô nhũng lạm của cán bộ đảng viên cao và trung cấp đã không chỉ làm cho người dân căm phẫn mà còn làm cho chính bộ máy cai trị rệu rã và mất năng lực. Cán bộ đảng viên thay phiên nhau đục khoét và vơ vét của công thành của riêng, không ngó ngàng gì đến đời sống của người dân hay quyền lợi quốc gia, và sẵn sàng đưa vợ con chạy trốn ra nước ngoài.

Nói tóm lại sự mất khả năng đối phó và tình trạng tham nhũng lan tràn là hệ quả dẫn đến kết cuộc sụp đổ bức tường Bá Linh trong sự bất ngờ của dư luận.

Radio CTM: Qua những phân tích của ông thì những nguyên nhân cốt lõi đó có phải là không có ở các quốc gia cộng sản Á Châu, đặc biệt là tại Việt Nam?

Lý Thái Hùng: Tất cả những yếu tố nói trên đều tiềm tàng trong các chế độ Cộng sản tại Á Châu. Trung Quốc và Việt Nam đều đầy rẫy các yếu tố tham nhũng, phân hóa tại thượng tầng lãnh đạo, nhất là đại đa số đảng viên và dân chúng đều mong muốn thoát khỏi ách độc tài cộng sản nhưng chưa có cơ hội bộc phát thành một cao trào như Đông Âu.

Nói cách khác là tuy nội tình đảng Cộng sản Việt Nam hay Trung Quốc đều tiềm ẩn những nguy cơ tan rã nhưng nó chưa xảy ra không phải là nhờ tài lãnh đạo của Hà Nội hay Bắc Kinh mà theo tôi có 2 yếu tố của thời đại giúp cho các chế độ độc tài này kéo dài thêm tuổi thọ trước khi cáo chung, đó là:

Bang giao kinh tế với thế giới tự do đã phần nào giúp kéo các chế độ CS ra khỏi tình trạng phá sản và đói nghèo của cộng sản Đông Âu.

Tham nhũng gắn liền với độc tài đã giúp cho các chế độ này duy trì quyền lực bằng sự mua chuộc phục tùng, gia tăng guồng máy công an trị và các phương tiện khủng bố.

Tuy nhiên, chính sự chênh lệch giàu nghèo khuếch đại từ hai yếu tố trên đã trở thành bản án khai tử chế độ vì khiến người dân thêm phẫn nộ, nhất là chính sách cướp đất của dân. Thêm vào đó, mạng lưới Internet cùng những phương tiện thông tin hiện đại đã đâm thủng bức màn bưng bít thông tin và tăng cường đối kháng cũng như phong trào bỏ đảng, thoái đảng.

Do đó, tình hình Việt Nam hiện nay sau gần 3 thập niên cải cách, đảng CSVN tuy còn tồn tại nhưng đã bị suy yếu đi rất nhiều như chính họ đã thú nhận. Trong khi đó, phong trào đấu tranh đang diễn tiến tỷ lệ nghịch với tình trạng phân hóa, suy yếu của chế độ. Đông Âu tại VN chỉ còn là vấn đề thời gian.

Radio CTM: Theo nhiều tin tức loan tải thì dù Đông Đức đã thống nhất vào Tây Đức và chính quyền Bá Linh chi hàng tỷ Mỹ Kim để thay đổi bộ mặt của các thảnh phố bên Đông Đức nhưng vẫn không thể tẩy xóa các vết tích cộng sản. Tại sao như vậy thưa ông?

Lý Thái Hùng: Sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ vào ngày 9 tháng 11 năm 1989 thì gần một năm sau, hai quốc gia Tây Đức và Đông Đức đã thống nhất vào ngày 1 tháng 7 năm 1990. Nhưng mãi đến ngày 3 tháng 10, mọi guồng máy hành chánh, kinh tế, giáo dục, y tế…. của Đông Đức mới chính thức sát nhập vào sự quản trị và điều hành của Tây Đức.

Để nhanh chóng khắc phục tình trạng suy thoái của xã hội Đông Đức, Tây Đức đã tung vào Đông Đức gần 50 tỷ Đức Mã bao gồm tài trợ đầu tư phát triển kinh tế là 15 tỷ Đức Mã, cải thiện đời sống người dân là 10 tỷ Đức Mã, tài trợ tu sửa các chung cư bị xuống cấp là 10 tỷ Đức Mã, tài trợ các xí nghiệp là 15 tỷ Đức Mã. Đó là chưa kể những tài trợ tiền di chuyển, ăn ở cho những cán bộ hành chánh bên Tây Đức sang Đông Đức huấn luyện và cải tổ bộ máy hành chánh, giáo dục, y tế…

Trong những năm gần đây chính quyền thống nhất nước Đức còn chi hàng trăm tỷ Đức Mã để xây dựng lại hệ thống đường xá, cầu cống và các trường học cũng như khuyến khích người dân qua Đông Đức lập nghiệp. Nhưng kết quả cho thấy là sau 25 năm thống nhất và đổ hàng tỷ Đức Mã chấn hưng, Đông Đức vẫn bao trùm một màu xám xịt, thê lương.

Nói cách khác là nếu những thành phố bên phía Tây nhộn nhịp, đầy sinh khí thì những thành phố phía Đông vắng người, nhiều chung cư chỉ có những hộ gia đình già còn đa số giới trẻ đều chạy sang phía Tây tìm việc làm.

Sau 25 năm thống nhất, Đông và Tây Đức chưa thể san bằng trình độ về mọi phương diện. Điều này cho thấy là ảnh hưởng tồi tệ của thể chế độc tài cộng sản đã di họa và làm băng hoại cả một xã hội nặng nề như thế nào dù có biết bao nhiêu tỷ đồng và công sức đổ vào từ Tây Đức sau ¼ thế kỷ.

Radio CTM: Trở lại tình hình Việt Nam thì dù chế độ CSVN vẫn còn tồn tại, nhưng theo ông liệu chế độ này còn tồn tại trong bao lâu và những yếu tố nào hiện đang đe dọa chế độ?

Lý Thái Hùng: Trước khi trả lời câu hỏi này, tôi xin phép được đề cập đến một bản nhận định của Tổ Chức Busines Monitor International (BMI) đưa ra vào tháng 2 năm 2013. Tổ chức này có văn phòng tại London chuyên thực hiện các cuộc thăm dò và sau đó công bố những bản nhận định về tình hình kinh tế – xã hội của một số quốc gia để giúp cho các công ty xuyên quốc gia dựa theo đó tiến hành các kế hoạch đầu tư.

BMI đã luợng định tình hình Việt Nam trong vòng 10 năm từ 2013 đến 2023 sẽ có thể xảy ra ba kịch bản.

Kịch bản một là CSVN thành công trong các chính sách cải tổ kinh tế và chính trị hiện nay và giữ nguyên trạng chính trị trong 10 năm tới.

Kịch bản hai là CSVN chấp nhận một số thay đổi chính trị cho phép sự tồn tại một số đảng phái đối lập, nhưng đảng CSVN vẫn chiếm ưu thế tuyệt đối trong các bộ máy chính trị. Nói cách khác là CSVN mong muốn chuyển sang mô hình chính trị như Singapore, Malaysia, Taiwan.

Kịch bản ba là CSVN có thể rơi vào tình trạng hỗn loạn vì không thể kiểm soát tình hình do những bất ổn chính trị, đến từ những chính sách cải tổ vá víu nửa vời và thiếu sự đồng thuận trên thượng tầng lãnh đạo.

BMI cho rằng với tình hình hiện nay. CSVN khó có thể giữ vững kịch bản một vì sau nhiều năm loay hoay với những chính sách cải tổ đưa ra từ năm 2010 cho đến nay mà vẫn không thành công.

Như vậy theo BMI thì CSVN chỉ còn lại 2 kịch bản: Kịch bản hai là chấp nhận một số thay đổi chính trị để tiếp tục giữ quyền lực độc tôn. Kịch bản ba là bị rơi vào tình trạng rối loạn chính trị và mất quyền.

Dù rơi vào kịch bản hai hay ba, điều chúng ta thấy rõ là CSVN phải chấp nhận những thay đổi. Nhưng khi chế độ độc tài phải chấp nhận thay đổi, tức là họ phải chia xẻ quyền lực chính trị – dù nhiều hay ít – với những lực lượng khác; đây là khởi điểm của sự rạn nứt nội bộ đảng Cộng sản mà chúng ta đã mục kích ở Đông Âu cách nay 25 năm.

Đảng Cộng sản chỉ mạnh khi nó độc quyền cai trị tuyệt đối; nhưng khi nó phải chấp nhận thay đổi thì chính những phe nhóm trong thượng tầng lãnh đạo sẽ tìm cách cấu xé để giành thế chủ đạo. Hiện nay, đảng CSVN đang ở trong tiến trình cấu xé này khi chuẩn bị nhân sự và đường lối cho đại hội đảng lần thứ 12, dự trù diễn ra vào tháng 1/2016.

Ngoài những yếu tố đe dọa sự tồn vong của chế độ hiện nay là tham nhũng, khủng hoảng kinh tế, bất mãn xã hội, đảng CSVN còn trực diện một nguy cơ sinh tử chính là yếu tố Bắc Kinh.

Sự bất mãn và chống đối Trung Quốc đã tiềm ẩn từ lâu trong lòng xã hội Việt Nam, nhưng biến cố giàn khoan HD 981 đã tác động tạo thay đổi to lớn trong tâm tư nội bộ đảng CSVN về sự mối quan hệ Việt – Trung – Mỹ. Trong đó mối quan hệ Việt Trung đang là ngòi nổ khi mà Bắc Kinh coi thành phần Bộ chính trị CSVN như là lũ tay sai để sử dụng cho mục tiêu bành trướng ra biển Đông.

Nói tóm lại, CSVN hiện đang bị đẩy vào thế phải chấp nhận thay đổi; nhưng chính sự nhu nhược và quá lệ thuộc vào Bắc Kinh hiện nay đã khiến cho Hà Nội rơi vào thế lúng túng càng ngày càng trầm trọng. Do đó, theo tôi, kịch bản ba có xác suất xảy ra cao hơn cả, nhất là trong thế đang vùng lên của toàn dân.

Radio CTM: Trong tất cả những chuyển biến đưa đến sự sụp đổ các chế độ độc tài cộng sản đều đến từ sức ép đấu tranh của quần chúng với hàng trăm ngàn người tuôn ra đường phố làm tê liệt mọi sinh hoạt xã hội. Theo ông thì liệu những diễn tiến này có xảy ra ở Việt Nam hay không và triển vọng đó như thế nào?

Lý Thái Hùng: Đúng là hầu hết các quốc gia độc tài đều sụp đổ bởi sự vùng dậy của đại khối quần chúng đã làm tê liệt các hoạt động của xã hội và đặt các chế độ độc tài rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan: Hoặc thoái lui nhượng bộ, hoặc tan rã trước sức phản kháng của người dân.

Đây cũng là mô hình sụp đổ của các chế độ độc tài theo phương thức đấu tranh bất bạo động dựa trên bốn nguyên lý cốt lõi: Số Đông, Kỷ Luật, Quyết Liệt, Thương Lượng.

Tại Việt Nam sức phản kháng của người dân chưa tiến lên bình diện quy mô như ở Đông Âu cách nay 25 năm nhưng những diễn tiến chính trị tại Việt Nam trong các năm vừa qua đã có một số các sự kiện đáng chú ý:

Thứ nhất là sự ra đời hàng loạt các đoàn thể xã hội dân sự và các đoàn thể này đã có những cuộc trao đổi và liên kết lên tiếng phản kháng những hành động đàn áp chế độ. Đây chính là hạt nhân để huy động quần chúng một cách đa dạng khi thời cơ chín mùi.

Thứ hai là phản ứng tức nước vỡ bờ của người dân đã xảy ra liên tục từ Tiên Lãng, Văn Lang cho đến Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, cho thấy là sự bức xúc của người dân đang lên cao độ trước những đối xứ bất công và vô lý của chế độ.

Thứ ba là sự hung hăng và hiếu chiến của Bắc Kinh đang coi thường dư luận kể cả lãnh đạo CSVN để tiến hành chính sách bá quyền trên biển Đông, đẩy lãnh đạo CSVN rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan và sẽ châm ngòi cho các cuộc phản kháng quy mô vùng dậy.

Nói tóm lại, tình hình Việt Nam đang có những diễn biến như Đông Âu cách nay 25 năm; nhưng sức phản kháng của người dân có tụ thành cơn bão như Đông Âu hay không tùy thuộc vào vai trò công khai đấu tranh của các lực lượng đối lập.

Radio CTM: Xin cảm ơn ông Lý Thái Hùng.