Nhu Cầu Dân Chủ Có Thật

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
JPEG - 79.8 kb
Hồ Cẩm Đào

Không ai cảm thấy hào hứng (hồ hởi) khi đọc bản tin Tân Hoa Xã cho biết ông Hồ Cẩm Ðào nhắc đến chữ “Dân Chủ” tổng cộng 60 lần trong bài diễn văn dài 2 tiếng rưỡi trước Ðại Hội Ðảng Cộng Sản Kỳ Thứ 17. Trong đó, phần lớn ông chỉ nói về “dân chủ trong nội bộ Ðảng” chứ không phải dân chủ trong cả xã hội. Ông Hồ vẫn nhắc lại một quy tắc nghe đã thấy mâu thuẫn: “Quyền dân chủ chuyên chế của nhân dân!” Chỉ các vị quản giáo mới quen nói tỉnh bơ như thế!

Ði hỏi già, về nhà hỏi trẻ. Ðời sống chính trị ở Trung Quốc phản ảnh qua một cuộc bầu trưởng lớp, do một nhà báo thuật lại trên đài BBC. Ðây là một thí nghiệm “dân chủ hóa” hiếm hoi trong một trường tiểu học ở Vũ Hán. Phóng viên hỏi em Cheng Cheng lý do nào khiến em muốn làm trưởng lớp, cậu ứng cử viên 8 tuổi thẳng thắn trả lời: “Vì khi làm trưởng lớp mình có quyền ra lệnh cho người khác.”

Nói rất thành thật. Làm trưởng lớp cũng như làm quan thời phong kiến vậy. Cậu bé chẳng hô một khẩu hiệu nào là mình muốn phục vụ nhân dân hay là muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội cả! Trẻ em bắt chước người lớn trong hành động chứ không bắt chước cách nói, vì con nít cũng biết là các lãnh tụ chỉ nói xạo!

Cậu Cheng Cheng đã tố cáo đương kim trưởng lớp Luo Lei là một nhà độc tài, vì anh chàng này khi làm trưởng 1ớp đã cậy thế đánh bạn học. Luo Lei giải thích: “Ngay cả cha mẹ cũng có khi đánh con nữa là!” Biết nói thế là tự coi mình như cha mẹ của dân, dân chi phụ mẫu, cậu bé biện hộ thêm: “Nếu phương pháp của mình sai, mình sẽ sửa sai!” Thật là đúng đường lối Ðảng: Có sai có sửa, càng sửa càng sai!

Kết quả cuộc bỏ phiếu là cậu Luo Lei tái đắc cử! Tức là đa số bạn học cũng đồng ý trưởng lớp có quyền đánh mình! Nhưng lý do chính để họ chọn Luo Lei có lẽ là cậu đã “bao cả lớp.” Cậu có đem quà, do cha mẹ cung cấp, tặng cho các bạn cùng lớp ngay sau khi đọc bài diễn văn tranh cử! Luật bầu cử trong trường này không cấm ứng cử viên mua chuộc cử tri! Ngoài ra, trong thời gian làm trưởng lớp, Luo Lei đã cho các bạn được dịp đi tham quan hệ thống đường xe lửa tối tân. Vì cha cậu làm ở sở công an phụ trách đường xe lửa! “Dĩ công vi tư” bị cấm đoán trong thời phong kiến, nhưng trong chế độ cộng sản bây giờ là chuyện bình thường!

Nhiều người cho là người dân bình thường ở Việt Nam hay Trung Quốc chỉ muốn ăn no mặc ấm chứ không có nhu cầu dân chủ tự do. Nói như vậy là khinh bỉ giống dân da vàng. Nhưng ví thử mối quan tâm hàng đầu của mọi người là vấn đề kinh tế thì rất nhiều người dân cũng thấy phải có tự do dân chủ mình mới được chia phần lợi kinh tế xứng đáng, chấm dứt cảnh giàu giàu quá mà nghèo thì nghèo quá. Mà cuối cùng, mọi người cũng phải nhận ra muốn kinh tế phát triển bền vững thì chế độ chính trị phải tự do dân chủ.

JPEG - 77.2 kb
Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 17.

Tại Trung Quốc hiện nay, ngay trong đảng Cộng Sản cũng có nhiều người muốn thay đổi chính trị, muốn dân chủ hóa, vì họ biết và tin rằng chỉ trong chế độ tự do dân chủ họ mới tiến được, cả về kinh tế lẫn xã hội. Những người cấp tiến trong đảng Cộng Sản chỉ phản ảnh những thay đổi trong xã hội, biết rằng cả nước Trung Hoa đang thay đổi, đảng Cộng Sản không thể bám lấy quyền hành mãi. Theo ước tính của các công ty tiếp thị Mỹ thì đến năm 2025 sẽ có khoảng 520 triệu người Trung Hoa lên đến lớp “trung lưu” khá giả, lợi tức tương đương từ 4,000 đến 12,500 đô la Mỹ một năm. Ở Ấn Ðộ sẽ có hơn 580 triệu người thuộc lớp trung lưu đó. Khi lợi tức lên cao, người ta sẽ có nhiều nhu cầu tinh thần chứ không phải chỉ muốn no cơm ấm áo. Dân Ấn Ðộ đã sử dụng quyền bỏ phiếu từ 60 năm nay, đã thay đổi Ðảng cầm quyền năm bảy lần. Chắc dân Trung Quốc cũng thấy không có lý do nào họ cứ chịu cảnh ngồi yên nhìn các lãnh tụ bầu chọn lẫn nhau, trong vòng bí mật, mỗi 5 năm một lần trong các đại hội Ðảng! Cho tới ngày Thứ Hai tới, không người dân nào ở Trung Quốc biết “các cụ” sẽ quyết định đường lối quốc gia như thế nào, cụ nào lên, cụ nào xuống!

Khuynh hướng muốn dân chủ hóa đã xuất hiện ngay trong đảng Cộng Sản Trung Quốc. Hai tuần trước khi đại hội khai mạc, tạp chí Viêm Hoàng Xuân Thu đăng bài của một cựu thư ký của Mao Trạch Ðông ngày xưa. Trong bài này, ông Lý Nhuệ, 90 tuổi, đòi hỏi phải chấm dứt các đặc quyền của đảng Cộng Sản. Lý Nhuệ đã bị Mao hạ tầng công tác ngay khi ông ta không chịu theo chiến dịch Bước Nhảy Vọt của Mao cuối thập niên 1950, một chính sách làm vài chục triệu người chết đói. Ông trở thành một người cộng sự với Ðặng Tiểu Bình trong chương trình đổi mới sau này. Bây giờ, ông bênh vực chế độ dân chủ như đường lối duy nhất giúp cho xã hội ổn định, và cảnh cáo rằng nếu không thay đổi về chính trị thì nước Trung Hoa sẽ loạn vì lòng dân bất mãn.

Gia nhập đảng Cộng Sản từ năm 1937, Lý Nhuệ bây giờ lại đề cao các quyền dân chủ tự do kiểu Tây Phương: “Tôi tin rằng thay đổi Ðảng (Cộng Sản) là điều thiết yếu, sẽ quyết định sự thành công hay thất bại của tất cả công cuộc cải tổ ở Trung Quốc… Chúng ta phải dẫn đầu trong việc làm gương thi hành bản hiến pháp và đảm bảo (người Việt Nam nói là bảo đảm) nhân dân được hưởng các quyền công dân như tự do phát biểu, tự do thông tin, tự do xuất bản, và tự do hội họp.” Lý Nhuệ không chỉ đóng vai dâng “kiến nghị” với giới lãnh đạo, ông còn kêu gọi dân chúng Trung Hoa hãy đứng lên tự bảo vệ các quyền hiến định của mình, hãy đòi hỏi những luật lệ bảo vệ quyền tự do báo chí, hãy đặt cái vòng kiểm tỏa của hiến pháp trên quyền hành vô giới hạn của đảng Cộng Sản!

JPEG - 71.5 kb
Thiên An Môn.

Rất nhiều bài báo đề cao tự do dân chủ đã đăng trên tạp chí Viêm Hoàng Xuân Thu (Viêm Hoàng là một cách gọi tên nước Trung Hoa, Xuân Thu có nghĩa là qua nhiều thời gian, lấy tên bộ sử do Khổng Tử soạn). Ðầu năm nay, trên tạp chí này đăng một bài chỉ trích chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô trước đây, và đề nghị Trung Quốc nên theo đường lối dân chủ xã hội kiểu các nước Bắc Âu, trong đó quyền bình đẳng xã hội và quyền tự do chính trị đều được tôn trọng. Trong tháng Chín vừa qua, báo này đăng một bài với nhan đề “Tự do phát biểu là điều kiện thiết yếu của Dân Chủ.” Trong Tháng Bảy vừa qua, trên tạp chí đăng một bài tưởng niệm Triệu Tử Dương, tổng bí thư đảng Cộng Sản bị hạ bệ năm 1989 vì muốn đứng về phía các sinh viên và công nhân đòi tự do dân chủ. Tác giả Tian Jiyuan là một cựu phó thủ tướng, ca ngợi những đức tính của Triệu Tử Dương để ngầm chỉ trích các lãnh tụ bây giờ. “Trong thời gian nắm quyền ông không bao giờ mua một món đồ quý giá nào cho văn phòng cũng như cho căn nhà của mình… Khi đi công tác ông thường đi bằng xe van cùng các nhân viên thuộc cấp chứ không đi xe riêng, không có xe cảnh sát mở đường.” Người đọc có thể đối chiếu với nạn tham nhũng bây giờ khi đọc, “Không một ai đến xin tôi một chức vụ nào mà tôi cũng không cho ai như vậy. Tôi đã thăng cấp cho rất nhiều cán bộ nhưng không ai đãi tôi một bữa ăn hay tặng tôi một món quà hoặc phong bao đỏ. Và cho tới nay tôi chưa hề nghe nói một người nào trong bọn họ bị tố cáo tội tham nhũng!”

Cũng trong Tháng Bảy một loạt bài trên Viêm Hoàng Xuân Thu chỉ trích đảng Cộng Sản Trung Quốc đã không theo đúng chủ trương của Ðặng Tiểu Bình trong 18 năm qua. Trong một bài tác giả viết rằng Ðặng Tiểu Bình muốn phải ấn định thời biểu dân chủ hóa chế độ trong 10 năm sau Ðại Hội Ðảng Thứ 13 (năm 1987). “Sự trì hoãn không thi hành chương trình cải tổ chính trị của Ðặng Tiểu Bình gây ra những hậu quả tai hại. Không hề có sự kiểm soát và cân bằng quyền lực (checks and balances trong bản dịch tiếng Anh)… Chúng ta không thể kéo dài tình trạng này!… Những cải tổ chính trị cơ bản càng bị trì hoãn thì càng dễ nảy sinh những bất ổn xã hội và khủng hoảng chính trị không thể nào thoát được!”

Chúng tôi trích dẫn các tài liệu trên đây để chứng tỏ người dân Trung Hoa, ngay cả các đảng viên Cộng Sản, cũng đều thấy nhu cầu dân chủ hóa. Ở Việt Nam chưa thấy một tạp chí nào có tầm vóc như tờ Viêm Hoàng Xuân Thu.

Nhưng tại sao ông Hồ Cẩm Ðào không đưa ra một tiến trình dân chủ hóa nào, ngoài những khẩu hiệu trống rỗng? Vì đảng Cộng Sản Trung Quốc, cũng như đảng Cộng Sản Việt Nam bây giờ thuộc về tay những kẻ mà quyền lợi gắn liền với cơ chế đang có sẵn. Mao Trạch Ðông cũng như Hồ Chí Minh đã dựng lên một cơ chế độc tài, tập trung quyền hành vào trong tay các cán bộ đang nắm quyền. Lãnh tụ các cấp từ trên xuống dưới chỉ định đảng viên Cộng Sản nào được phép bỏ phiếu đi bầu. Các người nắm quyền cấu kết với nhau để bao vệ quyền lợi chung, lúc nào cũng hô khẩu hiệu “đoàn kết,” “nhất trí!” Hậu quả là không ai có thể thay đổi được cơ chế đó, trong khi xã hội bên ngoài đang thay đổi với tốc độ rất nhanh. Những lời cảnh báo của Lý Nhuệ có thể sẽ thành sự thật nếu tình trạng này cứ kéo dài.(Người Việt; Friday, October 19, 2007)

Ngô Nhân Dụng

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Tô Lâm trong buổi tiếp đón Tổng thống Nga Vladimir Putin, tại phủ chủ tịch ở Hà Nội, ngày 20/06/2024. Ảnh: Reuters - Minh Hoang

Chủ tịch nước kiêm tổng bí thư, ông Tô Lâm nắm trọn quyền lực ở Việt Nam

Việc được bầu làm chủ tịch nước được coi là “bước đệm” cho chức vụ lãnh đạo đảng. Và ông không ngồi vào ghế chủ tịch nước nếu thực sự chưa bố trí được người thân cận thay ông làm bộ trưởng Công An. Loại hết mọi đối thủ, trong đó có hai chủ tịch nước, một chủ tịch Quốc Hội, để nắm giữ, dù tạm quyền, cả hai chức vụ cao nhất của Việt Nam – tổng bí thư và chủ tịch nước – là “một thắng lợi hoàn toàn” của ông Tô Lâm, theo giám đốc nghiên cứu Benoît de Tréglodé, Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự Pháp (IRSEM).

Một người dùng điện thoại đọc tin trên báo Nhân Dân điện tử đưa tin ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam, qua đời. Ảnh: Nhac Nguyen/AFP via Getty Images

Nguyễn Phú Trọng, sự nghiệp và di sản

Ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam, qua đời chiều 19 Tháng Bảy. “Cái quan định luận” (đóng nắp quan tài hãy bình luận) – dù ủng hộ ông hay không, đây là lúc nên nhìn lại di sản của người cầm đầu đảng và chính quyền Việt Nam suốt hai thập niên qua…

Ông Trọng chết, cái lò của ông có thể tắt lửa, nhưng chế độ công an trị mà ông khai mở vẫn còn đó, càng ngày càng lộng hành một cách quá quắt và cái di sản đó sẽ còn tác hại lâu dài…

Ông Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội, ngày 1 tháng Hai, 2021. Ảnh: Reuters

Sau Nguyễn Phú Trọng sẽ là một chương bất định?

Trong chính trị, nhất là đối với một nền chính trị phức tạp như ở Việt Nam hiện nay, vào giai đoạn “hậu Nguyễn Phú Trọng” tới đây, thật khó mà vạch ra một ranh giới rõ ràng giữa ra đi và dừng lại, giữa kết thúc và khởi đầu.

Một trong những câu hỏi lớn mà giới quan sát gần đây đặt ra là, dù rừng khuya đã tắt, nhưng cái lò ‘nhân văn, nhân nghĩa, nhân tình’ của ông Trọng sắp tới có còn đượm mùi củi lửa nữa hay không? Đây là điểm bất định đầu tiên!

TBT đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng là người Cộng sản cuối cùng. Ảnh: FB Việt Tân

Quan điểm của Việt Tân: Nguyễn Phú Trọng là người Cộng sản cuối cùng

Nguyễn Phú Trọng còn là nhân vật ngả theo Trung Quốc. Ông Trọng và hệ thống cầm quyền đã gây tác hại cho đất nước qua những hiệp định hợp tác bất bình đẳng giữa hai đảng cộng sản Việt Nam và Trung Quốc, qua việc phân định biên giới đất liền lẫn ngoài Biển Đông.

Kết thúc triều đại Nguyễn Phú Trọng bằng sự nắm quyền của Tô Lâm và phe nhóm công an là một đại họa mới. Đất nước và xã hội sẽ chìm đắm trong hệ thống công an trị. Người dân vốn dĩ đã mất tự do, nay sẽ còn bị kìm kẹp chặt chẽ hơn…