Nhu Cầu Giáo Dục Về Nhân Quyền Tại Việt Nam

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

Quyền con người chỉ được thực hiện khi các dân tộc không ngừng yêu sách sự tôn trọng các quyền đó. Giáo dục Nhân Quyền góp phần một cách tích cực vào việc ngăn ngừa dài hạn những vi phạm những quyền của con người và xây dựng một xã hội công bằng trong đó mọi quyền này trở thành một giá trị phải được tôn trọng. Tại Việt Nam chưa bao giờ nhà cầm quyền đã chú trọng đến đưa Nhân Quyền vào chương trình giáo dục đại chúng. Giáo dục Nhân Quyền đang là một nhu cầu bức thiết trong tiến trình canh tân con người và canh tân xã hội nước ta.

Nếu trên diễn đàn chính trị quốc tế, ngày hôm nay người ta thường đề cập đến Nhân Quyền, thì điều đó không có nghĩa là quan niệm Nhân Quyền là một giá trị phổ quát trong cộng đồng nhân loại. Nói cách khác, nhiều cá nhân và nhiều dân tộc trên thế giới chưa biết hết, chưa hiểu rõ những quyền căn bản của con người đã được thế giới công nhận. Sự thiếu hiểu biết này đến từ 2 lý do: Thứ nhất, những chế độ độc tài chủ trương người dân càng biết ít về các quyền tự do của họ càng tốt cho chế độ. Thứ nhì, chính quyền tại các nước mệnh danh là dân chủ, tự do, đã không nỗ lực đúng mức để giáo dục nhân dân của họ về Nhân Quyền. Vì thế nhu cầu “Giáo Dục Nhân Quyền” (GDNQ) là cần thiết cho mọi chế độ trên trái đất này. Đặc biệt là những chế độ độc tài, toàn trị. Lãnh vực này rất to lớn. Công việc này rất khó khăn. Không thể một quốc gia có thể đơn độc làm nổi. GDNQ đương nhiên là công việc của các chính quyền quốc gia, nhưng nó cần có sự hợp tác liên quốc gia và của các cơ quan, đoàn thể tư nhân… thì mới có cơ may nhanh chóng thành công. Người viết bài này không dám cao vọng trình bày toàn bộ vấn đề GDNQ, vốn đã được Liên Hiệp Quốc (LHQ) tiến hành. Chỉ xin nêu ra ở đây nhu cầu GDNQ tại Việt Nam với những lý do tại sao phải thực hiện GDNQ cho nhân dân Việt Nam.

Nhân Quyền Trong Lịch Sử Loài Người

Lịch sử cho thấy, có thể trong thời kỳ cổ đại, quan niệm về nhân quyền không mấy được phát triển. Bằng cớ là trong nhiều thế kỷ, việc sử dụng và buôn bán nô lệ đã rất thịnh hành. Aristote (384-322 trước Tây Lịch) tuy chủ trương con người sinh ra bất bình đẳng, nhưng trong tác phẩm “Đạo Đức Cho Nicomaque” (Ethique à Nicomaque), có đề cập đến những quyền của con người trong gia đình và xã hội (quyển V). Thời đế quốc La Mã, xã hội chia ra 2 loại người là những con người tự do và những con người nô lệ. Nhưng theo các sử gia thì do ảnh hưởng của Thiên Chúa Giáo, “quy chế” nô lệ cũng theo thời gian mà biến đổi đôi chút cho đến khi đế quốc La Mã sụp đổ. Ảnh hưởng của Giáo Hội Công Giáo đã lan ra khắp Âu Châu dưới thời Trung Cổ (thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ 15 đương đại) và góp phần vào việc bãi bỏ chế độ nông nô. Đại Hiến Chương năm 1215 của Anh Quốc đã ấn định một số quyền tự do của những con người tự do (không phải là nô lệ) và đặt pháp luật cao hơn những chiếu chỉ của nhà Vua.

Phải chờ đến hậu bán thế kỷ thứ 17 thì Nhân Quyền, như một ý niệm chính trị mới thực sự xuất hiện tại Âu Châu và Mỹ Châu. Tuy nhiên, những ý niệm này không hoàn toàn đồng nhất và vẫn có những khác biệt giữa các quốc gia với nhau. Tại Anh Quốc, đạo luật “Habeas Corpus” (thân xác người thuộc về ngươi) được Quốc Hội biểu quyết năm 1689 dưới thời vua Charles Đệ Nhị. Đạo luật này ấn định là mọi người nếu bị bắt bởi một nhà quyền thế phải được trình diện một vị thẩm phán trong vòng 3 ngày. Vị thẩm phán này xem xét trường hợp và có thể quyết định phóng thích hay giam giữ. Tiếp theo, cũng tại nước Anh, vào năm 1689 (13/2/1689), đạo Luật về Các Quyền Hạn và Tự Do của công dân (Bill of Rights) đã được ban hành với những quy định về quyền kiến nghị với nhà Vua và quyền tự do bầu cử cũng như tự do ngôn luận.

Nhưng phải nói là các quyền con người chỉ được minh định một cách đầy đủ sau cuộc Cách Mạng 1789 tại Pháp với Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Dân Quyền. Bản tuyên ngôn này không những liệt kê các quyền dân sự và chính trị của mỗi con người, nó còn nói lên ưu thế của công dân so với Nhà Nước với những quyền tự do cá nhân, quyền tư hữu, quyền chống lại áp bức, quyền tự do tư tưởng vv…

Những quyền con người đã được nêu lên và công bố trong những văn bản nêu trên, nhưng dù sao thì đó cũng chỉ là những văn bản của hai quốc gia là Anh và Pháp, không liên quan đến các nước khác. Thêm vào đó, cuộc cách mạng kỹ nghệ diễn ra cùng thời điểm (thế kỷ thứ 18) đã làm thay đổi trật tự xã hội Âu Mỹ đồng thời phát sinh chủ nghĩa thực dân. Nhu cầu về sức lao động đã đẩy mạnh thị trường mua bán nô lệ và phong trào đi chiếm thuộc, biến dân thuộc địa thành nô lệ. Vì vậy, các thế lực thực dân, tư bản đã ảnh hưởng lên các chính quyền và toa rập với các chính quyền để quên đi vấn đề Nhân Quyền.

Vào giữa thế kỷ thứ 20, sau cuộc Chiến Tranh Thế Giới lần thứ Nhì với những tội ác chiến tranh khủng khiếp đối với con người, thế giới đã phải đối diện với vấn đề Nhân Quyền không thể né tránh. Nhân Quyền sẽ có tác dụng góp phần ngăn ngừa hiểm họa chiến tranh vì nếu người dân có được Nhân Quyền thì sẽ có những chế độ dân chủ, chính quyền quốc gia khó có thể lọt vào tay những bạo chúa hiếu chiến, hiếu sát. Hòa bình thế giới sẽ được đảm bảo. Chính vì thế mà Liên Hiệp Quốc đã công bố bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền vào ngày 10/12/1948. Khác với các bản tuyên ngôn hay đạo luật trước đây về Nhân Quyền chỉ mang tính chất quốc gia, Bản Tuyên Ngôn Quốc tế Nhân Quyền mang tính chất quốc tế, và mang chữ ký của tất cả mọi quốc gia thành viên.


Nhân Quyền Trong Lịch Sử Việt Nam

Cũng như tất cả các dân tộc trên thế giới, dân tộc Việt Nam đã trải qua một thời gian dài dưới nhiều chế độ phong kiến, quân chủ. Quyền hành dưới các chế độ đó thuộc về một thiểu số vua chúa và họ hàng quý tộc của họ. Người dân không có một quyền gì cả và thuộc quyền sở hữu của vua chúa. Nếu có được vua chúa nhân từ thì đời sống người dân dễ thở đôi chút. Nếu gập phải hung quân , bạo chúa thì đời sống người dân cực kỳ lầm than, khổ ải. Luật lệ, nếu có chỉ áp dụng dưới các thời đại vua chúa người Việt, đã thế thì người dân còn bị khốn khổ gấp bội khi đất nước bị đô hộ bởi giặc ngoại xâm. Việt Nam ta đã có nhiều thời kỳ bị ngoại bang đô hộ, có thời kỳ kéo dài cả ngàn năm !

Lịch sử Việt Nam cũng đã viết nhiều trang oanh liệt, nhân dân ta nổi dậy, đánh đuổi ngoại xâm, giành lại độc lập cho nước nhà. Nhưng có phải những cuộc nổi dậy giành độc lập này được thúc đẩy bởi động cơ đòi lấy quyền con người của dân tộc Việt Nam hay không thì, có lẽ câu trả lời khá phức tạp. Đành rằng, con người Việt Nam trong kiếp nô lệ ngoại bang chịu nhiều đắng cay, bị coi như xúc vật, đến mức không thể chịu đựng được nữa, phải vùng lên tranh đấu. Nhưng phải chăng, cùng với với lý do đó còn có bản tính bất khuất truyền thống của dân tộc Việt Nam, khiến dân ta quyết không chịu nhục bị ngoại bang đô hộ mà vùng lên đánh đuổi ngoại xâm ra khỏi bờ cõi. Không biết trong thâm tâm của ngưòi dân cách đây hàng ngàn năm có ý niệm gì về “độc lập” về “tự chủ” không ? Chỉ biết rằng, sau khi đuổi được ngoại xâm, đất nước lại có một vị vua người Việt Nam, lại có một triều đình Việt Nam với những tập quán của vua chúa… Và người dân lại trở lại kiếp sống “dân đen”, sưu cao, thuế nặng, mặc tình cho vua quan sai khiến. Kiếp sống không khá gì hơn lúc bị ngoại bang đô hộ. Phải chăng niềm an ủi của người dân là vua quan người Việt chứ không phải người Tàu…

Tuy nhiên lịch sử nước ta cũng chép lại công đức của một vài vị Vua như Vua Lý Thái Tông (1028-1054). Theo sử gia Phạm Văn Sơn thì “Ngài rất lưu tâm về mọi vấn đề dân sự vì lòng thương dân. Gặp những năm mất mùa hay có nhiều bệnh dịch, ngài xá thuế cho dân hàng hai, ba năm…”. Về luật pháp, nhằm ngăn ngừa mọi sự lạm dụng quyền thế của các quan, ức hiếp dân lành, “Ngài đặt cách tra hỏi các phạm nhân, xác nhận các trường hợp giảm khinh cho ngưòi già hay vị thành niên và cho lấy tiền chuộc tội nếu không phạm vào thập ác”. Năm 1042, “ngài đặt niên hiệu là Minh Đạo để tỏ lòng thương dân, thương nước và lo sửa sang đức độ của nền quân chủ, coi trăm họ như con. Năm sau, ngài hạ chiếu bãi bỏ tục lệ mua hoàng nam (con trai trên 18 tuổi )làm tôi tớ”…

Bốn trăm năm sau, Vua Lê Thánh Tông (1460-1497) đã cho ra đạo luật “Lê Triều Hình Luật”, mà ngày nay người ta hay gọi là bộ luật Hồng Đức vì đã được ra đời dưới thời Hồng Đức. Cũng theo sử gia Phạm Văn Sơn thì “các luật gia ngày nay khen bộ luật này rất cấp tiến, rất dân chủ và đã để một chấm son trong lịch sử tư pháp Việt Nam”. Bộ luật này đã có ưu điểm là bảo vệ quyền lợi và sự ổn định và an ninh đời sống của mọi tầng lớp nhân dân. Có thể nói bộ luật này mang nhiều tính nhân bản và có đề cập đến nữ quyền: Luật cho phép phụ nữ hưởng quyền thừa kế bình đẳng, quyền li hôn và được quyền được bảo vệ không bị xâm hại…

Nhưng vấn đề là dân trí nước ta vào thời đó còn quá kém. Số người biết đọc, biết viết không có là bao. Cho nên luật thì thế, nhưng mấy người dân đọc được mà biết, tất cả việc áp dụng luật đền nằm trong tay quan lại địa phương. Tuy luật Hồng Đức quy định rõ ràng: “Các cường hào sợ tội, đón đường cướp sớ hay bắt người mang tấu sớ, đều bị lưu hay xử tử. Nếu sớ đã qua được 4 cổng Hoàng Thành rồi mà việc này còn xảy ra, tội lại tăng lên một bậc”; tệ nạn ức hiếp dân lành vẫn diễn ra thường xuyên. Vì thế, dân gian mới có câu “Vua ở xa, quan nha ở gần”. Người dân thấm nhuần đạo lý Khổng Mạnh trong hàng ngàn năm Bắc thuộc, chỉ thấy bổn phận phải trung với vua, hiếu với cha mẹ là những giá trị hướng dẫn cuộc sống của mình. Chẳng biết mình có được quyền gì và có đòi được không. Những gì dân được hưởng chỉ là sự ban phát của vua quan mà thôi. Tình trạng này kéo dài cho tới thế kỷ thứ 18 khi nước ta tiếp cận với nền văn minh Âu Tây.


Nhân Quyền Tại Việt Nam Trong Thời Cận Đại

Thực chất, những tiếp xúc giữa nước ta và người Âu Tây vào thế kỷ thứ 18 chỉ là những tiếp xúc buôn bán. Vua Chúa nước ta tỏ ra nghi kỵ người Âu Tây và thường đóng cửa không muốn giao dịch. Có thể là vua chúa ta thời bấy giờ còn hướng về Trung Hoa tuy nhiều lần xâm lăng chiếm cứ nước ta nhưng vẫn là chỗ dựa của các triều đình về lẽ chính thống từ xưa để lại. Những tiếp xúc thực sự chỉ bắt đầu khi người Pháp đánh chiếm Việt Nam vào giữa thế kỷ thứ 19, và đặt nền đô hộ lên nước ta. Như đã nói ở trên, tuy nước Pháp là nơi đã phát sinh ra cuộc cách mạng giải phóng 1789, chấm dứt chế độ quân chủ thiết lập nền cộng hòa dân chủ và lần đầu tiên đưa ra bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền Và Dân Quyền, nhưng những kẻ tới thôn tính nước ta là bọn thực dân đi chiếm đất và coi nhân dân bản địa như những kẻ man rợ. Họ tuyên bố tới Việt Nam để khai hóa dân ta. Nhưng họ không hề đả động đến bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Dân Quyền. Chính sách cai trị của họ rất hà khắc và bọn thực dân đã vi phạm trầm trọng nhân quyền đối với dân tộc Việt Nam trong suốt thời gian chúng cai trị đất nước ta.

Người dân, một cổ hai tròng: phần chịu sự cai trị, sai khiến của thực dân (quan Tây), phần tiếp tục chịu sự cai trị của triều đình Nhà Nguyễn. Các cuộc nổi dậy của những nhà ái quốc trên khắp miền đất nước đã bị cả thực dân và triều đình cho là làm loạn và bị cả Tây lẫn triều đình đàn áp dã man. Với chữ quốc ngữ được thịnh hành, đã có thêm được một số người biết đọc, biết viết, thậm chí đã học lên cao. Nhưng tuyệt đại đa số vẫn còn mù chữ. Dân trí còn rất thấp. Chính vì vậy mà ý niệm nhân quyền chỉ có trong rất ít trí thức tỉnh thành. Trong giáo dục, người ta dạy đức dục với những bổn phận người dân, không hề có bài nào nói về các quyền tự do của con người.

Chế độ thực dân cáo chung vào những ngày cuối của cuộc Thế Chiến Thứ Hai. Trong khoảng trống chính trị lúc đó, Việt Minh cộng sản đã cướp được chính quyền và khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Tiếng là một chế độ cộng hòa, dân chủ, nhưng bản chất của cộng sản là độc tài đảng trị. Đối với các chế độ độc tài mà độc tài cộng sản là tồi tệ nhất, các quyền tự do căn bản của người dân bị hạn chế, thậm chí bị tước đoạt hoàn toàn.

Tưởng giành được độc lập, đập tan được ách đô hộ thực dân, chấm dứt được chế độ quân chủ, phong kiến, người dân sẽ được hưởng tất cả những quyền tự do căn bản của con người trong một đất nước dân chủ, nhân dân ta đã thất vọng vì đã phải tiếp tục trở lại kiếp sống “dân đen” làm tôi đòi cho đảng cộng sản. Cũng như các vua chúa và thực dân trước đây, cộng sản bắt dân nộp sưu cao, thuế nặng, bắt dân đầu quân đi làm chiến tranh, bắt dân nộp thóc lúa, của cải để nuôi quân và làm chiến tranh…. Chế độ hành xử như thực dân, phong kiến, nghĩa là cho dân cái gì thì dân được hưởng cái đó, cấm cái gì thì dân không có quyền nào đòi hỏi. Người dân trước đây đã mù tịt về Nhân Quyền, lại càng mù tịt hơn nữa vì chính các cán bộ đảng viên cộng sản cầm quyền, họ cũng không hiểu thế nào là nhân phẩm, Nhân Quyền, thì họ biết gì mà dậy lại cho dân.

Từ năm 1954, đất nước bị chia đôi bởi Hiệp Định Genève. Miền Bắc theo chủ nghĩa cộng sản, Miền Nam theo thế giới tự do. Nhưng cuộc chiến tranh xâm lăng do cộng sản Hà Nội phát động đã dìm đất nước trong biển lửa khiến cho việc xây dựng chế độ dân chủ tự do tại Miền Nam không thể tiến hành thuận lợi. Tuy thế người dân dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa cũng đã được hưởng nhiều quyền tự do căn bản của con người. Trong chương trình giáo dục, có môn học Công Dân Giáo Dục; nhưng chưa được quan tâm đúng mức, chương trình giảng dạy chưa xoáy vào việc giáo dục Nhân Quyền cho học sinh. Các chương trình giáo dục đại chúng như văn nghệ, kịch ảnh vv… chỉ nhằm xây dựng lập trường chống cộng và bỏ quên giáo dục Nhân Quyền.

Từ năm 1975, khi cộng sản thống trị cả nước thì Nhân Quyền đã bị chà đạp một cách trắng trợn. Mọi quyền tự do con người đã bị tước đoạt một cách dã man. Không những nhân dân Việt Nam thấy rõ điều này, mà thế giới cũng đã lên án hàng trăm lần từ đó đến nay.


Giáo Dục Nhân Quyền Là Một Nhu Cầu Bức Thiết

Không phải chỉ có dân Việt Nam mới mù tịt về Nhân Quyền. Nhân dân nhiều nước trên thế giới cũng rất mù mờ về các quyền căn bản của họ. Bà Nancy Flower, giảng viên và là đồng sáng lập viên của tổ chức Nhân Quyền Hoa Kỳ đã nói: “Bạn ra đường, đón người qua lại và nêu lên câu hỏi :’Ông, bà, có biết những quyền con người của ông bà là gì không ?’Bất kể bạn hỏi ở đâu, bất kể tuổi tác và địa vị xã hội của đối tượng, rất ít người có thể trả lời câu hỏi của bạn. Thực tế đau buồn là hầu hết người ta đều mù tịt về Nhân Quyền”.

Chính vì nhu cầu phải dậy cho mọi người hiểu biết về các quyền căn bản của họ và dựa trên nguyên tắc “Quyền con người chỉ được thực hiện khi các dân tộc không ngừng yêu sách sự tôn trọng các quyền đó”, mà Phủ Cao Ủy Nhân Quyền đã là cơ quan phối hợp các công trình của LHQ liên quan đến GDNQ trên toàn cầu (chiếu theo Nghị Quyết của Đại Hội Đồng LHQ 48/141). Không thể trong khuôn khổ một bài viết ngắn ngủi, mô tả hết các chương trình hoạt động của Cao Ủy Nhân Quyền LHQ. Tóm lại cơ quan này làm việc trong chiều hướng tạo thuận lợi cho việc GDNQ qua những công tác lớn như sau:

- Hỗ trợ các khả năng địa phương và quốc gia hoạt động GDNQ trong chương trình Hợp tác Kỹ Thuật (Programme de Coopération Technique) kèm theo trợ giúp tài chánh,
- Sản xuất, phiên dịch những tài liệu để huấn luyện và đào tạo về Nhân Quyền,
- Thiết lập những trợ huấn cụ giáo dục như các kho dữ liệu, sưu tập các phương tiện giáo dục và thiết lập trang Web về Bản Tuyên Ngôn Quốc tế Nhân Quyền.
- Phối hợp tổng quát chương trình GDNQ trên toàn cầu.

Có những công tác chính Cao Ủy Nhân Quyền tự tiến hành, có công tác ủy thác cho chính quyền sở tại nếu chứng minh được thiện chí GDNQ cho dân chúng và có công tác ủy thác cho các Tổ Chức Phi Chính Phủ (ONG). Nhân đây, xin lưu ý về vai trò các ONG trong trường hợp chính quyền không chủ trương GDNQ. LHQ khuyến khích các quốc gia đưa GDNQ vào trong giáo dục đại chúng qua truyền thông, văn hóa, văn nghệ. Họ cũng khuyến khích đưa môn GDNQ vào chương trình giáo khoa để giảng dậy từ trường tiểu học lên đến đại học và thành lập một phân khoa về Nhân Quyền với các chứng chỉ, bằng cấp tương đương như một môn khoa học. Lý tưởng cần đạt đến là có được một “Nền Văn Hóa Nhân Quyền” tại mọi quốc gia trên thế giới.

Hiện nay ở Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác đã thực hiện chương trình GDNQ. Điều này chứng tỏ Nhân Quyền ngày càng trở nên quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế và xã hội của mọi quốc gia trên thế giới.

Tại Việt Nam, tuy cộng sản Hà Nội rất thèm những khoản tiền viện trợ, nhưng chưa thấy họ muốn khoản tiền trợ giúp GDNQ của LHQ. Hơn thế nữa, để trả lời những cáo buộc quốc tế về tình trạng vi phạm Nhân Quyền, tự do tôn giáo, tự do ngôn luận vv… Hà Nội thường tố ngược lại là Tây Phương muốn áp đặt những giá trị dân chủ, Nhân Quyền của mình trên đất nước Việt Nam vốn có nền văn hóa khác biệt với văn hóa Ây Mỹ. Như vậy, tuy họ đã ký vào các văn bản công nhận bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền LHQ, có thể thấy rõ là cộng sản Hà Nội không bao giờ muốn nhân dân ta được học để hiểu biết về Nhân Quyền. Nhưng không vì thế mà tại Việt Nam không có nhu cầu GDNQ. Trái lại, nhu cầu này hơn ở bất cứ quốc gia nào khác trên thế giới, đã trở nên rất bức thiết. Vì không thể tách rời dân chủ, Nhân Quyền ra khỏi phát triển và tiến bộ cũng như hội nhập thế giới được.

Phải Thực Hiện Bằng Được Giáo Dục Nhân Quyền Tại Việt Nam.

Cộng sản chủ trương ngu dân để độc tài cai trị. Trên lãnh vực Nhân Quyền thì họ lại càng nỗ lực bưng bít. Nếu người dân biết được quyền lợi của mình để tranh đấu, đòi hỏi thì cộng sản sẽ không còn độc tài, độ tôn, độc đảng cai trị được nữa. Qua đường lối thông tin một chiều, mang tính tuyên truyền, nhồi sọ, cộng sản luôn tìm cách ngăn cản mọi nguồn thông tin khác, nhất là những nguồn thông tin nói lên về sự thật bỉ ổi của họ. Chính vì chủ trương như thế mà người dân Việt Nam từ năm 1945, sau khi thoát ra đêm trường nô lệ thực dân và kiếp sống thứ dân không có quyền lợi dưới hàng ngàn năm quân chủ, phong kiến, lại phải chịu đựng hai cuộc chiến tranh tàn khốc ngay trên đất nước mình, không kẻ cuộc chiến trên đất khách…, luôn luôn thiếu thốn thông tin, hoặc có được thông tin thì là những thông tin thất thiệt. Hậu quả là cho đến ngày hôm nay, dân trí của đa số người dân Việt Nam còn thấp kém, nếu không muốn nói là lạc hậu.

Muốn đất nước Việt Nam phát triển, tiến bộ ngang hàng thế giới, khẳng định là phải nâng cao dân trí. Trình độ dân trì không thể được đo lường đơn giản như là có tỷ lệ bao nhiêu người được cắp sách đến trường đi học để biết đọc, biết viết, để có bằng cấp tốt nghiệp. Hoặc giả nó cũng không nên hiểu là biết sử dụng máy móc truyền thanh, truyền hình hay ngay cả máy điện toán và những máy móc tối tân khác… Đương nhiên những yếu tố này có đóng góp một phần vào việc nâng cao trình độ dân trí. Nhưng không phải chỉ có vậy. Trên lãnh vực giáo dục chẳng hạn, nội dung của chương trình phải nhằm không những trang bị cho người dân những kiến thức căn bản, nó còn phải có nhiệm vụ đào tạo con ra những con người có tri thức, có hiểu biết, có khả năng phán đoán và có ý thức được các quyền căn bản cũng như những trách nhiệm của mình trong xã hội. Nói tóm lại, đào tạo những con người tự do, những con người đúng ý nghĩa và chức năng vai trò của họ trên cõi đời này. Trong các quyền đó,có quyền làm chủ vận mệnh, đời sống của mình và có quyền tham gia vào việc quản lý xã hội mình đang sống. Như vậy, nếu con ngưòi không có cơ hội học hỏi để hiểu biết những quyền căn bản của con người; nếu chế độ không có nỗ lực GDNQ và không tôn trọng Nhân Quyền, thì sẽ không bao giờ có những con người tự do. Và trình độ dân trí còn thấp kém. Dân trí thấp kém thì đất nước không phát triển mạnh được, nói gì đến đạt tới nền văn minh hiện đại.

Như đã nói trong suốt bài này, từ thời lập quốc đế nay, chưa bao giờ nhân dân ta được hưởng một chương trình về GDNQ đúng nghĩa của nó. Thế giới, cụ thể là Cao ủy Nhân Quyền LHQ có kế hoạch, phương tiện tài chánh, tài liệu cho nỗ lực này. Khó khăn duy nhất đến từ chế độ cộng sản Việt Nam không chấp nhận GDNQ và không tôn trọng Nhân Quyền. Trong hoàn cảnh này, không thể mong chờ là nhân dân hay những nhà trí thức, những nhà đấu tranh dân chủ trong nước có thể vượt được khó khăn này. Nhà cầm quyền cộng sản Hà Nội đã và sẽ còn dùng những biện pháp bạo lực để dập tắt mọi mầm mống cổ võ và phổ biến Nhân Quyền.

Trước tình thế này, thiết tưởng nhiệm vụ GDNQ cho đồng bào ta ở trong nước sẽ phải rơi vào tay Cộng Đồng Người Việt Hải Ngoại. Tâm lý chung của những người vì không chấp nhận chế độc cộng sản mà phải bỏ nước ra đi sống tha hương biệt xứ là luôn luôn gắn bó với quê hương, đất nước, nơi còn có bà con, làng xóm, còn đồng bào, đồng hương đang sống trong tình trạng không có ngày mai. Theo lời khoe của chính chế độ cộng sản thì trong những năm gần, lượng kiều hối do đồng bào hải ngoại gửi về cho thân nhân lên đến trên 3 tỷ đô la mỗi năm. “Một miếng khi đói bằng gói khi no”, giúp đỡ cho thân nhân trong lúc túng quẫn là việc làm cao cả nói lên cái tinh thần “nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng” của dân tộc Việt Nam. Nhưng thử hỏi cứ giúp mãi như thế đến bao giờ ? Tình trạng nghèo khổ của đại đa số đồng bào trong nước, trong đó có thân nhân của mình, là do chế độ cộng sản tạo ra hoặc không nỗ lực giải quyết. Cái mà họ nói là “xóa đói giảmnghèo” chỉlà khẩu hiệu tuyên truyền để vòi tiền viện trợ. Thiếtnghĩ, để giải quyết dứt khoát tình trạng đói khổ của nhân dân ta hiện nay là làm thế nào để nhân dân biết đuợc mình có những quyền căn bản gì đương nhiên phải được tôn trọng, phải được hưởng để họ đòi hỏi với chính quyền. Đây mới là giải pháp dài hạn.

Cụ thể, xin mạo muội đề nghị một số biện pháp sau đây để cùng nhau suy nghĩ:

Thứ nhất, trong lúc cộng đồng hải ngoại giúp đỡ tiền bạc cho thân nhân thì cũng tìm cách thông tin về những quyền mà mọi con người phải có, những bổn phận mà chính quyền phải chu toàn để thỏa mãn những quyền đó của người dân.

Thứ nhì, các tổ chức, đảng phái, đoàn thể hãy đặt ưu tiên cho nỗ lực thông tin về Nhân Quyền qua báo chí, bản tin, các chương trình phát thanh, các phương tiện thông tin điện tử hướng về trong nước.

Thứ ba, các tổ chức thiện nguyện, các tổ chức phi chính phủ vận động với Cao Ủy Nhân Quyền LHQ để hợp tác với họ và để được giúp đỡ trong việc cổ vũ và tuyên truyền về Nhân Quyền cho nhân dân Việt Nam ở trong nước.

Tạm Kết

Lại một lần nữa, chúng ta sắp kỷ niệm lần thứ 57 Ngày Quốc Tế Nhân Quyền 10/12. Nhiều nơi, cộng đồng sẽ tổ chức biểu tình, tuyệt thực, hội thảo để tố cáo CSVN vi phạm Nhân Quyền, ủng hộ những người đang đấu tranh cho Dân Chủ, Nhân Quyền đang bị giam cầm trong nước. Đây là những công tác đáng làm và chúng ta đã làm hàng năm từ hàng chục năm rồi. Nhưng nếu chỉ làm có thế thì Dân Chủ, Nhân Quyền trong nước cũng sẽ không tiến triển được khi mà ngưòi dân trong nước không biết phải đòi hỏi những quyền gì cho cuộc sống của họ. Thiết nghĩ, nếu đồng bào trong nước biểu tình, tuyệt thực, hội thảo để đòi hỏi Dân Chủ, Nhân Quyền thì chắc chắn sẽ có kết quả.

Trần Đức Tường
Tháng 12, 2005

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Nhà thờ Đức Bà ngay trung tâm Sài Gòn, một thành phố từng được mệnh danh là Hòn ngọc Viễn Đông. Ảnh minh họa: Chris Jackson/ Getty Images

Tựa vào di sản miền Nam tự do, tôi chọn đứng thẳng

Ba Mươi Tháng Tư, cứ đến gần ngày này là trái tim người miền Nam lại nhói đau. Tôi là một người thế hệ 8x, tuy chưa từng trực tiếp chứng kiến cuộc chiến “nồi da xáo thịt” của đất nước giai đoạn trước 1975, nhưng gia đình tôi, tồn tại hai dòng tư tưởng quốc gia và cộng sản, và ông bà tôi, cậu, dì tôi là những nhân chứng sống cho giai đoạn lịch sử này.

Ảnh chụp khúc đường Tôn Đức Thắng (Q.1, Sài Gòn) trước (hình trái) và sau (phải) khi chặt hạ cây xanh. Ảnh: 24h.com

Có nên chặt cây xanh để xây đường sắt trên không?

Không cần phải nói dài dòng, ích lợi của cây xanh trước tiên là thẩm mỹ, nhưng quan trọng hơn cả là nó giữ cho môi trường trong sạch bằng cách hút khí dioxit carbon và thải ra oxy. Chính vì thế khi đi trong rừng hoặc thậm chí dưới những con đường có hai hàng cây xanh lá thì chúng ta cảm thấy mát mẻ và dễ chịu. Cây xanh vì thế trở thành một phần của hệ sinh thái đô thị. Điều này không phải và không thể nói ngược lại.

Vậy thì chặt bỏ hàng trăm (nếu tính cả hai thành phố Hà Nội và Sàigòn) thì phải nói là hàng ngàn cây để xây metro có phải là lý do hợp lý và chính đáng không?

Ảnh minh họa bởi Paul Nelson/RFA.

Thêm một ông phải về: Vương Đình Huệ!

Việc ông Huệ bị phế truất khiến cho con đường trở thành tổng bí thư ĐCSVN của ông Tô Lâm có nhiều cơ hội hơn. Giờ đây chỉ còn hai ứng cử viên khác đủ điều kiện cho chức vụ này, đó là bà Trương Thị Mai và Thủ tướng Phạm Minh Chính. 

… Những gì đã được làm nhằm chính danh hóa/hợp pháp hóa ĐCS lấm bẩn bởi tham nhũng, giờ đây, đã khiến đảng này trở nên mất uy tín hơn trong mắt người dân – những người nhìn thấy vấn nạn tham nhũng đã xảy ra trong hàng ngũ lãnh đạo cấp cao như thế nào.