Nhục Quốc Thể

Ngô Nhân Dụng

Người làm báo có một điều tránh, là không loan báo những điều mà ai cũng biết. Thí dụ, nếu có một nhà báo viết, “lãnh tụ cộng sản nói dối;” chắc ai cũng chán. Nói vậy cũng không khác gì tờ báo loan tin “trái đất vẫn quay mỗi ngày một vòng.” Nói rõ ràng, “Nguyễn Tấn Dũng nói láo” nghe cụ thể hơn. Nhưng độc giả nghe chuyện này mãi rồi, viết thêm chỉ khiến người ta thấy nhàm tai. Người ta coi báo là để đọc những “chuyện mới nghe,” ngày xưa các cụ mình theo lối người Trung Hoa đặt tên báo là “Lục tỉnh tân văn” . Tân văn nghĩa là mới nghe thấy, người Nhật, người Hàn Quốc vẫn dùng hai chữ tân văn để gọi tờ nhật báo.

Hay là viết, “Nguyễn Tấn Dũng lên đài BBC bên Anh Quốc vẫn còn nói láo!” Ðộc giả rất khó tính, nhiều vị sẽ hỏi rằng, “Bộ một thằng nói láo ở trong nhà, nói láo khi ra đường, còn hy vọng khi nó sang nhà lối xóm thì nó hết nói láo hay sao?” Người miền Bắc dùng chữ “nói dối,” miền Nam dùng chữ “nói láo,” vừa có nghĩa nói dối vừa có nghĩa là nói dối một cách trâng tráo, không biết hổ thẹn. Nhưng loan tin Nguyễn Tấn Dũng sang bên Anh vẫn nói láo thì cũng không thể coi là một tin “mới nghe” được. Khi loan tin, nhà báo phải nêu rõ ông thủ tướng cộng sản nói láo những gì, có thể gọi đó là một tin tức mới nghe thấy.

Nhưng những điều ông Nguyễn Tấn Dũng nói với đài BBC tuần trước dối trá một cách lộ liễu và trâng tráo quá, khiến nhiều người nghe xong phải bất bình. Thí dụ, ông ta nói rằng chế độ cộng sản ở Việt Nam có một đạo luật báo chí tự do nhất thế giới, nhiều nước trông thấy mà thèm vì họ không có thứ luật ngon lành như vậy! Người Việt Nam nghe câu đó, nhất là các nhà báo Việt Nam nghe xong câu đó vừa “lộn ruột” lại vừa bật cười. Cả nước 600 báo đài không ai được loan tin công an Trung Quốc bắn chết các tăng sĩ và nhân dân Tây Tạng biểu tình. Luật báo chí của chế độ Nguyễn Tấn Dũng tự do nhất thế giới, nhưng nhà báo Việt Nam lại phải theo cả luật báo chí Trung Quốc nữa, bên đó nó khắt khe hơn!

Ngày hôm qua trên Nhật Báo Người Việt, ông Lê Việt đã nêu ra một bằng cớ cho thấy không những Nguyễn Tấn Dũng đã nói dối mà còn dấu đầu hở đuôi nữa. Bằng cớ là bản xếp hạng của Liên Hiệp Quốc về tự do báo chí. Trong số 198 quốc gia được nghiên cứu thì Liên Hiệp Quốc xếp chế độ cộng sản Việt Nam vào hạng thứ 192! Vẻ vang đứng cao hơn được 6 nước! Ngay một nước đàn em cộng sản cũ là Campuchia cũng được xếp hạng 82, tức là báo chí của họ được tự do hơn! Ai đã đi thăm xứ Chùa Tháp thì biết trong xứ này đảng đối lập vẫn được xuất bản báo. Ông Lê Việt đã bàn rằng khi đài BBC cho phát thanh câu nói của ông, “ông Dũng ơi, họ đã ‘chửi xỏ’ ông đấy!” Bởi vì khi một người nói dối mà ai cũng biết rằng nó nói dối, thì tất cả mọi người phải bật cười. Họ thấy, không những cái anh này nó dối trá, mà nó còn ngu nữa! Người khôn không ai nói dối một cách ngu dại như vậy!

Một chuyện thứ hai Nguyễn Tấn Dũng nói láo trâng tráo khiến người nghe phát chán không thèm nhắc lại nữa, dù nhắc lại để chửi; là chuyện tù nhân chính trị. Nguyễn Tấn Dũng quả quyết nhiều lần rằng chính quyền cộng sản Việt Nam không bao giờ bỏ tù những người bất đồng chính kiến. Tức là không có ai bị ra tòa vì lý do chính trị. Ai bị bắt đều vì phạm luật cả, Dũng nói, “Ðiều đó là một điều bình thường, tất cả các nước khác trên thế giới này, hay nhân loại đều như thế!”.

Khi mang cả nhân loại làm chứng, tức là chọc cho cả nhân loại nó nổi sùng! Nhưng nhân loại không ai cần chửi ông Nguyễn Tấn Dũng, vì Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản đã chửi xỏ ông ta rồi!

Gần đây có một tài liệu mật của Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Việt Nam ra lệnh cho đám công an “xử lý các vụ án chính trị” mới được một tổ chức đối lập công bố cho tất cả mọi người biết. Ðảng Dân Chủ Nhân Dân đã đưa tài liệu này lên Internet, nhan đề là “Kết luận của Bộ Chính Trị” do Trương Tấn Sang ký. Nhiều người lúc đầu còn nghi ngờ về tính xác thực của bản văn, mặc dù Ðảng Dân Chủ Nhân Dân đã cho in cả con dấu và chữ ký của Trương Tấn Sang ngày 12 Tháng Chín năm 2007 làm bằng chứng. Nhưng mối nghi ngờ nay đã hết, vì bản điều trần trước Thượng Viện Mỹ về tình hình bang giao với Việt Nam đã nhắc tới bản văn mật này và cho biết người ta đã xác định được đây là một bản văn đích thực, không còn nghi ngờ gì nữa.

Chỉ cần đọc những câu văn trong bài Kết Luận này thì chúng ta biết ở Việt Nam có những vụ án chính trị hay không. Trong phần đầu Trương Tấn Sang viết, “Thời gian gần đây, việc xử lý các vụ án chính trị đã đạt một số kết quả tốt… Ðội ngũ cán bộ… có nhiều cố gắng trong việc xử lý các vụ án chính trị…”. Ðoạn sau lại viết: “Tuy nhiên, chất lượng, hiệu quả xử lý các vụ án chính trị chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu…”. Trong đoạn giữa, Sang viết, “Ðể nâng cao chất lượng, hiệu quả xử lý các vụ án chính trị trong tình hình mới…” Ðoạn chót có câu, “Trên cơ sở tổng kết… về công tác xử lý các vụ án chính trị vừa qua…”.

Trong ba trang bản chỉ thị của Bộ Chính Trị đã nhắc đến chục lần những chữ “các vụ án chính trị…” Bây giờ ông Nguyễn Tấn Dũng chối cãi làm sao được rằng trong chế độ cộng sản của ông không có ai bị xử án vì lý do chính trị?

Nhưng các bằng cớ chứng tỏ Nguyễn Tấn Dũng nói láo còn chứa đầy trong những đạo luật hình sự ở Việt Nam hiện nay. Trong bộ luật đó, những từ ngữ “an ninh quốc gia” đã được nêu lên một cách mơ hồ để chế độ có thể bắt bỏ tù bất cứ người nào, chỉ cần gán cho tội phá hoại an ninh quốc gia! Ðiều 88 nói đến tội tuyên truyền chống chính quyền xã hội chủ nghĩa. Thế nào là chống lại chính quyền? Một đứa trẻ đứng đái vào cột đèn có hình Hồ Chí Minh cũng có thể bị buộc tội chống lại chính quyền vô sản! Ðiều 258 kê ra một loạt những tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ,” từ quyền tự do báo chí, tự do tín ngưỡng đến tự do hội họp. Người dân chưa thấy được hưởng quyền tự do nào, nhưng bất cứ ai cũng có thể bị gán tội lợi dụng các quyền tự do tưởng tượng đó! Một thứ tội mà đảng Cộng Sản hay buộc cho những người có chính kiến độc lập là tội làm gián điệp cho nước ngoài (điều 80). Nhiều nhà văn chỉ mang trong mình một bài viết có tư tưởng tự do là có thể bị bắt, ghép vào tội “gián điệp” để bỏ tù.

Tất cả những điều luật mơ hồ để buộc tội người đối lập chính trị đó chưa đủ, đảng Cộng Sản Việt Nam còn ban hành nghị định 31/CP, sau được bỏ đi thay thế bằng chỉ thị 44, cho phép guồng máy công an quản chế, giam lỏng tất cả những người không chịu vâng lời đảng Cộng Sản. Nhiều người đã bị bắt đem vào nhà thương điên, sau nhiều năm tháng trở về có thể mắc bệnh tâm thần vì bị công an cho uống thuốc!

Với tất cả những “vũ khí đàn áp” đó, từ giữa năm 2006 đến nay đã có hơn 40 người bất đồng chính kiến bị bắt và bỏ tù, chỉ vì họ yêu tự do và công lý. Nhắc đến tên ai cũng biết, những Linh Mục Nguyễn Văn Lý, Luật Sư Nguyễn Văn Ðài, nhà văn Trần Khải Thanh Thủy, vân vân.

Vậy mà ông Nguyễn Tấn Dũng, lên đài BBC, vẫn khẳng định chế độ cộng sản của Ðảng ông không bao giờ bỏ tù những người bất đồng chính kiến!

Nhưng nói láo là nghề của cán bộ cộng sản, việc nói láo lúc ở trong nước hay nói láo khi ra nước ngoài, không làm cho ai phải ngạc nhiên. Chúng ta phải đem chuyện này ra bàn không phải vì đây là một câu chuyện mới mẻ gì. Người nghe có cảm thấy nổi giận hay buồn cười khi nghe Nguyễn Tấn Dũng nói. Nhưng nhiều người nghe qua rồi bỏ chỉ vì thấy đây là một chuyện đã diễn ra nhiều lần quá rồi, không kích thích được ai nữa. Giống như những người đã đi tù cải tạo, nghe nói láo mãi rồi quen tai, bây giờ nghe người ta cũng dửng dưng. Nghe quản giáo Nguyễn Tấn Dũng nói láo, không ai thèm bày tỏ lòng khinh bỉ nữa.

Nhưng khi nghĩ đến người ngoại quốc thì thấy phải đem câu chuyện ra bàn. Vì suy đi nghĩ lại, nhiều người Việt Nam cảm thấy xấu hổ khi nghe ông Nguyễn Tấn Dũng nói trên một đài phát thanh ngoại quốc. Nghe rồi cảm thấy một mối nhục chung, tất cả 84 triệu người Việt Nam đều nhục. Cả thế giới người ta sẽ cười cho, vì một quốc gia có một ông thủ tướng nói láo một cách trơ trẽn, không biết ngượng. Cả thế giới người ta sẽ hỏi không hiểu cái nước Việt Nam là nước thế nào, dân tộc Việt Nam là dân tộc thế nào mà lại chịu đựng được những thứ thủ tướng nói láo không biết ngượng miệng như vậy? (Người Việt;Friday, March 14, 2008)

Ngô Nhân Dụng