Những Con Dê Tế Thần Trong Trận Động Đất Ở Tứ Xuyên

Trần Đức Tường
Ảnh: AFP

Gần hai tháng sau trận động đất khủng khiếp tại Tứ Xuyên, chính quyền Trung Quốc mới chính thức đưa ra bảng tổng kết thiệt hại về nhân mạng. Theo dân chúng cũng như các quan sát viên quốc tế thì những con số này vẫn chưa chính xác. Với bản chất bưng bít thông tin để tuyên truyền, lúc đầu chính quyền đã có ý giảm thiểu mức quan trọng của trận động đất và che dấu những tổn thất. Nhưng nhận thấy không thể che kín mặt trời bằng bàn tay nhỏ bé của con người ở thời đại ngày hôm nay khi truyền thông đang từng bước tuột khỏi bàn tay độc quyền của đảng và Nhà Nước Trung Cộng, Bắc Kinh đã nhanh chóng dở trò chơi trong sáng trong thông tin qua việc Hồ Cẩm Đào đích thân bay tới Tứ Xuyên 4 ngày sau cuộc động đất.

Sơ khởi, ngay từ những ngày đầu, các cơ quan chức năng quốc tế đã đánh giá, cuộc động đất gây thiệt hại khoảng 20 tỷ đô la Mỹ, phá hủy và làm hư hại nhiều công trình lớn và nhỏ như đập nước, đường sá, nhà máy, trường học, nhà cửa… tại 44 quận, huyện của tỉnh Tứ Xuyên, gây ảnh hưởng trực tiếp cho 20 triệu dân cư trong vúng. Cho đến nay những con số tiếp tục gia tăng. Thông báo mới nhất về tổn thất nhân mạng được một phó thủ tướng Trung Quốc phổ biến hôm 24/06 vừa qua cho biết con số người chết đã lên trên 80.000, số người mất tích là 18.498 và số bị thương lên đến 374.171 người, 1,47 triệu người đã phải di tản ra khỏi vùng động đất.

Một trận động đất mạnh đến 8 độ Richter giữa một vùng dân cư thì đương nhiên sự thiệt hại phải rất là to lớn. Có thể lý luận như vậy mà Bắc Kinh đã quyết định công khai thông tin, đồng thời mở cửa cho ký giả ngoại quốc cũng như các cơ quan từ thiện quốc tế và các phái đoàn cứu trợ các nước tới Tứ Xuyên. Nhờ vậy mà thế giới đã biết rằng số nạn nhân thiệt mạng, đa phần là học sinh, rằng đã có 7.000 ngôi trường bị sập hoàn toàn chôn vuì học sinh trong đó, 3.000 ngôi trường khác bị hư hại nặng, rằng ở nhiều nơi, nhà cửa xung quanh vẫn còn đứng vững nhưng trường học thì đã sập hoàn toàn. Dân chúng địa phương nhất là hàng chục ngàn gia đình mất con đã lớn tiếng tố cáo với các ký giả ngoại quốc chất lượng xây cất rất tồi tệ do nạn tham nhũng, rút ruột công trình của cán bộ địa phương. Một người dân đã chỉ cho phóng viên đống gạch vụn dưới chân và nói: “Đâu có miếng ximăng nào còn nguyên đâu. Tất cả đã vỡ vụn như cám. Hãy nhìn những vật liệu mà họ sử dụng này, tỷ lệ ximăng và nước không chuẩn. Lõi thép thì ít. Cát thì không sạch”. Dân chúng trong vùng đã mệnh danh các ngôi trường này là “nhà đậu hủ”, ý nói chúng mền như một miếng đậu hũ.

Khi những tin tức này được phóng ra trên khắp thế giới, Bắc Kinh đã vội vàng, một mặt tuyên bố sẽ điều tra và có hình phạt thích đáng đối với những cán bộ trách nhiệm, mặt khác lại giở trò bưng bít cố hữu. Bản tin của hãng AP đánh đi ngày 12/6/2008 vừa qua, đã viết “Đúng 1 tháng sau vụ động đất, công an đã cấm người ta vào địa điểm các trường học bị sập, dường như để ngăn chặn các phụ huynh bị mất con biểu tình đòi điều tra về sự bền chắc của các ngôi trường bị sập. Công an đã cấm ký giả tới ít là 2 thành phố có trường học bị sập; tuy rằng trung ương vẫn tuyên bố để ký giả tự do hành nghề. Một phóng viên tờ “Straits Times” của Singapore đã bị công an bắt rời Vấn Xuyên trở lại thủ phủ Thành Đô. Tại lối vào thành phố Bắc Xuyên, khoảng 200 phụ huynh đã chặn đường để tỏ sự phẫn nộ khi chính quyền đã gỡ bỏ tấm bảng ghi tên các học sinh bị tử nạn. Tại Đô Giang Yến, công an và quân đội đã ngăn cản không cho phụ huynh vào chỗ một trường tiểu học bị sập…”. Song song với các cơ quan truyền thông quốc tế, hàng triệu dân internet trên toàn nước Tầu và thế giới cùng các cơ quan nhân quyền đã nhanh chóng loan những tin tức không tốt đẹp gì cho mặt mũi Bắc Kinh, nhất là vào lúc cuộc Thế Vận Hội sắp khai mạc.

Ảnh: AFP

Để đối phó với dư luận trong và ngoài nước, Bắc Kinh đã lật lại sách cũ, hướng dư luận vào những mục tiêu giả. Họ lôi một anh giáo viên tên là Fan Meizhong đã bỏ học sinh trong lúc động đất, chạy thoát thân ra làm con dê tế thần. Họ đặt cho anh cái tên “Fan Paopao”, có nghĩa là “Fan bỏ chạy”. Thế là dư luận nhào vào phê phán anh giáo viên này. Chính quyền đuổi việc anh ta. Trong lúc đó, bộ máy tuyên truyền cộng sản Trung Quốc hết lời ca tụng những gương “anh dũng” của giáo viên xả thân cứu học trò như trường hợp giáo viên Tan Qianqiu đã chết để cứu sống học sinh. Đúng là anh giáo viên này đã chết, nhưng có phải anh lấy thân xác đỡ cả ngôi trường sập xuống người anh để cứu sống các học sinh thì chưa chắc. Mặt khác, mới đây, Bắc Kinh đã tuyên bố áp dụng kỷ luật với 43 cán bộ gộc ở Tứ Xuyên, trong đó 12 người bị cách chức. Qua thủ thuật này, người dân đã hướng mũi dùi vào những con dê tế thần mà quên tấn công chính quyền thối nát từ trung ương đến địa phương đã vì tham ô mà giết hại hàng vạn em học sinh ngây thơ vô tội. Nhưng đã gọi là thủ thuật thì nó cũng là trò che mắt thiên hạ. Nước Tầu rộng lớn bao la, dân Tầu đông trên 1 tỷ, 43 cán bộ này sẽ được Bắc Kinh đưa đi một chỗ khác rồi cũng vẫn thăng quan tiến chức như thường. Ai biết đấy vào đâu. Đồng đảng với nhau mà.

Trần Đức Tường