Những Nghịch Lý Ở Hà Nội Ngày Nay

Trung Điền

Chiều ngày 29 tháng 5 năm 2008, Quốc hội Cộng sản Việt Nam đã thông qua một Nghị Quyết về việc cho mở rộng địa giới Thành phố Hà Nội có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 8 năm 2008. Nghĩa là từ tháng 8 trở đi, không gian mở rộng của thành phố Hà Nội mới sẽ bao gồm Hà Nội hiện nay, hơn 219,000 ha (hectare) diện tích tự nhiên của tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh thuộc Tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình và Yên Trung thuộc huyện Lương Sơn thuộc tỉnh Hòa Bình. Tổng diện tích của thành phố Hà Nội mới sau tháng 8 sẽ là 334,500 ha và trên 6,2 triệu nhân khẩu , so với diện tích hiện nay là trên 90,000 ha và xấp xỉ 3,5 triệu nhân khẩu. Theo như sự giải thích của Cộng sản Việt Nam thì việc mở rộng thành phố Hà Nội ra các Tỉnh lân cận là nhằm có thêm diện tích để xây dựng Thủ đô thành một trung tâm đô thị lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch.

Hà Nội với diện tích dự kiến mở rộng.

Tuy nhiên, dư luận trong nước thì cho rằng việc mở rộng thành phố Hà Nội là một âm mưu của nhóm tài phiệt đỏ. Bọn này núp dưới chiêu bài phát triển Thủ đô đã bày vẽ ra việc xây dựng một số công trình lớn từ nguồn ODA, để qua đó chia chác lợi nhuận đến từ một số dự án phát triển mà họ đã biết trước. Cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã lên tiếng công khai chống đối việc mở rộng Hà Nội và ông Kiệt đã cho rằng kế hoạch này chỉ làm giàu thêm bọn tham nhũng mà thôi. Thật vậy, trước khi công bố quyết nghị về thủ đô, những giới chức cao cấp tại Hà Nội đã có những thông tin riêng cho thân nhân của mình, để mua trước những khu đất mà Hà Nội đang dự tính phát triển với giá rẻ mạt.

Nhìn về tiềm năng kinh tế của Hà Nội nói riêng và khả năng phát triển của thành phố này nói chung, Hà Nội chưa nhất thiết phải mở rộng địa giới như Nghị quyết của Quốc hội vì hai lý do:

Một là mức sinh hoạt của Hà Nội vẫn còn rất thấp. Đời sống người dân vẫn còn lam lũ của một xã hội nông nghiệp. Hà Nội chưa có những công trình to lớn về công nghiệp lẫn giao dịch thương mại như Sài Gòn; trong khi đó, khả năng quản lý của những công viên chức nhà nước không có trình độ để tạo một bộ mặt Thủ đô văn minh, tiến bộ như Cộng sản Việt Nam hay rêu rao.

Hai là khả năng phát triển không có, hoàn toàn dựa vào tiền đầu tư và vay mượn vốn từ bên ngoài. Do đó khi mở rộng địa bàn Hà Nội và tiến hành việc xây dựng những công trình lớn thì người dân Việt Nam tiếp tục mang những món nợ của ngoại quốc mà không biết chừng nào mới trả hết được.

Đó là những nghịch lý thứ nhất liên quan đến vụ mở rộng thành phố Hà Nội.

Vừa thông qua Nghị Quyết mở rộng Hà Nội, thì đầu tháng 6 năm 2008, Công an tại Thành phố Hà Nội đã tung ra đợt vận động nhằm thi hành một Chỉ Thị mang số 20/2008 của Ủy ban nhân dân Thành Phố Hà Nội có nội dung quy định về việc quản lý sử dụng hè phố – lòng đường. Theo chỉ thị này thì kể từ ngày 1 tháng 7 trở đi, công an sẽ bắt và xử phạt tất cả những ai bán hàng rong trên 62 tuyến đường nằm trong thành phố Hà Nội, đồng thời không cho dựng xe, đậu xe gắn máy hoặc mở các sạp bán hàng chiếm vỉa hè và lòng phố tại 56 tuyến đường trong lòng thành phố. Chỉ thị này đã làm ảnh hưởng đến hàng chục nghìn người dân bán hàng rong và hàng trăm ngàn người dân khác không biết gửi hay cất xe đạp, xe gắn máy ở đâu khi trước những cửa nhà của họ không còn cho đậu. Ngoài chỉ thị này ra, công an thành phố Hà Nội còn ngăn cấm những loại xe ba bánh, xe gác không được chạy vào các tuyến đường phố.

Tất cả những chỉ thị ngăn cấm nói trên, nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam dựa trên nhu cầu “làm đẹp thành phố”.

Thành phố Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung vẫn còn mang đậm nét của một xã hội nông nghiệp, dù là đã mở cửa giao thương và vận động đầu tư hơn 20 năm qua. Lợi tức bình quân của một đầu người chỉ đạt mức 400 hay 500 Mỹ kim; trong khi đó ngay tại Hà Nội vẫn còn nhiều gia đình mà mức lợi tức vẫn còn rất thấp. Những người này phải sống bằng nghề bán hàng rong, sạp báo, chạy xe ôm, chạy xe ba bánh trong thành phố để kiếm sống qua ngày. Ngăn cấm không cho họ làm những ngành nghề nói trên mà không đưa ra được một giải pháp thay thế nào, không những triệt hạ nguồn kinh tế của những người dân nghèo mà còn tạo ra những nan đề mới cho xã hội.

Nhiều thành phố ở Việt Nam và ngay cả thủ đô Hà Nội chưa thực sự bước vào giai đoạn công nghiệp hóa như đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương. Tất cả những sinh hoạt kinh tế – đặc biệt là những sản phẩm để xuất khẩu – đều dựa trên dẩu thô, gạo, giày dép, mũ da, thủy sản là chính. Không có một mặt hàng công nghiệp nào đáng giá thì làm sao tạo dựng được bộ mặt công nghiệp cho thủ đô như các quốc gia tiên tiến. Ngay cả việc xuất khẩu những mặt hàng giày dép, quần áo, thủy sản… cũng đều dựa trên tiền đầu tư của các công ty liên doanh nước ngoài. Đa số những khoản tiền mà người dân tiêu xài trên các thành phố, dựa một phần lớn từ tiền gửi về giúp đỡ thân nhân của khối người Việt tại hải ngoại. Nhờ những nguồn tiền này mà nhiều gia đình trong nước đã dựng lên một số những sạp kinh doanh nhỏ trên vỉa hè, đường phố để kiếm sống qua ngày.

Làm đẹp thành phố là một nhu cầu lâu dài và đòi hỏi chính quyền phải có một kế hoạch để từng bước hiện đại hóa xã hội trên ba mặt:

1/ Nâng cao đời sống của người dân thành phố bằng cách tạo ra những công việc làm ổn định để họ từ giã những ngành nghề kiếm sống qua ngày trên lòng phố.

2/ Có một ngân quỹ rõ ràng để chỉnh trang lại những khu vực nơi nào là buôn bán, nơi nào là công sở và nơi nào là chỗ ở của người dân trong thành phố theo một tiến trình hợp lý.

3/ Cho người dân được tự do truy cập mọi thông tin để nâng cao dân trí và hiểu biết các nhu cầu thay đổi của những quốc gia chung quanh. Suốt ngày nếu họ chỉ được loay hoay trong ốc đảo bần cùng, bưng bít thông tin thì những chỉ thị về nhu cầu làm đẹp thành phố hoàn toàn vô giá trị.

Không thực hiện được những nỗ lực nói trên thì chỉ thị ngăn chận những người bán hàng rong, chạy xe ôm, xe ba bánh để kiếm sống chỉ là công việc đánh bùn sang ao như chỉ thị đội mũ an toàn đưa ra một năm nay mà thôi.

Sau 20 năm mở cửa, với một vài kết quả về phát triển, cộng với một số những tâng bốc từ những nhóm doanh nhân thân cộng, Cộng sản Việt Nam những tưởng là họ đã phát triển đất nước vượt bực với đà công nghiệp hóa lớn mạnh. Dựa trên những kết quả tưởng tượng này, những người làm chính sách tại Hà Nội đang cố vẽ hình con ếch thành con bò, nên mới đưa ra những chỉ thị mang đầy tính nghịch lý như trên. Bụng ếch đang cố gồng thành bò chắc chắn sẽ có ngày nổ tan xác!

Trung Điền
July 1, 2008