Những Thuyền Nhân Việt Nam Tại Phi Sau Cùng Đến Mỹ

Ngày 26 tháng 9 vừa qua một chuyến bay đặc biệt cất cánh từ phi trường quốc tế Akino (Manila) đã đáp xuống phi trường Los Angeles mang theo 229 thuyền nhân tị nạn Việt Nam.

Theo cơ quan Di Trú Quốc Tế (IOM), hiện nay có khoảng gần 2000 thuyền nhân tị nạn Việt Nam còn kẹt lại tại Philippines. Họ là những người tị nạn chưa được một nước thứ ba nào đó chấp nhận cho đi định cư mà cũng không bị trả về Việt Nam. Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc cũng như chính phủ Phi đã nhiều lần lên tiếng kêu gọi các quốc gia tiên tiến rộng tay đón nhận những người tị nạn này nên vào tháng 4 năm 2004, Hoa Kỳ đã quyết định tái phỏng vấn những thuyền nhân tị nạn còn kẹt lại tại Philippines và 229 thuyền nhân tị nạn Việt Nam đó là toán đầu tiên dược sang Mỹ định cư theo các đợt tái phỏng vấn sau cùng này. Cơ quan IOM còn cho biết thêm rằng ngoại trừ những thuyền nhân tị nạn Việt Nam đã có chồng hoặc vợ là người Phi thì tất cả những người còn lại (khoảng trên 1600 thuyền nhân tị nạn) sẽ được các phái đoàn của sở di trú Mỹ (INS) tái phỏng vấn với rất nhiều hy vọng sẽ được sang Hoa Kỳ định cư nội trong vòng sáu tháng tới.

Kể từ khi miền Nam Việt Nam bị lọt vào tay cộng sản, người dân Việt Nam đã tìm đường chạy trốn ra nước ngoài bằng đủ mọi phương tiện trong đó ghe, tàu được sử dụng nhiều nhất. Từ đó danh từ “Thuyền nhân tị nạn” được nhắc đến như là một thảm trạng của nhân loại. Lòng nhân đạo của thế giới cũng có giới hạn, trong khi đó làn sóng thuyền nhân tị nạn này vẫn kéo dài chưa hề dứt. Năm 1989, Cao ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc đã tổ chức một hội nghị quốc tế về vấn đề Tị Nạn Đông Dương tại Geneve. Theo quyết định của hội nghị này thì kể từ đây những người tị nạn nào không bị đàn áp về chính trị thì gọi là người “Tị nạn kinh tế”, biện pháp được đưa ra là kêu gọi họ tự động hồi hương, nếu không sẽ bị trả về nước theo hình thức cưỡng chế. Sau hội nghị này các trại tị nạn tại Phi, Thái, Mã Lai, Singapore, Nam Dương và Hồng Kông lần lượt đóng cửa, và đến năm 1996 thì hoàn toàn không còn một trại tị nạn Đông Dương nào nữa dưới sự quản lý của Cao ủy tị nạn LHQ hoạt động.

Mặc dù các trại tị nạn tại Philippines đã đóng cửa nhưng Giáo hội Công Giáo Phi đã đứng ra can thiệp và bảo trợ để yêu cầu chính phủ không áp dụng chính sách cưỡng bách hồi hương và cho phép những thuyền nhân tị nạn Việt Nam được quyền lưu trú vô thời hạn tại Philippines. Chính phủ Phi đã chấp nhận lời yêu cầu đó một phần vì tiếng nói của Giáo hội Công Giáo Phi rất mạnh và một phần cũng vì không muốn dư luận thế giới lên án hành động cưỡng chế hồi hương một cách vô nhân đạo đó. Nhờ thế mà số phận các thuyền nhân Việt Nam tại Philippines mới có được cơ hội sang định cư tại Hoa Kỳ như ngày hôm nay, mặc dù trong số đó có rất nhiều người phải đợi chờ đến hơn 16 năm trời.

Nhiều thánh chức của Giáo hội Công giáo Phi đã thật sự vui mừng trước tin này và chúc phúc cho tất cả các thuyền nhân tị nạn Việt Nam tại Phi, các Ngài cũng đã có đôi lời nhắn nhủ với các thuyền nhân tị nạn Việt Nam tại Phi như sau: Không phải sang định cư tại Hoa Kỳ là mọi chuyện sẽ tốt đẹp, chắc chắn các bạn sẽ còn gặp nhiều thử thách khác trong cuộc sống mới tại Hoa Kỳ. Nếu nỗ lực thì không khó khăn nào mà không vượt qua được. Các bạn phải cố gắng vì đó là sự lựa chọn của chính các bạn và chúng tôi tin chắc là các bạn sẽ vượt qua mọi chuyện. Xin chúa ban lành cho các bạn Thuyền Nhân Tị Nạn Việt Nam.

Chính quyền cộng sản Việt Nam không có tư cách lên tiếng liên quan đến vấn đề này, nhưng một số quan chức cao cấp của chính quyền Hà Nội đã có những lời phát biểu như sau: Bây giờ mà sang Mỹ định cư làm gì, quá trễ, chỉ chuốc lấy mọi sự khó khăn. Tốt nhất là nên trở về nước làm lại cuộc đời. Tuy nhiên các thuyền nhân Việt Nam tại Phi đã phản bác lại và tuyên bố rằng: Thà chết còn hơn phải trở về sống dưới chế độ cộng sản độc tài tại Việt Nam.