Nỗi Đau “Cải Cách Ruộng Đất”

Một mẩu tin ngắn loan tải trên báo Hà Nội Mới, ngày 4/10/2004 với tựa đề “Hà Nội trợ cấp cho những gia đình bị trưng mua tài sản trong thời kỳ cải cách ruộng đất”, đã làm độc giả không những ngạc nhiên mà còn thêm đau lòng, xót xa cho những số phận nạn nhân của chiến dịch “Cải Cách Ruộng Đất” đầy máu và nước mắt, cách nay nửa thế kỷ. Chỉ cần đọc kỹ hơn cái tựa đề của bản tin đó thôi ai cũng có thể thấy được một sự thật đầy mỉa mai trong những từ ngữ như “trợ cấp”, “trưng mua”. Trợ cấp hay là bồi thường thì đúng hơn, vì làm gì có chuyện “ban ơn” lại cho chính những nạn nhân mà chính quyền đã gây ra? Phải chăng đây chỉ là nhằm trốn tránh trách nhiệm pháp lý nếu phải dùng chữ “bồi thường” để phản ảnh sự thật là một bên có lỗi hay phạm sai lầm!? Trưng mua hay là cưỡng chiếm, tịch thu thì đúng hơn, vì làm gì mà chính quyền lúc đó có tiền để “trưng mua” thật sự các loại tài sản của dân lúc bấy giờ?

Bản tin viết như sau: “UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 6219/QĐ-UB (ngày 23/9/2004) về việc trợ cấp cho một số trường hợp có tài sản bị trưng thu, trưng mua trong thời kì cải cách ruộng đất với mức là 3.000.000 đồng/trường hợp… Cũng theo quyết định trên, các trường hợp bị qui sai thành phần trong thời kì cải cách ruộng đất có tài sản bị tịch thu, sau khi sửa sai đã có quyết định điều chỉnh thành phần mà không được cấp giấy chứng nhận đền bù tài sản, hoặc trường hợp được Nhà nước trưng mua (như nhân sĩ dân chủ, địa chủ kháng chiến, địa chủ thường) nhưng không được cấp giấy trưng mua tài sản có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội đều được nhận mức trợ cấp trên… Thời gian thực hiện việc xem xét trợ cấp sẽ kết thúc vào ngày 31/3/2005.”

Qua bản tin này, chúng ta thấy ba điều:

Thứ nhất, việc chính phủ thời bấy giờ và hiện nay không còn lưu giữ đầy đủ các loại giấy tờ, tài liệu, các chi tiết ghi nhận những trường hợp cá nhân hay gia đình liên quan đến chiến dịch Cải cách ruộng đất, để phải yêu cầu các nạn nhân nộp đơn xin “trợ cấp”, không chỉ là một sai lầm không thể chấp nhận được mà còn cho thấy sự gian dối, thiếu thành tâm của chính quyền Cộng Sản Việt Nam. Chiến dịch Cải cách ruộng đất là một chiến dịch quy mô, có hệ thống do chính phủ cộng sản thời bấy giờ tổ chức tiến hành chặt chẽ, được Trung Ương đảng Lao Động VN, chính phủ của Hồ Chí Minh và Quốc Hội lúc bấy giờ xét duyệt và ban hành, thì tại sao các tài liệu, danh sách cá nhân, gia đình những người liên hệ lại không được lưu giữ ở đâu đó? Theo tác giả Nguyễn Minh Cần, trong lần thí điểm đầu tiên vào năm 1952 đã diễn ra “một tòa án CCRĐ xử tử hình bà Nguyễn Thị Năm, tức là Cát Thành Long, người mà thời trước cách mạng đã từng che giấu, nuôi ăn, giúp đỡ các ông Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng, Lê Thanh Nghị, Lê Giản… Còn trong Tuần Lễ Vàng, gia đình bà đã hiến 100 lạng vàng cho chính quyền mới…” Bà đã bị quy kết là địa chủ, cường hào ác bá, bị xử án tử hình do Ủy Ban Cải cách ruộng đất Trung ương và Ban chấp hành Trung ương đảng Lao Động Việt Nam vào lúc đó duyệt và chuẩn y! Hàng ngàn người đã là nạn nhân của chính sách Cải cách ruộng đất (thực sự bắt đầu vào năm 1953) đâu phải là một con số không nhỏ để Hà Nội không ghi lại những tài liệu liên quan đến chiến dịch này? Người dân có quyền nghi ngờ rằng sau khi nhận thấy chiến dịch đã vi phạm những sai lầm quá nghiêm trọng, một loại hình tội ác mang tính lịch sử, cho nên chính quyền Hà Nội đã tiêu hủy hầu hết các giấy tờ quan trọng liên quan. Một điều oái ăm nữa là thậm chí có những trường hợp sau khi chính quyền Hà Nội sửa sai và đã có quyết định điều chỉnh nhưng các nạn nhân lại không được cấp giấy chứng nhận đền bù trưng thu tài sản.

Thứ nhì, thời gian chính quyền nhận xem xét đơn (từ 23/9/2004 đến 31/3/2005) trong vòng 6 tháng là gấp rút, mang tính hình thức, và mức bồi thường chỉ vỏn vẹn 3 triệu đồng Việt Nam ($200 Mỹ Kim) cho mỗi trường hợp thì có nghĩa là bao so với thời giá hiện nay khi mỗi một mét vuông đất (chưa kể giá trị nhà) cũng đã từ vài triệu trở lên. Thế còn những nạn nhân đã bị gán cho những cái tên như là “cường hào ác bá”, ’địa chủ phản động” và bị nhẫn tâm trừng trị bằng xử bắn thì không được đề cập đến, nói chi đến việc “trợ cấp” cho gia đình, con cháu của họ. Ngoài ra, thủ tục nộp đơn còn nhiều phức tạp, nhiêu khê như giấy xác nhận của chính quyền, của người làm công tác trong đội cải cách lúc bấy giờ(!), của người đã sử dụng tài sản của gia đình thời kỳ đó, giấy chứng nhận của cấp có thẩm quyền trước đây khi sửa sai.v.v… Những bước nộp đơn này đã càng gây cho gia đình, dòng họ của các nạn nhân thêm nhiều khó khăn, lo lắng về những việc mà chính những người có trách nhiệm, chính quyền trách nhiệm phải tự động tiến hành để bồi thường nhanh chóng và công bằng cho họ hoặc con cháu của họ.

Thứ ba, chính quyền Hà Nội đã tiếp tục khơi dậy những vết thương lòng của những gia đình nạn nhân và toàn dân Việt Nam nói chung về một biến cố đẫm máu này và vẫn hoàn toàn không nhận thấy được mức độ trầm trọng của những tội ác này qua việc thực hiện chính sách “trợ cấp” một cách chiếu lệ, không công khai rộng rãi trên toàn quốc. Phải chăng đảng Cộng sản Việt Nam chỉ chọn “thí điểm nhỏ” tại thành phố Hà Nội trước vì sợ bị dấy lên một làn sóng đòi hỏi bồi thường và công lý cho những gia đình nạn nhân Cải cách ruộng đất?

Thật ra, một lời chính thức công khai xin lỗi toàn dân, thông báo bồi thường xứng đáng cho tất cả các nạn nhân trực tiếp và gián tiếp của chiến dịch Cải cách ruộng đất mới thực sự là điều quan trọng và có ý nghĩa. Nhưng qua bao thời kỳ từ thời Cải cách ruộng đất đến nay, đảng Cộng sản Việt Nam đã không thể làm được điều đó. Những hành động, chính sách mị dân, lập lờ gọi là “trợ cấp” này đã chứng minh rõ ràng bản chất thật sự của mối quan hệ chủ và tớ, cho và xin giữa đảng Cộng sản và đồng bào, và chỉ là những động tác giả để lấp liếm quá khứ tội lỗi, để đánh lừa dư luận quần chúng, và để cứu vãn hình ảnh không mấy đẹp đẽ mà toàn dân Việt Nam đã từng biết qua bộ mặt thật của thể chế cộng sản. (Đ.V.)