Nước Pháp ngã về phía cực hữu?

FB Lâm Bình Duy Nhiên

Bà Marine Le Pen (trái), trưởng nhóm nghị sĩ của đảng cực hữu Pháp (National Rally - RN), và Jordan Bardella (phải), chủ tịch đảng này và là người đứng đầu danh sách của đảng RN trong cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu, tham dự một cuộc vận động cử tri trong chiến dịch tranh cử của đảng này cho cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu, tại Paris, Pháp, ngày 2/6/2024. Ảnh: Reuters/ Christian Hartmann

Đảng Tập hợp Dân tộc (Rassemblement National – RN), cực hữu đã thắng lớn trong cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu diễn ra từ ngày 6/6 đến 9/6/2024.

Tổng thống Pháp ra quyết định giải tán Quốc hội và cho bầu lại trong hai đợt: 30/6 và 7/7/2024.

Đây là lần thứ sáu giải tán Quốc hội dưới thời Đệ Ngũ Cộng hoà. Lần sau cùng vào năm 1997, ông Tổng thống Jacques Chirac đã phải chấp nhận nội các của một thủ tướng từ đảng Xã hội, ông Lionel Jospin.

Kết quả của cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu hôm nay là một thất bại nặng nề của cá nhân Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron. Dẫu ông cố gắng vận động nhiều cho cuộc bầu cử, ứng viên của ông, bà Valérie Hayer, đã thất bại nặng so với ứng cử viên đảng RN, ông Jordan Bardella.

Jordan Bardella, một “ngôi sao” đang lên của phe cực hữu Pháp. Chính áp lực từ thắng lợi lịch sử của RN, đã khiến cho Macron không còn giải pháp nào khác ngoài việc giải tán Quốc hội Pháp.

Không chỉ cực hữu tại Pháp thắng lớn. Đảng Tự do (PVV) ở Hà Lan, đảng Những người anh em Ý (FdI) tại Ý cũng giành thắng lợi quan trọng.

Các đảng cực hữu chiếm ưu thế tại nhiều nước trong Liên Âu vì họ tập trung chỉ trích các chính sách và chủ trương gây bức xúc, bất mãn như vấn đề người nhập cư, cảm giác bất an trong xã hội và đời sống ngày càng đắt đỏ…

Đảng RN muốn gỡ bỏ lệnh cấm vận với Nga và xem lại các chính sách giúp đỡ Ukraina trong cuộc chiến với Nga.

Chưa bao giờ phe cực hữu lại gây tiếng vang lớn như hiện nay. Từ thời FN của ông Jean-Marie Le Pen đến con gái ông, bà Marine Le Pen với RN, đảng cực hữu đã thay đổi rất nhiều trong ánh mắt người dân Pháp. Họ đã quá chán chường với những lời hứa hẹn từ hữu sang tả nhưng cuộc sống khó khăn và bất an xã hội vẫn không thay đổi.

RN với một Jordan Bardella trẻ trung đang chiếm ưu thế tại chính trường Pháp. Phe cực hữu ngày nay cẩn thận hơn khi tuyên bố về di dân, nhập cư. Không còn những tuyên bố sốc về kỳ thị chủng tộc như ông Jean-Marie Le Pen! Ngày nay, RN cũng những chủ đề về người di dân, nhập cư, nhưng họ kín đáo hơn, không để lộ con bài kỳ thị chủng tộc như xưa. Họ đánh vào tâm lý chung của người dân: Sợ cái lạ, cái bất ổn và mong mỏi một cuộc sống tốt hơn!

Suy cho cùng, RN vẫn kỳ thị và phân biệt chủng tộc nhưng dưới cái nhãn “ôn hoà” hơn. Họ vẫn không ngần ngại ủng hộ các chế độ độc tài. Từ Nga sang Trung Quốc, đến các quốc gia Hồi giáo cực đoan. Họ không muốn nước Pháp cởi mở, nhân bản, như trong lịch sử. Đây cũng là luận điểm gây nhiều tranh cãi: Nhân bản đến mức độ nào? Nhân bản để phải đón tiếp mọi sự khốn cùng của thế giới?

Đảng cực hữu Pháp muốn một nước Pháp bảo thủ. Một nước Pháp dành cho người Pháp. Chuyện bên ngoài là chuyện của thiên hạ. Đâu đó, các chủ trương của RN mang hơi hướng của một nước Mỹ dưới thời ông Trump. Một nước Mỹ của người Mỹ. Một nước Mỹ “Make America Great Again” như lời ông hứa hẹn.

Một sự trớ trêu là rất có thể nước Pháp sẽ có một thủ tướng, Jordan Bardella, và một nội các từ phe cực hữu RN và người Mỹ sẽ lại có một Tổng thống Trump cho nhiệm kỳ hai.

Cả hai sẽ cùng “Làm Vĩ đại lại” nước Pháp và nước Mỹ?

Và thiên hạ, nhất là các chế độ độc tài như Nga và Trung Quốc sẽ ung dung áp đặt “quyền lực mềm,” thậm chí cả quân sự ở bất cứ nơi nào họ muốn!

Nước Pháp, cái nôi của nền dân chủ. Nước Mỹ, siêu cường và lá cờ tiên phong của sự Tự do. Cả hai đang đứng trước những sự lựa chọn lịch sử!

Cái hay của nền chính trị dân chủ là tất cả đều do người dân định đoạt. Giới chính trị gia “cổ điển” hay “truyền thống,” từ hữu sang tả, một khi không làm gì ra trò thì sẽ bị đánh bại bởi các đảng cực hữu, thậm chí cực đoan.

Tuy nhiên, thậm chí trong một kịch bản tồi tệ nhất khi cực hữu lên nắm quyền thì sự thức tỉnh hay trỗi dậy của người dân cũng sẽ là hồi kết cho sự cầm quyền của các đảng cực hữu.

Tất cả đều được định đoạt bởi lá phiếu của người dân. Và dẫu có lên tiếng than phiền gian lận bầu cử thì các nền dân chủ vẫn là những mô hình tốt nhất và tương đối hoàn thiện nhất tại các quốc gia tiến bộ.

Dẫu sao vẫn hơn độc tài toàn trị. Bầu cử cho có vì đối lập đã bị đàn áp, khủng bố hay ngăn cấm.

Quyền lực người dân hay tập trung nơi độc tài toàn trị? Câu trả lời phụ thuộc vào một xã hội nào chúng ta muốn sống và xây dựng cho các thế hệ sau!

Nguồn: FB Lâm Bình Duy Nhiên