Ông Nguyễn Tấn Dũng Đi Du Học Hoa Kỳ 5 Ngày

Trung Điền

So với các chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của ông Phan Văn Khải (tháng 6 năm 2005), ông Phạm Gia Khiêm (tháng 3 năm 2007), ông Nguyễn Minh Triết (tháng 6 năm 2007) thì chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của ông Nguyễn Tấn Dũng vào tháng 11 năm 2007 và tháng 6 năm 2008 đã không mấy suông sẻ. Nhìn vào lịch trình gặp gỡ và tham dự những cuộc tiếp xúc với chính giới và các nhà đầu tư Hoa Kỳ, ông Nguyễn Tấn Dũng là người bị nghe nhiều phê phán và lên tiếng dạy dỗ của giới kinh doanh Hoa Kỳ nhiều hơn đối với ông Khải hay ông Triết. Đây có thể là sự chọn lựa của ông Nguyễn Tấn Dũng khi ông nói với nhân viên sứ quán Cộng sản Việt Nam tại Hoa Thịnh Đốn vào trưa ngày 23 tháng 6 rằng chuyến đi Hoa Kỳ của ông lần này là để “đẩy mạnh hợp tác kinh tế, đầu tư và học hỏi những kinh nghiệm đẩy lùi lạm phát và giữ ổn định phát triển kinh tế”.

Trước khi ông Dũng lên đường đi Mỹ thì Tổng Cục Thống Kê Việt Nam đã phổ biến một bản báo cáo về tình hình kinh tế Việt Nam trong quý 1/2008. Đọc qua bản báo cáo này rõ ràng là nền kinh tế Việt Nam đang có vấn đề lớn. Lạm phát đang ở mức 27% và chưa có chỉ dấu giảm. Thâm thủng cán cân thương mại là 7,4 tỷ Mỹ Kim, tăng 3,4 lần so với quý 1/2007. Nghĩa là trong thời gian qua Cộng sản Việt Nam chỉ xuất cảng được 13 tỷ Mỹ kim từ các mặt hàng dầu thô, dệt may, giày dép là chính. Trong khi đó, trị giá nhập cảng lên đến 20,4 tỷ Mỹ kim gồm máy móc thiết bị, nguyên vật liệu và đa số là những mặt hàng xa xí như xe hơi, nước hoa, máy móc điện tử… Điều đáng nói là trong khi đồng Mỹ kim bị tụt giá trên hầu hết các thị trường quốc tế thì chỉ riêng tại Việt Nam đồng Mỹ kim lại tăng giá với 20 ngàn đồng/Mỹ kim.

Tình trạng suy thoái kinh tế nói trên đã làm cho uy tín lãnh đạo của ông Nguyễn Tấn Dũng đang xuống thấp ở trong nước. Sau khi đi Mỹ về, ông Dũng sẽ báo cáo với Trung ương đảng về thành quả chuyến đi Mỹ mà cụ thể là những cố vấn của Mỹ trong việc ngăn chận tình trạng lạm phát hiện nay trong Hội nghị lần thứ 7 của Trung Ương Đảng họp vào đầu tháng 7 năm 2008. Có thể nói là cả ông Nguyễn Tấn Dũng và Trung Ương Đảng Cộng sản Việt Nam đều kỳ vọng nơi ông Dũng trong chuyến đi học hỏi này để giúp chấn chỉnh nền kinh tế Việt Nam. Chính vì thế mà lược qua chuyến đi của ông Dũng, ngoài việc gặp gỡ Tổng thống Bush, Bộ trưởng quốc phòng Robert Gate, bà Chủ tịch Hạ viên Nancy Pelosi, Bộ trưởng tài chánh Henry Paulson tại Hoa Thịnh Đốn, ông Dũng và phái đoàn Cộng sản Việt Nam đã có hai cuộc họp quan trọng:

Một là gặp gỡ một số thành viên trong Hiệp Hội giới chủ nhân đầu tư tại Việt Nam mà mục tiêu của ông Dũng là để thuyết phục họ tiếp tục đầu tư lâu dài dù kinh tế Việt Nam có đang gặp khó khăn. Ông Dũng đã hứa với giới chủ nhân Hoa Kỳ rằng Cộng sản Việt Nam sẽ làm hết sức để cho các công ty Hoa Kỳ hoạt động đúng như cam kết trong WTO.

Hai là tham dự phiên họp lần thứ tư với Hội đồng tư vấn nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam – Hoa Kỳ. Trong phiên họp này, phía Hoa Kỳ đã đặc biệt hướng dẫn phái đoàn Nguyển Tấn Dũng ba lãnh vực dưới hình thức khuyến cáo nhằm căn bằng tăng trưởng và kiềm chế lạm phát.

Trong hai cuộc gặp gỡ nói trên, cuộc gặp gỡ Hội đồng tư vấn là có ý nghĩa quan trọng đối với ông Nguyễn Tấn Dũng. Vì tại diễn đàn này, phía chuyên gia và giới kinh doanh Hoa Kỳ đã lượng duyệt 9 biện pháp chấn chính lạm phát của chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đưa ra hồi cuối tháng 3 năm 2008 và vạch ra một số lý do vì sao 9 chính sách đó đã không thể nào kiềm chế được lạm phát và chấn chỉnh tình trạng suy thoái kinh tế hiện nay. Đặc biệt phía Hoa Kỳ đã đưa ra 5 khuyến cáo cho Nguyễn Tấn Dũng nhằm giảm sự biến động của thị trường vốn. Trong đó, vấn đề tập trung tăng cường tính thanh khoản của nền kinh tế bằng cách khuyến khích các công ty, nhất là các công nghiệp quốc doanh… niêm yết trên thị trường chứng khoán, tăng cường tính minh bạch của thị trường gắn với kiểm soát chặt chẽ hệ thống quản trị của các doanh nghiệp đồng thời củng cố năng lực của các công ty mối giới. Đồng thời qua cuộc gặp này, Nguyễn Tấn Dũng cũng đã hứa là sẽ nghiêm chỉnh giải quyết ba lãnh vực: 1/tăng trưởng kinh tế và kiềm chế lạm phát; 2/phát triển hạ tầng cơ sở và 3/ phát triển nền tài chánh để thúc đẩy các dự án mới của Hoa Kỳ vào Việt Nam.

Alan Greenspan

Theo như dự định lúc đầu, ngoài những hai cuộc gặp gỡ nói trên, ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ có cuộc gặp gỡ riêng với ông Alan Greenspan, cụ chủ tịch Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang Hoa Kỳ (1987-2006) để gọi là ’học hỏi’ những kinh nghiệm giải quyết vấn đề lạm phát và ổn định kinh tế. Sự kiện ông Nguyễn Tấn Dũng đi học hỏi kinh nghiệm giải quyết vấn đề lạm phát của ông Greenspan là điều tốt; nhưng những kinh nghiệm của ông Greenspan chỉ có thể tiến hành trong một guồng máy cai trị dân chủ và xuyên suốt. Nguyễn Tấn Dũng có học được những bí quyết của ông Greenspan cũng không thể nào áp dụng tại Việt Nam khi nền kinh tế còn quá thô sơ, nghèo nàn và nhất là vẫn chưa được Mỹ và các quốc gia Tây Âu tin tưởng và xác nhận có nền kinh tế thị trường. Sau những cuộc gặp gỡ tại Hoa Thịnh Đốn, ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ có một số cuộc gặp gỡ với giới doanh nhân đầu tư trong lãnh vực dầu thô tại Houston và tiếp xúc một số chuyên gia Việt Nam đang làm việc tại Mỹ để tham khảo ý kiến về việc ngăn chận tình trạng lạm phát và chấn chỉnh suy thoái kinh tế.

Đúc kết toàn bộ chuyến đi năm ngày tại Mỹ từ ngày 23 đến 27 tháng 6 vừa qua, những cuộc gặp gỡ qua ông kính truyền hình chỉ là phụ, điểm cốt lõi mà ông Nguyễn Tấn Dũng nhắm đến là đi tìm một số cố vấn giúp giải quyết tình trạng gia tăng lạm phát để lấy lại uy tín của chính phủ. Do đó ta có thể coi đây là chuyến du học ngắn ngủi của ông Dũng ở Mỹ. Lý do là tình hình Việt Nam hiện nay không cần thiết ở những cuộc gặp gỡ trao đổi mang tính ’tuyên truyền’ như trước đây. Việt Nam đang thật sự gặp khó khăn sau 20 năm mở cửa. Những vấn nạn của Việt Nam đang đối diện không khác gì những điều mà Thái Lan và Nam Hàn đã gặp phải vào giữa thập niên 90 của thế kỷ 20. Điều mà thế giới quan tâm hiện nay không phải là ông Nguyễn Tấn Dũng có học được những gì từ kinh nghiệm thế giới mà quan trọng là Hà Nội có thực sự nhìn ra những vấn nạn mà họ đã tạo ra để có những cải tổ toàn diện hay chỉ loay hoay với những biện pháp “đánh bùn sang ao” như nhiều thập niên vừa qua.

Trung Điền
June 26, 2008