Ông Obama, hãy giúp Việt Nam có tự do

Hoàng Tứ Duy

Wall Street Journal Asia
Radio Chân Trời Mới chuyển dịch

Phương thức mềm mỏng của Hoa Kỳ có thể thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa.

Đối với những ai đang theo dõi diễn văn của ông Barack Obama trong buổi lễ đăng quang tuần trước từ một đất nước thiếu tự do, chắc hẳn một trong những lời phát biểu chấn động nhất của ông là: “Và vì thế, đối với tất cả người dân và chính quyền các nước khác đang theo dõi hôm nay … hiểu rằng Hoa Kỳ là bạn của mọi quốc gia, và của mọi người đàn ông, phụ nữ và trẻ em nào đang khao khát một tương lai trong hòa bình và nhân phẩm. Và một lần nữa, chúng tôi sẵn sàng dẫn đường .”

Việt Nam sẽ là nơi hoàn hảo để bắt đầu.

Từ tầm nhìn chiến lược đơn giản, Việt Nam nằm ngay giữa lòng Đông Nam Á, giáp ranh với Trung Quốc và Thái Lan và dọc theo những tuyến hàng hải quan trọng trong vùng biển Nam Hải. Hoa Kỳ chỉ có lợi khi Việt Nam có một thể chế hòa bình, dân chủ. Từ tầm nhìn rộng lớn hơn, một trong những chính sách đối ngoại sai lầm lớn nhất của Hoa Kỳ vào thế kỷ 20 là bỏ rơi Việt Nam vào tay Đảng Cộng Sản. Thời gian đã thay đổi, song tiềm năng của Việt Nam để tạo dựng một vùng Đông Nam Á tự do và phồn thịnh kinh tế thì vẫn chưa được phát triển. Bằng biện pháp mềm mỏng, Hoa Kỳ có được những phương tiện ngoại giao để vừa hỗ trợ cho dân tộc Việt Nam, vừa giúp ích cho quyền lợi của Hoa Kỳ.

Việt Nam đã chín mùi cho sự thay đổi. Việt Nam không phải Malaysia hay Indonesia, rối loạn vì mâu thuẫn bè phái. Cũng không phải như Trung Quốc, dù có những điểm tương đồng bề mặt như bị cai trị bởi một thể chế cộng sản trong một nền văn hóa Khổng nho và đã cố gắng phát triển kinh tế cho người dân để đổi lấy sự cúi đầu phục tùng về chính trị.

Trong khi lãnh đạo Trung Quốc nuôi tham vọng bá chủ thì Cộng sản Việt Nam vẫn giữ quan hệ chư hầu đối với Trung Quốc, dựa vào Bắc Kinh để được hỗ trợ chính trị. Kết quả là, trong khi Đảng Cộng sản Trung Quốc lạm dụng tinh thần quốc gia để tăng cường khả năng thống trị, thì Đảng Cộng sản Việt Nam lại đàn áp tinh thần quốc gia vì sợ quyền lực thống trị bị đe dọa. Hà Nội đã phải trả giá lớn lao cho những chính sách sai lầm và những thất bại của việc cải tổ. Các công ty liên quốc gia không thể làm ngơ đối với thị trường Trung Quốc to lớn, nhưng họ có thể bỏ lơ Việt Nam nếu môi trường kinh doanh có quá nhiều thử thách hoặc hệ thống chính trị quá hà khắc.

Một yếu tố quyết định nữa là ở sự tương đối đồng nhất và thái độ của những người Việt lưu vong. Tính ra vào khoảng 1.5 triệu người Việt ở Mỹ và 3 triệu khắp thế giới, hầu hết người Việt hải ngoại là những người vượt biển đi tị nạn chính trị từ năm 1975. Cùng chung một quá khứ, nhiều người đã chia xẻ ước vọng cho một Việt Nam tương lai tự do và dân chủ. Trong khi đó, Việt Nam có tỉ lệ dân chúng chuộng Hoa Kỳ đông nhất thế giới. Tại Việt Nam, chế độ không thích Mỹ, nhưng quần chúng lại yêu mến Hoa Kỳ. Miễn là chính sách Mỹ tiếp tục chú trọng đến việc lôi kéo người dân, Hoa Kỳ có thể dựa vào một nguồn lực vĩ đại của thiện chí.

Nói như vậy không có nghĩa là Washington nên làm thẳng tay để lật đổ chính quyền Hà Nội. Khi đến lúc phải thay đổi chính trị, chính người Việt Nam phải tự làm lấy. Nhưng nếu ông Obama muốn khuyến khích chuyển biến chính trị ở Việt Nam, ông đã có sẵn những công cụ có tầm ảnh hưởng lớn. Công cụ quan trọng nhất đơn giản là âm hưởng mà Washington dùng trong quan hệ với Hà Nội. Giới chức Mỹ cần hiểu rõ Hoa Kỳ sẽ làm việc do nhu cầu tới một mức nào đó với chính phủ đương thời, song Hoa Kỳ – trước hết và quan trọng hơn cả – luôn là người bạn đứng cùng phía với dân tộc Việt Nam.

Hoa Kỳ có thể bắt đầu bằng việc lên án những cuộc bắt bớ tùy tiện, sự hăm dọa những nhà hoạt động dân chủ và nghiêm cấm những tổ chức tôn giáo và chính trị độc lập. Để Hoa Kỳ có một tiếng nói thống nhất, mọi ban ngành liên quan đến chính sách đối ngoại với Việt Nam bao gồm Bộ Ngoại Giao, Thương mại và Quốc phòng cần phải có những ưu tiên nhất quán. Một chính sách nhân quyền mạnh mẽ hơn cũng khẳng định sự cần thiết rằng nền hành chính phải tôn trọng ngôn từ cũng như tinh thần của Luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế. Chính sách của Tổng thống Bush đã phạm sai lầm khi, vì những mục tiêu thương mại, đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt vì đã vi phạm tự do tôn giáo.

Hoa Kỳ cần quan tâm đến mọi phương diện của xã hội Việt Nam. Giáo dục là một lãnh vực trọng yếu. Cần gia tăng ngân quỹ cho các chương trình đưa thanh niên Việt Nam du học tại các trường đại học Hoa Kỳ. Đồng thời, cần tạo cơ hội cho các chuyên gia và học viện Hoa Kỳ chia sẻ ý tưởng với cử tọa Việt Nam, thí dụ qua những diễn đàn do đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội tổ chức. Những cuộc nói chuyện về chính trị-quân sự với chính phủ Việt Nam và chương trình Huấn Luyện và Giáo Dục Quân Sự Quốc Tế của Ngũ Giác Đài có thể khích lệ Quân Đội Nhân Dân của Việt Nam được tân trang – không phải chỉ về khả năng hoạt động, mà còn về những suy nghĩ về sự quân bằng liên hệ giữa quân đội và dân sự, và nghĩa vụ của quân đội – đó là để bảo vệ bờ cõi chống lại những đe dọa từ bên ngoài.

Hoa Kỳ còn có thể giúp người Việt Nam có quyền quyết định tương lai của chính mình bằng cách hỗ trợ cho một xã hội dân sự. Điều hướng các chương trình y tế, gíáo dục, tài trợ vi mô và các chương trình khác qua các ngõ chính thức của nhà nước Việt Nam không phải là một giải pháp hữu hiệu lâu dài. Hoa Kỳ có thể hỗ trợ khả năng ở cấp địa phương bằng cách khai dụng mọi phương thức để hợp tác trực tiếp với các cá nhân hay tổ chức cộng đồng người Việt. Hoa Kỳ cần phải thiết lập đối thoại với các tổ chức vì dân chủ và các thành phần chủ trương cải tổ trong chế độ. Thông điệp của Hoa Kỳ nên là: “Chính người Việt Nam sẽ quyết định lấy chính phủ của họ. Là một người bạn của Việt Nam, chúng tôi sẵn lòng lắng nghe tất cả những ai có các quan điểm xây dựng.”

Thực sự, chính sách của Mỹ cần phải phù hợp với nhiệt tình muốn thay đổi chính thức. Trải qua kinh nghiệm của Đông Ău và những nơi khác, Hoa Kỳ cũng có thể giúp trấn an những người đang cầm quyền rằng thay đổi không cần thiết phải mang tính chất phá hoại hay gây hỗn loạn.

Những quyết định chính trong chính sách của Hoa Kỳ đối với Việt Nam kể từ khi bình thường hoá quan hệ giữa hai nước vào năm 1995 – như hiệp ước thương mại song phương và tình trạng bình thường hoá thương mại vĩnh viễn – đã thường được bào chữa bằng ảnh hưởng lâu dài của những chính sách này trong việc nâng cao sự cởi mở quan hệ. Nhưng ảnh hưởng lâu dài có thể sẽ còn phải mất rất lâu nữa mới thấy được. Chính sách của chính phủ Obama được chọn lựa không phải chỉ vì một Việt nam tự do sẽ là kết quả được ưa hơn về lâu về dài, mà Việt Nam Tự Do phải là một đích nhắm trước mặt. Bằng cách cùng đứng chung với dân tộc Việt Nam, Hoa Kỳ có cơ hội giúp chuyển biến Việt Nam, và sau cùng, một giải lớn của Châu Á.

Ông Hoàng Tứ Duy là một trong những lãnh đạo của đảng Việt Tân tại Hoa Kỳ, một đảng chính trị vì dân chủ chưa được thừa nhận tại Việt Nam.

http://online.wsj.com/article/SB123325940583929853.html