Ông Võ Văn Kiệt Lên Tiếng Về Đại Hội Đảng Cộng Sản Việt Nam Kỳ X

Nhân dịp Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức hội nghị lần thứ 11 từ ngày 15 đến 24 tháng 1 năm 2005, ông Võ Văn Kiệt, cựu Thủ tướng, cựu Ủy viên bộ chính trị đã gửi một lá thư cho Bộ chính trị và Ban bí thư đề cập về một số đề nghị cải cách trong tiến trình chuẩn bị đại hội đảng kỳ X vào giữa năm 2006. Trọng tâm chính của lá thư mà ông Võ Văn Kiệt yêu cầu là Bộ chính trị nên trả lại quyền quyết định cao nhất của đảng cho các đại biểu tham dự đại hội, với một đoàn chủ tịch có năng lực điều hành đại hội chứ không chỉ ngồi làm bù nhìn. Ngoài ra ông Kiệt còn đề nghị một số cải cách về cách tổ chức và phân công ở trong đảng để đạt hai yêu cầu mà ông Kiệt gọi là bức xúc hiện nay là “dân chủ” và “công khai” trong toàn đảng.

Ông Võ Văn Kiệt là một trong ba nhân vật (Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt) lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam trong giai đoạn đảng này tiến hành mạnh mẽ chính sách mở cửa từ năm 1991, sau khi ông Nguyễn Văn Linh từ nhiệm trách vụ Tổng Bí Thư trong đại hội đảng kỳ thứ VII. Ba nhân vật này, tuy cùng quan điểm là phải đẩy mạnh đổi mới nhưng lại đứng trên hai chủ trương khác nhau. Ông Mười và ông Anh thì chủ trương thay đổi từ từ và coi Trung Quốc là ngọn cờ của đổi mới nên phải dựa vào Bắc Kinh để học hỏi những bước cải cách. Ông Võ Văn Kiệt và nhất là cánh cán bộ miền Nam thì chủ trương đi gần với ASEAN, đặc biệt là phải ’thân thiện’ với Mỹ để mở ra với thế giới tư bản. Chính những quan điểm khác biệt này mà hai phe Võ Văn Kiệt và Đỗ Mười – Lê Đức Anh đã tấn công nhau một cách dữ dội trong đại hội đảng kỳ VIII, nhưng bất phân thắng bại. Tình hình này kéo dài một thời gian ngắn sau đó, thì đến Hội nghị đại biểu giữa nhiệm kỳ vào tháng 12 năm 1997, Lê Khả Phiêu đã làm cú đảo chánh ngoạn mục, đưa cả ba về hưu và rời khỏi mọi vị trí quyền lực ở trong đảng. Đỗ Mười – Lê Đức Anh sống ngay tại Hà Nội và vì có nhiều đàn em trong các bộ phận, nên vẫn còn nhiều ảnh hưởng ở trong đảng. Trong khi đó Võ Văn Kiệt về nghỉ hưu tại Sài Gòn, tạo vây cánh trong một số cán bộ và cơ sở phía Nam.

Trong lá thư lần này, ông Võ Văn Kiệt muốn tấn công thẳng vào phe nhóm Mười – Anh và cho là hai ông này đang khống chế đảng, và sai khiến bộ chính trị, ban bí thư lèo lái các sinh hoạt đảng theo những ý hướng riêng của hai ông Đỗ Mười và Lê Đức Anh. Việc ông Võ Văn Kiệt phải dùng đến 2 trang giấy để ca ngợi tinh thần của các đại hội đảng vào những năm đầu thập niên 50 của thế kỷ 20, thời kỳ phôi thai chưa có nhiều phe nhóm và tất cả còn nằm trong sự chỉ đạo của Hồ Chí Minh. Kiệt muốn là đại hội đảng Kỳ X phải trở lại tinh thần như vậy để mọi quyết định tại đại hội là then chốt có giá trị tuyệt đối chứ không làm nhiệm vụ ’phê chuẩn’ kiểu chiếu lệ theo sự sắp đặt của một thế lực nào đó. Ông Kiệt cho rằng, ngoại trừ đại hội kỳ II (1951) và kỳ III (1954), các kỳ đại hội còn lại đều bị khống chế theo một thiểu số lèo lái nên đã không còn là dân chủ và công khai.

Đề nghị cho đại hội X, ông Võ Văn Kiệt đã đưa ra cả thảy 9 vấn đề trong đó có một số điểm đáng chú ý như:

1/ Việc tổ chức đại hội cấp địa phương nên tiến hành hai vòng. Vòng thứ nhất là bầu đại biểu đi dự đại hội toàn đảng theo tiêu chuẩn khả năng và phẩm chất chứ không theo cơ cấu và biểu quyết thông qua những dự thảo đường lối. Vòng thứ hai là tổ chức sau khi đại hội toàn đảng đã tổ chức xong. Tức là đại hội toàn đảng đã thông qua đường lối chung, bầu xong ban chấp hành trung ương, lúc đó địa phương mới thông qua những quyết định phải làm ở địa phương dựa theo chính sách chung của đại hội toàn quốc và bầu thành phần lãnh đạo mới cho địa phương. Đề nghị của ông Kiệt là tiến trình ngược mà hiện nay đảng Cộng sản đang áp dụng. Đó là các địa phương tổ chức chỉ có 1 vòng gồm bầu nhân sự lãnh đạo đảng ủy, thông qua các dự phóng và bầu đại biểu về dự đại hội toàn đảng. Ông Kiệt cho rằng lối bầu này không dân chủ và các tham dự viên không thể thảo luận rốt ráo từng vấn đề và dễ bị một nhóm người khuynh loát đại hội đi theo hướng riêng của một số người có chủ mưu bên trong.

2/ Đoàn chủ tịch đại hội ở cấp địa phương hay cấp toàn quốc phải chọn những người ưu tú và thực sự có năng lực để điều hành đại hội theo ý kiến dân chủ đa số, chứ không ngồi làm vì, thông qua những gì đã chuẩn bị sẵn từ một nhóm người nào đó.

3/ Áp dụng nguyên tắc tự do ứng cử, tự do đề cử và bỏ phiếu kín. Đề nghị này của ông Kiệt nhằm chống lại tình trạng khống chế của bộ phận tổ chức đảng, bằng cách thành lập sẵn danh sách và phiếu bầu, các đại biểu chỉ dựa theo đó mà bỏ phiếu. Thậm chí trên các lá phiếu còn bị đánh dấu để nếu ai không bỏ theo đúng ý trung ương thì có thể bị gặp khó khăn.

4/ Đề nghị vai trò Tổng Bí Thư Đảng cho các đại biểu bầu một cách trực tiếp thay vì chọn lựa theo sự đề nghị của ban tổ chức. Ngoài ra ban kiểm tra trung ương đảng cũng cho bầu công khai trong các đại biểu. Đề nghị của ông Kiệt cho thấy là ông muốn loại đi sự áp chế của phe Đỗ Mười – Lê Đức Anh trong tình hình mới.

5/ Thu nhỏ con số Ủy viên trung ương đảng hiện nay để những người này thực tế điều hành công vụ của đảng, tránh kiêm nhiệm quá nhiều trách vụ như hiện nay nên đã phải ủy quyền cho bộ chính trị hay ban bí thư cáng đáng những việc ngoài phạm vi chức năng trung ương đảng.

6/ Tôn trọng tự do tư tưởng trong các phiên họp và nhất là không câu nệ vào thời gian đại hội mà cần để thảo luận rốt ráo vấn đề.

7/ Phải tổ chức thảo luận dân chủ và công khai trong toàn đảng.

Qua những đề nghị nói trên của ông Võ Văn Kiệt, rõ ràng là nội tình đảng Cộng sản Việt Nam hiện có hai vấn đề khá lớn:

Thứ nhất là đảng đang bị chi phối bởi một thế lực nên nguyện vọng chung của toàn đảng không được thể hiện. Mọi sự vận hành của đảng đi theo quyền lợi của các phe nhóm. Không cần ông Kiệt nêu lên, người ta cũng đã thấy rõ điều này, vấn đề là không có phe nào vượt trội nên mới rơi vào hoàn cảnh hiện nay. Cứ nhìn vào cách giải quyết vụ án Tổng Cục 2 và vụ tàu Trung Quốc giết chết 9 ngư dân trên lãnh hải Việt Nam, đủ thấy rõ là sự hành xử của bộ phận cầm quyền quá yếu.

Thứ hai là vấn đề dân chủ và công khai trong nội bộ đang là vấn đề lớn, mặc dù đảng Cộng sản Viêt Nam đã ra rả nói về nhu cầu xây dựng dân chủ trong nội bộ. Nhưng khó mà đảng Cộng sản Việt Nam áp dụng nguyên tắc dân chủ và công khai vì trên căn bản, mọi quyết định của đảng tập trung ở thiểu số trong bộ chính trị và những kẻ có quyền lực thì làm sao tạo ra được bối cảnh dân chủ và công khai.

Có lẽ hai vấn đề này, tuy là những mối lo sinh tử của Hà Nội nói chung và ông Kiệt nói riêng; nhưng vì sợ thay đổi làm cho cá nhân mỗi người mất quyền và mất lợi nên, nêu ra rồi bỏ quên và chỉ nhắc lại mỗi khi viết kiến nghị hay thư góp ý.. rồi thôi.