Phải Thay Đổi Cơ Cấu

Ngô Nhân Dụng

Sau khi đọc tin tức về kinh tế Việt Nam đang tuột dốc, một người bạn kể câu chuyện tiếu lâm đang được người Hà Nội truyền tụng. Kể rằng trong bệnh viện Việt Ðức có một người muốn thay toàn thể não bộ để cải lão hoàn đồng. Bác sĩ giới thiệu bộ óc của một nhà khoa học lẫy lừng mới qua đời. Cả nhà bệnh nhân chê vì trông bộ não đã cũ vàng, các nếp gấp méo mó hết, không biết xài được bao lâu. Chắc vì lúc còn sống nhà khoa học suy nghĩ nhiều quá. Lại giới thiệu bộ óc còn mới hơn, của một nhà kinh doanh trẻ bị tai nạn lưu thông. Nhưng gia đình bệnh nhân vẫn chê là nhà tư bản đã sử dụng não thùy bên trái “quá tải,” chẳng mấy năm sức sản xuất sẽ đụng trần rồi tụt y như thị trường chứng khoán. Cuối cùng, bệnh viện đưa ra một bộ óc hồng tươi, các nếp gấp còn mới nguyên như thuở thanh niên. Bệnh nhân mừng quá, hỏi: “Óc của ai mà còn tốt như vậy?” Ðó là bộ óc của một chuyên gia kinh tế tốt nghiệp một đại học Mỹ danh tiếng!

Bà vợ của nhà kinh tế quá cố giải thích: “Bố các cháu không bao giờ tham nhũng nên cũng không phải mưu mô, kết bè phái với ai cho mệt óc. Chỉ phải cái tội là nghèo, để lại cho vợ con mỗi một bộ óc. Cụ căn dặn rằng khi nào lạm phát lên tới 25% thì phải đem óc cụ bán, óc còn mới sẽ được giá cao, để lấy tiền mà đong gạo. Óc còn tốt vì kể từ khi được vào làm trong Ban Kinh Tế Trung Ương Ðảng, bố các cháu chẳng phải làm việc gì hết! Các cụ ở trên có ai cần nghe ý kiến mình đâu mà suy nghĩ cho mệt!”

Gần đây ở Việt Nam có người than rằng Ngân Hàng Nhà Nước (tức ngân hàng trung ương phụ trách chính sách tiền tệ cả quốc gia) thiếu nhân tài. Vì bao nhiêu người có khả năng chạy qua làm các ngân hàng tư nhân cả, ở đó họ được trả lương cao hơn. Nhưng kinh tế là chuyện tiền bạc, không thể đổ lỗi cho các chuyên gia kinh tế tham tiền được! Ngay cả những người không màng đến tiền bạc vì thiết tha đến những mục tiêu cao hơn trong cuộc sống, họ cũng phải được thỏa mãn những nhu cầu tinh thần cao hơn. Ít nhất, họ phải thấy những công trình mình làm, khi “vặn óc” suy nghĩ về các vấn đề kinh tế, tài chánh đề ra những kế sách, ít nhất cũng phải có… người đọc! Nhưng trong chế độ cộng sản, chính trị quyết định hết thẩy, những kế sách hay ho đến mấy mà không phục vụ cho quyền lợi của các quan chức cộng sản thì cũng bị xếp xó. Những người đưa ra các ý kiến nghịch với quyền lợi “các cụ” có thể còn bị trù ểm nữa! Trong cảnh đó, các chuyên gia kinh tế làm sao có thể ngồi suy nghĩ mệt óc, để sau cùng các ý kiến của mình được “xếp hồ sơ lưu” vĩnh viễn? Ai muốn đóng bung xung cho các “tập đoàn kinh tế” của đảng nhà nước bòn rút tài sản của quốc dân?

Trước khi tình trạng kinh tế nguy ngập, rất nhiều chuyên gia kinh tế có tiếng đã công khai góp ý kiến. Các ông Lê Ðăng Doanh, Nguyễn Thăng Long ở trong, các ông Vũ Quang Việt, Nguyễn An Nguyên ở nước ngoài đã trình bày các biện pháp ngăn ngừa lạm phát, ổn định kinh tế toàn thể (vĩ mô) từ khi những mầm mống lạm phát mới ló ra. Nhưng không ai thèm nghe! Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản còn lo thu xếp việc tha bổng cho Nguyễn Việt Tiến cho êm thấm để bảo vệ đoàn kết trong đảng; trước khi các cụ bàn việc Nông Ðức Mạnh xuống thì ai lên, và ông Nguyễn Tấn Dũng vẫn còn bận đánh dẹp các nhà báo, rồi lại lo bảo vệ cuộc rước đuốc Olympic Bắc Kinh 2008! Những lúc nhàn rỗi chợt nghĩ đến chuyện kinh tế ông mới ra lệnh tổng công ty đầu tư Vốn của nhà nước đi mua cổ phiếu để cứu các nhà tư bản cháy túi vì thị trường tụt xuống.

Trong khi đó thì tỷ lệ lạm phát nó không đợi. Chín tháng đầu năm 2007, giá cả tăng hơn 7%, báo động đỏ bắt đầu vì các nguồn đầu tư trực tiếp ngoại quốc đang đem vào sau khi Việt Nam được gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới. Tiền đổ vào đâu thì cũng có nguy cơ thúc cho giá sinh hoạt tăng lên. Các cụ không quan tâm, cứ thấy đô la vào là vui mừng, và vẫn cho các ngân hàng của nhà nước cho các doanh nghiệp của nhà nước vay tiền thoải mái. Tiền đổ vô những cái thùng không đáy này không giúp gia tăng số lượng hàng hóa và dịch vụ, cho nên áp lực lạm phát càng lên. Cuối năm, tỷ lệ lạm phát cả năm lên tới trên 12%. Báo động đỏ bắt đầu, nhưng nhà nước không biết làm cái gì nữa! Tháng Giêng 2008, tỷ lệ tăng lên 14% một năm, Tháng Tư lên 21%, và trong Tháng Năm thành hơn 25%.

Khi vốn đầu tư ngoại quốc vào, cộng với tiền các ngân hàng nhà nước cho doanh nghiệp nhà nước vay đem ra chi tiêu, thì vật giá phải lên. Ngân Hàng Nhà Nước lúc đầu đã không tăng lãi suất, vì muốn bảo vệ các doanh nghiệp nhà nước lúc nào cũng cần vay thêm tiền. Thời ông Phan Văn Khải lập các “tổng công ty” tính bắt chước các chaebol của Nam Hàn, nhưng các cán bộ được cử làm giám đốc không ai biết làm ăn như người Nam Hàn. Thời Nguyễn Tấn Dũng lại lập ra những “tập đoàn kinh tế” to hơn, nhưng tựu chung vẫn là chính sách bảo vệ guồng máy kinh tế trong tay các đảng viên thân cận. Các tổng công ty và tập đoàn tha hồ vay tiền để làm các dự án, tưởng như vậy là kinh tế sẽ phát triển nhanh hơn. Nhưng vay tiền thì dễ, đầu tư có hiệu quả thì khó. Vay rồi không bao giờ trả được, cũng coi như huề cả làng; vì cả ngân hàng và xí nghiệp đều cùng là con cháu các cụ cả! Chỉ có người dân đóng thuế mất tiền thì xót ruột thôi, nhưng người dân đâu có quyền góp ý kiến?

Cùng lúc đó, Ngân Hàng Nhà Nước lại đem tiền Việt Nam đi mua bớt đô la Mỹ trong thị trường, gây ra cảnh số tiền lưu hành bột phát. Nhà nước bèn thay đổi chính sách, thu tiền về bằng cách cưỡng bách các ngân hàng phải mua công trái, tức là cho chính phủ vay với lãi suất rất rẻ! Các ngân hàng thiếu tiền mặt, có lúc đã từ chối không nhận đô la Mỹ để đổi tiền Việt Nam! Ngân Hàng Nhà Nước lại đổi chính sách hối đoái, cho phép đổi đô la theo một giá linh động hơn, chung quanh giá chính thức để cho phép đồng nội tệ được lên ngõ hầu giảm bớt ảnh hưởng của tiền nhập cảng xăng dầu đang lên. Nhưng hậu quả là nhiều người nghi ngờ và lo sợ cho giá trị của đồng bạc Việt Nam. Họ kéo nhau đi đổi lấy đô la. Tất cả hệ thống tài chánh xoay như chong chóng, theo bàn tay múa may lúng túng của chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.

Những người ủng hộ chế độ thường cãi rằng cả thế giới đang lạm phát, Việt Nam có bị lạm phát cũng là chuyện bình thường. Nhưng điều bất bình thường là giá sinh hoạt ở Việt Nam tăng gấp đôi và gấp ba tỷ lệ ở các nước ngay trong vùng Á Ðông. Trung Quốc, Indonesia thấy giá cả tăng 9% là đã lo ngăn gấp rồi, nhưng họ cũng không dám tăng lãi suất quá cao, sợ các hoạt động kinh tế giảm bớt vì khó vay tiền. Riêng ở Việt Nam thì mới có cảnh lúng túng vì hai tai họa xẩy ra cùng một lúc. Một bên thì lãi suất của các ngân hàng tăng vọt lên, bên kia là lạm phát tăng nhanh hơn, lãi suất chay theo cũng không đuổi kịp. Khi lạm phát lên 25% mà ngân hàng cho vay chỉ đòi 15% thì chính các ngân hàng đang chịu thiệt vì lãi suất là số âm!

Các ngân hàng cho vay lấy 14, 15% một năm, không ai dám vay nếu đem tiền về đầu tư mà không sinh lợi được gấp đôi tỷ lệ đó. Những người dám vay chắc hẳn là những người “không sợ súng,” vì có những mối đầu cơ tích trữ bảo đảm sinh lời! Trước đây, người ta còn vay để mua nhà, đất và cổ phiếu, nhưng nay các thị trường đó cũng cạn. Người lao động khổ vì đồng lương không đuổi kịp vật giá leo thang, giới trung lưu cũng mang họa vì nhà nước tấp tểnh làm kinh tế tư bản nửa vời, cho chơi trò mua bán chứng khoán. Ðầu tuần này, bỗng dưng thị trường chứng khoán đóng cửa “vì lý do kỹ thuật!” Không biết lý do kỹ thuật nào mà cả thị trường tê liệt mất 4 ngày! Những người tập tành dự trò chơi cổ phiếu đã mất vốn liếng sau khi chỉ số thị trường chứng khoán tụt mất hai phần ba; riêng từ đầu năm tới giờ đã tụt 55%. Cuối cùng chỉ nộp tiền cho những “tay trong” chuyên lũng đoạn, làm giá. Nhiều người Trung Quốc sang Việt Nam kiếm lời trong thị trường chứng khoán, các đồng chí này có kéo nhau tham dự cuộc rước đuốc Olympic 2008 ở giữa Sài Gòn!

Bây giờ một công ty tham vấn tài chánh Mỹ, Morgan Stanley phải báo động rằng chính sách tiền tệ của chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đang đưa tới một cuộc khủng hoảng ngân hàng ở Việt Nam. Các ngân hàng không đòi được nợ của các xí nghiệp quốc doanh, có thể đưa tới một cuộc khủng hoảng tín nhiệm. Dân Hà Nội xếp hàng trước các cửa hàng đổi tiền ở phố Hà Trung để mua đô la Mỹ, giá đô la tăng lên. Thị trường chứng khoán mở cửa sau bốn ngày ngưng, giá các cổ phần tụt xuống mặc dầu nhà nước đem tiền của dân ra mua để cứu các nhà tư bản nội hóa.

Chính sách của nhà nước là khuyến khích xuất cảng, nhưng cán cân thương mại năm ngoái đã thâm thủng 14 tỷ Mỹ kim. May nhờ có gần 7 tỷ đô la do người Việt ở nước ngoài gửi về, 6 tỷ đầu tư trực tiếp của người ngoại quốc, và nhờ tiền viện trợ cho nên có đủ 14 tỷ bù vào lỗ thiếu hụt. Năm nay cán cân thương mại sẽ thiếu khoảng 25 tỷ Mỹ kim, gần bằng một nửa Tổng Sản Lượng Nội Ðịa. Tiền Việt kiều gửi về khó tăng, đầu tư ngoại quốc càng khó tăng khi cả nền kinh tế đang nguy ngập! Không một quốc gia nào trong vùng chịu khốn đốn như vậy.

Nếu đảng Cộng Sản có thay đổi cả chính phủ, thay chức tổng bí thư, cũng không thể thay đổi được cảnh bế tắc về kinh tế. Ngày Thứ Sáu, các ông bộ trưởng Võ Hồng Phúc (kế hoạch và đầu tư), Vũ Văn Ninh (tài chánh), ông Nguyễn Văn Giầu, chủ tịch Ngân Hàng Nhà Nước, được ra trình diễn trong Quốc Hội cho các đại biểu chất vấn. Ông nào ông nấy chỉ tìm cách chối tội, ông Phúc không ngần ngại đổ tội cho Nguyễn Tấn Dũng, vì đã được báo động mà lại bất động! Chỉ có ông Trần Du Lịch, viện trưởng một viện nghiên cứu kinh tế là biết tỏ ý tha tội cho cả ba viên chức cao cấp nhà nước. Ông Trần Du Lịch công nhận là cơn khủng hoảng kinh tế hiện nay là do “cơ chế kinh tế” tạo ra, cuộc khủng hoảng tiền tệ chỉ là nguyên nhân trực tiếp nhất thời mà thôi.

Vậy thì làm sao để thay đổi cơ chế? Trước hết là phải tước bỏ độc quyền cai trị của đảng Cộng Sản, trong đó có quyền của các cụ lấn áp tất cả các ý kiến chuyên môn về kinh tế. Khi một đảng chính trị già cỗi, cổ hủ, các lãnh tụ chỉ lo bám lấy quyền lực để hưởng lợi, không ai dám quả quyết thay đổi theo cơ chế thị trường đích thật, thì kinh tế sẽ còn sa lầy mãi, khó thoát ra được. (Người Việt; Friday, May 30, 2008).

Ngô Nhân Dụng