Phát Triển Toàn Diện

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

LTG: Bài sau đây trình bày quan niệm cá nhân về phát triển toàn diện. Tác giả xin chân thành cảm tạ tất cả những người bạn trong và ngoài Hội Chuyên Gia VN đã góp ý và giúp cho quan niệm này thành hình. Tác giả cũng mong mỏi rằng những điều sau đây phản ảnh những suy nghĩ của những người có lòng, có quan tâm đến hiện tình đất nước và ấp ủ hoài bão canh tân Việt Nam.

Dẫn nhập : Phát triển là gì ?

Trong ngữ vựng phổ thông, từ “Tăng trưởng kinh tế” (Croissance économique, economic growth) thường hay được đồng nghĩa với “Phát triển Kinh tế” (développement économique, economic development).

Sự đồng nghĩa này có từ cái thời các kinh tế gia có khuynh hướng đo lường những tiến bộ trên mặt kinh tế qua những thống kê, đặc biệt qua sự gia tăng của Tổng Sản lượng quốc gia (PNB, GDP). Đối với những vị tiên phong này, gia tăng sản lượng công nghiệp chế biến là chỉ dấu của thịnh vượng và nói lên sự cải thiện của đời sống người dân trong nước. Cách suy xét này không khác chi nhìn một cái cồn cây từ xa, xanh um tươi tốt, nhưng thực tế tới gần là tình trạng cây dại mọc tốt xum xuê, cành trái còi cọc, dây gai chằng chịt và hoa cỏ bị sâu.

Bản tường trình của Liên Hiệp Quốc ra đời vào năm 1989 nói lên sự chênh lệch càng ngày càng rộng lớn trên thế giới và tỉ lệ người nghèo càng ngày càng đông đảo trong một kỷ nguyên được coi như phát triển vẻ vang. Bản tường trình này đã nhấn mạnh rằng phát triển phải đem lại đảm bảo cho những quyền căn bản chứ không phải là một tiến trình tăng trưởng thuần vật chất. Nghèo đói gắn liền với sự bất bình đẳng trong các khả năng căn bản, với sự thiếu vắng các quyền sơ đẳng. Từ đó, quan niệm Phát Triển Nhân Bản chào đời với các mức chuẩn đánh dấu tiến bộ xã hội qua sự thịnh vượng cá nhân, qua hy vọng sẽ sống được bao nhiêu năm và qua trình độ giáo dục của người dân. Sau đó, một số khía cạnh khác được đưa vào phát triển như tình trạng nghèo đói của quốc gia, mức độ bình đẳng phái tính…

“Tôi quan niệm phát triển như 1 tiến trình gia tăng các tự do đích thực mà con người có thể được hưởng. Qua tự do đích thực, tôi muốn nói tất cả những khả năng tối thiểu, như khả năng tránh đói khát, tránh thiếu dinh dưỡng, tránh chết yểu, tránh những bệnh nan-y, cũng như tất cả những tự do mà giáo dục, sự tham gia vào đời sống chính trị, tự do ngôn luận đem tới…” (A. Sen)

Đồng thời, tình trạng ô nhiễm không khí, vấn đề các chất phế thải, khuynh hướng tăng nhiệt của quả địa cầu đã đưa đến mối quan tâm về triển vọng tồn tại của tiến trình phát triển, sự bảo tồn môi sinh.

Năm 1987, “Uỷ Ban Thế Giới về Môi sinh và Phát triển” có phổ biến bản tường trình đòi hỏi rằng phát triển phải có tính cách bền vững (sustainable development, développement durable) thoả mãn nhu cầu của hiện tại nhưng đồng thời, không được phương hại tới các thế hệ sau.

Ngày hôm nay chúng ta thừa hưởng tất cả những khám phá vừa nêu, khiến chúng ta chờ đợi rằng phát triển kinh tế phải là tiến trình đa dạng nhằm đem lại cho con người không những sự thoải mái kinh tế, sự xung mãn tâm linh mà còn phải cải thiện cuộc sống qua việc nâng cao lợi tức, tình trạng sức khoẻ, trình độ giáo dục, văn hoá, tôn trọng môi sinh và bảo đảm quyền lợi của các thế hệ sau, và giúp con người hội nhập tốt đẹp vào xã hội. Trên lý thuyết là thế!

Thế nhưng, tại sao đường vào phát triển lại lắm chông gai ?

Chủ đề của Đại Hội Âu Châu năm nay đã nhấn mạnh trên những nguy cơ trên các mặt tâm linh, kinh tế, môi trường, y tế…khiến phát triển kinh tế mất tính cách toàn diện và bền vững. Bên cạnh những nguy cơ đã được những diễn giả có thẩm quyền trình bày qua những khoá hội thảo của Đại Hội, bài viết này xin nêu ra hai điều kiện để đạt được phát triển toàn diện:

- Thứ nhất, phát triển phải đi đôi với sự bảo toàn chủ quyền quốc gia.
- Thứ nhì, phát triển kinh tế phải phù hợp với văn hoá và hoàn cảnh của dân tộc.
- Trong phần thứ ba, bài viết sẽ phác họa vài phương hướng để phát triển quốc gia đáp ứng được với hai điều kiện này.


I – Phát triển đi đôi với sự bảo toàn của chủ quyền quốc gia

1.1 – Viện trợ quốc tế và các chính sách điều hành vĩ mô

Trong các thâp niên 50-60 hai chữ phát triển thường được áp dụng cho các quốc gia lạc hậu, các định chế chuyên về phát triển kinh tế liên quan tới các quốc gia chậm tiến chào đời như Ngân Hàng Thế Giới, Chương Trình của Liên Hiệp Quốc cho Phát Triển (PNUD,hay UNDP)…

Đến khi phát triển kinh tế bắt đầu được hiểu như tiến trình phức tạp phụ thuộc vào nhiều yếu tố, phẩm cũng như lượng, thì người ta lại khám phá rằng không những rất nhiều quốc gia trên thế giới không biết phát triển là gì, mà ngay tại các quốc gia gọi là tiên tiến, phát triển cũng không có tính cách hoàn hảo, và mẫu đồ phát triển dựa trên công nghiệp bị chỉ trích nặng nề : có nhiều diễn đàn chính thức như Câu Lac Bộ Rome từng nêu thẳng vấn đề “Có nên từ bỏ tăng trưởng hay không “? vào đầu thập niên 70.

Nhìn lại quá khứ, thì chúng ta sẽ thấy rằng Kinh tế Phát Triển là một ngành tương đối mới của Kinh Tế Học, và các định chế quốc tế chuyên về phát triển, đã tỏ ra mềm dẻo, sẵn sàng thay đổi tư duy về phát triển, mỗi khi gặp phải thất bại.

Trong thời kỳ phôi thai của Kinh tế Phát Triển, quan niệm thường được chấp nhận rộng rãi tại các định chế quốc tế mang sứ mệnh giúp đỡ cho các quốc gia Đệ Tam Thế Giới phát triển, là: phát triển đòi hỏi nhiều vốn ngoại quốc và chuyển nhượng kỹ năng, song song với sự bảo vệ một số kỹ nghệ nội địa qua hàng rào quan thuế.

Và ai ai cũng tin tưởng rằng chỉ việc áp dụng công thức này thì tự nhiên trong vòng hai thế hệ, các quốc gia đang mở mang sẽ bắt kịp các quốc gia đã kỹ nghệ hoá. Thế nhưng, các cuộc khủng hoảng trên thế giới đã soi mòn niềm tin này. Từ đó các định chế quốc tế mới nhận thức thêm rằng cần phải có những căn bản vĩ mô lành mạnh như ngân quỹ cân bằng, kiềm chế lạm phát, chính sách tiền tệ thận trọng. Kèm theo các chính sách điều hành cơ cấu này (structural adjustment policy, politique d’ajustement structurel), là việc tư hữu hoá các xí nghiệp quốc doanh, và chấp nhận các qui luật của cạnh tranh tự do, tức là mở rộng thị trường cho hàng hoá nước ngoài.

Những khuyến cáo của Ngân Hàng Thế Giới hay Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế dành cho các quốc gia mở mang dựa trên những tiền đề này. Kể ra thì khi áp dụng tại các quốc gia kia, chính sách điều hành cơ cấu cũng đưa dến một số kết quả khả quan nếu xét trên phương diện thuần tuý kinh tế (nghĩa là qua sự gia tăng của tổng sản lượng). Cái kẹt, là những chính sách tài chánh tốt này lại mang lại nhiều hậu quả xấu cho xã hội, khiến những sự chênh lệch trong xã hội thêm sâu rộng. Bãi bỏ trợ cấp cho nông nghiệp trong nước khiến ngân quỹ quốc gia có nhẹ gánh thật, luật thị trường có tung hoành tự do thật, nhưng giới nông dân của một số quốc gia đang phát triển không cạnh tranh nổi với hàng nhập cảng, bị phá sản, mất ruộng và phải đổ về thành thị để kiếm ăn, gây ra vấn đề xã hội nhức óc. Thêm vào đó, sự giảm thiểu chi phí điều hành quốc gia (bỏ bớt công chức, nhân viên công lực, chi phí quốc phòng…) đã là một trong những lý do khiến các chính quyền mất chủ quyền, các sức mạnh ly tâm tha hồ níu đẩy. [1]

Nói khác đi là tăng trưởng kinh tế theo các công thức tiền định, đã không nhất thiết dẫn tới phát triển, mà trong trường hợp của một số quốc gia, đã cộng hưởng vào các yếu tố hiện hữu đưa đến sự mất mát chủ quyền..

Để tài trợ cho phát triển trong một bối cảnh thiếu hụt vốn nội địa, một quốc gia đang phát triển trông đợi vào viện trợ, đầu tư quốc tế hay những nguồn tiền do kiều bào đang sống tại hải ngoại gửi về.

Muốn nhận viện trợ từ những định chế quốc tế, phải tuân theo một số điều kiện do họ áp đặt, như mở thị trường cho hàng hoá và đầu tư ngoại quốc. Trên lý thuyết, chấp nhận sự cạnh tranh của hàng hoá nhập khẩu là nhằm mục đích nâng cao hiệu năng của kỹ nghệ bản xứ. Cũng như theo lý thuyết, đầu tư ngoại quốc sẽ gia tăng công ăn việc làm.

Bên cạnh những ưu thế kinh tế này, nguy cơ mất chủ quyền chính trị đã được kinh tế gia Bùi Đông Triều phân tích rất rõ ràng [2] trong hai trường hợp, Madagascar và Phi Luật tân. Sau đây là một đoạn liên quan tới Mã Đảo (Madagascar) trích dẫn từ cuốn này :

“…Lần chót tôi trở lại Mã Đảo là năm 1989. Xã Hội Chủ Nghĩa đang biến thể. Dành chỗ cho các cơ cấu thị trường. Nhưng tương lai, tưởng đầy hứa hẹn, vẫn mù mịt.

Các công-ty quốc doanh được bán lại cho tư nhân. Dân bản xứ ít vốn, thành thử chỉ có ngoại kiều mới đủ tư cách mua lại quốc doanh. Một vài Pháp Kiều đã trở về đảo, để thành chủ nhân ông!

Quốc doanh nào không bán được, lại thua lỗ, đều bị đóng cửa. Công nhân, công chức mất việc hàng loạt. Theo đúng lý thuyết, số người bị sa thải đáng lý được thu nhập bởi thành phần kinh tế tư nhân mới lập. Tuy nhiên, trên thực tế, ngành công thương của tư nhân chưa phát triển đúng mức, nên không thu dụng được hết những người bị đào thải : nạn thất nghiệp trở nên trầm trọng. Ra đường, đầy rẫy người ăn xin… …NHTG và QTTQT đã khuyên Mã Đảo đổi hối suất để đẩy mạnh những ngành xuất khẩu. Tuy nhiên, sản phẩm xuất khẩu của Mã Đảo như cà-phê, tiêu, vanille không được giá trên thị trường quốc tế : có đổi hối xuất , tổng số ngoại tệ thu nhập cũng không tăng gia như ý muốn! Mặt khác, khi nhận viện trợ, Mã Đảo đã chấp nhận sự cạnh tranh thương mãi, nên phải mở rộng thị trường quốc nội, cho tự do nhập khẩu các hàng hoá ngoại quốc. Hàng nhập khẩu, những máy móc sản xuất từ Âu Mỹ thì giá càng ngày càng cao, nhất là sau khi đổi hối suất. Mã Đảo lúng túng vì thu ít nhưng lại chi ra nhiều.! Lại cầu khẩn xin thêm viện trợ!…

…Có rõ dã tâm của ngoại nhân, song ngửa tay xin viện trợ chưa chắc đã là điều quấy, nếu biết dùng vốn viện trợ cho đúng cách. Nghĩ cho cùng, điều quan trọng là nên thực tế!”

“…Song chính sách viện trợ – dù song phương hay đa phương- luôn luôn có những điều kiện đính kèm. [3] Chẳng hạn như phải mua thiết bị, dụng cụ của nước viện trợ sản xuất …hoặc phải thuê chuyên viên do cơ quan viện trợ chỉ định. Trừ qua trừ lại số tiền viện trợ thật sự tới tay người nhận cũng bị thuyên giảm rất nhiều…Chính sách viện trợ song phương của nước tiên tiến cũng nhắm củng cố quyền lợi của chính mình trước đã…”

Bùi Đông Triều cho biết rằng từ 1885 tới 1992, tổng số viện trợ thuần (sau khi trừ hết tiền lãi và tiền vốn phải hoàn) châu Phi nhận từ NHTG và Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã ước lượng gần 50 tỷ MK âm, tức là châu Phi đã viện trợ cho hai định chế quốc tế này chứ không phải là ngược lại.

Vào năm 1913, Rosa Luxembourg đã đưa ra thuyết tích luỹ tư bản, biện chứng rằng tư bản để tồn tại cần khai thác các xã hội không tư bản.

Trong thập niên 60, quan điểm này đã được những tác giả Âu Mỹ lấy lại, trong đó có Samir Amin và Arghiri Emmanuel [4] qua chủ đề những trao đổi bất bình đẳng.

P. Jolée [5] nhấn mạnh trên sự việc các trao đổi Bắc – Nam càng ngày càng tệ hại cho Đệ Tam Thế Giới trong hai thập niên 50 và 60. Tính cách bất tương xứng của quan hệ Bắc – Nam đã mang lại sự trù phú cho Bắc bán cầu tư bản qua sự lạc hậu ngày càng gia tăng của Nam bán cầu. [6]

Trong tác phẩm “Công-ty đa quốc và hệ thống viễn thông”, [7] A. Mattelard cho rằng các công-ty đa quốc, dưới sự kiểm soát của Hoa Kỳ, là cột trụ của sự khai thác tư bản trên thế giới. Sự thống trị văn hoá thể hiện qua những đầu tư khổng lồ trong lãnh vực truyền thông, và các sinh hoạt văn hoá đã giúp cho sự phổ biến rộng rãi những mô hình tiêu thụ tư bản.

Ngày hôm nay, hậu bối của những tác giả vừa nêu, là những phong trào chống toàn cầu hoá (như ATTAC [8]…) với những yêu sách rời rạc và những cơ sở lý luận đi từ việc đòi bãi bỏ viện trợ có tính cách chính trị cho châu Phi, bãi bỏ các chính sách điều hành cơ cấu, xoá nợ quốc tế cho các quốc gia đang mở mang, tới việc nông nghiệp hoá châu Phi.


1.2 – Ngân Hàng Phát Triển Á Châu ADB phục vụ ai ?

Các tổ chức phi chính quyền tụ tập tại Chiang Mai năm 2000 đã phê bình rằng những dự án của Ngân Hàng Phát Triển Châu Á (ADB) “thiếu chuẩn bị, quản lý dở, và không thực tế“.

ADB thường bị coi như đất dụng võ của Nhật Bản, và nhất là của các đại công-ty Nhật. Thậm chí có quan sát viên còn tuyên bố rằng : “Thật ra chẳng ai có quyền chất vấn ADB, từ những người cung cấp tiền cho ADB hoạt động, tức người dân đóng thuế tại các quốc gia như Nhật và Úc, cho tới những người được hưởng các dự án tức là người dân địa phương, và các quốc gia được tài trợ “.

Để trả lời câu hỏi “ADB phục vụ ai ? “, chúng ta thử xem các dự án đập thuỷ điện dọc sông Cửu Long. ADB coi thủy điện như thượng sách để mở mang kinh tế tại các quốc gia nằm ở khu vực dưới của sông Cửu Long hoặc các nhánh của Cửu Long, và đã liệt kê ra 50 đập có thể xây cất.

Thật ra thì bên cạnh nguồn năng lượng và lợi nhuận khá mà các đập mang lại, phải kể những hậu quả tai hại trên môi sinh. Thí dụ của dòng Snowy tại Úc cho thấy rằng đập thủy điện có tác dụng làm khối lượng nước giảm đáng kể ở cuối nguồn (chỉ còn lại 1% của lượng nước trước kia), nhiều nơi nước tù hãm và rong rêu nổi lềnh bềnh, lượng muối gia tăng và số cá ít hẳn đi. Khi biết rằng có khoảng 65 triệu người Á Châu sống trong khu vực dưới của sông Cửu Long, họ sống nhờ chài lưới, họ lấy nước uống từ sông, và di chuyển nhờ con sông, chúng ta không khỏi giật mình. Việc xây cất những đập thuỷ điện sẽ làm xáo trộn môi trường sinh sống của họ, mà chưa chắc rằng họ có thể thoả mãn với những cuộc di dân, bắt họ rời bỏ nơi chôn rau cắt rốn, làng, rừng, sông thân thuộc.

Dĩ nhiên ADB đã không hỏi ý kiến của họ khi đưa ra các dự án thuỷ điện kia. Phó chủ tịch ADB là ông Myoung-Ho Shin đã công nhận với 1 số tổ chức phi chính quyền rằng có một số dự án của ADB không làm ai hài lòng cả. Theo các tổ chức này, nhiều dự án xây cất đập tại Thái Lan và Việt Nam của ADB đã là “những tai hoạ cho người dân (địa phương) “. Còn những thành phần được lợi trong dự án này là dân thành phố lớn có thể bỏ tiền mắc điện, các công-ty ngoại quốc được thầu và các giới hữu trách tại các quốc gia nhận tín dụng/viện trợ nhờ hối lộ.

Chúng ta hãy thử xem xét thí dụ thứ nhì, là dự án Đại Học Quốc Tế tại Tân Phong (thành phố HCM) được ADB chấp nhận ngày 26 tháng 4, 2001. Số tiền ADB sẽ cho mượn là 7,5 Triệu MK. Đại Học này được Royal Melbourne Institute of Technology (RMIT) nhận đảm bảo về mặt phẩm chất, và sẽ đào tạo kỹ sư bách khoa, sẽ dạy về kỹ thuật tin học và quản trị xí nghiệp. Đại học này sẽ có khả năng thu nhận 4000 sinh viên. Một cư xá với tất cả những tiện nghi cần thiết dành cho sinh viên và giáo sư sẽ được xây cất, tổng cộng tất cả là 65 Triệu MK. Ngoài ADB, sẽ có thêm sự đóng góp của IFC (thuộc Ngân Hàng Thế Giới) và RMIT.

Dường như học phí sẽ khoảng 3600-4800 MK mỗi năm. Khi biết rằng lợi tức bình quân đầu người của VN khoảng 400 MK [9] mỗi năm và 80% dân số sống tại các nông thôn, khi nghĩ rằng chỉ có khoảng 4 người trên 10 bước vào trung học thì sẽ hiểu ngay ai là đối tượng của dự án này. Tại một nước chỉ có 0,34 bác sĩ cho 1000 người, cho mỗi 1000 trẻ sơ sinh sống sót thì có 42 bị chết, trên 10 trẻ em dưới 5 tuổi thì có gần 4 em thiếu dinh dưỡng, hẳn là không thiếu gì dự án khác có tác dụng nâng cao mức sống của đa số người dân! Cho dù trong năm 2000, ADB cũng đã tài trợ cho một số dự án, liên quan tới y tế nông thôn, tín dụng nông thôn, đa dạng hoá nông nghiệp, lọc nước… có tính cách xã hội và tác dụng trên công cuộc chống đói giảm nghèo.

Nói chung là các định chế quốc tế đến giờ này mới nhận thức rằng từ xưa tới nay, họ tự cho mình sứ mệnh phác họa sách lược phát triển, mà quên bẵng rằng tác nhân chính là quốc gia nhận viện trợ cần đóng vai trò chủ động, và nhất là người dân trong quốc gia này, qua các đại diện tiêu biểu (xí nghiệp, dân biểu, tổ chức nghề nghiệp, nghiệp đoàn, tổ chức phi chính quyền, đại diện tôn giáo…), tức “xã hội dân sự ” phải được tham khảo ý kiến và trực tiếp tham gia vào việc bàn thảo chính sách phát triển quốc gia.

Hãy nghe một giải Nobel Kinh Tế phát biểu về Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế :

“…Tâm thức thực dân – tức là sự tin tưởng rằng mình biết rõ hơn các nước đang mở mang điều gì tốt nhất cho họ – vẫn tồn tại…. … Sự thay đổi trong nhiệm vụ được giao phó và mục tiêu, mặc dù có diễn tiến kín đáo, nhưng không được khéo léo : Chuyển từ việc phục vụ quyền lợi kinh tế chung sang việc phục vu quyền lợi của tài phiệt quốc tế… “. (J. Stiglitz) [10]

1.3 – Đầu tư ngoại quốc và các công ty đa quốc

Là công cụ toàn cầu hoá hữu hiệu, các công ty đa quốc bành trướng mạnh trên mặt nhân sự cũng như trên mặt phạm vi hoạt động (địa dư, khu vực kinh tế).

“…Trên 100 thực thể kinh tế trên thế giới, non phân nửa là những quốc gia. Phần còn lại là những công ty đa-quốc. Nhờ những đầu tư quốc tế và quyền lực tài chánh phi thường, họ áp chế các quốc gia thuộc Nam bán cầu, ảnh hưởng trên các quyết định của các định chế quốc tế, và ảnh hưởng vào vận mệnh kinh tế và xã hội của các quốc gia qua các chính sách tái phối trí của họ…” [11]

Họ đã và đang tiếp tục kiểm soát trọn vẹn nhiều khu vực cổ truyền (hoá học chuyên về nông nghiệp, dược phẩm, gỗ, lọc và cung cấp nước…) cũng như tân kỳ (tin học, viễn thông…) của kinh tế thế giới. Những công ty đa quốc ảnh hưởng trên phương hướng của các công cuộc nghiên cứu khoa học, chi phối các chính sách nội địa cũng như luật lệ tại các quốc gia. Những hội nhập công ty đã xảy ra do nhu cầu thực hiện những đơn vị sản xuất với kích thước càng ngày càng vĩ đại, nhằm gia tăng sản xuất hàng loạt. Cuộc chạy đua theo lợi nhuận, mà mức độ được ấn định bởi một cổ đông, đưa tới sự trải rộng và phân phối các thao tác trong tiến trình sản xuất hàng hoá trên nhiều quốc gia. Sách lược bành trướng của các công ty đa quốc được ban quản đốc nằm dưới sự kiểm soát của cổ đông, ấn định trong khuôn khổ của kinh tế thế giới. Do đó, và do sự việc quyền lực tối cao nằm trong tay những người nắm cổ phiếu, các công ty đa quốc có thể có những quyết định đầu tư hoặc giải tư không trực tiếp liên quan tới tình hình kinh tế tại một địa phương. Để đảm bảo sản xuất, đương nhiên họ cần kiểm soát các nguồn cung cấp nguyên liệu, tức các quốc gia nhược tiểu sản xuất, qua nhiều phương cách, có thể đi từ áp lực, lũng đoạn tới hối lộ.

Trong đoạn này, chúng ta vừa thấy rằng đầu tư và viện trợ quốc tế, là những phương tiện tối cần thiết để giúp một quốc gia đang mở mang cất cánh, thực chất là con dao hai lưỡi, cần được sử dụng một cách tinh tế và khôn khéo.

“…Con đường Cái Quan của Đệ Tam Thế Giới đã trở thành con đường mòn khúc khuỷu của thế thăng bằng bấp bênh giữa sự thịnh vượng trong vòng lệ thuộc, và nền độc lập trong cảnh túng quẩn…” (B. Đ. Triều)


II – Phát triển phù hợp với văn hoá dân tộc

Phần trên vừa cho thấy không có một công thức chung cho tất cả quốc gia. Thêm vào đó, không có những giải pháp cấp tốc, lấy từ kinh nghiệm của các nước Tân Gia Ba, Đại Hàn, hay Nhật Bản…có thể đem thẳng ra áp dụng ngay vào cho Việt Nam. Bỏ sang bên những yếu tố thế giới thay đổi tùy giai đoạn, mỗi quốc gia có văn hoá đặc thù, và giữa văn hoá và phát triển có những liên hệ mật thiết : phát triển thành công là nhờ biết đặt nền tảng trên văn hoá dân tộc, khai dụng được những ưu điểm của dân tộc và theo sát tâm thức của một dân tộc. Mà mỗi dân tộc lại có những giá trị riêng biệt.

Liên hệ giữa văn hoá và phát triển kinh tế

Trước khi luận bàn dến văn hoá dân tộc, hãy thử nhìn những nét nổi bật của người Á Đông là gì ?

Các xã hội chịu ảnh hưởng của nền văn hoá Khổng Mạnh thường được công nhận đào tạo những người hiếu học. Nhưng cũng do lối học từ chương và khuôn thước cho nên họ thiếu sáng tạo. Cách đây vài năm, vào thời toàn thịnh của các công-ty điện toán viễn thông, lúc quả bong bóng tài chánh đang nở phình, báo Far Eastern Economic Review có thuật lại cố gắng của nền giáo dục Tân Gia Ba để đào tạo những Bill Gates tương lai, những người không những chấp hành giỏi, mà còn có khả năng sáng tạo. Do tính tỉ mỉ kiên nhẫn, người Á đông không những bắt chước giỏi mà có khi còn thành công trong việc cải thiện phẩm chất hoặc chi phí.

“Những giá trị Á đông” hư thực ra sao ?

Từ sau sự thành công của Nhật Bản, mối liên hệ giữa Khổng giáo và phát triển kinh tế đã gây nhiều thắc mắc. Vào năm 1990, sau cuộc thăm dò 72 doanh gia thuộc nhiều quốc gia ( Hồng Kông, Đài Loan, Nam Dương, Phi Luật Tân, Mã Lai và Thái Lan), ông S. Gordon ReĐing, giáo sư tại đại học Hồng Kông, đã kết luận rằng có liên hệ giữa đầu óc kinh doanh, Nho giáo và luân lý. Ông cho rằng “vănhoá kinh tế”tác động trên phát triển kinh tế và trên tiến bộ kỹ thuật, qua các giá trị xã hội.

Những giá trị Á đông” là thuyết do các ông Lý Quang Diệu, Goh Chok Tong (Tân Gia Ba) và Mahathir Mohamad đề xướng để giải thích sự thành công kinh tế của các quốc gia Á Châu trước cơn khủng hoảng tiền tệ 1997-1998. Qua thuyết này, họ muốn biện minh rằng chế độ độc tài đè nén một số tự do chính trị là điều kiện cần thiết để đạt được các thành quả kinh tế. Thuyết này dựa trên tinh thần Nho giáo: cá nhân phải biết quên mình để phục vụ xã hội và quốc gia. Việc đề cao xã hội theo khuôn khổ Khổng Mạnh đi đôi với việc họ chỉ trích sự suy đồi của dân chủ theo kiểu Âu Mỹ.

Trong tác phẩm ” Phát triển là tự do“ [12], ông Amartya Sen, giải Nobel Kinh Tế, có đả phá quan niệm “những giá trị Á Đông” sau khi nghiên cứu sử và tư tưởng tôn giáo Á Châu. Nói chung, A. Sen quan niệm rằng các quyền tự do xã hội và chính trị hỗ trợ cho phát triển kinh tế, những người bần cùng nhất cũng như những người giàu có đều quan tâm tới tự do ngôn luận và bầu cử dân chủ, do đó dân quyền cần được coi như mục tiêu của phát triển.

“…Sự phát triển của Đông Á mang nhiều cá tính, chẳng hạn như vai trò quan trọng hơn của giáo dục và huấn nghiệp, và những tương quan tốt đẹp hơn – hợp tác hơn – giữa thị trường và chính quyền. Nhưng đó không phải là những khiá cạnh đặc thù của “những giá trị Á Đông”, hoặc những gương sáng mà các quốc gia khác khó noi theo. (A. Sen)

Nói chung, có những nét văn hoá Á Đông thuận lợi cho phát triển như tinh thần phục vụ đặt công ích trên quyền lợi cá nhân, sự hiếu học, tính cần cù, tính tiết kiệm.

Sau đây là cái nhìn của một chuyên gia châu Phi, ông J-B. Onana [13] về các nét văn hoá đặc thù của châu Á. Một đàng ông ta xác định rằng không nhận thấy sự đồng thuận rõ ràng trên vai trò của các yếu tố văn hoá trên các thái độ kinh tế của một cá nhân hay tập thể. Tuy nhiên, theo ông có liên hệ giữa trình độ phát triển và văn hoá của một dân tộc.

Sau đây là vài nguyên tắc căn bản của châu Á mà châu Phi có thể áp dụng trên con đường phát triển, dựa trên thí dụ của 8 quốc gia tân hưng của châu Á:
- những cơ chế chính trị ổn định có hiệu năng,
- công quyền hữu hiệu
- đoàn kết dân tộc và liên kết xã hội
- kế hoạch hoá sinh sản
- tinh thần dân chủ

Chính sách phát triển muốn thành công cần khai dụng các nét văn hoá Á Đông và của riêng dân tộc Việt Nam. Trong tác phẩm ” Văn Minh Việt Nam“, ông Lê Văn Siêu có đưa ra những nét văn hoá đặc thù của Việt Nam:

- tinh thần tự lập tự cường được hun đúc qua nhiều thế kỷ đã giúp một nước nhược tiểu tồn tại bên cạnh một láng diềng lớn mạnh như Trung Hoa.
- tinh thần tam giáo đồng nguyên thể hiện qua nhân sinh quan lưu ấm, quan niệm về sự lưu truyền của Phúc Đức (Đời cha ăn mặn thì đời con khát nước ; Người trông cây hạnh người chơi, Ta trồng cây đức để đời mai sau.)
- nhận thức quan bén nhậy: câu Khôn cũng chết, dại cũng chết, biết thì sống của cụ Trạng Trình nói lên nhận thức tương quan lực lượng giữa mình và người, biết tâm lý của mình và người, biết dằn lòng để chờ cơ hội thuận tiện để thực hiện ý định, biết thích ứng với hoàn cảnh.

Từ đó, ông Lê Văn Siêu nêu ra một số tính chất đặc biệt của người Việt Nam:
- tính đa nghi (Biết người, biết mặt, biết lòng làm sao)
- sự liên đới trong đại gia đình (Lá lành đùm lá rách)
- sự mềm dẻo (Lạt mềm buộc chặt hơn mây)
- sự nhũn nhặn (Ai nhất thì tôi thứ nhì, Ai mà hơn nữa tôi thì thứ ba)
- tính xuề xoà không hạch sách tiện nghi của cuộc sống vật chất.

Ta hãy xem bản chất người VN được nhận xét ra sao, 40 năm sau qua đoạn sau trích dẫn từ bài thuyết trình “Vấn đề văn hoá gốc nguồn Việt Nam” của bác sĩ Trần Xuân Ninh [14]:

“…Mở ngoặc ở đây là từ khi tiếp xúc với Tây phương, người VN trong thế kỷ 20 thường được mô tả với nhiều đặc tính sinh hoạt xấu cũng như tốt. Tốt thì là “cần cù”, “hiếu khách”, “hiếu học”…Xấu thì là “trong mỗi người là một ông quan”, là “chia rẽ”, là “hay đánh bạc”…Tuỳ theo lập trường tích cực hay tiêu cực mà mỗi người đã thấy người Việt Nam đáng khen hay đáng chê…”

“…Theo tôi bản chất truyền thống – tức là văn hoá gốc nguồn Việt Nam – là yếu tố đã khiến dân tộc ta cả ngàn năm bị đô hộ bởi người Tầu mà không bị đồng hoá, đã khiến mọi thế lực bên ngoài từ xưa tới nay đều sa lầy tại Việt Nam. Cái bản chất Việt Nam này đã trở thành tàng thức trong mỗi người Việt, được hun đúc qua mấy ngàn năm lịch sử đấu tranh… “ (T. X. Ninh)

Theo thiển ý, còn hai nét đặc thù nữa chưa được nêu ra, thứ nhất là tinh thần bình đẳng của người Việt Nam, thời xưa tinh thần này thể hiện qua sự việc quan và quân nhà Trần nằm ngủ cùng nơi không phân biệt cấp bậc, qua việc xây cất những đền đài không đòi hỏi quá nhiều công sức lao động như bên Trung Hoa hay Cam Bốt. Hãy so sánh lăng các vua chúa Việt Nam với các đền đài tại Đế Thiên Đế Thích, hay Vạn Lý Trường Thành. Thứ nhì, cũng nằm trong tinh thần bình đẳng này, là những chênh lệch giới tính tuy có nhưng bớt gắt gao khắc nghiệt so với các quốc gia khác cùng trình độ phát triển tại Á hay Phi. Có lẽ sự việc nam nữ không đến nỗi chênh lệch về quyền hạn trong gia đình này là truyền thống lao động của phụ nữ Viêt Nam, dưạ trên sự phân chia tự nhiên và biết điều về chức năng chồng vợ / cha mẹ / con cái.

Quanh năm buôn bán ở non sông,
Nuôi đủ năm con với một chồng
Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo xèo mặt nước buổi đò đông.

(Tú Xương)

Phải chăng vì trong một quốc gia hay chiến chinh, người đàn ông lao vào vòng binh đao, phụ nữ phải lo toan gánh vác việc cơm áo?

Bên cạnh hình ảnh khá lý tưởng này về những đức tính của dân tộc thì chúng ta cũng không nên quên sự tha hoá của xã hội và sự suy đồi của dân phong, dân khí sau những thập niên vừa qua, mà những truyện ngắn của những nhà văn trong nước gợi lên. Người xưa thường nói rằng “Cái khó nó bó cái khôn“, và tình trạng khốn khó nhất là ở các chốn thôn dã đã đưa tới những vấn nạn xã hội với những nhân vật như cô gái quê đi làm mướn của “Bến Ô-Xin“, hay hai đứa bé con của chị Ngọc [15] suýt giết nhau vì tranh dành vài miếng khoai.

Cũng như các chênh lệch giới tính có khuynh hướng gia tăng trong những năm gần đây. [16]

Nhà văn Phạm Thị Hoài có cái nhìn khá khắt khe về trí thức VN mà bà ta cho là “nghiện chính thống” :

“…Chúng ta buộc lòng phải đi đến một kết luận là khi tự đồng nhất mình ở mức độ cao như vậy với giai cấp thống trị, bất kể là giai cấo nào, thì cái bộ phận ưu tú nhất của dân tộc VN là trí thức VN mặc nhiên phải đánh mất cái thôi thúc cải thiện, thay đổi và cải cách xã hội…”

“…Một mặt thì chưa học đến nơi đã sốt sắng sáng tạo, để rồi toàn đi đến những kết quả nửa vời như vậy. Mặt khác, khi chỉ còn một mình với cái đống sáng tạo dở dang không dùng được thì người trí thức VN mới lại thành một học trò ngoan, thậm chí rất ngoan. Ngoan tới mức độ thành một kẻ nô-lệ thành bảo hoàng hơn vua. Thậm chí Khổng Tử hơn cả Khổng Tử, ga-lăng hơn cả người Pháp, mác-xít hơn cả cha đẻ của mác-xít…”

Khi tổng hợp tất cả các cá tính vừa kể như tinh thần liên đới, đầu óc bình đẳng, tính bất khuất, tính không màng tiện nghi vật chất… thì chúng ta cũng hiểu rằng chính sách phát triển cho phép phát huy và khai dụng những cá tính này khó có thể thích hợp với người dân Lào, Haiti hay Zimbabwe.

Chúng ta nên tự hỏi xem khát khao của đại khối dân tộc có phải là nai lưng ngày đêm làm việc để trả góp những tiện nghi vật chất như chiếc xe “đời mới” bóng loáng, nhà lầu cao nghệu ở không hết, tủ lạnh đầy ắp những món làm sẵn đã được gạn bớt mỡ và đường ?

Người dân Việt Nam có mong mỏi một chính sách phát triển nhắm tới tỉ lệ tăng trưởng của tổng sản lượng quốc dân cao, qua sự bỏ bê của khu vực nông nghiệp và sự khốn khó của nông dân tức hơn một nửa dân số Việt Nam ? Họ có thoả mãn với những chênh lệch càng ngày càng gia tăng giữa thành thị và thôn quê chăng ?

Đâu là cứu cánh phù hợp nhất với tâm thức dân tộc Việt Nam ?

Phát triển quốc gia phải chăng là tiến trình gạn lọc chứ không đồng nghĩa với “nghinh tân tống cựu” một cách mù quáng, hoặc nhắm mắt du nhập những mẫu đồ xã hội, kinh tế từ các quốc gia tiên tiến Âu Mỹ, cho dù những mẫu đồ này có thành công thực sự tại những xã hội kia ?


III – Vài đề nghị

Dựa trên những kết luận của các phần trước, phát triển phải hướng về người dân VN, cho người dân Việt Nam và vì người dân Việt Nam, do đó phải đi đôi với:

(1) Sự bảo toàn chủ quyền quốc gia

(2) Sự tôn trọng những nét đặc thù của văn hoá dân tộc

(3) Sự tăng cường dân chủ và các hình thức tham gia của người dân vào trong các quyết định liên quan tới vận mệnh đất nước trên bình diện quốc gia và tới việc quản lý làng xã, tỉnh lỵ trên bình diện địa phương.

Những tiến bộ về dân chủ sẽ được đo lường qua sự tôn trọng của nhân quyền và dân quyền, tỉ số phụ nữ tham gia vào trong guồng máy công quyền (chính phủ, cơ quan hành chánh cấp quốc gia và địa phương, Quốc Hội, Thượng Viện).

(4) Sự tăng cường bình đẳng nói chung, và binh đẳng trên phương diện kinh tế nói riêng qua sự giảm thiểu chênh lệch giữa những tầng lớp nghèo và giàu nhất trong xã hội, giữa các miền trong nước, giữa các sắc tộc. Số người nằm dưới lằn ranh của nghèo đói phải được giảm thiểu tối đa. Vì cơ hội kinh tế được tạo cho tất cả, quyền lao động được tôn trọng, nên ai ai cũng sẽ có quyền kinh doanh.

Phải có chính sách hiệu quả tái phân phối lợi tức để chia sẻ thành quả của phát triển cho mọi thành phần dân tộc. Trong mọi cuộc chuyển hoá kinh tế, đặc biệt nông dân là thành phần có nhiều trì lực nhất cho nên chính quyền phải có những chính sách hiệu quả để không hy sinh thành phần này trong tiến trình công nghiệp hay biến họ thành gánh nặng trợ cấp trong lâu dài.

(5) Sự tôn vinh của nhân phẩm và sự tăng cường phúc lợi cho người dân, qua chú trọng đặc biệt tới hai lãnh vực y tế và giáo dục.

Về mặt y tế công cộng, loại trừ nạn đói trên toàn quốc, gia tăng số người được mắc nối vào hệ thống cung cấp nước, gia tăng số người được hưởng các điều kiện vệ sinh tươm tất, giảm tỉ lệ tử vong sơ sinh, giảm tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi thiếu dinh dưỡng, cải thiện điều kiện theo dõi và săn sóc phụ nữ lúc mang thai và sinh nở thuộc những mục tiêu phải đạt.

Về mặt giáo dục, giảm thiểu nạn mù chữ nhất là cho nữ giới, tạo điều kiện để gia tăng tỉ lệ theo học ít nhất tới Trung Học đệ nhất cấp cho nam và nữ sinh, tạo điều kiện cho các em nhỏ, nhất là các bé gái, ở tại những làng mạc hẻo lánh được cắp sách tới trường.

Chúng ta chủ trương:

(6) Phát triển đa cực thay vì chỉ chú trọng tới lưỡng cực là châu thổ sông Hồng và tam giác Sàigòn-Vũng Tàu-Bà Rịa.

Trong chiều hướng này, hạ tầng cơ sở (đường xá, năng lượng, cung cấp nước, điều kiện vệ sinh, phương tiện viễn thông) sẽ được quan tâm đặc biệt vì là phương tiện để tránh cho những vùng hẻo lánh khỏi bị cô lập và được chia sẻ những kết quả của phát triển toàn quốc.

Ưu tiên sẽ dành cho các hệ thống chuyên chở công cộng như tàu điện, xe buýt tại các thành phố và vùng ngoại ô lân cận, xe lửa nối liền các miền và các tỉnh, phà, ghe trên các sông ngòi, xe đò tại nông thôn.

(7) Phát triển cân bằng giữa các khu vực kinh tế công và nông nghiệp, nhằm mục đích giảm thiểu tối đa mức độ nghèo đói nơi nông thôn.

Nông nghiệp sẽ chủ yếu nuôi dân và đáp ứng những nhu cầu nội địa. Dựa trên kinh nghiệm của những thăng trầm mà các quốc gia nhược tiểu Á Phi từng gánh chịu khi sự thịnh vượng của họ lệ thuộc vào sự buôn bán của một hoặc số ít nguyên liệu, nông phẩm, và trên khuynh hướng trường kỳ sụt giá của nông phẩm, chúng ta không chủ trương biến VN thành quốc gia sản xuất nông phẩm cho ASEAN hoặc cho thế giới.

Công nghiệp sẽ bao gồm hai khiá cạnh:

- Bảo Tồn: liên tục nâng cấp công nghiệp và tăng cường giá trị thặng dư các sản phẩm kỹ nghệ: công nghiệp sẽ theo lộ trình quen thuộc công nghiệp hoá của các quốc gia châu Á, dùng bàn đạp là các kỹ nghệ sử dụng ít vốn, dựa trên nhân lực rẻ và dồi dào, hay nguyên liệu, và tiến dần lên các kỹ nghệ khúc mắc hơn, đòi hỏi nhân công nhiều tay nghề và nhiều vốn hơn. Các ngành công nghiệp chứng tỏ ưu thế của VN trên thị trường quốc tế như giày dép may mặc, đồ điện tử và gia dụng sẽ được phát triển. Cũng như các ngành liên hệ tới dầu hoả. Sự hội nhập theo chiều dọc trong tiến trình sản xuất sẽ được gia tăng,

- Tân Trang: song song với nền công nghiệp có tính cách bảo toàn này, thực hiện những bước nhảy vọt qua việc phát triển kinh tế trí tuệ. Việc xây cất một thành phố trí tuệ theo mẫu đồ của Silicon Valley (Hoa Kỳ), Bangalore (Ấn Độ) hay Cyberjaya (Mã Lai), được trang bị đầy đủ hạ tầng cơ sở và hệ thống vận chuyển thông tin âm thanh, sẽ là phương tiện tiếp cư những ngành cung cấp nhu liệu, vật dụng điện tử cho kỹ nghệ thế giới.

(8) Tự do sở hữu phải được luật pháp tuyệt đối tôn trọng. Chúng ta chủ trương một nền kinh tế thị trường trong đó chính quyền sẽ can thiệp trong những lãnh vực có lợi ích chung (public goods) như môi sinh, luật lệ để đảm bảo môi trường sinh hoạt lành mạnh. Do đó, các doanh nghiệp quốc doanh sẽ tùy trường hợp, được tư hữu hoá hoặc giải thể, ngoại trừ một số doanh nghiệp nằm trong các lãnh vực nhậy cảm liên hệ tới an ninh quốc phòng. Chính quyền sẽ giới hạn tối đa các can thiệp vào sinh hoạt kinh tế. Chính quyền sẽ giữ vai trò xây dựng khả năng của nền kinh tế và có nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội.

(9) Sự hội nhập vào nền kinh tế thế giới trên căn bản sòng phẳng và tăng cường ưu thế tự nhiên:

- Sòng phẳng có nghĩa rằng chúng ta sẽ phải cố gắng điều chỉnh lại chính sách thuế khoá để bảo vệ các kỹ nghệ trong thời kỳ phôi thai hoặc có tầm quan trọng chính yếu. Những công ty đa quốc, khí cụ chính của toàn cầu hoá, là hiện tượng đã có từ nhiều thập niên, và sẽ càng ngày càng thêm phần quan trọng, gây tới những tương quan quyền lực kinh tế bất cân trên thế giới. VN như các quốc gia nhược tiểu khác, một mặt sẽ không thể phát triển nếu đứng ngoài lề kinh tế thế giới, nhưng mặt khác, sẽ khó chống đỡ với sự chi phối của các công ty đa quốc kia.

- Tăng cường ưu thế tự nhiên có nghiã rằng dựa trên những hàng hoá mà người dân VN có ưu thế để sản xuất, và tích cực tìm kiếm những khe hở trên thị trường quốc tế.

Do đó, Việt Nam phải có một thành phần lãnh đạo sáng suốt, có cái nhìn viễn kiến và sáng tạo, có đủ kiến thức và thực quyền để thương lượng với các quốc gia khác hay các tập đoàn ngoại quốc. Thực quyền này không thể xuất phát từ những hỗ trợ từ bên ngoài, khiến cấp lãnh đạo khó tránh bị chi phối và lũng đoạn vì những quyền lực chính trị hay tài phiệt ngoại quốc. Thực quyền là ở khả năng vận dụng sức mạnh toàn dân cả trong lẫn ngoài nước. Trong tiến trình phát triển đất nước, sự đóng góp của hải ngoại nói chung và các thành phần chuyên gia nói riêng không thể thiếu. Nhờ kinh nghiệm sống và lăn lộn trên thương trường quốc tế, nơi công quyền của những quốc gia tiếp cư, trong các phòng thí nghiệm… mà không thể nào người trong nước có thể có. Chính sự hiểu biết này cho phép dân VN tránh được những cạm bẫy do tương quan quyền lực bất cân xứng trên thương trường quốc tế có thể mang lại.

Kết luận

Ngày hôm nay, mục tiêu phát triển được hầu hết các định chế quốc tế chấp nhận là đẩy lui nghèo đói (lutte contre la pauvreté, poverty alleviation), và giúp đỡ những người nghèo vươn lên để bù đắp những bất bình đẳng căn bản (thiếu ăn, thiếu học, thiếu phương tiện chữa chạy và thuốc men, thiếu vệ sinh, thiếu nước).

Do đó, từ mấy năm nay, chúng ta thường hay thấy giới cầm quyền tại VN nhắc đi nhắc lại mấy chữ “xoá đói giảm nghèo“, rồi lại thấy xuất hiện những điều tra định kỳ (trước đây vào năm 92-93, gần nhất là năm 97-98) để đo lường tình trạng nghèo đói tại VN. Người nào không, hoặc ít theo dõi tình hình tại VN thì ngỡ rằng chính quyền tự dưng thương dân, lo lắng đến điều kiện sinh sống của người dân, nhất là khi thấy tỉ số người nghèo có giảm tại các nông thôn VN giữa hai cuộc điều tra thực hiện vào các 92-93 và 97-98. Trong thực tế, cảnh nghèo có thuyên giảm không phải là nhờ ưu tư của chính quyền Hà Nội, mà vì đẩy lui nghèo khó là một trong những mục tiêu được Ngân Hàng Thế Giới đề ra trong thập niên vừa qua khi tài trợ cho những dự án trong các quốc gia đang mở mang, và thuộc các phương cách được định chế này sử dụng để đo lường hiệu năng của các dự án tài trợ. Quan điểm này cũng được chia xẻ tại đa số các định chế quốc tế khác cho VN vay nợ, và điều này cũng chứng tỏ một cách hùng hồn rằng tham vọng của họ đã thu hẹp khi đối chiếu với sứ mệnh họ tự cho ngày trước.

Thì ra phát triển kinh tế đã không phải là việc đơn giản, mà phát triển toàn diện và bền vững lại càng không đơn giản. Nhiều khối óc phi thường, và rất nhiều công sức, nhiều giấy mực đã được tiêu pha cho công việc này, mà mấy ai, tập đoàn, tổ chức hay cá nhân cho dù có tầm vóc, dám khẳng định là mình nắm được chân lý ? Nhất là mở miệng ra thì sẽ bị lập luận mâu thuẫn phản bác ngay: Trước một Lý Quang Diệu vừa đề cập tới những giá trị Á Đông sẽ có một Amartya Sen bác bỏ ngay : hãy đừng quên rằng kinh tế là một khoa học nhân văn, lệ thuộc vào điều kiện thiên-địa-nhân để thành công. Mà ngược lại, trước một hiện tượng như Phi Châu vùng dưới sa mạc Sahara, “đi thụt lùi vào tương lai “, với tuổi thọ tại nhiều nước trong vùng giờ đây chỉ xấp xỉ bốn mươi, với sản lượng đầu người giảm sút từ năm này qua năm khác, với sự tham gia của cả châu Phi vào trong thương mãi toàn cầu càng ngày càng yếu kém, các tấm lòng ưu tư thực sự đến phát triển đâm ra hoang mang và trở thành khiêm tốn.

Cái gì mà một cá nhân, một tổ chức hay một đoàn thể cho dù nổi trội xuất sắc đến đâu khó thực hiện, tôi tin rằng đại khối dân tộc, những người Việt Nam trong nước sát cánh cùng những người Việt Nam hải ngoại, trong tinh thần Diên Hồng, dựa trên tiềm năng của chính mình và trên sự liên kết dân tộc, có thể thực hiện nổi, và Việt Nam chắc chắn sẽ trở thành một trong những quốc gia tiến bộ tại vùng Đông Nam Á nói riêng và trong vùng Á Châu nói chung.

Vũ Mộng Lan

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Thông báo (trái) của cơ quan an ninh điều tra Hà Nội bắt tạm giam bà Nguyễn Thúy Hạnh (phải) và áp giải bà từ nơi điều trị ung thư trở lại Trại tạm giam số 2. Ảnh: Sài Gòn Nhỏ

Tiếp tục giam bà Nguyễn Thúy Hạnh, Hà Nội muốn nói điều gì?

Hà Nội đã im lặng hành động, thay cho một tuyên bố sắc lạnh, rằng các tổ chức xã hội dân sự và các cá nhân liên kết với nhau sẽ không có giá trị gì với bộ máy đàn áp đang có quá nhiều lợi thế. Trước sự sững sờ của mọi người, ngày 22/3, công an đã tới viện pháp y tâm thần để đưa quyết định kéo dài thời gian tạm giam thêm đối với bà Nguyễn Thúy Hạnh, và áp giải bà từ nơi điều trị ung thư trở lại Trại tạm giam số 2.

Tổng Bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng, tuổi cao, sức yếu, và bị coi là ngày càng mất dần quyền lực. Ảnh minh họa: Hoang Dinh Nam/ AFP via Getty Images

Vì sao chính trường CSVN rối ren?

Trong bối cảnh ông Trọng tuổi cao, sức yếu, và quyền lực suy giảm đáng kể, chiến dịch chống tham nhũng có thể bị suy giảm. Có ý kiến cho rằng “chiến dịch chống tham nhũng đang dần thoát khỏi tầm kiểm soát của ông Trọng và hiện giờ, chiến dịch chống tham nhũng được điều hành trực tiếp từ ông Tô Lâm, bộ trưởng Bộ Công An,” là điều đã được cảnh báo trước.

Ảnh minh họa: FB Nguyễn Tuấn

Bạn bè trên cõi mạng

Về nhà tôi nghĩ hoài về hiện tượng fb. Rất nhiều bạn tôi chưa bao giờ gặp ngoài đời, mà chỉ qua fb. Cũng chẳng sao. Tình bạn không phải chỉ là tiếp xúc hay tay bắt mặt mừng, mà có thể là tiếp xúc bằng trái tim và tâm hồn. Vậy là hạnh phúc rồi.