Phiên giám đốc thẩm Hồ Duy Hải: Bài toán không lời giải hay công lý được thực thi?

RFA

Các bằng chứng từ cơ quan chức năng liên quan vụ án tử tù Hồ Duy Hải. Ảnh: RFA edited

Luật sư bảo vệ bị án tham dự phiên tòa chỉ 20 phút

Trong ngày 7/5, Liên đoàn Luật sư Việt Nam gửi văn bản số 127 kiến nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xem xét yêu cầu của Luật sư Trần Hồng Phong đề nghị được tham gia đầy đủ phiên tòa giám đốc thẩm xét xử vụ án Hồ Duy Hải.

Trước đó vào ngày khai mạc phiên tòa giám đốc thẩm vụ án tử tù Hồ Duy Hải, hôm 6/5, Chủ tọa – Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã mời Luật sư Trần Hồng Phong rời khỏi phiên tòa sau khi ông có mặt khoảng tầm 20 phút đồng hồ. Lý do được nêu ra: phần sau của phiên tòa là phần xét xử mang tính nội bộ, không cần có luật sư.

Luật sư Phạm Công Út, một luật sư theo dõi sát sao vụ án tử tù Hồ Duy Hải lên tiếng với RFA rằng theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, có hiệu lực từ ngày 1/7/2017 thì Hội đồng xét xử, Chủ tọa phiên tòa cấp giám đốc thẩm có quyền triệu tập người bị kết án, những người tham gia tố tụng hoặc những người có liên quan đến bản án được yêu cầu giám đốc thẩm.

Luật sư Phạm Công Út nhấn mạnh rằng quy định này được hiểu là Hội đồng xét xử và Chủ tọa có quyền chứ không có trách nhiệm hoặc có nghĩa vụ. Và, căn cứ theo luật thì Luật sư Trần Hồng Phong nhận giấy mời tham dự 3 ngày, không phải là giấy triệu tập. Do đó, Luật sư Phạm Công Út khẳng định Hội đồng xét xử và Chủ tọa có quyền quyết định về thời gian có mặt của Luật sư Trần Hồng Phong tại phiên tòa giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải.

Trong khi đó, qua trò chuyện với Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, sau khi bị mời khỏi phiên tòa giám đốc thẩm hôm 6/5, Luật sư Trần Hồng Phong chia sẻ:

Không loại trừ khả năng là tôi có quyền tranh luận theo quy định tại Bộ luật Tố tụng Hình sự. Như tôi đã nói do tôi không được tham dự tiếp theo cho nên tôi đã không có cơ hội để tranh luận. Tôi cũng nói luôn rằng thật ra phiên tòa này và ngay việc luật sư tham gia này là theo Bộ luật Tố tụng Hình sự mới. Trên thực tế gần như luật sư cũng chưa tham gia cho nên chắc chắn vẫn có những điểm chưa hoàn thiện, khiếm khuyết nhưng phiên tòa này chủ yếu xét nội dung khám nghiệm của Viện Kiểm sát, còn tranh luận cũng là phụ thôi. Hội đồng xem theo tài liệu chứng cứ trên giấy để xác định xử như vậy là đã đúng hay chưa.

Vào khoảng 9 giờ tối ngày 7/5, Luật sư Phạm Công Út cho RFA biết thông tin mới nhất liên quan đến Luật sư Trần Hồng Phong:

Luật sư Trần Hồng Phong vừa mới xuống sân bay Tân Sơn Nhất và nhận được thông tin ông Nguyễn Hòa Bình đồng ý cho Luật sư Trần Hồng Phong tiếp tục phiên tòa. Thành ra bây giờ Luật sư Trần Hồng Phong đang đặt vé để bay ra Hà Nội dự phiên tòa sáng mai.”

Số phận của tử tù Hồ Duy Hải ra sao qua phiên giám đốc thẩm?

Phiên tòa giám đốc thẩm vụ án tử tù Hồ Duy Hải diễn ra trong 2 ngày vừa qua được truyền thông trong nước tường thuật chi tiết. Viện KSND Tối Cao trong ngày xét xử thứ hai, 7/5 đưa ra đề nghị cần thực nghiệm lại hiện trường vụ án. Mục tiêu nhằm xác định thời điểm, thời gian Hồ Duy Hải có mặt tại Bưu điện Cầu Voi.

Viện KSND Tối cao cho rằng có mâu thuẫn giữa các lời khai của Hồ Duy Hải về cách thức tấn công nạn nhân mà cơ quan điều tra, tòa sơ thẩm, tòa phúc thẩm chưa làm rõ những mâu thuẫn này. Ngoài ra cơ quan này cũng cho rằng tòa án hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm đã có sai lầm, mà theo Viện KSND Tối Cao là “nghiêm trọng” khi không đánh giá động cơ, mục đích gây án của Hồ Duy Hải.

Luật sư Phạm Công Út từng khẳng định với RFA rằng nếu như vụ án Hồ Duy Hải được điều tra lại thì sẽ gặp khó khăn rất nhiều. Bởi vì không thể thu thập được bằng chứng khách quan theo trình tự tố tụng hình sự, các mẫu vật tại hiện trường để giám định theo thời gian cũng không còn.

Trước đề nghị của Viện KSND Tối cao tại phiên tòa giám đốc thẩm cần thực nghiệm lại hiện trường vụ án, Luật sư Phạm Công Út, vào tối ngày 7/5, nói với RFA về quan điểm của ông:

Tôi cho rằng chứng cứ phi vật chất (lời khai) chỉ được xem là chứng cứ khi nào phù hợp với chứng cứ vật chất, mà chứng cứ vật chất trong hồ sơ vụ án hiện nay không còn gì. Luôn kết quả giám định không có dấu vân tay của Hải trong các vết máu thì đã bị rút ra khỏi hồ sơ vụ án. Tức là người ta tiêu hủy nó đi. Những tình tiết gì có lợi cho Hồ Duy Hải đã bị rút đi và người ta dùng lời khai của Hồ Duy Hải, mà lời khai đó, với quá trình kinh nghiệm của mình, tôi tin rằng Hồ Duy Hải bị áp lực chứ không phải Hải là hung thủ giết người để khai đúng như vậy.

Luật sư Phạm Công Út quả quyết vụ án tử tù Hồ Duy Hải là “một bài toán đố không có lời giải” qua giải thích về mặt pháp lý:

Bởi vì cái thớt không còn, con dao không còn, các vết máu không còn, các dấu vân tay tại hiện trường không còn. Rồi bây giờ Nguyễn Văn Nghị có còn hay không để lấy lời khai. Nguyễn Văn Nghị từng bị mời lên để lấy lời khai và sau đó đã ‘lập danh chỉ bảng’, lấy dấu vân tay. Hiện tại Nguyễn Văn Nghị còn ở Việt Nam hay đang ở nước ngoài? Nếu bây giờ lập lại hiện trường có mời được Nguyễn Văn Nghị hay không? Hay là Nguyễn Văn Nghị đang mang một quốc tịch với một cái tên nước ngoài nào đó mà Tòa án Việt Nam không có lệnh truy nã, tức là không thể dẫn giải Nguyễn Văn Nghị về được.

Tuy nhiên, Luật sư Phạm Công Út khẳng định mọi kết quả được tuyên tại phiên tòa giám đốc thẩm đối với vụ án Hồ Duy Hải đều vô giá trị, theo quy định pháp luật hiện hành.

Phiên tòa này xử kiểu nào xử, dưới góc nhìn của tôi đều là sai hết. Xử hủy, xử oan, xử không oan: kết quả thế nào cũng đều là sai. Phát hiện của tôi dẫn tới bất kỳ kết quả nào của bản án giám đốc thẩm đối với Hồ Duy Hải trong những ngày này sẽ là sai. Luật quy định như vậy và quý vị làm sai thì sẽ đưa ra chuỗi kết quả sai.

Luật sư Phạm Công Út viện dẫn Bộ luật Tố tụng Hình sự mới năm 2015 phân biệt hai loại gồm phiên tòa giám đốc thẩm và phiên họp giám đốc thẩm. Trong đó, phiên tòa giám đốc thẩm là giám đốc đối với vụ án bị kháng nghị. Còn phiên họp giám đốc thẩm là đối với quyết định của Chánh án TAND Tối cao bị Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Viện KSND Tối cao yêu cầu giám đốc thẩm đối với quyết định của Chánh án TAND Tối cao, chứ không phải hồ sơ vụ án.

Luật sư Phạm Công Út khẳng định có một sự sai lầm nghiêm trọng trong phiên tòa giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải vì đây là hồ sơ vụ án, chứ không phải là quyết định của Chánh án TAND Tối cao.

Căn cứ vào clip Chủ tọa-Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, clip được công bố trên báo chí trong nước, thì ông phát biểu Hội đồng thảm phán mở phiên tòa giám đốc thẩm để xét xử vụ án ‘giết người cướp của’ Hồ Duy Hải. Tôi nghĩ rằng ông Bình nói bằng từ ngữ dân gian vì trong Bộ luật Hình sự chỉ có tội ‘cướp tài sản’, chứ không có tội ‘cướp của’. Tôi lắng nghe Hội đồng thẩm phán tập hợp hết 17 vị. Ở đây, phiên tòa giám đốc thẩm không thể nào có Hội đồng Thẩm phán, mà hội đồng này là Hội đồng Toàn thể Thẩm phán chứ không phải Hội đồng Thẩm phán. Và Luật Tố tụng quy định Hội đồng Toàn thể Thẩm phán đối với phiên tòa giám đốc thẩm là 5 thẩm phán, chứ không phải 17 thẩm phán. Tức là ông chủ tọa và dàn tham mưu của Tòa án Tối cao đã nhầm lẫn để đưa ra Hội đồng Thẩm phán, mà lẽ ra theo luật là Hội đồng Toàn thể Thẩm phán.”

Luật sư Ngô Anh Tuấn, vào tối ngày 7/5 bày tỏ với RFA về hy vọng của ông trong phiên tòa giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải ngày 8/5:

Tôi có niềm tin rằng phiên tòa sẽ có kết quả là hủy án. Bởi vì vấn đề sẽ không liên quan nhiều đến mặt nội dung mà tôi nghĩ rằng có các động thái chính trị sẽ nhiều hơn. Và tôi nghĩ rằng sẽ có một kết quả ít nhất là có lợi cho Hồ Duy Hải. Bởi vì giữ nguyên bản án phúc thẩm vào lúc này thì không được lợi gì về mặt chính trị cho họ nên tôi nghĩ là họ sẽ không dại để làm điều đó. Thế thì ông Chủ tọa phiên tòa sẽ không bất chấp làm điều đó vì sẽ không có lợi cho cả ông chủ tọa và những người phía trên của ông Bình.

Trong khi đó Luật sư Võ An Đôn chia sẻ trên trang Facebook cá nhân của ông rằng “Đi tìm công lý ở Việt Nam giống như mò kim đáy biển. Hy vọng tử tù Hồ Duy Hải tìm thấy công lý sáng nay”.

Và trên mạng xã hội, cộng đồng những người quan tâm vụ án tử tù Hồ Duy Hải có đồng chia sẻ rằng công lý phải được thực thi qua phiên tòa giám đốc thẩm vào ngày dự kiến kết thúc 8/5/2020 với lời khẳng định “Hoặc là tự do cho Hải, hoặc là Chính phủ Việt Nam để lại một vết nhơ muôn đời cùng lịch sử.”

Nguồn: RFA