Phong Trào Khiếu Kiện Đang Lên Cao

Trong những năm gần đây, phong trào khiếu kiện và tố cáo tham nhũng ở trong nước đã lan rộng khắp nơi, khiến cho Hà Nội phải lo sợ. Điều này đã được ông Trần Văn Truyền, Tổng thanh tra chính phủ CSVN thố lộ trong bản báo cáo đọc trước Quốc hội vào ngày thứ tư, mồng 1 tháng 11 vừa qua. Theo báo cáo này thì tình trạng khiếu nại, tố cáo diễn biến phức tạp và đã xuất hiện những dấu hiệu không bình thường, khiếu nại đông người tăng cao…

Cũng theo ông Truyền, “khiếu nại nói chung đặc biệt là khiếu nại đông người, bức xúc tăng cao. Từ đầu năm đến nay, các trụ sở tiếp dân của trung ương đảng tại Hà Nội và Sàigòn liên tục tiếp nhiều đoàn khiếu nại, tố cáo đông người…; có dấu hiệu một số kẻ cơ hội lợi dụng việc giải quyết khiếu nại để gây rối”. Theo thống kê của chính quyền CSVN, thì 80% số vụ khiếu nại có nội dung liên quan đến đất đai. Bên cạnh nội dung khiếu nại, còn có các nội dung tố cáo sai phạm của một số bộ phận cán bộ cơ sở sai phạm trong quản lý tài chánh, đất đai…

Đồng bào khiếu kiện chờ đợi trước cơ quan nhà nước.

Khi cán bộ, chính quyền địa phương trưng thu đất đai, ruộng vườn, nhà cửa của dân một cách tùy tiện mà không bồi thường thỏa đáng (thực chất là ăn cướp để chia nhau) bị chống đối thì bảo là họ gây rối. Dù cho bị gán vào tội gì đi chăng nữa, giờ đây người dân đã không còn sợ hãi, cương quyết không cho bất kỳ ai cướp đoạt tài sản của mình qua các phong trào khiếu kiện, khiến cho chính quyền Hà Nội bối rối, sử dụng đến mật vụ dùng vũ lực với người dân khiếu kiện. Điển hình là ngày 2 tháng 11 vừa qua, mật vụ cộng sản đến vườn Hoa Mai Xuân Thưởng tấn công ba người dân khiếu kiện đến từ tỉnh Vĩnh Phúc, gây thương tích nặnh cho họ. Ngày 3 tháng 11 năm 2006, anh Dương Văn Dương đang trên đường từ vườn Hoa Mai Xuân Thưởng đến văn phòng luật sư Thiên Ân, bị bốn nhân viên mật vụ chặn đánh và nói ‘‘chúng tao đánh cho mày biết’’, anh Dương cố vùng chạy vào một nhà dân gần đó và được nhân dân gần đó chạy đến bảo vệ, Những diễn biến kể trên cho thấy chế độ CSVN ngày càng để lộ bản chất xấu xa của họ trên mọi lãnh vực: tham nhũng, khủng bố, đàn áp,vu khống cho người dân…

Tại sao tình trạng khiếu nại, tố cáo đông người gia tăng? Đó là câu hỏi của đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn), rồi ông ta tự trả lời rằng: phải chăng là do chính sách pháp luật có nhiều vấn đề bất ổn. Đất đai là tư liệu sản xuất của người dân, nhưng khi thu hồi đất việc đền bù không được thực hiện một cách thỏa đáng. Thậm chí có nơi, có lúc, cán bộ, chính quyền chia chác hưởng lợi trên mảnh đất thu hồi của dân. Tại sao người dân không đến trụ sở tiếp dân mà cứ kéo ra trung ương do cán bộ được giao tiếp dân, cán bộ cơ sở quan liêu, đùn đẩy, coi vụ khiếu nại của dân như quả bóng cứ chuyển từ chỗ này sang chỗ khác.

Còn đại biểu Nguyễn Ngọc Minh (Ninh Thuận) thì nói nhiều lãnh đạo ngành, địa phương chưa chú trọng đến công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, việc giải quyết còn thiếu nhất quán. Cũng một sự việc nhưng mỗi vị lãnh đạo ở mỗi cấp lại có một cách giải quyết khác nhau. Chính điều đó làm cho người dân nảy sinh nghi ngờ, mất niềm tin và đi khiếu nại vượt cấp.

Cách giải quyết khác nhau như thế nào ông Minh không nói rõ, nhưng ai cũng hiểu là chính quyền đền bù bao nhiêu thì người dân cũng phải chịu, nếu chống đối sẽ bị ghép vào tội gây rối…

Gần đây người dân quận Đồng Phú thuộc tỉnh Bình Phước đang bức xúc về việc cả tập thể cán bộ đảng và chính quyền ở đây trưng thu đất đai của dân chia nhau ăn, thế mà đại biểu Nguyễn Tấn Hưng, cũng là Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước, khi được hỏi vấn đề này đã được tỉnh giải quyết đến đâu rồi thì ông Hưng tỉnh bơ nói rằng:“Hiện nay tôi bận đi họp Quốc hội, ở nhà có lẽ tỉnh cũng đang chỉ đạo xử lý vụ này theo tinh thần để anh em tự sửa, rút kinh nghiệm. Lúc đầu khi triển khai thu hồi đất đai của dân thì anh em làm tốt, nhưng trong quá trình làm, anh em không lường hết nổi”.

Liên quan đến câu hỏi vụ việc nghiêm trọng gây bức xúc trong dân lớn như vậy mà chỉ rút kinh nghiệm hay sao? thì ông Chủ tịch Hưng trả lời là anh em đã thấy được cái sai, rút kinh nghiệm và đồng ý sửa sai bằng cách trả lại đất đã nhận (sau khi cướp từ dân) để đem bán đấu giá nộp vào ngân sách nhà nước rồi.

Nói theo kiểu ông Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước thì tên ăn cướp bị bắt quả tang cũng sẽ vô tội nếu hắn ta chịu trả lại những đồ đã trấn lột của kẻ nghèo khó.