Phỏng vấn bà Janta Khantinat, vợ của ông Somsak Khunmi, nhà đấu tranh dân chủ bị CSVN bắt giữ từ ngày 17-11-2007 tại Sài Gòn

VNN

Lời Giới thiệu: Như tin tức đã được báo chí khắp nơi loan tải, vào ngày 17-11-2007, công an CSVN đã đột nhập vào một căn nhà trên đường Tôn Thất Hiệp, Sài Gòn, bắt giữ 6 người đang chuẩn bị quảng bá những truyền đơn cổ súy cho việc đấu tranh dân chủ bằng hình thức bất bạo động. Trong Thông Cáo Báo Chí phổ biến ngày 19-11, Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng đã xác nhận đây là những đảng viên và thân hữu của mình, và đòi hỏi CSVN phải trả tự do cho tất cả những người nói trên vì việc làm của họ là chính đáng và phù hợp với công pháp quốc tế.

Trong số 6 người bị công an bắt giữ trong vụ này, có 2 người mang quốc tịch Hoa Kỳ, một người quốc tịch Pháp, 2 người quốc tịch Việt Nam và 1 người quốc tịch Thái Lan. Sau đó 3 ngày, công an bắt giữ thêm 1 người mang quốc tịch Việt Nam. CSVN đã gán ghép những người này vào tội “khủng bố”, nhưng bị quốc tế phản đối, nên đã phải trả tự do cho 4 người, và hiện còn giam giữ 3 người với tội danh không được thông báo, đó là tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân, ông Somsak Khunmi tức là Nguyễn Quốc Hải và anh Nguyễn Thế Vũ.

Nhằm giúp đồng hương hiểu rõ hơn về ông Somsak Khunmi, một tên tuổi còn khá xa lạ với cộng đồng người Việt, hãng thông tấn VNN đã liên lạc với vợ của ông Khunmi để thực hiện cuộc phỏng vấn đặc biệt sau đây. Chúng tôi xin kính mời qúy độc giả theo dõi.

VNN: Chúng tôi là đại diện cho VNN, một hãng thông tấn của người Việt tại hải ngoại, xin chào bà và cám ơn bà đã nhận trả lời cuộc phỏng vấn của chúng tôi hôm nay, nhằm giúp độc giả của chúng tôi hiểu rõ hơn về trường hợp của ông Somsak Khunmi. Trước tiên, xin bà cho biết rõ hơn về thân thế của bà?.

Bà Janta Khantina (JK): Chúng tôi cũng xin cám ơn qúy ông đã quan tâm đến hoàn cảnh của chúng tôi. Tôi tên là Janta Khantinat, người Thái Lan, vợ chính thức của ông Somsak Khunmi. Chúng tôi lập gia đình với nhau từ 20 năm nay, và có được 4 cháu, 3 gái 1 trai.

VNN: Xin bà cho biết 2 ông bà đã đến với nhau trong trường hợp như thế nào?

Bà JK: Cuối năm 1987, tôi gặp anh Khunmi lần đầu tiên tại nhà của chú tôi, lúc đó chú tôi làm làng trưởng tại Trakarn thuộc tỉnh Ubon. Qua sự tiếp xúc ban đầu, tôi thấy có cảm tình với anh ngay qua thái độ điềm đạm, ít nói và tính tình hiền lành của anh. Anh cho tôi biết anh là một người ngoại quốc đang làm công tác từ thiện gần làng Trakarn. Tôi để ý đến cách phát âm đặc biệt của anh, nói tiếng Thái pha lẫn tiếng Lào. Trong những lần gặp gỡ sau đó, chúng tôi có nhiều thời gian để tìm hiểu về nhau hơn, và qua đó tôi biết anh Khunmi là người Nhật. Có thể nói tôi thương anh ấy ngay từ lần đầu gặp nhau và cuối cùng chúng tôi thành vợ chồng trong một đám cưới đơn sơ ở vùng quê Đông Bắc Thái. Tuy nhiên, chúng tôi không thể làm hôn thú được vì anh Khunmi đang sống bất hợp pháp tại Thái.

VNN: Bà có khi nào hỏi anh Khunmi tại sao anh lại không có giấy tờ hợp lệ mà phải sống bất hợp pháp tại Thái, và đến thời điểm nào bà mới biết ông Khunmi không phải là người Nhật?

Bà JK: Sau đám cuới, tôi đã hỏi anh Khunmi nhiều lần về việc giấy tờ của anh và thắc mắc tại sao anh là người Nhật mà lại không có giấy tờ hợp lệ. Anh Khunmi luôn luôn yêu cầu tôi thông cảm cho tình trạng đặc biệt của anh. Anh hứa sẽ trả lời cho tôi biết rõ ở thời điểm thuận tiện trong tương lai. Vì thuơng chồng nên tôi cũng nghe theo.

Thật sự tôi và bốn đưa con cũng như tất cả mọi người trong làng đều nghĩ anh Khunmi là người Nhật. Mãi cho đến sau khi anh bị bắt tại VN vào cuối tháng 11/2007, khi báo chí Thái tường thuật công việc anh Khunmi làm và việc anh bị bắt tại VN, lúc đó chúng tôi mới biết chồng tôi là người VN. Gia đình chúng tôi thật sự bàng hoàng vì hai dữ kiện thật là mới lạ: chồng tôi là người Việt Nam chứ không phải là người Nhật, và anh ấy đang bị tù tại VN.

VNN: Xin bà cho biết về cuộc sống của ông bà trong thời gian 20 năm chung sống với nhau? với trình trạng cư trú bất hợp pháp tại Thái ông Khunmi có gặp những khó khăn gì với chánh quyền sở tại hay không ?

Ông Somsak và hai cháu gái Ploy, Mook

Bà JK: Vì tình trạng giấy tờ bất hợp lệ như nói trên, anh Khunmi đã gặp khó khăn nhiều lần với chánh quyền sở tại. Năm 1988, khi tôi có bầu cháu Ploy đầu tiên, anh Khumi đã phải thường xuyên đi xa, vừa vì công việc và vừa để tránh những khó khăn cho mẹ con chúng tôi. Anh chỉ thỉnh thoảng tạt ngang thăm chúng tôi vài ngày và sau đó lại rời đi nơi khác, tình trạng này kéo dài cho đến khi cháu Ploy ra đời.

Khi tôi có bầu cháu Mook vào năm 1989, anh Khumi bị tù tại Bangkok vì sống bất hợp pháp và bị chính quyền Thái tống xuất. Lúc tôi sanh cháu Mook thì anh Khunmi không có mặt tại Thái mà anh đang ở Kathmandu, Nepal. Vì tình trạng nói trên, buộc lòng tôi phải làm giấy khai sanh cho hai cháu đầu với họ mẹ. Sau này tôi mới biết lý do tại sao chồng tôi lại qua ở Nepal. Khi anh Khunmi bị tống xuất khỏi Thái Lan, hai người bạn thân của anh tên là Robert và Toyama đã tận tình giúp anh, dự trù đưa anh đi Singapore và sau đó trở lại Thái Lan bằng đường bộ. Nhưng việc không thành, Singapore tống anh đi Nepal, tại đây được Cao Ủy Tị Nạn LHQ che chở. Sau đó, anh Robert và Toyama cùng các người bạn Nepal giúp anh Khunmi trở về Malaysia rồi vào Thái với quốc tịch Nepal vào năm 1991. Lúc đó chúng tôi mới lại tái ngộ, tuy nhiên, từ năm 1991 đến năm 1993 vợ chồng chúng tôi cũng vẫn chưa được sống chung với nhau một cách trọn vẹn, vì công việc làm và anh cũng không muốn gây khó khăn thêm cho gia đình. Cho đến năm 1993, nhờ sự giúp đỡ tận tình của nhiều người thân, chồng tôi mới được cấp quốc tịch Thái và mang tên Thái là Somsak Khunmi. Từ lúc này gia đình của chúng tôi mới tạm sống ổn định.

VNN: Qua những trắc trở như vậy thì bà có suy nghĩ gì về những công việc làm của anh Khunmi?

Bà JK: Dù không biết rõ về công việc của anh Khunmi, nhưng cá nhân tôi hoàn toàn tin tưởng chồng tôi là một người tốt và không có làm gì sai quấy. Tuy nhiên lần đầu anh bị tù tại Bangkok và tống xuất đi Nepal, lúc ấy tôi còn trẻ nên dầu khó khăn cách mấy và vì thương chồng con nên tôi vượt qua tất cả nhưng đó là chuyện 20 năm về trước. Lần này anh Khunmi bị tù tại Việt Nam, mặc dầu con cái đã lớn khôn, nhưng tôi thật sự mệt mỏi mất ngủ nên tôi phải đi bác sĩ nhiều lần.

VNN: Chúng tôi xin được chia sẻ những khó khăn của Bà, nhất là đời sống của Bà và anh Khunmi luôn luôn bấp bênh, trong những lúc đó Ông Bà có tìm phương cách nào để giải quyết tình trạng này hay không ?

Bà JK: Để giải quyết những bất ổn này tôi đã thảo luận nhiều lần với anh Khunmi tại sao anh không về Nhật lo giấy tờ cho hợp lệ rồi trở lại Thái để tránh khó khăn như đã gặp trong mấy năm qua. Anh chỉ giải thích là anh không muốn xa mẹ con chúng tôi và một ngày nào đó mẹ con chúng tôi sẽ hiểu sự việc vào đúng thời điểm thuận tiện. Chắc có lẽ anh Khunmi không nói rõ mọi chuyện vì sẽ không giải quyết được vấn đề mà chỉ làm tôi lo thêm mà thôi. Nhưng cuối cùng gia đình chúng tôi nhờ sự giúp của người thân, giúp chồng tôi có giấy tờ Thái mang tên Somsak Khunmi.

Gia đình chúng tôi dời về gần tỉnh Ubon hơn và sống chung với nhau sau 5 năm đầy bất trắc. Trong thời gian này gia đình chúng tôi có thêm một cháu trai tên Kim sinh năm1993 và một cháu gái Tubtim sinh năm 1997. Thỉnh thoảng chồng tôi vẫn phải đi làm xa nhưng không quá một tháng, từ đó tôi cảm thấy hạnh phúc trọn vẹn bên chồng và 4 đứa con.

VNN: Khi nào thì bà biết rõ về thân thế cũng như chi tiết công việc của chồng bà?

Bà JK: Sau khi anh Khunmi bị bắt ở Việt Nam, những người bạn ở trong cùng tổ chức của anh có đến thăm chúng tôi và cho biết rõ về thân thế cũng như mọi công việc làm của anh. Qua đó tôi mới biết anh là người Việt Nam, có tên là Nguyễn Quốc Hải. Anh đã từ Nhật về Thái Lan để tham gia vào Mặt Trận của tướng Hoàng Cơ Minh, và sau khi tướng Hoàng Cơ Minh hy sinh thì sau đó anh mới tạm rời Mặt Trận, và đó cũng là thời gian mà chúng tôi quen biết với nhau.

VNN: Từ năm 1993 sau khi gia đình được xum họp thì chồng Bà làm gì để giúp gia đình sinh sống ?

Bà JK: Nghề chánh của chồng là nghề nông, nhưng để kiếm thêm tài chánh, chồng tôi còn làm thợ may hoặc đưa đón dân làng muốn đi xa đồng thời cũng giúp tôi buôn bán thực phẩm ban đêm trong làng. Từ cuối năm 1993, tôi thấy chồng tôi chú tâm nghe radio ngoại quốc vào mỗi buổi tối và ghi chép cẩn thận. Tôi có hỏi anh đang nghe radio của nước nào, chồng tôi trả lời là nghe đài Nhật vì chồng tôi phải biết tình hình xảy ra trên thế giới. Sau này tôi mới biết chồng tôi làm kiểm thính viên cho đài phát thanh Chân Trời Mới. Cũng trong thời điểm này, trở về nhà sau một chuyến công tác xa, anh rất mệt mỏi và đôi lúc chán nản, tôi lo lắng hỏi có chuyện gì hay không ? Anh ta cho biết là trong đời anh có một người mà anh vô cùng kính trọng và anh gọi người này là Thầy, người này đã dẫn dắt chồng tôi đi con đường đầy ý nghĩa, nhưng có lẽ người Thầy đã hy sinh trong khi theo đuổi con đường này. Sau này tôi mới biết người Thầy này là tướng Hoàng Cơ Minh.

VNN: Qua lời Bà kể ông Khunmi là một người có những hoạt động tốt cho đất nước của Ông, nhưng trong gia đình ông đối xử với con cái như thế nào ? Và đối với láng giềng người Thái, ông có sống hòa đồng với họ không ?

Bà JK: Trong gia đình, chồng tôi là một người gương mẩu, làm nhiều công việc để có tài chánh chi tiêu trong gia đình, dạy dỗ con cái từ lời nói đến cách sử sự, cũng như chăm sóc khi con bị đau ốm. Mỗi khi đi công tác xa về anh đều có chút quà cho các con, điều này đã làm cho các con của chúng tôi hãnh diện với bạn bè trong xóm là có người cha luôn luôn thương yêu chúng.

Đối với láng giềng, họ đều quý mến chồng tôi vì anh luôn luôn hòa nhã, tránh những cãi vả không cần thiết và luôn giúp đỡ người khác khi được yêu cầu. Mặc dầu gia đình chúng tôi không có dư dả về mặt tài chánh nhưng nếu láng giềng cần sự giúp đỡ thì chồng tôi vẫn sẵn sàng. Nhất là sau mỗi chuyến đi xa về chồng tôi đều có mang chút quà như thuốc lá ngoại quốc hay chai rượu để chung vui cùng với bạn bè.

Ngoài ra, sau hơn 20 năm sinh sống tại Thái, chồng tôi có lối sống và suy nghĩ như người Thái. Chồng tôi rất kính trọng Hoàng Gia Thái Lan vì họ đã mang lại sự ổn định và phú cường cho toàn dân Thái hơn 60 năm. Chồng tôi cũng tích cực tham gia vào các sinh hoạt chính trị cấp địa phương trong các cuộc bầu cử quốc hội Thái trong vai trò vận động viên cho các đảng chính trị mà chồng tôi nhận thấy đảng nào đem lại phúc lợi cho người dân. Tất cả các việc làm trên đã được láng giềng quý mến. Tôi nêu một thí dụ là sau khi dân làng biết chồng tôi không phải là người Nhật và đang bị tù tại VN, bà con trong làng có khoảng 160 gia đình cư ngụ, thì đã có hơn 60 người chủ gia đình ký tên trong một bản thỉnh nguyện thư yêu cầu chánh phủ VN phải trả tự do cho anh Khunmi để anh được đoàn tụ với gia đình trong lý do nhân đạo.

VNN: Vào cuối tháng 11 năm 2007, sau khi hay tin chồng Bà bị bắt giữ tại VN thì đời sống gia đình và nhất là con cái có phản ứng gì khác thường hay không ?

Bà JK: Qua báo chí Thái, tôi biết được chồng tôi bị tù tại VN, cả gia đình đều kinh hoàng, nhất là hai cháu lớn đang học đại học, có suy nghĩ và lo lắng nhưng không muốn làm phiền thêm cho tôi mặc dầu chúng khóc hàng đêm. Trong khi hai cháu nhỏ biếng ăn và không muốn đến trường. Tôi cố gắng an ủi và giữ tinh thần và cố gắng trở lại cuộc sống bình thường để chồng tôi không thất vọng khi gặp lại chúng. Nhưng cá nhân tôi như đã nói ở trên, sức chịu đựng của con người có giới hạn, 20 năm trước tôi vượt qua được vì còn trẻ, nhưng bây giờ tôi phải đi bác sĩ để xin thuốc ngủ để có thể yên giấc hàng đêm.

Bà Janta Khantinat và 4 con (Trái sang phải: một người cháu, Kim, Tubtim, bà Janta Khantinat, Mook, Ploy)

VNN: Trong tình cảnh khó khăn này các bạn bè hay những người cùng chí hướng với chồng bà hoặc đại diện đài CTM có gặp Bà để an ủi hay giúp đỡ gì không ?

Bà JK: Trong quá khứ, thỉnh thoảng có một vài người bạn của chồng tôi như anh Robert, Toyama và Jim ghé thăm và ở lại với gia đình chúng tôi hoặc mời gia đình chúng tôi ra tỉnh Ubon ăn cơm tối. Trong những lần này tôi nhận thấy chồng tôi rất vui mừng và có những cuộc thảo luận nồng nhiệt. Chồng tôi thường nói nếu anh có gặp chuyện khó khăn gì thì những người bạn này sẽ giúp đỡ gia đình chúng ta.

Đúng như chồng tôi đã từng nói, sau khi chồng tôi bị bắt anh Robert và Toyama đã đến thăm gia đình chúng tôi ngay, vừa an ủi vừa giúp tinh thần và vật chất. Đặc biệt là anh Robert đã ở lại nhà chúng tôi trong hai ngày để giải thích cho tôi và các cháu về con người thật và việc làm của Khunmi. Anh cũng nói thêm, chồng tôi mong muốn VN có dân chủ, người dân sống hạnh phúc như Thái Lan, là nơi chồng tôi coi là quê hương thứ hai sau VN.

Người bạn này cho biết chồng tôi làm việc cho đài CTM, trách nhiệm một số công tác như báo cáo tin tức trong vùng Đông Dưong, dàn xếp những cuộc gặp gỡ giữa những nhà dân chủ VN với phóng viên đài tại Kampuchia cũng như tại VN. Chồng tôi dấn thân vì đất nước và dân tộcVN, nên chấp nhận cuộc sống gian nguy để thực hiện mộng ước của mình. Bây giờ tôi và các con đã hiểu tại sao cha của chúng chấp nhận khổ cực trong cuộc sống bất hợp pháp tại Thái để được gần gia đình cũng như gần VN để thực hiện ước mong của mình. Trong lúc ấy chồng tôi có thể chọn cuộc sống an nhàn như người tị nạn chính trị tại Nhật Bản như những người khác.

Ngoài ra trong tháng 1 năm 2008, phóng viên Thanh Thảo thuộc đài CTM, người đã cùng cộng tác với chồng tôi trong chuyến công tác tại VN vào tháng 11/2007, cũng ghé thăm và an ủi tôi tại Bangkok. Mặc dầu hai bên không thể nói nhiều với nhau vì bất đồng ngôn ngữ, nhưng những giọt nước mắt của chị Thanh Thảo và tôi đã nói lên tất cả những gì mà chúng tôi muốn chia sẻ, an ủi lẫn nhau. Một điều đã làm cho tôi hy vọng và nhớ nhất trong buổi gặp gỡ này là qua thông dịch viên, chị Thanh Thảo có nói với tôi rằng: Chị cảm thấy rất là đau khổ vì chồng tôi và chị cùng thực hiện một công tác, cùng bị bắt cùng lúc mà nay chị được tự do trong khi chồng tôi còn trong vòng lao lý. Chị hứa sẽ cố gắng làm tất cả những gì mà chị có thể làm được để chồng tôi được tự do và đoàn tụ gia đình. Tôi cũng hy vọng chánh quyền Thái giúp chồng tôi được tự do vì lý do nhân đạo.

VNN: Thưa Bà đây là câu hỏi, mà chúng tôi mong muốn được hỏi Bà trước cuộc phỏng vấn này. Nhưng theo câu chuyện mà chúng ta đã trao đổi tôi nhận thấy nếu hỏi cũng bằng thừa, nhưng tôi biết rằng độc giả của VNN muốn biết nên tôi xin nêu lên và Bà có thể trả lời hay không trả lời cũng được. Câu hỏi đó là: qua báo chí của CSVN và báo Thái đã tường thuật, Bà có tin rằng chồng đang hoạt động trong một tổ chức được gọi là “Khủng Bố” hay không ?

Bà JK: Vì tôi ở tận vùng quê, nên không biết nhiều những hoạt động của chồng tôi, và cũng không biết nhiều tình hình thế giới liên quan đến khủng bố. Đời sống gia đình chúng tôi tại vùng Đông Bắc Thái hiền hòa, chưa có những hành động động khủng bố nào xảy ra nên tôi thấy khó trả lời câu hỏi này. Nhưng một điều tôi tin chắc chồng tôi sẽ không bao giờ có những hành động như báo chí VN mô tả. Nhất là gần đây tôi được anh Robert cho biết có nhiều tổ chức, chính giới tại nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, Úc, Pháp… lên tiếng bênh vực mạnh mẽ cho chồng cũng như các bạn bè của anh bị bắt trong chuyến công tác tháng 11/2007. Nếu chồng tôi làm những điều xấu thì tại sao lại có nhiều sự bênh vực của chánh giới như vậy.

VNN: Xin Bà cho biết cảm nhận của Bà và các cháu khi biết rõ tông tích và các hoạt động của chồng bà trong việc mưu tìm dân chủ và thịnh vượng cho nước VN ?

Bà JK: Mặc dầu nay đã hiểu rõ mộng ước cũng hoạt động của chồng tôi, nhưng đây là chuyện quá lớn tôi không hiểu hết được. Gia đình chúng tôi cảm thấy thương yêu và quý mến chồng, cha nhiều hơn vì chồng tôi vừa chịu đựng nhiều bất trắc với cuộc sống bất hợp pháp tại Thái để được gần gia đình vừa chấp nhận cuộc sống đầy nguy hiểm để thực hiện mộng ước mà chồng tôi đã ấp ủ kể từ khi rời Nhật Bản để sang Thái vào năm 1981.

VNN: Đại diện cho hãng thông tấn VNN chúng tôi thành thật cảm ơn Bà Janta Khantinat, vợ của của Ông Somsak Khunmi tức Nguyễn Quốc Hải đã cho chúng tôi cơ hội phỏng vấn đặc biệt này. Trước khi chấm dứt xin Bà có đôi lời với độc giả của chúng tôi ?

Bà JK: Tôi xin cám ơn VNN đã cho tôi cơ hội trình bày một phần về đời sống của gia đình chúng tôi, những cảm xúc của tôi và các cháu về người Chồng, người Cha mà chúng tôi mới biết rõ trong thời gian gần đây mặc dầu đã chung sống trên 20 năm. Nhân dịp này, qua VNN cho gia đình chúng tôi gửi lời cám ơn những bạn bè của chồng tôi, đài CTM, những người Thái và ngoại quốc mà chúng tôi quen biết cũng như không biết mặt đã tận tình hỗ trợ gia đình chúng tôi từ vật chất lẫn tinh thần trong giai đọan khó khăn này. Chúng tôi cũng mong được tiếp tục nhận được những sự hỗ trợ của quý vị cho đến khi chồng tôi được tự do và sum họp với gia đình.

Một lần nữa chúng tôi xin cảm tạ tất cả qúy vị ân nhân.