Phỏng vấn ông Lý Thái Hùng về cuộc bầu cử tại Campuchia

RadioCTM

Thanh Thảo thực hiện

Kết quả cuộc bầu cử quốc hội Campuchia vào ngày 28 tháng 7 năm 2013 vừa qua đã mở ra một niềm lạc quan mới cho nền dân chủ xứ này khi khối đối lập chiếm 55 ghế trên tổng số 128 ghế trong Quốc hội mới. Mặc dù đảng cầm quyền của Thủ tướng Hun Sen chiếm 68 ghế nhưng đã mất đi 22 ghế so với kết quả bầu cử năm 2008.

Kết quả này cho thấy là cử tri Campuchia đã bày tỏ sự bất mãn về lề lối cai trị độc tài, tham ô nhũng lạm của ông Hun Sen và đảng Nhân Dân Campuchia trong 5 năm qua. Trong khi đó, cử tri đang đặt tin tưởng vào lực lượng đối lập, được kết hợp thành đảng Cứu Nguy Dân Tộc Campuchia do ông Sam Rainsy lãnh đạo để sớm đưa Campuchia ra khỏi hệ thống cai trị độc tài tham nhũng của gia đình Hun Sen.

Nguyên do nào khiến cho cử tri lại dồn phiếu vào ông Sam Rainsy, một người đang lưu vong tại Pháp và liệu lực lượng đối lập là đảng Cứu Nguy Dân Tộc có thể sẽ trở thành một lực lượng chính trị mới tại Campuchia để thay đổi cục diện chính trị tại đây trong thời gian tới hay không? Xin mời quý thính giả theo dõi phần nhận định của ông Lý Thái Hùng, Tổng Bí Thư Đảng Việt Tân, trong chương trình phát thanh hôm nay.

(RadioCTM) Trước hết xin ông có thể phân tích và đưa ra một số nhận định về nguyên nhân nào mà ông Hun Sen và đảng Nhân Dân Campuchia đã bị mất 22 ghế trong cuộc bầu cử vừa qua, trong lúc đối thủ của ông là ông Sam Rainsy, chỉ là một người đang lưu vong tại Pháp, không chỉ mới vừa được phép cho về nước mà còn không được ra tranh cử nữa thưa ông?

Ông Hun Sen và đảng Nhân Dân Campuchia đã nắm quyền lực độc tôn tại Campuchia trong 28 năm vừa qua. Ông Hun Sen được coi là người lãnh đạo nắm quyền lâu năm nhất tại Đông Nam Á ngoại trừ quốc vương Brunei. Từ khi Campuchia có cuộc tổng tuyển cử đa đảng dưới sự giám sát của Liên Hiệp Quốc vào năm 1993 cho đến nay, đảng Nhân Dân Campuchia đã giành thắng lợi vì ba lý lo sau đây:

Ông Hun Sen và đảng Nhân Dân Campuchia đã nắm quyền lực độc tôn tại Campuchia trong 28 năm vừa qua.

Thứ nhất, đảng Nhân Dân Campuchia là lực lượng chính trị lớn và đông người nhất vì đã từng đuợc CSVN đưa lên nắm quyền cai trị sau khi CSVN lật đổ chính quyền Khờ Me Đỏ vào năm 1979, từng có kinh nghiệm nắm quyền và kiểm soát toàn bộ guồng máy hành chánh, xã hội, kinh tế, chính trị tại Campuchia so với các lực lượng chính trị khác như đảng Hoàng gia Funcinpec, đảng Dân Chủ Tự Do Phật Giáo của ông Son San, đảng Dân Chủ Campuchia, đảng Nhân Quyền Campuchia, v.v…

Thứ hai, ông Hun Sen và đảng Nhân dân Campuchia đã tuyên truyền rằng nhờ họ mà dân tộc Campuchia đã không bị diệt chủng bởi sự tàn sát của lực lượng Khờ Me đỏ nên vì thế họ là lực lượng cứu nước, chắc chắn sẽ mang thịnh vượng lại cho Campuchia. Hơn nữa đảng Nhân dân Campuchia kiểm soát toàn bộ truyền thông, báo chí và quân đội nên vì thế mà thu hút sự ủng hộ của những người từng là nạn nhân chế độ diệt chủng của Pol Pot.

Thứ ba, CSVN đã dựng lên chính quyền Hun Sen từ năm 1979 sau khi lật đổ chính quyền Pol Pot nên đảng Nhân dân Campuchia đã nhận được nhiều tiền bạc, kể cả những cố vấn về mặt chính trị để luôn luôn trung thành với Hà Nội hầu nắm giữ vị trí độc tôn tại Campuchia.

Do những ưu thế nói trên, Thủ tướng Hun Sen và đảng Nhân Dân Campuchia đã liên tục giành quyền kiểm soát quốc hội qua các cuộc bầu cử năm 1998, 2003, 2008. Đặc biệt là trong cuộc bầu cử quốc hội năm 2008, đảng Nhân Dân Campuchia của ông Hun Sen chiếm đến 90 ghế trên tổng số 123 ghế dân biểu trong quốc hội. Sở dĩ đảng Nhân Dân Campuchia đã thắng lớn như vậy là vì vào giai đoạn này Trung Quốc bắt đầu đổ tiền đầu tư vào Campuchia và viện trợ cho chính quyền Hun Sen rất nhiều dự án về xây dựng hạ tầng cơ sở, tân trang quân đội và nhất là đã đầu tư khoảng 5 tỷ Mỹ Kim vào các ngành du lịch, dệt, may, ngân hàng và một số ngành công nghiệp sản xuất.

Chính trong bối cảnh nhận khá nhiều sự viện trợ và đầu tư của Trung Quốc từ năm 2005 trở đi, tình hình xã hội Campuchia đã xảy ra nhiều vấn nạn lớn. Trong đó vấn đề tham ô nhũng lạm, phá hoại môi trường, đất đai của dân chúng bị chiếm đoạt vô lối do sự tiếp tay của chính quyền Hun Sen đã làm cho dân chúng bất mãn. Làn sóng chống đối chính quyền Hun Sen bắt đầu gia tăng từ cuối năm 2009 khi ông Hun Sen ra mặt trấn áp ông Sam Rainsy, một thủ lãnh đối lập với ông Hun Sen phải bỏ xứ trốn sang Pháp để tránh bản án 11 năm tù vì tội “giả mạo bản đồ” khi ông Sam Rainsy tố cáo Hun Sen đã nhượng nhiều phần đất cho Hà Nội.

Để chống lại ông Hun Sen và đảng Nhân dân Campuchia trong cuộc bầu cử 2013, hai đảng Sam Raimsy và đảng Nhân quyền Campuchia đã kết hợp thành đảng Cứu Nguy Dân Tộc Campuchia vào tháng 10 năm 2012 và vận động quốc vương Campuchia ân xá Sam Rainsy. Khẩu hiệu mà đảng Cứu Nguy Dân Tộc Campuchia đưa ra để vận động cử tri là chống chế độ gia đình trị Hun Sen, khi ông Hun Sen đã đưa con cháu, người thân trong gia đình nắm giữ các vị trí then chốt trong chính quyền, quân đội và quốc hội.

Ngoài ra còn có hai yếu tố sau đây đã giúp cho lực lượng đối lập thắng thế trong các vận động. Thứ nhất là việc Quốc vương Campuchia đã ân xá kịp thời để ông Sam Rainsy về nước ngay vào lúc cuộc vận động tranh cử lên cao điểm vào giữa tháng 7. Thứ hai là các tổ chức nhân quyền thế giới đã đồng loạt lên án các vụ đàn áp, bắt giữ hàng chục nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền tại Campuchia trong những tháng đầu năm 2013.

Chính trong bối cảnh vận động đó, cử tri Campuchia đã dồn phiếu khá nhiều cho lực lượng đối lập là đảng Cứu Nguy Dân Tộc của ông Sam Rainsy. Kết quả là ông Hun Sen và đảng Nhân dân Campuchia chỉ giành được 68 ghế trong khi đảng cứu quốc giành 55 ghế. Tuy nhiên ông Sam Rainsy chỉ trích là ông Hun Sen đã gian lận, vì đảng Cứu Nguy Dân Tộc Campuchia có nhiều phiếu hơn nên chưa công nhận kết quả.

Nói tóm lại, qua kết quả cuộc bầu cử Campuchia vừa rồi, tuy ông Hun Sen vẫn còn có thể cầm quyền thêm 5 năm nữa nhưng uy tín của ông và đảng Nhân dân Campuchia đã suy giảm vì những vấn nạn tham nhũng và gia đình trị của giòng họ Hun Sen.

(RadioCTM) Lực lượng đối lập Campuchia hiện nay là đảng Cứu Nguy Dân tộc được thành lập từ hai đảng Sam Rainsy và đảng Nhân quyền kết hợp lại từ tháng 10 năm 2012 để giành thế chủ đạo với đảng Nhân Dân campuchia của thủ tướng Hun sen. Với kết quả chiếm 55 ghế trong quốc hội, ông nghĩ là lực lượng đối lập có thể tạo những xoay chuyển tình hình dân chủ tại đây hay không?

Hiện nay tại Campuchia có tất cả khoảng 60 đảng phái, lực lượng chính trị hoạt động một cách hợp pháp và trong số này có một vài đảng có ghế trong quốc hội. Tuy nhiên trong thực tế chỉ có 4 đảng sau đây có thực lực là đảng Nhân dân Campuchia, đảng Hoàng gia Funcinpec, đảng Sam Rainsy, đảng Nhân Quyền. Đảng Hoàng gia Funcinpec hợp tác với đảng Nhân dân Campuchia để chia ghế trong chính quyền Hun Sen nên lực lượng đối lập chống lại Hun Sen chỉ có đảng Sam Rainsy và đảng Nhân quyền.

Ông Sam Rainsy lãnh đạo lực lượng đối lập Cứu Nguy Dân Tộc.

Từ năm 2012 thì hai đảng Sam Rainsy và đảng Nhân quyền kết hợp lại thành đảng Cứu Nguy Dân Tộc Campuchia và bầu ông Sam Rainsy làm chủ tịch. Vì thế khi nói đến lực lượng đối lập Campuchia hiện nay chúng ta thấy rõ là sự đối đầu giữa hai đảng Nhân dân Campuchia của ông Hun Sen và đảng Cứu Nguy Dân Tộc Campuchia của ông Sam Rainsy.

Với kết quả bầu cử quốc hội 2013, đảng Nhân dân Campuchia giành 68 ghế và đảng Cứu Quốc Campuchia giành 55 ghế, rõ ràng là sự cầm quyền của ông Hun Sen trong 5 năm tới khá vất vả vì số ghế trong Quốc hội không chênh lệch. Hơn nữa, sau nhiều năm lưu vong tại Pháp, ông Sam Rainsy trở về với khẩu hiệu “chống gia đình trị để diệt tham nhũng” chắc chắn sẽ ăn khách và lôi cuốn cử tri hưởng ứng.

Chúng ta cũng cần biết qua cuộc đời ông Sam Rainsy để biết ông có khả năng dựng lại ngọn cờ đối lập tại Campuchia trong những ngày tới hay không?

Ông Sam Rainsy sinh năm 1949, con trai của Sam Sary, một cựu quan chức của chính phủ cao cấp, năm 1965 ông sang Pháp học và tốt nghiệp về khoa chính trị học, kinh tế học và quản trị doanh nghiệp. Trong lúc ở Pháp vào giữa thập niên 1970, ông Sam Rainsy và vợ là bà Tioulong Saumura đã phát hành tờ Tiếng nói Campuchia Tự do, tố cáo các hành động diệt chủng của Khơme Đỏ. Ông Sam Rainsy làm việc cho một ngân hàng Pháp thuộc sở hữu của công ty Michelin.

Năm 1991, ông Sam Rainsy trở về Campuchia và gia nhập đảng Hoàng gia Funcinpec của Hoàng thân Ranariddh. Sau cuộc bầu cử năm 1993, ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Tài chính, nhưng đã chống lại các hành động lạm quyền của ông Hun Sen, Thủ tướng thứ 2 vào lúc đó, nên đã bị áp lực rút lui khỏi chính phủ vào năm 1994 và sau đó bị khai trừ khỏi đảng này và Quốc hội vào năm 1995. Từ đó ông Sam Rainsy đã lập đảng riêng lấy tên của mình và trở thành người chỉ trích ông Hun Sen và chính phủ của ông ta trên mọi lãnh vực.

Với một diễn trình đấu tranh của ông Sam Rainsy như vậy và nay ông lại lãnh đạo một lực lượng đối lập lớn tại Campuchia, phần lớn dư luận đều cho rằng thế lực của Thủ tướng Hun Sen sẽ suy yếu trong 5 năm tới và biết đâu ông Sam Rainsy sẽ là người lãnh đạo Campuchia tự do vào năm 2018.

(RadioCTM) Hiện nay Trung Quốc có rất nhiều ảnh hưởng tại Campuchia trong khi những ảnh hưởng của CSVN lên xứ chủa Tháp ngày một suy yếu và có thể nói là không còn nhiều. Theo ông thì liệu Trung Quốc có nhúng tay gì vào trong cuộc bầu cử vừa qua tại Campuchia hay không?

Trung Quốc hiện nay là một nhà đầu tư lớn nhất tại Campuchia với ngân khoảng đầu tư lên đến 9 tỷ Mỹ Kim. Kim ngạch thương mại song phương hiện lên khoảng 5 tỷ Mỹ Kim. Đầu tư của Trung Quốc tập trung vào các ngành thủy điện, khoáng sản, dệt may, tài chánh, du lịch và gần đây còn vói tay sang lãnh vực dò tìm dầu khí trong nội địa Campuchia.

Trung Quốc đã cho Campuchia vay đặc biệt 430 triệu Mỹ kim để nâng cấp các cơ sở hạ tầng và khoảng 60 triệu Mỹ Kim để tân trang quân đội, xây dựng các trung tâm huấn luyện và một số bệnh viên quân y. Ngoài ra, Trung Quốc còn cho vay 2,1 tỷ Mỹ Kim để xây dựng các đường xa lộ nối liền biên giới Lào và cao nguyên phía đông đến Vịnh Thái Lan và cảng Kompong Som.

Song song với những sự viện trợ và giúp đỡ nói trên, Trung Quốc cũng đã đưa cán bộ công nhân viên sang ở và làm việc tại Campuchia. Hiện có non 500 ngàn người Trung Quốc sống tại Campuchia trong đó có khoảng 200 ngàn sống và làm việc tại Thủ đô Nam Vang.

Vào năm 2012 để đền ơn Campuchia đã ủng hộ lập trường Trung Quốc không đưa vấn đề biển Đông vào trong Hội nghị thượng đỉnh ASEAN mà Campuchia là nước chủ nhà, Bắc Kinh đã tặng 29 triệu Mỹ kim làm quà cho Hun Sen để dùng cho bất cứ dự án nào.

Ngoài những ngân khoản viện trợ cho Campuchia, chắc chắc Bắc Kinh cũng sẽ làm quà cho gia đình Hun Sen những số tiền lớn để cho chế độ này phục vụ các quyền lợi cho Trung Quốc tại đây. Vì thế, trong cuộc bầu cử vừa qua, ít nhiều Trung Quốc cũng đã nhúng tay giúp cho đảng Nhân dân Campuchia và chính quyền Hun Sen.

Tuy nhiên, tiền bạc khó có thể mua lòng dân khi mà họ đã bất mãn và làn sóng chống đối gia tăng và đang mong muốn Campuchia có một sự thay đổi sau 28 năm cầm quyền của gia đình ông Hun Sen. Kỳ bầu cử này, ông Hun Sen đã đưa con trai út và con rể ra tranh cử Quốc hội. Điều này cho thấy là ông Hun Sen đang chuẩn bị thế hệ hậu duệ và tìm cách hạ cánh an toàn vào 5 năm tới khi những người thân của gia đình ông có vị trí trong quốc hội.

Nói tóm lại, Bắc Kinh luôn luôn dùng tiền để khuynh loát mọi chế độ mà họ muốn ảnh hưởng để buôn bán, khai thác. Huống hồ chi Campuchia là nơi mà Bắc Kinh muốn lôi kéo ra khỏi quỹ đạo của Hà Nội. Do đó theo tôi thì Trung Quốc đã có những nhúng tay ít nhiều trong cuộc bầu cử vừa qua ở Campuchia.

(RadioCTM) Theo ông thì sự thắng thế của phe đối lập tại Campuchia trong cuộc bầu cử quốc hội vào ngày 28 tháng 7 vừa qua, có ảnh hưởng gì đến tình hình chính trị tại VN, nhất là đối với phong trào dân chủ của người Việt Nam trong nỗ lực tranh đấu đòi hỏi CSVN phải chấp nhận thể chế dân chủ đa đảng tại Việt Nam?

Campuchia hiện có 9 triệu dân và là nơi mà cộng đồng người Việt sống ở nước ngoài cư trú đông nhất. Quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia phải nói là mối quan hệ “định mệnh” chẳng khác gì giữa Việt Nam với Trung Quốc.

Trong mối quan hệ “định mệnh” đó, bất cứ những biến động nào xảy ra đều ảnh hưởng hỗ tương lẫn nhau và thường nước lớn tác động mạnh hơn, nhanh hơn đối với một xứ ít dân. Với sự lớn mạnh của lực lượng đối lập tại Campuchia qua sự lãnh đạo của ông Sam Rainsy, tôi nghĩ là nó có một vài tác động lên tình hình chính trị tại Việt Nam:

Thứ nhất là sự lớn mạnh của đảng Cứu Nguy Dân Tộc Campuchia cho nhà cầm quyền CSVN và quần chúng VN thấy rằng xu thế dân chủ đa đảng trong sinh hoạt chính trị là điều bình thường. Tại sao xứ Campuchia 10 lần nhỏ bé hơn Việt Nam còn chấp nhận 60 đảng phái hoạt động mà VN là nước lớn lại ngăn chận các đảng phái hoạt động là điều vô lý.

Thứ hai là sự ra đời của đảng Cứu Nguy Dân Tộc Campuchia giành thắng lợi trong cuộc bầu cử vừa qua, cho chúng ta rút ra bài học là lực lượng dân chủ Việt Nam phải nỗ lực tạo thế liên kết và công khai đấu tranh để chống lại độc tài CS, chắc chắn sẽ thu hút nhiều sự ủng hộ của người dân.

Nói tóm lại, sự thắng thế của phe đối lập trong cuộc bầu cử tại Campuchia vào ngày 28 tháng 7 vừa qua, sẽ không chỉ tạo động lượng lớn cho phong trào dân chủ hóa tại Campuchia mà có thể tác động lên Việt Nam, Lào trong nỗ lực đòi hỏi hai chế độ này phải chấp thể chế đa đảng trong thời gian tới.

Nguồn: RadioCTM