Phụ nữ Iran cương quyết đấu tranh đến cùng – cảnh sát ‘đạo đức’ mất dạng trên đường phố!

Chính quyền Iran cho biết, đang xét lại luật bắt phụ nữ đội khăn trùm đầu, sau hơn hai tháng dân Iran biểu tình phản đối. Ảnh: The Guardian/ Gregorio Borgia/AP

Hôm nay nở rộ tin đồn, rằng Iran đã hủy bỏ cảnh sát ‘đạo đức’ và đang xét lại luật bắt phụ nữ đội khăn trùm đầu.

Sự việc bắt nguồn từ câu tuyên bố của Tổng trưởng Tư Pháp Iran, Mohamed Jafar Montazeri với truyền thông ngày 4/12/2022 khi được hỏi về hiện tượng “không thấy cảnh sát đạo đức xuất hiện trên đường phố.” Ông Montazeri cho biết “vì cơ chế tạo ra nó đã bị giải thể,” theo hãng thông tấn nhà nước Iran ISNA.

Một ngày trước, ông Montazeri cũng cho biết “cả quốc hội và cơ quan tư pháp đều đang thảo luận” về vấn đề liệu có cần thay đổi luật yêu cầu phụ nữ che đầu hay không. Tuy nhiên, các chuyên gia về Iran nhấn mạnh quyết định tối hậu về mọi điều luật đều phải được Giáo chủ Ali Khamenei thông qua. Tổng thống Iran Ebrahim Raisi cũng tuyên bố hôm thứ Bảy 3/12 rằng các giá trị Hồi giáo cơ bản vẫn là nền tảng trong hiến pháp của Iran.

Truyền thông Tây phương nhận định rằng cảnh sát đạo đức trực thuộc Bộ Nội vụ Iran, và tổng trưởng Tư Pháp không có quyền hành gì đối với Bộ Nội Vụ. Hiện tượng cảnh sát đạo đức không còn thấy xuất hiện ngăn chặn biểu tình hay hành hung phụ nữ không trùm đầu có thể chỉ là một cách hoãn binh tạm thời trước làn sóng biểu tình tại Iran, đã kéo dài sang tháng thứ 3, nhưng không có chỉ dấu thuyên giảm. Hiện nguy cơ đình công toàn quốc để phản kháng đang đe dọa chế độ.

Các cuộc biểu tình phản đối đã nổ ra tại Iran sau cái chết của Mahsa Amini, cô gái người Kurd 22 tuổi, ngày 16/9. Amini bị cảnh sát đạo đức bắt trước đó 3 ngày, bị hành hung tới mê man và thiệt mạng, theo gia đình cô.

Đây là làn sóng biểu tình lớn nhất ở Iran kể từ năm 1979. Những người xuống đường đa số là thanh niên, phụ nữ ở lứa tuổi rất trẻ với thông điệp rõ ràng là đòi bỏ chế độ khăn trùm đầu, hủy các luật lệ giáo phái phi lý bất công đối với phụ nữ, và chấm dứt chế độ độc tài.

Bất kể 18.000 người đã bị bắt và hơn 400 người đã thiệt mạng theo ước tính của các tổ chức nhân quyền, các nhà đấu tranh và truyền thông tự do ủng hộ biểu tình đã lên tiếng dứt khoát đấu tranh cho tới khi độc tài sụp đổ, cương quyết không chấp nhận những thay đổi vá víu của nhà nước đương quyền.

4/12/2022