Phúc trình Shadow Report II đã gửi đến ICCPR

Nguyễn Ngọc Bảo

Ủy Ban Nhân Quyền LHQ đã tổ chức phiên họp xem xét Báo cáo quốc gia lần thứ ba của CSVN về việc thực thi Công Ước Quốc Tế về các Quyền Dân Sự và Chính Trị (ICCPR) ngày 11&12/3/2019.

Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc về việc thực thi Công Ước Quốc Tế về Quyền Dân Sự và Chính Trị (International Covenant on Civil and Political Rights – ICCPR) khóa 125, đã tổ chức phiên điều trần vào hai ngày 11 và 12 tháng 3, 2019 vừa qua tại Geneva. Mục tiêu của phiên điều trần này là để khảo sát về tiến trình thực thi Công ước chính trị và dân sự của nhà cầm quyền CSVN và một số quốc gia khác.

Phái đoàn CSVN được cầm đầu bởi ông Nguyễn Khánh Ngọc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp đã được gởi qua Geneva nhằm phúc đáp các câu hỏi về 27 vấn đề nêu ra bởi nhóm chuyên viên Liên Hiệp Quốc.

Khóa họp ICCPR năm này khác với khóa họp năm 2018, vì nhóm khảo sát gồm những chuyên viên độc lập. Họ là những người hoạt động năng nổ khắp thế giới về các lãnh vực nhân quyền, lao động, tự do ngôn luận, pháp lý, bảo vệ trẻ em, chống buôn người, chống tra tấn, án tử hình, việc thực thi các công ước trong khuôn khổ hiến pháp quốc gia,…

Đây chỉ là lần thứ ba phía CSVN phúc trình, sau khi tham gia Công Ước ICCPR vào năm 1982, trong khi Công Ước khuyến cáo là phải có một bản phúc trình đầy đủ về mọi lãnh vực của ICCPR và các chi tiết về việc thực thi (mức hiệu quả, các con số thống kê khả tín,…)

Về phía các đoàn thể Việt Nam, đã có sự tham gia của phái đoàn Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người, BPSOS, Đảng Việt Tân, và hơn 30 người Việt Nam đến từ Hoa Kỳ, nhiều quốc gia tại Âu Châu, cũng như tại Thụy Sĩ. Tại địa phương, một phái đoàn của Ủy Ban Thụy Sĩ-Việt Nam (COSUNAM) gồm Dân biểu thị xã Geneve ông Rolin Wavre, ông Nguyễn Tăng Lũy Tổng thư ký Ủy ban.

Trước khi buổi khảo sát diễn ra trong khóa ICCPR 125, các phái đoàn NGO quốc tế như Amnesty International, Hội Luật Gia,… các tổ chức Việt Nam cũng đã gởi hồ sơ phản biện đến Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc (Human Rights Committee).

Riêng 6 tổ chức gồm Hội Đền Hùng, Hội Phụ Nữ tại Houton, Chương Trình Radio TNT Houston, Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn tại Đức, Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn CS tại Hòa Lan, Ủy Ban Thụy Sĩ-Việt Nam (COSUNAM) với sự hỗ trợ của Đảng Việt Tân đã gởi đến ICCPR một bản phúc trình mang tên Shadow Report II.

Tên chính thức của tài liệu này là Shadow Report II On Police Brutality In Murders, Tortures & Kidnaps Against Innocent Civilians From 2007 To 2018 In VIETNAM, dày tổng cộng 538 trang. Đây là một nỗ lực to lớn của 6 đoàn thể nói trên và đảng Việt Tân đã miệt mài thực hiện trong nhiều tháng trước đó.

Tài liệu trình bày theo dạng Istanbul Protocol được Liên Hiên Quốc công nhận, về 450 trường hợp tra tấn, giết người, bắt cóc nhằm vào các thường dân vô tội, không được dư luận biết tới và không được sự can thiệp của quốc tế, trải dài từ 2007 đến 2018.

Dân biểu Geneve, ông Rolin Wavre (phải) thuộc Ủy Ban COSUNAM tiếp chuyện cùng ông Yadh Ben Achour, thành viên Ủy Ban Nhân Quyền LHQ trong cuộc điều trần hôm 11/3/2019. Ảnh: Ủy Ban COSUNAM

Một thành viên cao cấp trong nhóm chuyên viên Liên Hiệp Quốc ông Yadh Ben Achour, Giáo sư đại học Khoa Học Luật tại Tunis, Chủ tịch Hội Đồng Tối Cao về Chuyển Tiếp Dân Chủ tại Tunisia, thành viên Ủy Ban Nhân Quyền LHQ đã trích dẫn một phần nội dung trong Shadow Report II để chất vấn phái đoàn CSVN về phần tra tấn, nhục hình người dân tại Việt Nam, liên quan đến 226 người bị chết trong trại tạm giam hay trong tù, do chính báo cáo Quốc Hội CSVN nêu lên.

Ông Achour và một số thành viên khác của ICCPR cho biết đã nhận và tham khảo rất nhiều về tình hình đàn áp nhân quyền từ Tài liệu Shadow Report II nói trên.

Thành viên cao cấp trong nhóm chuyên viên LHQ Yadh Ben Achour, một thành viên Ủy Ban Nhân Quyền LHQ đã trích dẫn một phần nội dung trong Shadow Report II để chất vấn phái đoàn CSVN về phần tra tấn, nhục hình người dân tại Việt Nam. Ảnh chụp màn hình UN Web TV.

Giống như lần trước, cả phái đoàn CSVN đều bị lâm vào thế bị động, không trả lời nổi trước các câu hỏi rất chính xác và chi tiết từ các chuyên viên, thành viên của ICCPR. Họ chỉ biết đưa chi tiết các đạo luật, nghị định họ đã ban hành nhưng từ chối không đưa bất cứ một dữ kiện nào về mức hiệu quả, mức độ thi hành và các con số liên hệ, cũng như phản hồi từ các tổ chức xã hội dân sự độc lập tại Việt Nam.

Đúng là tình trạng rừng luật, với rất nhiều các đạo luật nhằm cho thấy là CSVN cũng biết tuân thủ các công ước, nhưng lại là “luật rừng” vì không bao giờ được thi hành. Các chuyên viên quốc tế, qua các trao đổi hành lang với Uỷ Ban COSUNAM và Việt Tân cho biết hiểu rõ tình hình nhân quyền tồi tệ và việc thực thi lấy lệ các công ước ICCPR và CAT (Chống Tra Tấn) tại Việt Nam.

Tài liệu Shadow Report II đã được đệ nạp ICCPR.