Phương Nam Đỗ Nam Hải, Một Nhà Trí Thức Trẻ Tại Quốc Nội Kêu Gọi Cộng Sản Việt Nam Tổ Chức Trưng Cầu Dân Ý

Nhân kỷ niệm Ngày Quốc Tế Nhân Quyền, 10 tháng 12 năm nay, từ Việt Nam, anh Đỗ Nam Hải sinh năm 1959, chuyên viên kinh tế ngân hàng, tác giả của nhiều bài viết rất tâm huyết về đất nước dưới bút hiệu Phương Nam, đã cho phổ biến một Lá Thư Ngỏ gửi: Quốc hội và Chính phủ nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam; Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam và các cơ quan truyền thông trong và ngoài nước, với yêu cầu đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức cuộc trưng cầu dân ý với câu hỏi duy nhất cần nhân dân Việt Nam trả lời là: Việt Nam nên hay không nên theo chế độ đa đảng? Nếu ai đồng ý thì ghi . Ai không đồng ý thì ghi Không.

Đương nhiên, trước khi đi đến đề nghị nói trên, anh Phương Nam Đỗ Nam Hải đã trình bày rất khúc chiết những nhận xét của ông về tình hình đất nước và thế giới hiện này, hầu làm nền tảng lý luận cho sự đề nghị được coi là táo bạo trong lúc mà đảng Cộng sản Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn trong nội bộ về vụ án Tổng Cục II thuộc Bộ Quốc Phòng. Theo nhận xét cùa Phương Nam Đỗ Nam Hải thì tình hình hiện nay có những đặc điểm như sau:

Thứ nhất là thời đại ngày nay là thời đại sụp đổ của tất cả các chế độ độc tài, độc đảng trên phạm vi toàn thế giới. Chỉ 20 năm trở lại đây, nhân loại đã chứng kiến sự cáo chung của rất nhiều chế độ như vậy, như ở Nam Hàn, Chilê, Philippines, Indonesia, Nam Tư , Afghanistan, Iraq; cũng như ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa cũ Đông Âu, … Các quốc gia trên dẫu đã, đang và sẽ phải trải qua những khó khăn, thử thách ở những mức độ khác nhau; nhưng sớm muộn gì họ cũng sẽ thực hiện thành công bước chuyển từ một xã hội thần dân lạc hậu sang một xã hội dân sự tiến bộ; nó cũng chính là xu thế tất yếu của thời đại ngày nay. Không ai hoặc bất cứ thế lực nào, dù có bảo thủ và tàn bạo đến đâu, có thể ngăn cản được xu thế tất yếu ấy.

Thứ hai là ngày nào mà Việt Nam còn chế độ độc đảng trên thì ngày đó còn sự bất công, đói nghèo và tụt hậu càng trở nên sâu sắc và trầm trọng. Đó là điều khẳng định. Đất nước đã bước ra khỏi cuộc chiến tranh gần 30 năm rồi, nhưng hôm nay con đường đi của dân tộc ấy vẫn loằng ngoằng, quờ quạng như đường đi của người bị khiếm thị nặng: đã đi trên con đường lạ thì chớ mà lại còn bị mất kính, mất gậy! Chế độ ấy cũng hoàn tòan bất lực trước quốc nạn tham nhũng và cũng không thể ngăn chặn được tình trạng đạo đức xã hội xuống cấp nghiêm trọng như hiện nay. Dẫu rằng, những khẩu hiệu hô hào cho những mục tiêu đó thì không hề thiếu.

Thứ ba là sự tương phản cuộc sống giữa một thiểu số quá giàu với đa số quá nghèo. Thiểu số giàu có đã làm ảo thuật để chia chác với nhau hàng triệu đô la Mỹ, mà cứ tỉnh bơ như người ta chia mớ cá ao làng vậy. Những “hào kiệt” như vậy ngày nay xuất hiện “trù mật” trên khắp mọi miền đất nước. …Nó đang hàng ngày, hàng giờ bòn rút tới rỗng ruột tài sản của đất nước và tiềm ẩn những món nợ xấu nước ngoài, mà sau này con cháu chúng ta sẽ phải è cổ ra trả. Tốc độ tích lũy tư bản của các “hào kiệt” thời nay nhanh đến mức chóng mặt. Đúng như nhận xét của cựu chủ tịch Công đoàn Đoàn kết, cựu tổng thống Ba Lan — Lếch Valêxa (Lech Walesa): Chủ nghĩa cộng sản là con đường dài nhất để đi từ chủ nghĩa tư bản đến chủ nghĩa tư bản! Chế độ ấy cũng đã làm mất đất, mất biển mà mồ hôi, máu xương của ông cha ta đã đổ xuống. Từ những nhận xét nói trên, Phương Nam Đỗ Nam Hải đã cho rằng con đường tiến lên của đất nước không thể không là chế độ dân chủ đa nguyên. Theo anh chính sự khống chế của chủ nghĩa Mác — Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nguyên nhân của 2 cuộc chiến tranh Đông Dương (1945 — 1975), sự hình thành và tan rã của hệ thống xã hội chủ nghĩa (1917-1991), công cuộc đổi mới hiện nay và sự tụt hậu của Việt Nam so với các nước trong khu vực & thế giới. Trong cái nhìn đó, anh Đỗ Nam Hải đã nêu lên ý kiến đề nghị tổ chức một cuộc Trưng Cầu Dân Ý ở Việt Nam, nhằm mở đường cho dân tộc giải quyết tận gốc sự tụt hậu hiện nay.

Đặc biệt là anh Phương Nam Đỗ Nam Hải cũng đã trình bày những khó khăn của anh hiện nay, do sự sách nhiễu của công an kể từ mùa hè vừa qua. Trong lá thư ngỏ, anh đã kể lại chi tiết đó như sau:

“Chiều ngày 6/8/2004, trong khi tôi đang làm việc tại ngân hàng thì có một số sỹ quan thuộc Cơ quan an ninh — Bộ công an đến tận nơi, khéo léo mời tôi lên một chiếc xe hơi để đi làm việc tại ngôi biệt thự số: 310 đường Trường Chinh — Phường 13 – Quận Tân Bình – Tp. Hồ Chí Minh. Sau đó, tôi bị giữ lại đây hơn 2 ngày (từ 16 giờ ngày 6/8/2004 đến 18 giờ ngày 8/8/2004), để “Trả lời một số vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia”, theo như nội dung ghi trong Giấy Mời.

Bốn tháng sau, tôi lại bị các sỹ quan công an trên giữ lại 24 tiếng (từ 17 giờ ngày 3/12/2004 đến 17 giờ ngày 4/12/2004) tại trụ sở Công an quận Phú Nhuận, số: 181 đường Hoàng Văn Thụ — Phường 8 — quận Phú Nhuận — Tp. HCM. Cũng trong khỏang thời gian 4 tháng qua, tôi còn bị hàng chục lần phải đi làm việc theo yêu cầu của công an: khi thì ở nhà hàng, khi thì trong những phòng kín của các khách sạn khác nhau; khi thì trên một chiếc xe cứu thương bít bùng trên bờ kênh Nhiêu Lộc, thuộc quận Tân Bình. Máy tính của tôi (cục CPU) cũng đã bị tạm giữ từ ngày 4/12/2004 tại Công an quận Phú Nhuận, và theo lời giải thích miệng của công an là: “khi nào chúng tôi xóa hết các dữ liệu trong đó thì sẽ trả cho anh”.

Những sách nhiễu của công an đối với anh Phương Nam Đỗ Nam Hải trong 4 tháng vừa qua cho thấy là chế độ cộng sản không những vị phạm các quyền tự do căn bản mà còn chà đạp nhân phẩm con người. Chính những sự xúc phạm này, anh đã phải viết Lá Thư Ngỏ để vừa tố cáo những đàn áp của công an đối với anh, vừa trình bày một số suy nghĩ của người trí thức trước hiện tình suy thoái của đất nước do nạn độc tài Cộng sản, mà theo anh chính nó đang là vấn đề của mọi vấn đề, nguyên nhân của mọi nguyên nhân gây ra biết bao nỗi tai ương đau đớn và sự tụt hậu đến nhục nhã cho đất nước này, dân tộc này.

Từ nhiều năm qua, những nhà trí thức trẻ tại Hà Nội đã lên tiếng về vấn đề dân chủ hóa đất nước như các anh Lê Chí Quang, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Vũ Bình. Lần này, anh Phương Nam Đỗ Nam Hải, một trí thức trẻ tại Sài Gòn đã nhập cuộc bằng Lá Thư Ngỏ gói ghém những tâm huyết của anh đối với đất nước, chắc chắn sẽ mở đầu có những tiếng nói can đảm khác gióng lên từ miền Nam.