Quá Khứ Soi Rọi Tương Lai

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

“Một quốc gia phải sẵn sàng ôn lại lịch sử của mình một cách nghiêm túc. Bởi vì chỉ có những ai nhớ những gì xảy ra hôm qua và hiểu những gì đang xảy ra hôm nay thì mới nắm bắt được những gì có thể xảy ra ngài mai.” Willy Brandt, Thủ Tướng Đức Quốc, 1913-1992.

Thế nhưng không phải ai cũng đồng ý với ông Willy Brandt. Những kẻ bất lương thường không muốn ai biết về quá khứ của mình. Còn chế độ độc tài thì một mặt muốn tẩy xoá tất cả những vết nhơ sai lầm của quá khứ, một mặt muốn thêu dệt huyền thoại dựa trên các thành tích (có hay không) của quá khứ. Vì thế nên thường có một sự nhập nhằng, khó hiểu và mâu thuẫn đối với các vấn đề của quá khứ dưới các thể chế độc tài.

Mới đây, trong bài “Rớt bài trắc nghiệm về Stalin” (Failing the Stalin Test) của Mendelson và Gerber (1) đăng trên tạp chí the Foreign Affairs số Tháng Giêng/Hai của 2006, hai tác giả này đã nêu lên một mối lo âu về nhận thức của người Nga, nhất là những người Nga trẻ, về Stalin là chính và vài vấn đề liên quan đến quá khứ hay lịch sử của Nga. Sarah E Mendelson là một nhà nghiên cứu cao cấp của chương trình Nga và Âu Á tại Trung Tâm Học Thuật Chiến Lược và Quốc Tế. Còn Theodore P Gerber là Giáo Sư Xã Hội Học của đại học Wisconsin tại Madison.

Ngày nay nói đến Stalin là nói về những cuộc thanh trừng trong Đảng Cộng Sản Liên Sô, các chính sách tàn bạo nhất về tù cải tạo có hệ thống khắp nước và lan rộng khắp thế giới, nông trường tập thể (hợp tác xã)… và trên hết nói đến Stalin là nói về cái chết của hàng chục triệu người Nga vô tội bị chết vì đói khát, vì chiến tranh, vì bị trù dập đàn áp một cách kinh hoàng nhất. Nhưng Mendelson và Gerber, qua các cuộc nghiên cứu và thăm dò ý kiến tại Nga, khám phá rằng người Nga, đặc biệt giới trẻ, không biết hoặc/và không nghĩ như thế.

Không có vết nhơ liên hệ đến Stalin tại Nga ngày nay (2). Trên thực tế, rất nhiều người Nga đã có cái nhìn cả tốt lẫn xấu (mâu thuẫn) hoặc tốt về Stalin. Ví dụ, hơn một phần tư người Nga trưởng thành cho rằng họ sẽ chắc chắn hay có thể bầu cho Stalin nếu ông còn sống và tranh cử tổng thống, và ít hơn 40 phần trăm nói rằng họ chắc chắn sẽ không làm thế. Phần lớn người Nga trẻ không nhìn Stalin là cái gì đó ghê tởm. Mặc dầu chủ nghĩa Stalin tự nó không cực kỳ phổ biến tại Nga hôm nay, nhưng những nhận định sai lầm về thời đại Stalin vẫn hiện hữu.

Một kết quả thăm dò đáng lo ngại

Cuộc trắc nghiệm về thái độ của người Nga đối với Stalin được căn cứ trên 3 lần thăm dò: 2 lần thăm dò ý kiến đầu tiên gồm 4,700 người Nga từ tuổi 16 trở lên vào tháng Giêng năm 2003 và tháng Bảy năm 2004, và lần thăm dò 2000 người Nga từ tuổi 16 đến 29 vào tháng Sáu năm 2005. Các cuộc nghiên cứu này dựa vào kỹ thuật lấy mẫu có tính cách khoa học hiện đại và được thực hiện bởi the Levada Analytic Centre.

Dữ kiện từ cuộc thăm dò năm 2003 và 2004 cho thấy khi được hỏi “Nếu Stalin ra tranh cử tổng thống hôm nay, bạn có bầu cho ông ấy không?” thì có 13 phần trăm của những người dưới 30 tuổi nói họ chắc chắn sẽ chọn Stalin; 21 phần trăm cho biết họ có thể không bầu cho ông (như thể là tuỳ ai ra tranh cử nữa); và 20 phần trăm khác từ chối không trả lời câu hỏi; chỉ còn 46 phần trăm cho biết họ chắc chắn sẽ không bầu cho Stalin. Những người trên 30 tuổi có khả năng ủng hộ Stalin hơn giới trẻ: 30 phần trăm người này nói họ sẽ chắc chắn hay có thể bầu cho Stalin; chỉ có 36 phần trăm nói họ sẽ chắc chắn không.

Một điều đáng chú ý nhất từ những cuộc nghiên cứu này là dưới một nửa người Nga trẻ sẽ thẳng thừng từ chối bầu cho Stalin hôm nay. Tuy có vẻ ít người Nga trẻ ủng hộ Stalin bằng người lớn, phần lớn giới trẻ Nga có vẻ có suy nghĩ tốt lẫn xấu hay có cảm nghĩ tốt về một trong những nhân vật độc tài tệ hại nhất của lịch sử nhân loại.

Cuộc nghiên cứu năm 2005 đưa ra sáu nhận định về Stalin với 3 tốt và 3 xấu, và người tham dự được hỏi họ đồng ý hay không với mỗi câu hỏi này. Kết quả là khoảng 51 phần trăm đồng ý rằng Stalin là một lãnh tụ sáng suốt trong khi 39 không đồng ý; 56 phần trăm nói họ nghĩ Stalin làm nhiều chuyện tốt hơn xấu trong khi chỉ có 33 phần trăm không đồng ý; 42 phần trăm đồng ý rằng người ta thổi phồng vai trò của Stalin trong việc trấn áp trong khi 37 phần trăm không đồng ý; ý kiến gần như bằng nhau khi hỏi Stalin có phải là một bạo chuá độc ác (43 phần trăm đồng ý và 47 không đồng ý). Đây là một kết quả lạ lùng bởi vì 70 phần trăm những người tham dự đồng ý rằng Stalin đã bỏ tù, tra tấn, và giết hại hàng triệu người vô tội (chỉ có 16 phần trăm không đồng ý với nhận định này).

Sự phát hiện chính trong các cuộc thăm dò này là đa số người trẻ có vẻ có quan điểm mâu thuẫn, không chắc chắn, hoặc không thống nhất về Stalin, vì thế làm cho họ chọn thái độ ủng hộ Stalin trong một số câu hỏi và chống lại trong những câu khác. Chỉ có một số nhỏ người trẻ có quan điểm mạnh mẽ ở cả hai phiá. Chỉ có khoảng 12 phần trăm được xem là ủng hộ Stalin, và chỉ có 14 phần trăm được xem là chống lại.

Theo hai tác giả Mendelson và Gerber, mặc dù có những người yên tâm rằng chủ nghĩa Stalin cực đoan không phổ biến lắm nhưng chính sự suy nghĩ mâu thuẫn về Stalin đang là mối lo âu. Cuộc thăm dò này cho thấy thái độ của người trẻ về Stalin đang ngày càng có cảm tình hơn: vào năm 2005 có gần 19 phần trăm nói họ sẽ chắc chắn bầu cho Stalin, gia tăng 13 phần trăm so với năm 2003 và 2004. Nếu không có một chiến dịch rộng rãi để loại bỏ chủ nghĩa Stalin thì rất nguy hiểm cho nước Nga.

Những câu trả lời đầy mâu thuẫn

Cuộc nghiên cứu cũng đã tìm hiểu sâu xa hơn những suy nghĩ của giới trẻ Nga về Stalin. Một thanh niên ở Moscow giải thích vì sao anh ấy bầu cho nhà độc tài này: “Chỉ vì chúng tôi chiến thắng dưới thời Stalin. Tốc độ phát triển trong nước thời đó rất là khích lệ.” Một thiếu nữ từ Yaraslavl cũng chia sẻ cảm nghĩ tương tự: “Stalin có những đặc điểm tốt và xấu. Tôi nghĩ rằng ông ấy có khả năng huy động được dân chúng trong thế chiến thứ hai, nhưng sự tự đề cao của ông ta là một khiá cạnh tiêu cực. Cũng có thể tôi sẽ bầu cho ông ta nếu quyền lực của ông ấy được giới hạn. Tôi nghĩ ông ấy là một cá nhân khá mạnh mẽ.” Một bạn khác nói tương tự: “Rất có thể ông ta sẽ không làm gì quá hệ hại ngày nay. Nhưng sự cai trị của ông ấy có lẽ sẽ làm cho tình thế tốt hơn.” Sự lạc quan này cũng được một thanh niên khác chia sẻ rằng nếu Stalin còn sống ngày nay, ông “sẽ khác và sẽ hành xử khác. Tôi sẽ không bầu cho ông. Tôi sẽ không bầu cho người nào hết. Nhưng tôi sẽ không chống lại ông và sẽ không biểu tình chống ông”. Một thanh niên khác cho rằng anh sẽ quyết định có hay không ủng hộ Stalin nếu ông còn sống và tranh cử tổng thống tuỳ theo chiến dịch vận động quần chúng “PR campaign” của ông.

Điều đáng quan tâm từ những nhận định trên là một sự thiếu hiểu biết mà họ tiết lộ. Sự thiếu kiến thức này, dù sao, cũng không làm ngạc nhiên lắm. Sau đợt náo động ban đầu về những chương trình tái thẩm định lại lịch sử được thực hiện dưới thời đổi mới của Gorbachev, các sách giáo khoa của Nga đã biến đổi thành ít phê phán và ít thông tin hơn về Stalin. Vào năm 2003, chính quyền Nga, với sự chấp thuận của chính tổng thống Putin, đã bỏ cuốn sách Lịch Sử Quốc Gia, Thế Kỷ 20 của Igor Dolutsky ra khỏi trường công, một tác phẩm được khen ngợi vì những thảo luận kỹ càng và triệt để đối với các vụ đàn áp của Stalin và vai trò của ông trong Đệ Nhị Thế Chiến. Vào tháng Tư năm 2005, trong bài diễn văn với quốc dân, tổng thống Putin công bố rằng “Sự sụp đổ của Liên Bang Sô Viết là một tai họa có tính cách khoa địa chính trị (geopolitical) lớn nhất của thế kỷ 20.” Nhận định này lại được 78 phần trăm những người tham dự cuộc thăm dò năm 2005 đồng ý.

Do nền giáo dục và chính trị như thế nên không có gì ngạc nhiên khi giới trẻ Nga hôm nay rất hoang mang về những hành động quá đáng của Stalin và họ còn liên tưởng Stalin với chiến thắng đối với phát xít. Một thanh niên tại Yaraslavl nhấn mạnh: “Stalin đâu có tệ như được mô tả đâu. Khi ông ta lên nắm quyền, ông có làm nhiều chuyện tốt, và sau đó tại vì sợ mất quyền nên ông bắt đầu trấn áp”. Một người khác nói: “Vâng, có trấn áp và chết đói dưới thời Stalin, nhưng nhờ ông ấy mà chúng tôi thắng Đệ Nhị Thế Chiến.” Một người ngờ vực đối với những người Nga nào chỉ trích thành tích của Stalin: “Chúng tôi biết đủ từ chương trình giảng dạy tại trường học và từ các chuyện nghe kể. Những ai muốn biết thêm nên chọn một ngành thích hợp. Nhưng không sống thời đó thì không thể nào biết được.” Anh nói lý do vì sao giới truyền thông ít nói về Stalin: “Chúng tôi có một mốt cá tính mới và có lẽ họ không muốn đối chiếu để làm nổi bật giữa Stalin và Putin.” Cùng lúc anh ấy lo ngại rằng những ai nói về khiá cạnh đen tối của lịch sử Sô Viết có thể vì “muốn làm cho Nga yếu đi.”

Một phụ nữ thuộc nhóm “dân chủ” lại cho rằng “Tôi nghĩ không có lý do gì để quay lại. Nếu chỉ nhìn lại mãi thì chúng ta không thể thấy tương lai hoặc hình dung được tương lai.” Một thanh niên đồng tình, nói: “Thời đại Stalin, đó là một đề tài nhàm chán đến chết đi được. Lịch sử phải được học, nhưng cứ tiếp tục đi vòng vòng và lập đi lập lại trấn áp, trấn áp. Tại sao vậy?” Anh này tin rằng sự quan tâm đến đề tài này là “hoàn toàn vì mục tiêu tuyên truyền. Hãy nhìn lại đi, dưới thời Stalin, người ta sống tự do và cũng giống như hiện nay dưới thời Putin thôi.”

Khi được hỏi họ lấy đâu ra những dữ kiện thông tin về thời Stalin thì đa số người Nga trẻ nói trước hết là Tivi, sau đó là trường học và sách vở, rồi đến cha mẹ họ, ông bà họ, và những nhân viên của chính quyền. Khi một sinh viên đại học nói anh thu nhận kiến thức này từ trường học và ông nội/ngoại thì được người nghiên cứu hỏi: “Bạn được cha mẹ ông bà cho biết gì về thời điểm này?” Anh ấy trả lời: “Không có gì xấu về Stalin, chắc chắn rồi, bởi vì nỗi sợ vẫn còn đó. Mặc dù Stalin không còn nhưng người ta vẫn nói Đồng Chí Stalin là một lãnh tụ vĩ đại và vân vân.” Người điều hợp hỏi có phải vì sợ hãi hay vì thật sự tin như thế thì một số bạn trả lời là vì “Thói quen”. Một bạn khác cho rằng “Một số vì sợ, một số vì được thuyết phục như thế, một số thật sự khâm phục sâu xa.” Một bạn trong nhóm đối đáp: “Không ai trong gia đình tôi kể gì cho tôi cả. Sau đó, khi bạn này được hỏi từ ghép “gulag” (3) tượng trưng cho cái gì thì bạn này nói không biết: “Chữ đó tôi cảm thấy quen thuộc, nhưng tôi không biết nó tượng trưng cho cái gì.”

Có cách nào thay đổi cái nhìn của người Nga?

Có thể nào thuyết phục giới trẻ Nga rằng điều vô cùng quan trọng và hợp thời là phải biết về quá khứ của mình không? Có thể thuyết phục họ rằng Stalin không phải là người trung lập hay khuôn mặt tốt trong lịch sử của họ không? Câu trả lời là có thể được, nhưng theo hai tác giả Mendelson và Gerber thì chỉ thực hiện được nếu có những nỗ lực sâu rộng và được hỗ trợ bởi quốc tế. Để cho họ tự làm thì người Nga trẻ hay người trẻ ở khắp thế giới thường không thách thức quan điểm của họ. Họ cần sự giúp đỡ từ bên ngoài.

Dù nói thế nhưng thực hiện một chiến dịch có tính cách giáo dục đại chúng về Stalin không phải là dễ. Nhiều cản trở đang hiện hữu, kể cả chính quyền Putin mà có vẻ cố tình che dấu sự thật. May mắn thay, ít ra có những tham dự viên trong các cuộc nghiên cứu này có vẻ muốn biết thêm về quá khứ. Gần 39 phần trăm trong cuộc thăm dò giới trẻ 2005 nói họ muốn biết thêm thời kỳ Stalin; 24 phần trăm nói họ muốn biết nhưng nghĩ rằng họ đã biết đủ rồi; một câu hỏi khác được phần lớn trả lời rằng họ cần biết về thời điểm Stalin để không lập lại lỗi lầm của quá khứ.

Có rất nhiều cách các nhà giáo dục Nga có thể mang quá khứ đến với giới trẻ. Một cách là kể những câu chuyện hấp dẫn về những vụ thủ tiêu bí ẩn trong suốt thời kỳ Stalin hay về những con người bình thường làm những chuyện phi thường lúc đó. 26 phần trăm những người tham dự cuộc nghiên cứu này cho biết họ có ít nhất một thân nhân bị áp bức trong thời kỳ Sô Viết, và đa số người Nga trẻ (53 phần trăm) có vẻ rất mạnh mẽ ủng hộ việc xây dựng đài kỷ niệm cho các nạn nhân này.

Trên hết, người Nga trẻ cần những anh hùng để động viên họ. Nhưng trong cuộc thăm dò năm 2005 để tìm hiểu giới trẻ Nga nghĩ gì về Andrei Sakharov, một nhà đối kháng được Tây phương đề cao như một danh nhân vì tranh đấu cho nhân quyền trong thời Liên Bang Sô Viết, nhưng chỉ có 28 phần trăm nói họ sẽ chắn chắn hay có thể bầu cho Sakharov nếu ông ra tranh cử cho quốc hội, trong khi cũng khoảng số người như thế nói chưa bao giờ nghe về ông cả. Một sinh viên đại học tại Moscow được hỏi có nghe tên Sakharov quen thuộc không thì trả lời “Sakharov, tôi không thể nhớ ở đâu cả.”. Đối với Mendelson và Gerber thì nếu sự việc này là tiêu biểu thì quả thật đất nước này đang trong tình trạng rất đáng lo ngại.

Các vấn đề chính trị ảnh hưởng lịch sử

Mendelson và Gerber cho rằng nếu kết quả các cuộc thăm dò tương tự như thế xảy ra với Hitler ở Đức thì chắc chắn sẽ gây nên sự báo động ở tầm vóc quốc tế. Nhưng những nhà làm chính sách Tây phương muốn lờ đi sự yếu kém về dân chủ tại Nga cũng như các vấn đề chính trị nội bộ tại đây; quân đội Mỹ thì bị sa lầy tại Irag nên các chính trị gia của Mỹ không còn quan tâm bao nhiêu. Các nhận định của những nhà làm chính sách và một số giáo sư tại Mỹ về Nga thường phản ảnh một cái nhìn nhân từ về nước này, tán dương sự phát triển kinh tế kể từ năm 1999, tuyên dương các cuộc bầu cử tại đây, và hạ thấp tiêu chuẩn so sánh để Nga trông có vẻ là một quốc gia bình thường. Những người ủng hộ Tổng Thống Nga Vladimir Putin coi các thái độ ủng hộ Stalin như là một chướng ngại nhỏ trên con đường đi đến dân chủ, cũng giống như họ coi nhẹ sự tàn sát ở Chechnya; cuộc xung đột có thể bùng nổ lớn toàn vùng Bắc Caucasus; sự đàn áp thẳng thừng của Kremlin đối với các cơ quan truyền hình độc lập và các tổ chức phi chính phủ nào dám thách thức quan điểm chính thức của Nga; một tình trạng nghèo nàn của quân đội rã rời của Nga; cảnh sát thiếu hiệu quả và trấn lột; và sự tham nhũng rộng lớn ở mọi tầng trong chính phủ Nga.

Đối với Mendelson và Gerber thì chủ tâm nhắm mắt như trên là vô cùng nguy hiểm. Nhưng thái độ ngược lại cũng nguy hiểm không kém khi những nhà quan sát Nga bi quan, nhận định rằng suy nghĩ mâu thuẫn về Stalin là bằng chứng về đặc tính độc tài ở trong máu mủ của người Nga. Thực ra thái độ của dân chúng Nga về Stalin không phải là vô hại mà cũng không phải là cố hữu. Cuộc nghiên cứu này cho rằng thái độ của người Nga đối với Stalin không thuộc về bản năng độc đoán nhưng vì trên thực tế không có một chiến dịch bài trừ chủ nghĩa Stalin nào hiệu quả và đều khắp được thực hiện trên đất nước này. Ngược lại, những huyền thoại và ảo tưởng về nhà độc tài vĩ đại của Nga đã được cho phép tồn tại, và ngay cả phát triển, thường với sự khuyến khích ngấm ngầm (nếu không nói là lộ liễu) từ chính quyền. Mặc dầu có những nhà giáo dục, trí thức và nhân quyền của Nga đã dồn nhiều công sức để phi huyền thoại hoá nhân vật Stalin, nỗ lực của họ đã không tạo ra những thay đổi đáng kể nào đối với dư luận quần chúng. Ngay bây giờ bất cứ ai đi vào các tiệm sách trên đường phố chính của Moscow có thể tìm thấy những tấm postcard có chân dung của Stalin hoặc bộ bài có hình Stalin được bán tại các tiệm miễn thuế ở phi trường Nga.

Tất cả những vấn đề nêu trên quan hệ mật thiết vì những gì nhớ hay quên đối với nền lịch sử quốc gia đều có những ảnh hưởng chính trị vững chắc. Phương thức các quốc gia và xã hội liên hệ với quá khứ của họ như thế nào đều ảnh hưởng đến phương cách họ phát triển. Nỗi luyến tiếc quá khứ dành cho Stalin tại Nga không đơn thuần là một di tích sẽ chết dần với thế hệ lớn hơn. Và khi nào người Nga trẻ vẫn còn ngây thơ hay có những cảm xúc tốt về một nhà độc tài đầy sát khí, một nhân vật đã thể chế hoá sự khiếp sợ trên toàn khắp đất nước, họ sẽ khó thể nào huy động được công cuộc giành lại công lý, nhân quyền hoặc trong sáng, những yếu tố quan trọng đối với sự chuyển mình của nước Nga thành một xã hội dân chủ tiên tiến.

Những vấn đề tương tự tại Việt Nam

Tố Hữu, một trong những lãnh đạo văn nghệ hàng đầu của CSVN, đã viết những dòng thơ: “Yêu biết mấy nghe con tập nói, Tiếng đầu lòng con gọi Stalin…” (4). Tin Stalin mất đã xé ruột xé lòng của ông:

Thương cha thương mẹ thương chồng
Thương mình thương một thương ông thương mười

Không may cho chúng ta, Stalin gắn liền với lịch sử Việt Nam kể từ thập niên 1920, đặc biệt qua ông Hồ Chí Minh. Bao nhiêu chính sách của Stalin thời đó được các lãnh tụ cộng sản Việt Nam và khắp nơi trên thế giới đem về áp dụng mặc dầu những hậu quả khốc liệt do các chính sách này đã được thấy ngay tại Liên Sô. Hàng xuất khẩu từ Liên Sô đã thành Vietnam’s gulag như trại cải tạo, nông trường tập thể… và các lãnh tụ cộng sản triệt để áp dụng những sáng kiến “vĩ đại” này của Stalin trong một thời gian dài.

Giới trẻ cần anh hùng để noi gương nhưng không cần những bạo chúa đội lốt anh hùng. Cho nên trả lại sự thật lịch sử cho Stalin không chỉ là một nhu cầu cấp bách đối với nước Nga khi nhiều thế hệ tại đây đã đang và tiếp tục là nạn nhân của những chính sách đầu độc bởi chế độ độc tài, nó còn có những ảnh hưởng quan trọng đối với các nước cộng sản hay độc tài còn lại. Có thể vì nhu cầu chính trị mà tổng thống Putin không hay chưa đụng đến nhân vật Stalin hiện nay. Dù sao thì vẫn không quá khó để trả lại sự thật cho Stalin tại Nga bởi vì Putin khó thể công khai cản trở nếu nỗ lực được phối hợp chặt chẽ, rộng khắp và được quốc tế tiếp tay. Còn tại Việt Nam, muốn trả lại sự thật cho Hồ Chí Minh thì khó hơn nhiều vì ông vẫn đang là phao cứu nguy của đảng, và phần lớn nỗ lực tuyên truyền của đảng từ nhiều năm qua vẫn là để bảo vệ hình ảnh “Hồ Chủ Tịch vĩ đại sống mãi trong quần chúng ta”.

Với lối tuyên truyền, bưng bít và bạo lực như 60 năm qua, ngày nay nếu Hồ Chí Minh còn sống và ra tranh cử Thủ Tướng (hay Tổng Thống), thì với gần 60 phần trăm dân số ở tuổi 30 hoặc nhỏ hơn, xác suất ông Hồ thắng cử có cao không?

Hỏi là đã biết câu trả lời. Thực tế này làm cho những người quan tâm chắc phải toát mồ hôi hột. Những vấn đề về Stalin tại Nga, đặc biệt là các phản ứng của giới trẻ, rất đáng để chúng ta quan tâm. Dù chưa thực hiện được một cuộc thăm dò nghiên cứu như thế tại Việt Nam, nhưng qua các dịp tiếp xúc với một số du sinh (thành phần được xem là có ăn có học hơn) thì vẫn thấy những phản ứng tương tự, tức là đầy mâu thuẫn trong suy nghĩ về đảng, về “Bác”, về cái thiện cái ác… Và thực tế là môn lịch sử trở thành cơn ác mộng đối với sinh viên học sinh tại Việt Nam hiện nay.

Quá khứ Việt Nam vẫn đang bị những đám mây đen che phủ. Hiện tại thì đại đa số người dân bất mãn và chán ngấy đảng và các chính sách của nhà nước nhưng vẫn lờ mờ không biết đâu thực đâu giả để tự tìm một hướng đi trong khi đảng vẫn nỗ lực kiểm soát tối đa tư tưởng của người dân. Tương lai chưa có dấu hiệu gì sáng sủa, nhất là Khi Một Hoạ Sĩ Phải Lên Tiếng (5). Nhưng khi nào người dân, nhất là giới trẻ, cố gắng tìm hiểu quá khứ của mình một cách nghiêm túc và biết học bài học lịch sử thì chính họ sẽ tự cầm đuốt soi sáng con đường tương lai của mình và của dân tộc.

Phạm Phú Đức
Melbourne 24/01/2006

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Nhân sự đại hội đảng XIV chủ trì phiên họp đầu tiên của Tiểu ban hôm 13/3/2024 tại trụ sở Trung ương đảng. Ảnh: Vietnam Plus

Từ trường hợp ông Võ Văn Thưởng nhìn về công tác nhân sự

Nhưng thống kê lại chuỗi cán bộ cấp cao bị kỷ luật trong thời gian qua, phân tích bản chất, tìm đến nguyên nhân cốt lõi, thì đi đến kết luận rằng, công cuộc chống tham nhũng cần phải đẩy mạnh, tiến hành triệt để, nhưng phải cần đến các biện pháp khác có khả năng tiệu diệt nguyên nhân gốc rễ của quốc nạn tham nhũng.

Ông Võ Văn Thưởng tuyên thệ nhậm chức chủ tịch nước Việt Nam ngày 02/03/2023 trước Quốc Hội, Hà Nội, Việt Nam. Ảnh: AP - Nhan Huu Sang

Việt Nam: Chủ tịch nước bị cách chức, tổng bí thư bị tiếm quyền?

Có thể là một số người trong vòng quyền lực thứ nhất biết được tình hình sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng và tự cho phép khơi mào cuộc chiến hay còn gọi là cuộc đấu tranh nội bộ để giữ những vị trí cao nhất trong bộ máy Nhà nước Việt Nam. Có nghĩa là cuộc tranh giành kế thừa ông Trọng đã được phát động. (TS Benoît de Tréglodé, Giám đốc nghiên cứu Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự Pháp – IRSEM)

Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thương phát biểu trước giới truyền thông trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại dinh thủ tướng ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 27 tháng 11 năm 2023. Ảnh: AP

Các nhà phân tích: Việc chủ tịch nước Việt Nam từ chức cho thấy đấu đá trong nội bộ đảng

Các nhà phân tích cho rằng việc Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng từ chức trong tháng này, chỉ sau một năm trong nhiệm kỳ 5 năm, cho thấy sự đấu đá trong nội bộ đảng Cộng sản và tình trạng bất ổn chính trị tại Việt Nam, ảnh hưởng đến khả năng thu hút đầu tư nước ngoài.

Người dân Cuba biểu tình, đòi quyền sống, phản đối chính quyền gây nên tình trạng thiếu thốn nghiêm trọng lương thực, thực phẩm, điện... hôm 17/3/2024 tại TP. Santiago. Ảnh chụp màn hình video Aljazeera.com

Cuba

Trong 2 ngày 17 – 18/3 (2024) vừa rồi, truyền thông thế giới đưa tin hàng nghìn người, rồi cả vạn người dân Cuba đổ ra đường biểu tình.

… Họ, người Cuba biểu tình, đòi quyền sống, phản đối chính quyền gây nên tình trạng thiếu thốn nghiêm trọng lương thực, thực phẩm, điện. Trước đó mấy ngày, dân chúng cũng biểu tình sau khi nhà nước đột ngột tăng giá xăng đến… 500%. Họ không hô “tự do hay là chết” nữa, mà hô “dân chủ hay là chết,” “quyền sống hay là chết,” “lương thực hay là chết.”