Quà Tặng Ý Nghĩa Cho Những Nhà Văn, Nhà Báo Đang Bị Áp Bức

Ngô Văn

Các cơ quan truyền thông của đảng và nhà nước CSVN chọn ngày 21 tháng 6 làm Ngày nhà Báo Việt Nam, trước đó ba ngày trên trang điện tử của tờ Tuổi trẻ có đăng đôi dòng kính báo với với nội dung như sau: “Tuổi trẻ xin được phép không nhận hoa và quà tặng của quý cơ quan, doanh nghiệp và bạn đọc nhân ngày Nhà Báo Việt Nam”.

Độc giả khi đọc một bài báo hay một phiên phóng sự… thấy hay hoặc vừa lòng gởi bó hoa đến tòa soạn tặng người viết là chuyện bình thường, chẳng ai nghi kỵ người gởi hoa đến tặng có ý đồ đen tối gì cả. Nhưng cơ quan nhà nước hay xí nghiệp (quốc doanh) mà gởi quà đến tặng cho tòa soạn là có vấn đề mà ai cũng nhìn ra, một là mua chuộc để đừng khui những vụ bê bối của họ ra, hai là yêu cầu viết tốt về cơ quan, xí nghiệp của họ mỗi khi đề cập đến. Quà tặng của cơ quan, xí nghiệp không thể là một gói kẹo hay hộp bánh mà phải những món quà có giá trị, thường là bao thư tiền.

Người ta còn nhớ cách đây hơn hai năm, khi ông Phan Văn Khải làm Thủ tướng đã ký một công điện khẩn mang số 28 (6/1/2006), trong đó có một điều khoảng nghiêm cấm cán bộ, công chức mọi cấp, mọi ngành không được lợi dụng các dịp lễ, dịp Tết để mang hoa, tiền, quà đến tặng tại cơ quan, nhà riêng cấp trên. Ngoài ra còn yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành có biện pháp thực hiện ngay yêu cầu về tiết kiệm, chống lãng phí. Bộ Tài chánh việc trích quỹ khen thưởng và các nguồn tài chánh theo đúng chế độ tài chánh hiện hành và phải được công khai, minh bạch trong toàn cơ quan, đơn vị. Cái công điện khẩn này xem ra chỉ để che mắt thiên hạ chứ chẳng nghiêm cấm được ai, còn bạo hơn trước nữa là đằng khác, vì nếu không thì làm gì có cái chuyện tờ Tuổi Trẻ cho đăng đôi dòng kính báo đó.

Trong Ngày nhà báo này, nhà nước CSVN được dịp khoe rằng hiện nay toàn cả nước có trên 700 cơ quan báo chí, tăng gấp 1,3 đến 1,4 lần.. Có sáu trăm, bảy trăm hay 1.000 tờ báo cũng không nói lên được quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận vì ai cũng biết hiện nay ở Việt Nam tất cả mọi cơ quan truyền thông đều là của đảng, của nhà nước, toàn loan tin một chiều theo lệnh theo lệnh, chẳng có lấy được một tờ nào độc lập do tư nhân làm chủ. Con số có tăng cũng chẳng ý nghĩa gì, chỉ biểu hiện về lượng chứ không về chất.

Vụ hai nhà báo Nguyễn Việt Chiến của tờ Thanh Niên và Nguyễn Văn Hải của tờ Tuổi Trẻ mới bị bắt vào tháng trước, vì đã viết những bài liên quan đến các vụ tham nhũng, rút ruột tại Tổng công ty PMU18 ít nhìều đã làm xao động dư luận tại Việt Nam. Thế mà trong Ngày nhà báo chẳng hề thấy Hội nhà văn, nhà báo nhắc đến một lời. Dù bị cáo buộc là có ’’hành vi lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ’’, đúng sai chưa cần bàn đến, nhưng rõ ràng là hai nhà báo này bị bắt vì những bài viết của họ, tức là bị bắt vì nghề nghiệp. Hội Nhà báo không dám lên tiếng can thiệp đã là chuyện bất thường, lại còn tránh né không muốn đả động đến thì chẳng thế nào hiểu nổi. Có Hội cũng như không. Thật ra khi hai nhà báo này mới bị bắt thì ông Đinh Thế Huynh (Chủ tịch Hiệp Nhà báo Việt Nam) đã tuyên bố rằng Hội sẽ bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các nhà báo…. Lời tuyên bố đó coi như đã đi vào quên lãng, chẳng biết do ông Huynh quên hay là do bị áp lực từ nhà nước nên không thấy ông ta nói đến chuyện này nữa trong Ngày nhà báo Việt Nam.

Những người làm báo chính quy cho chế độ phần lớn là đảng viên mà còn bị đi tù lúc nào không hay, thì những phóng viên ngoài luồng như nhà báo Hoàng Hải, bút hiệu Điếu Cày, làm sao thoát khỏi những đòn thù hết sức thâm độc của chính quyền CSVN. Nhưng không lẽ chúng ta, tất cả những người Việt ở trong và ngoài nước đều im lặng như Hội Nhà báo Việt Nam hay sao? Hãy thông báo ngay cho mọi người mỗi khi biết được nhà văn, nhà báo nào bị nhà nước bắt giam trái phép, để nhanh chóng kêu gọi các tổ chức Nhân quyền quốc tế, Hiệp hội Báo chí các nước và nhiều quốc gia trên thế giới lên tiếng can thiệp đúng lúc. Thực tế cho thấy những việc làm này vừa làm cho chế độ suy yếu vừa cứu được những nhà văn, nhà báo đang bị trù dập. Có tổ chức Ngày nhà báo Việt Nam lớn cách mấy cũng không bằng việc làm này. Đây là một món quà đầy ý nghĩa cho những nhà văn, nhà báo đang bị chính quyền áp bức.

Ngô Văn