Quyền Con Người Là Đương Nhiên

Lữ Triệu Phong

Lịch sử loài người đã đổi thay một cách tự nhiên trải qua hàng vạn thế kỷ nay, với một điểm chung tuyệt đối là để mưu cầu hạnh phúc; để cuộc đời ngày càng tươi đẹp hơn; để cuộc sống ngày càng văn minh và xứng tầm hơn cho đúng nghĩa con người. Nói theo đại thi hào Gorky là để cho hai tiếng Con Người luôn nghe vang vang niềm kiêu hãnh.

Mãi đến những thế kỷ gần đây nhất, quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc của con người đã được hệ thống hóa dưới dạng những luận lý, triết thuyết như những quyền tự nhiên. Sau đó, được định chế hóa thành những văn kiện có tính dân tộc hay có tính toàn cầu. Mẫu số chung tuyệt đối vẫn nhằm phát huy quyền mưu cầu hạnh phúc.

Như vậy, khát vọng mưu cầu hạnh phúc của con người không phải là ước mong mới có. Ngay cả việc khẳng định sự tôn trọng khát vọng đó cũng không phải là điều mới mẻ gì. Bản Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ (1776) đã khẳng định các quyền không thể phủ nhận là quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp (1791) cũng từng nhấn mạnh ý nghĩa đã là con người phải có đủ 3 quyền, đó là quyền Sống, quyền Tự do và quyền Mưu cầu hạnh phúc. Sinh ra, nếu không có quyền sống, mạng người chỉ rẻ rúng như mạng con vật. Dù có quyền sống, nhưng nếu không có quyền tự do thì con người cũng không khác con vật là mấy. Khác ít hay nhiều tuỳ thuộc vào mức độ quyền tự do được thực hiện nhiều hay ít.

Tuyên ngôn Độc lập 1945 của chính nước Việt Nam, khi mà các lãnh tụ cộng sản còn núp bóng dân tộc, cũng từng lặp lại những ý niệm có tính hoàn vũ đó.

“Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.

Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.

Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi.

Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”.

Rõ ràng: Các quyền Con Người là ngang bằng nhau: Có giá trị tại mọi thời điểm và tại mọi không gian, gắn với tất cả con người không ngoại lệ. Nói cách khác, các quyền con người là đương nhiên.

Ý nghĩa đương nhiên đó là gì và được ghi nhận ra sao?

Tự mỗi cá nhân có sẵn một nhân phẩm, khác hẳn muôn loài.

Nhân phẩm tạo cho mỗi cá nhân một ý nghĩa có tính danh dự và cả giá trị làm người. Quyền Con Người là những biểu hiện nhất quán rằng chính con người đã quan tâm và tôn trọng giá trị của nhau, khác hẳn muôn loài.

Từ đó, nhân phẩm không còn thuộc nội hàm cá nhân riêng rẽ và bị tách biệt nữa. Nó đã là một phần chính yếu của cộng đồng nhân loại. Quyền Con Người giúp chúng ta tôn trọng người khác và dễ dàng sống chung hòa bình với người khác, khác hẳn muôn loài.

Quyền của một người cũng đồng thời và tương thích là quyền của mọi người khác. Nó không chỉ là những quyền được đòi hỏi hoặc yêu cầu, mà còn là quyền được tôn trọng và cả trách nhiệm với nhau nữa.

Nó không bị phân biệt bởi biên giới quốc gia, chủng tộc, ngôn ngữ, màu da… Nó cũng không bị tách rời bởi các thể chế chính trị, luật pháp hay các nền văn hóa. Nó áp dụng cho toàn thể loài người và có tính đương nhiên.

Quyền Con Người được công nhận trên nhiều văn kiện khác nhau của nhân loại. Được biết đến nhiều nhất và được coi như mẫu mực, chính là bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (TNQTNQ) của Liên Hiệp Quốc, ra đời năm 1948, cách đây đúng 60 năm.

Bản TNQTNQ công nhận loài người có 26 Quyền Con Người căn bản, bao gồm:

1) Những quyền dân sự về bản thân con người, gồm những quyền liên quan đến thân thể con người, như quyền sống, quyền tự do thân thể không bị nô lệ hay nô dịch, quyền an toàn thân thể không bị bắt giam trái phép, không bị tra tấn hành hạ, được xét xử công bằng nếu bị truy tố, được toà án và luật pháp bảo vệ và được được bình đẳng trước pháp luật

2) Những quyền dân sự của con người trong đời sống xã hội, gồm có quyền tự do cư trú và đi lại, tự do xuất ngoại và hồi hương, quyền riêng tư cho bản thân, gia đình, nhà cửa, thư tín, quyền tị nạn, quyền có quốc tịch, quyền kết hôn và lập gia đình và quyền sở hữu.

3) Những quyền kinh tế, xã hội và văn hóa giáo dục, gồm có quyền làm việc, quyền thành lập nghiệp đoàn và đình công, quyền an sinh xã hội, quyền bảo vệ gia đình, quyền có đời sống khả quan cho bản thân và gia đình, quyền y tế, được hưởng giáo dục, được tham gia vào đời sống văn hoá.

4) Những quyền tự do tinh thần và tự do chính trị hay Quyền Tự Do Dân Chủ, như tự do tôn giáo, tự do tư tưởng và tự do phát biểu quan điểm (tự do ra báo đài), tự do hội họp và lập hội (chấp nhận đa nguyên đa đảng), và quyền bình đẳng tham gia chính quyền (không độc quyền lãnh đạo).

Những quyền này được triển khai rõ thêm trong các bản Công Ước Quốc Tế về những Quyền Dân Sự và Chính Trị (1966) và Công Ước Quốc Tế về những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa (1966).

Riêng về quyền tự do tinh thần và tự do chính trị của con người, cả hai bản Công Ước Quốc Tế vửa kể đều nhấn mạnh thêm ở Điều 1 của mỗi bản về Quyền Dân Tộc Tự Quyết:

“Các dân tộc đều có quyền tự quyết. Chiếu theo quyền này, họ được tự do quyết định về chế độ chính trị và tự do theo đuổi đường hướng phát triển kinh tế, xã hội và văn hoá”.

Tất cả những điều khoản ghi nhận trên bản TNQTNQ 1948 và hai bản Công Ước Quốc Tế 1966 đều được khai triển từ cốt lõi là các Điều Khoản Về Nhân Quyền số 1, số 55 và số 56 trong HIẾN CHƯƠNG LIÊN HIỆP QUỐC 1945, nhằm:

“giải quyết những vấn đề kinh tế, xã hội, văn hoá, hay nhân đạo, và phát huy, khuyến khích sự tôn trọng nhân quyền và những quyền tự do căn bản cho tất cả mọi người không phân biệt chủng tộc, nam nữ, ngôn ngữ hay tôn giáo”.

Việt Nam từng là một thành viên Hội đồng Bảo an của LHQ, đã từng ký kết các Công Ước của LHQ. Lãnh đạo đảng và nhà nước Việt Nam cần phải chứng tỏ sự tích cực tôn trọng những cam kết đã ký, để trước tiên chứng tỏ mình vẫn còn là một con người trong cộng đồng nhân loại văn minh.