Quyền tự do tham chính của dân Việt bị hạn chế thế nào?

RFA

Kẻ khẩu hiệu tuyên truyền về bầu cử, thành phố Cẩm Phả, Quảng Ninh, tháng 4/2021. Ảnh: Internet

Trong báo cáo nhân quyền thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, được công bố hôm 12/4, nước này đánh giá về quyền tự do chính trị ở Việt Nam rằng “Công dân không thể lựa chọn Chính phủ của mình thông qua các cuộc bầu cử tự do và công bằng, được tiến hành bằng hình thức bỏ phiếu kín, nhằm bảo đảm quyền tự do biểu đạt và ý chí của người dân.”

Báo cáo kết luận rằng cuộc bầu Quốc hội khoá XV năm 2021 là không tự do cũng không công bằng, Chính phủ không cho phép các tổ chức NGO được giám sát.

Mặc dù Hiến pháp có quy định người dân được bầu đại diện trực tiếp cho Quốc hội, Hội đồng Nhân dân và các cơ quan nhà nước; tuy nhiên, các quy định của Hiến pháp và Pháp luật lại thiết lập nên sự độc quyền về quyền lực chính trị cho đảng Cộng sản Việt Nam và đảng này giám sát tất cả các cuộc bầu cử.

Các phong trào chính trị đối lập và các đảng phái chính trị khác là bất hợp pháp. Ngoài ra tuy Hiến pháp quy định rằng “tất cả các tổ chức đảng và đảng viên của đảng Cộng sản phải hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật,” nhưng trên thực tế, Bộ Chính trị đảng Cộng sản hoạt động như một cơ quan ra mọi quyết định tối cao của quốc gia.

Ngăn cản, đàn áp quyền tham chính trong thực tế

Giáo sư Nguyễn Đình Cống, người tự ứng cử đại biểu Quốc hội năm 2021 và đã bị loại ngay từ vòng hiệp thương đầu tiên, nói với RFA rằng dù luật quy định là người dân có quyền tự do ứng cử, nhưng trên thực tế, chính quyền Việt Nam dùng mọi cách từ bôi nhọ danh dự, dàn xếp kết quả, cho đến bỏ tù những ứng viên mà đảng không muốn trúng cử:

“Bầu cử Quốc hội năm 2021 cũng giống như những cuộc bầu cử trước đây, nghĩa là nó chỉ dân chủ giả hiệu mà thôi.

Làm gì có chuyện người dân được tham chính. Bởi vì cái chính quyền của Việt Nam hiện nay là đảng quyền, tất cả mọi chuyện đều do đảng quyết định, dân chẳng có quyền hành gì đâu.

Năm ngoái tôi tự ứng cử là bị loại ngay từ vòng đầu. Có mấy chục người tự ứng cử thì đều bị loại hết. Thế còn có một vài người được lựa chọn vào Quốc hội thì những người đó cũng được người ta lựa chọn chặt chẽ lắm. Những người ấy cũng phải thực sự trung thành với đảng thì người ta mới cho vào.

Năm ngoái bầu cử thì đã có hai người tự ứng cử bị bắt. Tất nhiên là họ cũng vu cáo cho một cái tội gì đấy nên hỏi bắt bỏ tù, nhưng mà chủ yếu cái cách của họ là dùng Mặt trận Tổ quốc về vận động nhân dân để nhân dân nói là không tán thành việc giới thiệu những người tự ứng cử.”

Có hai người tuyên bố nộp đơn tự ứng cử đại biểu Quốc hội năm 2021 là ông Lê Trọng Hùng và Trần Quốc Khánh đã bị bắt giữ trước khi cuộc bầu cử diễn ra. Sau đó họ bị tuyên án lần lượt là 5 năm và 6,5 năm tù giam với cáo buộc “phát tán tài liệu nhằm chống nhà nước” theo Điều 117 Bộ Luật Hình sự.

Hạn chế quyền tham chính bằng luật và nghị định

Một nhà phân tích chính sách công, hiện đang ở trong nước, yêu cầu giấu danh tính vì lý do an toàn, khẳng định những nội dung trong báo cáo nhân quyền của Mỹ về quyền tham chính của người dân là hoàn toàn đúng.

Người này nói rằng về khía cạnh pháp luật, trong Hiến pháp, Điều 27 quy định “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng Nhân dân,” nhưng việc thực hiện quyền này như thế nào thì còn do luật và các nghị định đi kèm.

Ngoài ra, ở mỗi kỳ bầu cử, Ban thường vụ Quốc hội sẽ ban hành cơ cấu các thành phần ứng viên, trong đó, quy định rõ những người ngoài đảng hay người tự ứng cử chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Điều đó cũng thể hiện rằng Việt Nam hạn chế quyền tham chính của người dân:

“Trong các quy định có ghi là không quá bao nhiêu phần trăm không phải đảng viên  được vào Quốc hội, thì cái điều đó đã thể hiện là hạn chế sự tham chính của người dân.

Nếu đọc kỹ lại luật bầu cử thì sẽ thấy có hai điều. Thứ nhất là quyền của người dân được quy đinh bởi luật có được tới đâu. Ví dụ như các điều kiện được tự ứng cử, có bao nhiêu phần trăm người không phải đảng viên được cơ cấu vào Quốc hội…

Thứ hai là quá trình thực hành cái quyền đó thì người dân có được tạo điều kiện về thủ tục và quy trình để mình thực hành các quyền của mình hay không.

Nhiều khi luật quy định rằng quyền của anh được làm tới đây, nhưng trong thủ tục anh không được tạo điều kiện để thực hiện cái quyền đó, thì trên thực tế nó vẫn là sự hạn chế quyền tham chính.

Trên thực tế thì sinh hoạt chính trị ở Việt Nam, Quốc hội chỉ có chức năng là thể chế hóa các chủ trương của đảng. Có nghĩa là đảng muốn như thế nào thì sẽ chuyển sang Quốc hội để Quốc hội làm luật. Điều đó cũng thể hiện việc rằng là người dân không được tham gia chính trị.”

Theo Nghị quyết Dự kiến về số lượng, cơ cấu, thành phần Đại biểu Quốc hội khóa XV, do Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành vào tháng 1/2021 quy định rằng sẽ có 25 – 50  ghế trong Quốc hội khóa XV (chiếm từ 5 – 10%) là người ngoài Đảng.

Ngoài ra, đối với những người ngoài đảng tự ứng cử thì Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, huyện phối hợp với các cơ quan có liên quan xem xét báo cáo, kết luận về tiêu chuẩn chính trị của người tự ứng cử đó. Nghĩa là, những người ngoài đảng muốn được ứng cử vào Quốc hội phải bị đánh giá tiêu chuẩn chính trị bởi những người trong đảng.

Theo nhà phân tích chính sách công cho biết, đối với nhóm những quyền dân sự và chính trị thì nó có liên quan, liên đới với nhau. Nghĩa là, người dân muốn có được quyền tự do chính trị thì cũng phải đấu tranh cho những quyền khác như tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do lập hội, tự do đi lại…

Nếu muốn mở rộng các quyền tự do ở Việt Nam, theo người này, trước hết người dân cần ý thức được các quyền của mình có được đến đâu, được quy định cụ thể trong luật như thế nào.

Người dân cần phải hiểu và áp dụng nó trong cuộc sống hàng ngày. Ví dụ như khi bị dừng xe ô tô, xe máy trên đường bởi công an giao thông thì phải biết cách đối thoại với họ, biết cách sử dụng luật để tự bảo vệ mình khỏi những hành vi lạm quyền của công an, hoặc là đại diện cơ quan công quyền.

Những việc như vậy cần phải được thực hành thường xuyên, liên tục, bởi rất nhiều người thì mới biến những cái quyền được ghi trong luật trở thành thực tế. Khi đó thì quyền chính trị của người dân cũng sẽ được tăng lên, cùng với tất cả những quyền còn lại trong nhóm các quyền dân sự và chính trị.

Nguồn: RFA