San José Chào Đón Lý Tống Trở Về Từ Nhà Tù Thái Lan

Hôm thứ Bảy 07-04-2007, phòng đợi phi cảng, Cổng C, phi trường quốc tế San Jose như bị tạm chiếm đóng bởi hàng trăm đồng hương Việt Nam tỵ nạn với biểu ngữ, bích chương và cờ Vàng rực rỡ trên cao, chào đón Lý Tống thực sự bằng xương thịt, trở về đoàn tụ với San José trong Tự Do.

Vài phút sau khi máy bay hãng American Airline đáp xuống, từ hành lang sâu thẳm, xuất hiện vóc dáng ngang tàng quen thuộc của một người mà báo giới truyền tụng là ” Kẻ không biết sợ”. Cửa phòng đợi thuộc Cổng C phi cảng quen thuộc San José như được mở tung. Sau một tiếng reo mừng xé trời, thân thể Lý Tống như bị nuốt chửng bởi những làn sóng đầu tiên bao vây lấy viên cựu phi công này.

Những làn sóng tròn sau đó trở nên dầy hơn, bao vây kín lấy cái tâm vòng tròn, một thân gầy, áo thun trắng, khoác vội chiếc áo vest xám xanh, hơi thùng thình thách đố.

Vẫn cặp kính đen che đôi mắt, nụ cười Lý Tống rạng nở trên môi. Trên cao trên một bích chương vải vynil với chân dung của anh, Ó Đen, nhìn xuống ngạo mạn, kiêu hùng bên những cánh bay phản lực xé trời.

Lý Tống và Tự Do bây giờ là một. Cộng đồng Việt Nam tỵ nạn có mặt tại thời điểm này cũng như trở thành một. Tiếng hô “Freedom” và tên của anh “Lý Tống” vang vội như muốn làm vỡ những khung cửa kính trong khu vực phòng đợi dẫn ra phòng hành lý. Chỉ mới hơn một thập niên trước, tưởng như thiên thu, hình ảnh viên phi công họ Lê tên Tống với cặp kính bay to trên khuôn mặt, nằm cao cánh trái trên “Bức Tường Bất Khuất “, bên phải, một biểu ngữ lớn, song ngữ, hàng trên đòi hỏi tự do cho Lý Tống, hàng dưới, “đối với chúng tôi, anh là Tự Do”. Hàng ngàn người, lúc đó, trên sân cỏ một công viên, bị dẫm nát bởi những bàn chân khối người Việt tỵ nạn tham dự biểu tình, dưới phố San José.

Chiều thứ bảy 7 tháng 4 năm 2007 hôm nay, thay vì những tiếng hô hào hét vang vì tức giận của thập niên trước, là tập hợp cộng hưởng của những trái tim buồng phổi vỡ tung vì vui sướng. Nhân viên an ninh phi cảng, vừa tế nhị, vừa ngoại giao, vừa quyết tâm, đã khéo léo cùng đoàn người “di chuyển” nhân vật người hùng của đám đông chào đón anh ra khỏi phòng đợi. Không mang hành trang, từ Nam Cali, Lý Tống “nhập cuộc” ngay với đám đông thiện cảm, thoát ra những cửa kính đôi khu hành lý, và lập tức biến một góc bãi đậu xe thành một buổi họp báo bỏ túi. Lý Tống dừng chân ở địa điểm bãi đậu xe này, liên tục lên tiếng như không ngừng, làm thoả thích hàng trăm những máy thâu hình, thâu băng, máy ảnh, và cả thâu hình thâu thanh dã chiến bằng máy điện thoại cầm tay đủ loại cá nhân.

Trong vòng tròn vây kín, Lý Tống khẳng định chống lại cuộc bầu cử quỷ quyệt Quốc Hội 12 Việt Cộng vào ngày 20/5, và tuyên bố sẽ tiếp tục đấu tranh cho lý tưởng Dân Chủ Hoá Việt Nam. Sau đó cuộc tiếp xúc của Lý Tống sẽ liên tục trở lại tại một đài phát thanh, phát hình và tại trụ sở sinh hoạt cộng đồng.

Hầu hết các cơ quan truyền thông Việt ngữ đều có mặt trong buổi đón tiếp Lý Tống. Nhiều hình thức trực tiếp truyền thanh trên các đài phát thanh được thực hiện ngay tại chỗ.

Hiện diện trong đám đông tại phi cảng San José người ta ghi nhận sự hiện diện của nhiều cá nhân và hội đoàn quân cán cảnh, aí hữu, tôn giáo, cộng đồng người Việt tại địa phương. Minh thị nhất là Uỷ Ban Phát Huy Tinh Thẫn Lý Tống, Tập Thể Chiến Sĩ Quân Lực VNCH, Lực Lượng Thủ Đức, Hội Phụ Nữ Việt Nam Bắc Cali, v..v.

Một số nhân vật quen thuộc trong sinh hoạt địa phương cũng hiện diện trong thời khoản này, Ông Lê Hữu Phú, Phạm Hữu Sơn, Nguyễn Ngọc Tiên (Cộng Đồng Việt Nam bắc Cali), Ông Hoàng Thưởng, Thomas Nguyễn (Uỷ Ban Bảo Vệ Chính Nghiã Quốc Gia), Cụ Trương Đình Sửu, Cụ Nguyễn Hữu Hãn (Hội Cao Niên), Hoà Thượng Thích Giác Lượng (Phật Giáo), Hiền Tài Nguyễn Thanh Liêm (Cao Đài), Ông Ba Vân (chiến hữu Không Quân), Anh Bryant Công Đỗ (cựu ứng viên khu 4, Hội Đỗng Thành Phố San Jose), Cô My Nguyễn, Ông Phan Thành Long (Đảng Việt Tân, Bắc Cali), Ông Hoàng Thế Dân (Hội Đồng Đại Diện, Cộng Đồng Người Việt Bắc Cali),v.v..

Trong Kháng Thư số 14 cuả Khối 8406, người ta đọc rõ lời chúc mừng Lý Tống ngay sau khi toà chung thẩm Thái Lan đảo ngược bản án tháng 9 của toà sơ thẩm đòi dẫn độ ông Lý Tống về VN. Trước đó vào hôm thứ Sáu, 6-4, ngay bậc thềm Tiền Đình Quốc Hội California, sau khi nhận Thỉnh Nguyện Thư của Đoàn Biểu Tình Tọa Kháng chống lại sự leo thang đàn áp Dân Chủ của CSVN ở trong nước, Dân Biểu Trần Thái Văn, cũng đã đề cập trong phần tiếp xúc với truyền thông, tin vui tự do của Lý Tống. DB Trần Thái Văn cho biết ông đã 2 lần đích thân đi Thái Lan can thiệp nội vụ.

Trong khi đó, hồi tuần qua, Phát ngôn viên CSVN Lê Dũng ngay trong ngày khi hay tin Lý Tống được trả tự do, đã bày tỏ sự bất bình về quyết định này và nói rằng “lấy làm tiếc về phán quyết của Toà Phúc thẩm Bangkok ngày ¾/2007 từ chối dẫn độ Lý Tống về Việt Nam.” Ông Dũng còn nói là “phán quyết trên là không công bằng, hoàn toàn trái với luật pháp Thái Lan, luật pháp CSVN và luật pháp quốc tế…. “.