Sau Katrina đến Rita – Thiên tai thay đổi cả chính trị

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

Ngày 15 tháng 9 vừa qua, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã tới nói chuyện tại trường Quản Trị Kinh Doanh Garvin, thuộc đại học Thunderbird ở tiểu bang Arizona. Ngài nói: “quý vị cần hiểu rằng tương lai của quý vị tùy thuộc những người khác, tương lai của cá nhân tuỳ thuộc cả xã hội.” Bài giảng của nhà tu sĩ này đến đúng lúc nước Mỹ đang cần, vì hai trận bão Katrina và Rita. Bài tường thuật (và video) trên trang nhà của Thunderbird dẫn những lời giảng của Đức Đạt Lai Lạt Ma.

Quyền lực và của cải có thể mang lại những “nụ cười nhân tạo”, ngài nói, nhưng chỉ có đức từ bi và tránh khỏi những xúc động tàn hại của hận thù và giận dữ, chúng ngăn không cho chúng ta nhìn thấy sự thật, mới đem lại tâm an lâu dài.

“Người ta tham quá. Ông có 100.000 đô la rồi vẫn còn muốn có nhiều hơn. Ông có một triệu đô la rồi vẫn muốn thêm”. Tôi đã nói đùa với một nhà doanh nghiệp, ’ông là nô lệ của đồng tiền.’ Nếu ông có chút tiền, hãy đem cho người khác! Bà viện trưởng Angel Cabrera nói việc mời Đức Đạt Lai Lạt Ma tới đại học là một trong những ngày lớn nhất trong lịch sử trường. Đây là lần đầu tiên ngài nói chuyện với các sinh viên cao học quản trị kinh doanh MBA.

Chính phủ Mỹ sẽ chi tiêu thêm 200 tỷ trong mấy năm tới để tái thiết các tiểu bang bị bão Katrina và Rita tàn phá. Nhưng khi nhìn thấy những cảnh cướp bóc xẩy ra sau trận cuồng phong, khi chứng kiến cảnh những xác chết nằm chờ chôn cất và những người tỵ nạn còn sống tranh giành nhau miếng ăn, nước uống, chúng ta thấy những tai hại về vật chất không đáng lo bằng sự suy sụp về tinh thần. Loài người có thể sống và phải sống với nhau theo cách tử tế hơn.

Thiên tai có thể tạo cơ hội cho loài người biết giúp đỡ nhau, thương yêu, đùm bọc nhau hơn. Ở những xứ hay bị bão tuyết, người lái xe thường dừng lại hỏi thăm và giúp những người bị hư xe dọc đường ngay cả trong mùa ấm áp, vì người ta đã tập được thói quen tương trợ. Những thói quen tốt đó, có thể gọi là tinh thần công dân, là văn hóa, là một thứ hợp đồng xã hội. Mọi người ngầm ký kết với nhau là phải tương trợ. Vì không ai biết đến lúc nào mình sẽ là nạn nhân cần giúp đỡ. Những người sống ở nơi đô thị ít khi biểu lộ tinh thần tương trợ như những người ở thôn quê hay ở miền rừng núi. Vì ở thành phố người ta có một hệ thống tương trợ chính thức gồm những cảnh sát, xe cứu thương, cứu hỏa rất gần; còn ở miền đồng quê không có.

Nhưng thiên nhiên và khung cảnh sống không phải là những nguồn gốc duy nhất tạo nên óc tương trợ trong xã hội. Văn hoá cũng đóng một vai trò quan trọng. Nhiều nền văn hóa coi trọng tinh thần phục vụ tập thể, nơi khác thì có óc độc lập và tự lập cá nhân được đề cao. Có nền văn hóa đề cao Nghĩa, có chỗ hay nói đến Lợi, nhấn mạnh chuyện phân chia quyền lợi công bằng. Cả hai khuynh hướng đó đều có giá trị, nhưng khi đứng trước một thiên tai, khi mọi người đều là nạn nhân, thì không còn ai phải bàn về cách phân chia quyền lợi nữa. Lúc đó mọi người phải làm việc Nghĩa. Việc Nghĩa, tức là làm những bổn phận luân lý, không do một bản hợp đồng hay những điều luật nào bắt buộc. Một điều người ta ca ngợi dân chúng thành phố Kobe Nhật Bản là sau một trận động đất tàn phá kinh hoàng, mọi người vẫn sống trong trật tự và tìm cách giúp đỡ lẫn nhau một cách hữu hiệu. Trong khi đó chính phủ Nhật Bản bị chê cười vì tổ chức việc cứu trợ rất vụng về, luộm thuộm.

Những hình ảnh cướp của, hôi đồ ở New Orleans, Louisiana, làm chúng ta nhớ lại những vụ hỗn loạn xẩy ra ở Los Angeles hơn 10 năm trước, hay cảnh cướp bóc ở thành phố New York sau khi bị cúp điện. Hầu như trong xã hội Mỹ đã chứa chất sẵn những mầm mống bạo loạn, chỉ chờ một cơ hội là bùng lên. Cơ hội tới khi mạng lưới bảo vệ trật tự bị vỡ bể. Một xã hội sống với nhau tương đối trong trật tự và bình an, vì được ràng buộc trong một mạng lưới luật pháp và những phong tục, tập quán do truyền thống văn hoá tạo ra. Khi điện tắt làm tất cả thành phố tối om cả cảnh sát phải đi canh gác các ngả đường, hay khi bão lụt làm cảnh sát bận rộn cứu người, chỉ cần một nhóm kẻ gian nhỏ bắt đầu đi cướp phá, đám cướp ngày càng lớn, lôi kéo đến những người bình thường vẫn sống lương thiện, thế là tạo ra một tình trạng vô chính phủ.

Tại sao trận động đất ở Kobe mấy năm trước không sinh ra một vụ cướp bóc, đốt phá tương tự? Có lẽ vì sau khi guồng máy cảnh sát giữ trật tự mất hiệu lực, thì vẫn còn một hệ thống hỗ trợ khác, là đạo lý. Mọi người chung sống với nhau đã chia sẻ những giá trị luân lý chung. Khi không còn ai lo bảo vệ luật pháp nữa thì mỗi người vẫn bảo vệ hệ thống giá trị luân lý đó. Luân lý của các xã hội loài người, trên căn bản thường bảo chúng ta phải cộng tác với nhau, giúp đỡ lẫn nhau. Nhu cầu cộng tác để sống chung đó mới xác định những quy tắc, những tiêu chuẩn để thể hiện ra trong cuộc sống. Như phải hiếu thảo, trung thành, nghiã hiệp, bác ái, thương yêu, vân vân…

Bây giờ là lúc những nhà lãnh đạo tinh thần ở Mỹ hoạt động mạnh hơn nữa, để cùng tạo một nền đạo lý có tính cách xã hội, có tính chất cộng đồng nhiều hơn. Óc vị lợi và đề cao quyền lợi cá nhân cần được giảm bớt. Cần tạo công bằng, nhưng cũng cần tấm lòng trọng nghiã. Trẻ em cần được dạy những bài công dân giáo dục ngay từ nhỏ. Không phải chỉ là những bổn phận của mỗi người đối với Thượng Đế mà thôi, mà chính là những bổn phận của con người đối với con người. Ngay cả những người không có tôn giáo cũng phải học và tập thực hành những bổn phận thế tục đó.

Nhiều Người, Người tốt

Mỗi lần một cơn hoạn nạn xẩy ra, chúng ta thấy xuất hiện bộ mặt thật của những con người sống trong đó. Có đủ các khuôn mặt, những người tốt và người xấu. Cái xấu chúng ta đã nghe kể nhiều rồi. Nhưng bên cạnh những cái xấu cũng rất nhiều cảnh tượng tốt đẹp.

Ngày xưa ở Việt Nam mỗi khi có bão lụt, hỏa hoạn, nhiều đoàn thanh niên tự động lập ra những ủy ban cứu trợ. Ngày nay, việc cứu trợ ở Mỹ bộc phát trên internet. Những mẩu “rao vặt” tự nguyện giúp đỡ xuất hiện trên mạng lưới Nola.com, dùng xa lộ thông tin, nhắm “tất cả cho New Orleans, Louisiana” Có 3,500 tư nhân ở xa cống hiến chỗ ở cho các nạn nhân lựa chọn, và cả 1,400 người nhận trông nom giúp chó mèo lạc chủ. Mạng lưới mỗi ngày được 22 triệu lần người ta vào đọc và viết. Hơn 20 ngàn người vào đó tìm thân nhân, hơn 4 ngàn người báo tin mình còn sống cho bà con biết. Một gia đình tận tiểu bang Wisconsin cống hiến: “Có phòng ở cho ba tới bốn người trong nhà chúng tôi, tại Berlin, Wisconsin. Gần trường học và nhà thờ. Không nhận người hút thuốc, rượu, ma tuý hoặc nuôi chó mèo”.

Qua cơn bão Katrina nhiều người trên thế giới nhìn thấy bộ mặt xấu xí của nước Mỹ. Người ta không coi nước Mỹ là một kiểu mẫu xây dựng quốc gia nữa. Tờ Libération ở Pháp bình luận rằng trận cuồng phong Katrina đã làm hiện rõ một căn bệnh xã hội mà trước đây người Mỹ không chịu nhìn thẳng vào. Súng, cướp bóc, người da trắng chạy trước còn người da đen kẹt lại, những người giầu chạy thoát nhanh chóng, còn những người nghèo không có xe, những người già yếu, bệnh tật là những nạn nhân bị bỏ rơi mấy ngày trước khi được cứu giúp; một nhà thương tư đã từ chối không dùng trực thăng chở giúp bệnh nhân một bệnh viện từ thiện bên cạnh trốn bão, vì ưu tiên cần chở nhân viên của mình. Ông Aaron Broussard, chủ tịch giáo xứ Jefferson thuộc New Orleans, nơi bị thiệt hại nặng nhất, than: “Chưa bao giờ người Mỹ lại bỏ rơi người Mỹ tệ như thế này”. Du khách kể đã thấy những lính cứu hỏa và người cứu thương lấy trộm trong các cửa hàng. Có những cảnh sát viên không làm gì để ngăn chặn bọn ăn cướp nhưng lại đi hôi của. Hai trăm cảnh sát bỏ chạy không làm việc. Hai cảnh sát viên đã tự sát trong cơn tuyệt vọng.

Nhưng tại Fox valley, tiểu bang Wisconsin, nhiều gia đình tổ chức với nhau tự nguyện cung cấp chỗ ở cho các nạn nhân. Ngay trong những khu tàn hại ở thành phố New Orleans, người ta cũng cố giúp đỡ lẫn nhau chứ không phải có những người đi ăn cướp. Hai nữ cảnh sát viên, bà Taylor thì nhà cửa bị nước phá tan, bà Fullwood bị trộm lấy hết đồ đạt, cả súng đạn và áo giáp cũng bị mất, nhưng họ vẫn làm việc không nghỉ hơn một tuần lễ để đi cứu giúp người khác, bà Fullwood đã bị bắn ba lần. Nữ ca sĩ Céline Dion đã tặng hội Hồng Thập Tự Mỹ một triệu đô la ngay khi cơn bão vừa mới tới. Trên màn ảnh đài CNN cô đã không cầm được xúc động khi được phỏng vấn trước khi lên sân khấu ở Las Vegas; xướng ngôn viên Larry King phải hỏi: Cô có sao không? Are you ok Céline.

Và Cả Những Người Vô Duyên

Khi một nữ ca sĩ đang nuôi con nhỏ bầy tỏ cơn xúc động của mình, chúng ta thông cảm. Một người ngoại quốc khác cũng chỉ trích chính phủ Mỹ trong dịp này là ông Fidel Castro, chủ tịch Cuba. Ông tuyên bố sẵn sàng gởi 1.586 bác sĩ sang cứu người tị nạn ở Mỹ. Chắc nhiều người sẽ tự nguyện xung phong lên đường. Vì rất nhiều người Cuba chỉ mong có dịp ra khỏi nước rồi xin tị nạn cộng sản! Một chính trị gia cũng vô duyên không kém là ông bộ trưởng môi trường sống trong chính phủ Đức, Jurgen Tritten; ông đem vụ bão Katrina ra để chê trách chính sách thiên về các công ty lớn của chính phủ Mỹ, không kiểm soát hơi khói để ngăn ngừa nạn khí quyển nóng dần. Mục tiêu của ông không phải là tổng thống Bush! Báo chí Âu châu chê ông Trittin không những vô lý (bão Katrina không liên can gì tới hiện tượng khí quyển nóng dần mà còn “vô duyên” (bad taste nữa). Báo Bild Zeitung ở Đức tố cáo, “Ông Trittin cho cả thế giới một bộ mặt xấu xí của nước Đức!” Người Hà Lan có kinh nghiệm về nạn lụt. Họ cũng tránh không chỉ trích chính quyền Mỹ thiếu hiệu năng trong việc cứu lụt. Nhật báo NCR Handelsblad công nhận rằng “Chúng ta cũng không dám bảo đảm là sẽ phối hợp việc cứu lụt của chúng ta sẽ có hiệu quả hơn. Hãy duyệt xét lại tình trạng sắp sẵn của chúng ta trước khi chỉ trích người Mỹ.”

Một nhóm du khách Mỹ từ Oklahoma và Las Vegas tới, cùng những người Úc, Canada, Anh quốc, v.v… tụ họp với nhau khi tránh lụt bên ngoài một khu thương xá ở New Orleans đã chứng kiến cảnh cướp bóc, hôi của ở thành phố này. Họ tự tổ chức đời sống, biểu quyết khi cần để sống với nhau theo lối dân chủ. Họ chứng kiến cảnh một phụ nữ ngồi chết trên xe lăn, trên hè phố suốt mấy ngày. Bên cạnh là một xác nằm chết, đã được che phủ. Ban đêm họ nghe tiếng một phụ nữ kêu cứu, rồi nghe tiếng súng nổ, mà không thể làm gì được. Có lúc họ cũng phải quyết định đi phá cửa hàng thực phẩm và tiệm ăn để lấy thức ăn. Trong lúc mấy người ngoại quốc đang ăn, một nhóm khoảng 30 người Mỹ đen đi tới. Một bà da đen trông thấy đám du khách, giận dữ hét lên: “Tại sao mấy người da trắng nầy có thức ăn, nước uống mà chúng tôi thì đang chết đói?” Nhiều người da đen chỉ trích các báo, đài thiếu vô tư. Khi thấy những người da trắng đi kiếm thức ăn trong các cửa hàng bỏ trống thì nhà báo nói là họ đi tìm thức ăn; còn khi đó là những người da đen thì họ dùng chữ “đi ăn cướp”.

Cơn giận dữ của người dân có thể thông cảm. Người da đen ở New Orleans thuộc lớp người nghèo nhất nước, họ chiếm 2/3 dân số. Đây cũng là thành phố có án mạng cao gấp 10 lần số bình quân của cả nước Mỹ. Trong số 78 trường học được coi là xấu nhất tiểu bang Louisiana thì có 55 trường ở thành phố New Orleans. Hội đồng giáo dục cho tới sở cảnh sát đều có nhiều quan chức bị truy tố về tham nhũng. Sau trận bão, ông chỉ huy trưởng cảnh sát đã từ chức. Cái nghèo đi đôi với cái dốt, đã được lưu truyền từ hàng thế kỷ, con người ở đó như nằm trong vòng luẩn quẩn chưa gỡ ra được. Khi chính phủ yêu cầu rút tất cả ra khỏi thành phố, nhiều người không có phương tiện nào để ra đi. Và không ai nghĩ tới một kế hoạch quy mô. Một chính phủ để làm gì nếu không phải là giúp dân chạy thoát khỏi những thiên tai được báo trước?

Có xí nghiệp ở New Orleans đã quyết định sẽ đổi về Baton Rouge, đi mua cả khu đất để xây cất nhà cho nhân viên. Một bác sĩ mua ngay ngôi nhà với giá đòi là 375,000 đôla, chịu trả giá gấp đôi. Hơn 400 ngàn dân ở đó cảm thấy phải tự vệ khi đoàn xe chở những người tị nạn tới làm tăng dân số thêm gần một trăm ngàn. Có một gia đình tị nạn vào tiệm giầy ở Baton Rouge, cả nhà mỗi người chọn một đôi giầy, đi thử vào chân rồi thản nhiên đi luôn, coi như mình có quyền được mọi người “cưú trợ”. Ngay cửa hàng bán súng ở Baton Rouge cũng phát tài. Nhưng 1/3 những người mua dao và súng chính là dân tị nạn muốn khi trở về họ có vũ khí tự vệ. Nhiều người tị nạn đang ở Houston quyết định trở lại New Orleans càng sớm càng tốt. Trở về ngôi nhà mình, bắt đầu xây dựng lại. Một người đàn ông 58 tuổi nói, bỏ đi luôn thấy mình hổ thẹn, giống như bỏ rơi một người bạn đang cần mình.

Chúng ta đã chứng kiến những cảnh tang thương, kinh hoàng, nhưng cũng không thiếu những cảnh cảm động vì tình người được bày tỏ trong cơn hoạn nạn chung. Một năm, hai năm nữa, dần dần người ta sẽ quen đi. Thành phố New Orleans sẽ sống lại, khu phố Pháp sẽ sống lại, nhạc Jazz lại vang rền và du khách lại đổ về chờ ngày hội Mardi Grass. Người Mỹ học rất nhanh, họ sẽ rút tỉa những kinh nghiệm, sửa chữa các sai lầm để chờ đói phó với các thiên tai mới. Nhiều người sẽ ý thức rõ ràng hơn về sự chênh lệch giầu nghèo, với những người da đen lâm vào cảnh nghèo truyền kiếp, tình trạng đó không thể kéo dài được. Nhưng người Mỹ cũng rất mau quên. Trong các kỳ bầu cử năm 2006 và 2008, các nhà chính trị sẽ đem trận bão ra để đổ tội cho nhau. Sau đó, chắc hầu hết mọi người sẽ quên Katrina. Trừ các công ty xây cất lo đấu thầu việc bảo vệ miền duyên hải vịnh Mexico. Chắc chắn tới năm 2008 những dự án mới bắt đầu, với ngân sách vài chục tỷ Mỹ kim. Biết bao nhiêu thiên tai đã đổ lên trái đất nầy. Biết bao cảnh những người xấu, người tốt, và cả những người vô duyên từng diễn ra trên sân khấu cuộc đời. Và đời sống vẫn tiếp diễn.


Tổng Thống Bush Bị Bão Rớt

Tổng thống Bush đã rời một bước về chính trị. Ông Michael Brown, giám đốc cơ quan cấp cứu liên bang FEMA, đã bị dư luận, báo chí, các dân biểu quốc hội phe chính phủ và phe đối lập chỉ trích liên tiếp, phải từ chức. Số người ủng hộ ông Bush đang xuống thấp. Những khi tai nạn lớn xẩy ra, dù do khủng bố phá hoại hay do thiên tai, dân Mỹ thường đoàn kết sau lưng ông tổng thống. Vụ 11 tháng 9 năm 2001 là một bằng chứng, lúc đó uy tín của tổng thống Bush đã lên cao nhất, trên 80 phần trăm dân chúng ủng hộ ông. Nhưng chính quyền không ứng phó được tai họa, nhìn những thảm cảnh hiện ra trên TV, người dân coi ông tổng thống là người chịu trách nhiệm. Cảnh tượng những người chạy bão lụt đói, khát, bệnh tật và chết chóc không được cứu kịp thời suốt ba bốn ngày; cả nước xúc động và cả thế giới ngạc nhiên về nước Mỹ. Nghiên cứu dư luận của Pew Reseach cho thấy ngay trong số những người theo đảng Cộng Hòa, tỷ lệ người ủng hộ ông Bush cũng giảm mất 9 phần trăm. Những cử tri có tính ngưỡng nhiệt thành vốn là thành trì bỏ phiếu cho ông Bush; nay họ cũng giảm lòng tin. Ông mất chín phần trăm trong số những tín hữu Tin Lành Thuyết Giáo (Evangelical) và mất 12 phần trăm trong số tín đồ Công Giáo.

Điều mọi người đều thấy, là chính phủ Bush phản ứng quá chậm chạp khi thiên tai Katrina tàn phá New Orleans, tới trận bão Rita các cấp chính quyền đã chuẩn bị sẵn sàng hơn. Mặt dù đã tuyên bố tình trạng khẩn trương trước khi bão Katrina tới, ông Bush hầu như không nhìn thấy được tầm vóc của tai họa sắp xẩy ra lớn thế nào. Phó tổng thống Dick Cheney tiếp tục đi nghỉ hè, tìm mua một ngôi nhà mới trị giá gần ba triệu đô la, bà ngoại trưởng Condoleezaa Rice vẫn đi coi nhạc kịch ở Broadway. Trong cuộc tranh cử năm ngoái, ông Bush thắng điểm ông Kerry vì cuộc vận động nhấn mạnh vào khả năng lãnh đạo và đức cương quyết của ông trước cơn nguy biến, trong khi ông Kerry được mô tả là người lừng chừng, hay thay đổi ý kiến. Bây giờ thì chính khả năng lãnh đạo của ông Bush bị nghi ngờ. Nhiều người do ông dùng tỏ ra không có khả năng. Cựu giám đốc FEMA không có kinh nghiệm nào về cứu cấp nhưng được bổ nhiệm vì là bạn của người giám đốc cũ, một cựu chánh văn phòng tổng thống. Bà Julie Myers được bổ nhiệm làm giám đốc di trú và quan thuế không có kinh nghiệm nào về ngành này, nhưng có họ với tướng Richard Myers và lấy người chánh văn phòng của ông bộ trưởng Nội An. Ông Donald Rumsfeld, bộ trưởng Quốc Phòng đã bị chỉ trích về khả năng hoạch định và điều khiển cuộc chiến tranh Iraq. Viên chức cao nhất trong chính phủ về tiếp liệu bị bắt trong tháng Chín vì dính líu tới một vụ án về tham nhũng của những người cộng tác với dân biểu Tom Delay, trưởng khối Cộng Hòa ở Hạ Viện. Ông DeLay đồng minh mạnh nhất của tổng thống Bush ở Hạ viện cũng bị truy tố vi phạm gây quỹ bầu cử của tiểu bang Taxas, trong lúc nghị sĩ Bill Frist, trưởng khối Cộng Hòa ở Thượng viện đang bị cơ quan chứng khoán quốc gia điều tra về một vụ bán cổ phần.

Nhiều người chống ông Bush từ lâu nay bây giờ các ý kiến của họ được nhắc lại, lấy vụ bão Katrina làm bằng chứng. Những người bảo vệ môi trường chỉ trích ông là từ lâu ông vẫn không quan tâm đến việc bảo vệ miền bờ biển thấp quanh Vịnh Mexico. Người chống chiến tranh cho là vì ông đưa quân đội và vệ binh qua Iraq nên thiếu người cứu trợ và bảo vệ trật tự. Đảng Dân Chủ nhân dịp này chỉ trích Đảng Cộng Hoà chú trọng đến những người giầu, người da trắng, bỏ rơi các nạn nhân da đen nghèo khó. Trận bão Katrina mở lại vết thương chia rẽ chủng tộc trong xã hội Mỹ, lâu nay tưởng đã yên. Tai họa xẩy ra ở một thành phố với hai phần ba dân chúng là người da đen. Có 35 phần trăm là người da đen ở đó không có xe hơi để chạy bão, so với 15 phần trăm trong số người da trắng.

Hiện nay các đại biểu quốc hội thuộc đảng Cộng Hoà cũng tỏ ra độc lập với Toà Bạch Ốc nhất là những người sắp phải tái tranh cử năm 2006. Hiệp ước tự do mậu dịch với một số nước Trung Mỹ đã được Hạ viện thông qua với đa số một phiếu duy nhất sau khi dân biểu Tom DeLay đi thúc đẩy từng người, mặc dù đảng Cộng Hoà chiếm đa số trên 30 phiếu. Nhiều nghị sĩ Cộng Hòa cũng đặt lại vấn đề về ngân sách chiến tranh Iraq và các chương trình chi tiêu của chính phủ, sau hai trận bão lớn.

Khi đắc cử năm ngoái, Tổng thống Bush tuyên bố rằng ông đã được dân chúng ủy nhiệm và cho ông một số “vốn liếng chính trị” ông sẽ đem dùng trong nhiệm kỳ thứ hai. Mọi người tiên đoán trong bốn năm này ông sẽ thúc đẩy những chương trình chính trị bảo thủ của đảng Cộng Hoà, với uy tín chính trị đó ông sẽ thành công. Trong những năm 2001, 2003 tổng thống Bush đã biết sử dụng uy tín của ông lên cao sau vụ khủng bố 11 tháng 9 và các cuộc chiến thắng ở Afghanistan và Iraq. Ông đã đưa ra những chương trình cắt giảm thuế mà người chỉ trích nói là mang lợi ích quá nhiều cho lớp người giầu có. Ông Bush muốn thúc đẩy quốc hội chấp thuận cho các luật cắt thuế đó thành vĩnh viễn, thay vì sẽ hết hiệu lực sau năm 2010. Ông Bush cũng muốn cải tổ quỹ hưu bổng xã hội Social Security, trong đó có tham vọng thành lập những quỹ học bổng cá nhân, được những người trẻ có lợi tức cao ủng hộ.

Nếu những dự định trên được thực hiện, tổng thống Bush sẽ được ghi vào lịch sử như là người đã làm cuộc cách mạng xã hội ở Mỹ, thay đổi đường lối quốc gia đã được định hướng từ thập niên 1930 thời tổng thống Franklin Roosevelt. Nhiều người đã trông đợi tổng thống Bush sẽ biến đổi nước Mỹ, từ nay sẽ theo khuynh hướng đảng Cộng Hòa, một triết lý chính trị đề cao tự do cá nhân, trách nhiệm cá nhân; thay thế cho triết lý của đảng Dăn Chủ trong đó vai trò của nhà nước được coi trọng. Triết lý “chính phủ nhỏ” đã được các vị tổng thống đảng Cộng Hòa hô hào từ lâu, như khi ông Reagan tranh cử, ông nói: “Chính phủ không giải quyết được vấn đề; chính phủ là vấn đề ta giải quyết!” Khuynh hướng bảo thủ nhìn thấy toàn những nhược điểm của bộ máy công quyền, họ muốn cắt nhỏ chính phủ thêm được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Ngược lại, các xí nghiệp tư, tổ chức tư được coi là kiểu mẫu làm việc có hiệu năng và mang lại lợi ích cho tất cả mọi người. Tư tưởng này đã lây lan ra trong dân chúng, được tầng lớp trung lưu ủng hộ. Ngay tổng thống Bill Clinton thuộc đảng Dân Chủ, năm 1996 cũng hô khẩu hiệu “Chúng ta biết chính phủ lớn không có mọi giải đáp. Chúng ta biết không thể cứ mỗi vấn đề lại có một chương trình chánh phủ … Thời đại của chính phủ lớn đã qua rồi!” Ông Clinton đã hạ thấp vai trò của các nhà chính trị trong việc trị quốc! Trong một nước Mỹ kinh tế tăng trưởng lâu kỷ lục thời ông Clinton làm tổng thống, chính các nhà quản trị xí nghiệp mới là anh hùng được mọi người ngưỡng mộ.

Nhưng ông Clinton tuyên bố quá sớm. Vụ 11 tháng 9 làm thay đổi tất cả. Ông Bush lại là người đã làm cho guồng máy chính phủ phồng to lên. Năm 2001 lúc ông Bush nhậm chức, ngân sách chính phủ Mỹ chiếm 18.5% tổng sản lượng nội địa; năm nay, trước khi tính các chi phí vì bão Katrina và Rita, ngân sách chính phủ lên tới 19.8% GDP. Cứ tính tròn GDP của người Mỹ là 11 ngàn tỷ mỹ kim một năm, số gia tăng là 143 tỷ mỹ kim. Cùng lúc đó, trong lãnh vực tư, bao nhiêu vị giám đốc xí nghiệp bị truy tố ra tòa vì tội nhũng lạm, gian dối lừa đảo các cổ đông và chính quyền.

Bảo Katrina có thể làm cho nhiều người nhìn thấy viễn tượng khác. Vai trò của chính quyền trở thành cần thiết khi phải đối phó với những tai họa lớn chung cho cả xã hội. Báo Wall Street lấy vụ Katrina ra để chỉ trích sự bất lực của guồng máy công quyền. Nhưng có thể trao phó mọi việc cho tư nhân hay không? Người ta có thể đang ca ngợi hiệu năng của công ty Wal Mart trong những ngày bão lụt. Công ty đã di chuyển được hết nhân viên của họ, đồ cứu trợ được đưa tới một cách nhanh chóng, công ty cam kết cho công nhân viên việc làm ở nơi đang tị nạn, và cũng góp 23 triệu mỹ kim cho quỹ cứu trợ quốc gia. Nhưng liệu có thể trao phó tất cả việc phòng vệ thiên tai, giữ trật tự, an ninh cứu cấp cho các xí nghiệp tư được không? Một xí nghiệp tư nhân như Haliburton đang bị kiện vì gian lận khiđấu thầu cho Bộ Quốc Phòng; liệu có thể hoàn toàn tin tưởng ở các xí nghiệp tư hay không?

Bão Katrina sẽ làm cho nhiều người nghĩ lại về vai trò của chính quyền. Nếu chính quyền bất lực trong những ngày đầu thiên tai xẩy ra, thì phải tìm cách sửa chữa. Và có thể tin rằng người Mỹ có khả năng sửa chữa.

Ông Bush sẽ lãnh chịu hậu quả chính trị về sự chậm trễ của guồng máy chính quyền liên bang trong việc cứu lụt. Nhưng không riêng gì ông Bush, cả nước Mỹ sẽ phải suy nghĩ lại về đường hướng chung của quốc gia. Chúng ta đã thấy những dấu hiệu. Quốc hội Mỹ hầu như đã bỏ qua không đem chuyện bãi bỏ thuế di sản ra bàn nữa, dù rằng tháng trước cơn bão ai cũng coi đó là chuyện quyết định xong rồi. Trong lúc này ai lại đem chuyện cắt thuế cho những người giầu nhất nước, mà con số những người được hưởng chỉ có vài chục ngàn người thôi! Ngân sách chính phủ Mỹ sẽ còn tăng và khiếm hụt nhiều hơn vì hậu quả vụ bão lụt. Liệu điều đó có ảnh hưởng tới cuộc chiến ở Iraq hay không? Không ai ngờ một cơn bão lại thay đổi bàn cờ chính trị của một cường quốc như vậy!

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Hai tuyến đường thủy từ Phnom Penh ra biển Đông: Tuyến bên trái đi qua kênh đào Funan, tuyến bên phải đi qua sông Tiền. Ảnh chụp từ Google Map, Phạm Phan Long minh họa

Kênh đào Funan và những “mảng tối” chưa rõ!

Trao đổi với RFA, Kỹ sư Phạm Phan Long đặt ra câu hỏi nếu kênh đào Funan không thay thế được tuyến đường sông Tiền ra biển, vậy Campuchia còn có thể có mục đích nào khác khi xây kênh đào này. Ông phán đoán:

“Nếu kinh tế không phải là lý do để xây dựng kênh đào Funan thì chắc hẳn phải có lý do khác. Ngoài tưới ruộng và thủy sản, không thể loại trừ khả năng họ xây dựng kênh đào để chuẩn bị cho tình huống xung đột nếu nó xảy ra, nếu có xung đột xảy ra, sông Tiền bị khóa thì họ còn một đường thủy khác. Kênh đào Funan do đó có mục đích chiến lược chứ không phải chỉ mục đích kinh tế…”

Giới thạo tin cho rằng “lò” có thể sẽ đốt cả bà Trương Thị Mai (phải), thường trực Ban Bí thư kiêm trưởng Ban Tổ chức Trung ương đảng. Ảnh minh họa: Hoang Dinh Nam/ AFP via Getty Images

Vỡ bình, đất nước sẽ ra sao?

Công cuộc đốt lò của ông Nguyễn Phú Trọng cho đến nay, chẳng những đã thất bại, đã không trị được cội rễ của tham nhũng mà còn vượt ra ngoài tầm kiểm soát của ông ta. Rải rác đã có lời đồn đoán phen này không chừng chủ lò lại biến thành củi vì “trách nhiệm chính trị của người đứng đầu” khi hàng loạt đảng viên cao cấp – đảm nhiệm từ chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội, phó thủ tướng, bộ trưởng, bí thư, chủ tịch tỉnh đến tướng tá quân đội và công an – bị cách chức, bị tống giam đến mức “đã đủ nhân sự lập một chính phủ trong tù!”

Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về tình trạng của người bảo vệ nhân quyền. Ảnh: Srdefenders

Báo cáo viên đặc biệt LHQ: Hà Nội cần chấm dứt đàn áp nhân quyền một cách có hệ thống

Hà Nội cần chấm dứt việc đàn áp một cách có hệ thống và sử dụng các điều luật bị cho “nguỵ tạo” để bắt giam các nhà hoạt đông bảo vệ nhân quyền.

Đây là khuyến nghị của một số các tổ chức nhân quyền quốc tế cùng với quan chức Liên Hiệp Quốc và dân biểu Thuỵ Sỹ lên tiếng nhân dịp Việt Nam tham dự phiên Kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) vào ngày 7/5/2024.

UPR 2024 – 5 năm nhìn lại tình hình nhân quyền tại Việt Nam

Universal Periodic Review, được gọi tắt là UPR, tức Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát là một cơ chế của Hội đồng Nhân quyền LHQ (UNHCR), được thiết lập từ năm 2006, nhằm cải thiện tình hình nhân quyền ở mỗi quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc. Để đạt được mục đích này, Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát thực hiện việc kiểm tra, đánh giá hồ sơ nhân quyền của mỗi quốc gia, và đưa ra khuyến nghị cho các vi phạm nhân quyền ở bất cứ nơi nào chúng xảy ra.

Vào ngày 7/5/2024 tới đây, tình hình nhân quyền Việt Nam được kiểm điểm trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại phiên Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát, chu kỳ thứ tư.