Singapore và Bài Học Phát Triển

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
JPEG - 26.3 kb

Đối với nhiều ngưòi, Singapore đồng nghĩa với Lý Quang Diệu, người đã tranh đấu để sáng lập đảo quốc này và trên thực chất vẫn nắm quyền cai trị tối hậu tại đây hiện nay. Cùng lúc với việc Singapore được hâm mộ vì chỉ trong 4 thập niên đã vươn lên hàng Tứ Hổ Châu Á, thì ông Lý Quang Diệu được đón rưóc như một bậc thầy tại Bắc Kinh và Hà Nội. Thật vậy, chỉ riêng tại Việt Nam, hai cuốn hồi ký của họ Lý đã được chuyển dịch ra tiếng Việt và được xử dụng như một loại cẩm nang cho cán bộ Nhà Nước trung và cao cấp, tuy có nhiều phần bị sửa đổi hoặc cắt bỏ. Cả hai chế độ Trung Cộng và Việt Cộng nhắc đến hình ảnh Singapore và Lý Quang Diệu như một dẫn chứng lớn rằng con đường ngắn nhất để tiến đến thịnh vượng phải đi qua một chế độ hà khắc, với một số quyền tự do dân sự phải bị hy sinh.

Chúng ta thử tìm hiểu sâu hơn vào đất nước này để xem người Việt nên bắt đầu từ bài học nào và làm sao áp dụng vào nước ta.

Singapore là một đảo quốc, gồm 1 đảo lớn và 5 chùm đảo nhỏ, với diện tích vỏn vẹn 640 cây số vuông nằm ở tận cùng phía Nam bán đảo tây của Mã Lai. Sau nhiều cuộc đụng độ chủng tộc đẫm máu suốt từ thập niên 1940 đến thập niên 1960, Singapore chính thức tách ra khỏi Mã Lai thành một nước độc lập vào năm 1965 với dân số khoảng 2 triệu người. Đa số dân chúng là người gốc Hoa, nhưng cũng có một số đông người gốc Ấn Độ và Mã Lai. Ba thứ tiếng chính được dùng là tiếng Hoa (cả Quảng Đông lẫn Quan Thoại), tiếng Mã Lai, và tiếng Anh. Trong thời gian còn là thuộc địa của Anh, thành phố này được dùng như một trạm trao đổi hàng hóa của đế quốc Anh trong toàn vùng Nam Á và Đông Nam Á.

A. Buổi đầu gian truân đầy hiểm nghèo

Ngay từ giây phút thành lập, Singapore phải đối diện với nhiều mối nguy sinh tử. Lưới an toàn duy nhất cho Singapore khi tách lìa khỏi Mã Lai là lời hứa bảo vệ của Anh Quốc. Tuy nhiên, khi quyền lợi kinh tế trong vùng không còn đáng kể, Anh Quốc bắt đầu tập trung vào Hồng Kông và rút dần lực lượng bảo vệ Singapore về nước. Trong lúc đó, Mã Lai và Indonesia đều muốn ăn tươi nuốt sống Singapore vì còn hậm hực Anh Quốc về giải pháp cho Singapore ly khai, và vì sự chướng mắt của một ốc đảo “ngoại đạo” nằm giữa 2 nước rất sùng mộ đạo Hồi.

Việc Anh rút quân cũng có nghĩa là nguồn thu nhập chính yếu của cảng Singapore, trong vai trò trạm thương mãi của đế quốc Anh trong toàn Đông Nam Á, không còn nữa. Hiển nhiên cả 2 nước Mã Lai và Indonesia đều tẩy chay mọi quan hệ buôn bán với Singapore trong thời gian này. Và sau hết Singapore không có nguồn tài nguyên thiên nhiên nào đáng kể.

JPEG - 22.4 kb
Lý Quang Diệu

Trong khi đó, xung đột giữa 3 chủng tộc và 4 tôn giáo lúc nào cũng có thể bộc phát trong xã hội Singapore. Nhưng nguy hiểm nhất là sự hiện diện của các đảng viên cộng sản, công khai và nằm vùng, trong guồng máy chính phủ và trong đủ loại hội đoàn xã hội. Nỗ lực chính của các họ là liên tục tạo bất ổn để hạ uy tín và tiến đến lật đổ chính quyền sơ sinh của thủ tướng Lý Quang Diệu.

Để sống còn, bắt buộc chính phủ Lý Quang Diệu phải siết chặt xã hội và trực tiếp nắm mọi cửa ngõ kinh tế. Người dân Singapore, đa số là gốc Hoa, biết rõ những mối đe dọa quân sự, chính trị và kinh tế này, đều mong muốn, sẵn sàng chấp nhận, và hăng hái tiếp tay với các biện pháp khắt khe và cả quyết của chế độ.

B. Những thành công vượt bậc

Đối phó với đe dọa cộng sản

Một trong những nỗ lực chính yếu và đầu tiên của ông Lý Quang Diệu để đưa Singapore ra khỏi cơn hiểm nghèo là các đối phó với các đảng viên cộng sảng. Thoạt đầu là đảng Barisan Xã Hội Chủ Nghĩa và sau đó là đảng Cộng Sản Mã Lai. Cả hai đảng này đều nhận mệnh lệnh và tài trợ từ Bắc Kinh với mục tiêu tối hậu là lật đổ chế độ cầm quyền tại Singapore để thiết lập nền chuyên chính vô sản tại đây.

Với các cán bộ cộng sản lan tràn trong các nghiệp đoàn lao động, các cuộc xúi giục đình công, bãi công, lãng công kéo dài liên tục nhưng chẳng mấy khi vì lý do tranh đấu cho quyền lợi công nhân mà chỉ để hạ uy tín và lật đổ chính phủ Lý Quang Diệu. Chẳng hạn như chỉ từ tháng 7-1961 đến tháng 9-1962 trên hòn đảo 640 cây số vuông này đã có tới 153 vụ đình công.

Cùng với nhiều lãnh tụ ưu tú khác của Đảng Nhân Dân Hành Động (People’s Action Party hay PAP), ông Lý Quang Diệu áp dụng nhiều biện pháp kiểm soát gắt gao để bảo vệ hệ thống đảng PAP khỏi bị cộng sản xâm nhập. Các đảng viên PAP mới chỉ có thể gia nhập do các đảng viên kỳ cựu bí mật theo dõi và sau đó bảo chứng. Sau đó, là nhiều chiến dịch vạch trần thân thế và liên hệ chính trị của các cán bộ cộng sản đang nằm vùng trong các đoàn thể xã hội.

Cùng lúc, Chính phủ Singapore ra chính sách bỏ tù mọi đảng viên cộng sản mà không cần đưa ra tòa, với lý do là không ai dám ra toà làm chứng vì sợ cán bộ cộng sản khủng bố trả thù. Nhiều biện pháp “ngầm” khác cũng được thực hiện mà cho đến nay vẫn chưa được tiết lộ.

Kết quả là từng lãnh tụ cộng sản trong quốc hội đột nhiên sau năm 1965, tức năm Lý Quang Diệu chính thức nắm quyền trong một nước Singapore độc lập, liên tiếp tuyên bố rút lui khỏi đảng cộng sản, và xin rời Singapore đi Luân Đôn sống đời dân dã. Trong lúc đó các lãnh tụ cộng sản khác đang ngồi tù cũng ra tay đánh đấm nhau chí mạng. Có người tự sát trong tù. Cho đến nay, không ai biết chính phủ Lý Quang Diệu đã làm gì để có kết quả đó.

Điều oái oăm là ngày nay ông Lý Quang Diệu lại trở thành một dẫn chứng lớn của các nhà cai trị cộng sản để biện minh cho những chính sách loại trừ và ngăn cấm đối lập trong xã hội.

Thành tựu kinh tế

Cùng lúc với thành công trong nỗ lực ổn định xã hội, nền kinh tế Singapore cũng tăng vọt. Tổng sản lượng nội địa (GDP) theo đầu người tăng từ 400 USD năm 1965 lên 12.200 USD năm 1990 và lên 22.330 USD năm 2003, trong lúc dân số tăng đến 4,3 triệu người. Ngày nay Singapore tập trung vào ngành sản xuất hàng hóa điện tử tuy đang cố gắng đa dạng hóa để trở thành một trung tâm tài chánh chính yếu của Á Châu và ra sức thu hút các hãng bào chế thuốc tây đến mở hãng xưởng tại đây. Hơn phân nửa hàng sản xuất tại Singapore nhằm phục vụ các ngành xuất cảng sang các nước khác . Cũng chính vì vậy mà nền kinh tế Singapore bị ảnh hưởng nhiều bởi sự lên xuống của nền kinh tế thế giới và khu vực, đặc biệt là từ nền kinh tế Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Các tác nhân chính trong nền kinh tế Singapore là loại công ty mang gạch nối với Nhà Nước (government-linked companies). Đây không hẳn là loại công ty quốc doanh hay công tư hợp doanh nhưng lại luôn luôn theo sát định hướng của Nhà Nước để đổi lại được hưởng nhiều nâng đỡ và dễ dàng từ Nhà Nước. Thường đây là những tập đoàn công ty có mức tăng trưởng tương đối chậm vì mức độ chấp nhận rủi ro thấp.

Thành phần các công ty nhỏ và hoàn toàn độc lập không được chính phủ chú ý hay khuyến khích, tuy theo kinh nghiệm khắp thế giới, đây mới là khu vực dám chấp nhận mức rủi ro cao và do đó là lực đẩy toàn nền kinh tế lên nhanh hơn. Đây cũng là khu vực kinh tế tạo nhiều công ăn việc làm nhất cho dân chúng. Lý do khá hiển nhiên cho sự “lạnh nhạt” này là vì chính phủ Singapore không muốn sự định hướng kinh tế của họ bị hòa loãng thêm nữa bởi khu vực tư nhân hãng nhỏ này.

Nếp sống xã hội

Hệ thống giáo dục luôn được đặt trong những ưu tiên hàng đầu và tập trung vào những mục tiêu thực dụng. Quyết định dùng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính, thay vì tiếng Hoa, trong trường học là một thí dụ điển hình về tính thực dụng này. (Tuy theo lời của chính Lý Quang Diệu, một phần lý do dạy bằng tiếng Anh nhằm giảm thiểu sự trà trộn của các phần tử cộng sản, vốn chỉ nói tiếng Hoa là chính, len lỏi vào giới sinh viên.).

Hầu hết các dịch vụ liên quan đến đời sống người dân đều được chính phủ cung cấp gần như miễn phí. Tuy vậy, các sinh hoạt xã hội, đặc biệt là các sinh hoạt có hơi hướng chính trị đều bị kiểm soát chặt chẽ. Cho đến nay báo chí vẫn bị cấm không được phê bình về tôn giáo và sắc tộc để tránh nổ ra xung đột, và không được bình phẩm hay đăng các tin không hay về chính phủ hay lãnh đạo, dù đúng hay sai. Mọi cuộc tụ họp chính trị không được tổ chức ngoài trời. Tất cả phải tổ chức trong nhà, dù lớn hay nhỏ. Đây là một trong những biện pháp ngăn chặn các cuộc tụ họp phản đối lan ra thành các cuộc nổi loạn hay biểu tình của thời kỳ 30, 40 năm trước.

Thái độ của chính phủ thực sự là cách hành xử của cha mẹ đối với con cái. Chính phủ không những lo liệu nhiều mặt cho đời sống người dân chúng, mà còn răn dạy và góp phần quyết định tương lai cho nhiều thành phần dân chúng. Một thí dụ điển hình cho thái độ này, vào giữa thập niên 1990 Nhà Nước công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng khuyên bảo số đông thanh nữ Singapore có học vị cao nên chấp nhận lấy chồng ít học hơn chứ không thì sẽ … “chờ mãi”. (Không biết nghe câu này thanh nam Singapore vui hay buồn.).

Hệ thống cai trị

JPEG - 17.5 kb
Ngô Tác Đống

Về hệ thống cai trị, ông Lý Quang Diệu giữ ghế thủ tướng từ 1965 đến 1990, sau đó giao cho ông Ngô Tác Đống và lên ngôi Thái Thượng Hoàng với chức vụ khiêm tốn bề ngoài là Bộ Trưởng Thâm Niên. Khi có vấn đề tại một địa phương nào đó, ông Lý Quang Diệu thường đến trước và lấy các quyết định về hướng giải quyết. Sau đó khoảng 1 tuần, thủ tướng Ngô Tác Đống mới đến để bàn chi tiết và ra các quyết định chính phủ để thực hiện.

Vào ngày 12 tháng 8 năm 2004 vừa qua, con trai ông Lý Quang Diệu là Lý Hiển Long lên ngôi thủ tướng kiêm bộ trưởng tài chánh. Ông Ngô Tác Đống trở thành Bộ Trưởng Thâm Niên kiêm Chủ Tịch Ngân hàng Quốc Gia và ông Lý Quang Diệu tiếp tục ngồi trong nội các với tước hiệu Bộ Trưởng Gia Sư (Minister Mentor).

JPEG - 20.5 kb
Lý Hiển Long

Tựu trung là chính quyền Singapore dưới sự chỉ huy của ông Lý Hiển Long sẽ tiếp tục chính sách bảo thủ trong các vấn đề xã hội, duy trì sự ngờ vực đối với việc thả lỏng cho nền kinh tế phát triển tự do, và không chừa chỗ cho các những thế lực cạnh tranh chính trị với đảng cầm quyền.

Mức độ khuynh loát và kiểm soát toàn bộ chính phủ của Đảng Nhân Dân Hành Động (PAP) có thể thấy qua con số 2 dân biểu đối lập hiện có trong quốc hội. Khi báo chí ngoại quốc hỏi ý hai ông về vị thủ tướng mới, một người từ chối trả lời, người còn lại đưa ra những nhận xét vô thưởng vô phạt. Ngoài ra, các phát biểu khác từ nội địa Singapore đều là những lời khen ngợi rất chung chung từ các viên chức chính phủ hoặc đảng PAP. Khi được yêu cầu liệt kê một vài đóng góp cụ thể của ông Long thì chẳng ai nghĩ ra được điều gì. Tuy nhiên nếu nói cho công bằng thì hiện tượng này tuy có thể là kết quả sắp xếp tạo ấn tượng cho ông Long nhưng một phần lớn cũng vì cách làm việc rất kín đáo của chính phủ tại đây. Dân chúng và công nhân viên không được biết gì nhiều về những tính toán hay vận hành lớn bên trong chính phủ và lại càng ít biết về cá tính của các nhân vật lãnh đạo.

Trong một vài năm gần đây, để tránh những chỉ trích của thế giới về chế độ cai trị nghiêm khắc, nếu không nói là độc tài, tại Singapore, chính phủ đã cố xây dựng một số hình ảnh cởi mở trước thế giới tuy vẫn giữ nguyên mọi chính sách. Cụ thể như việc cho giới đồng tính luyến ái tổ chức đại hội thế giới tại Singapore, hay việc ông Lý Hiển Long tuyên bố trước một đại học Tây Phương là Singapore sẽ mở rộng quyền tự do ngôn luận. (Tuy trong cùng bài diễn văn ông nhắc lại là “vẫn cấm chỉ trích chính phủ hoặc dùng báo chí để huy động tư tưởng quần chúng”.

Ngay cả việc chuẩn bị chau chuốt cho ông Long suốt mấy thập niên để lên nối ngôi cha cũng khiến các nhà quan sát thảo luận về đặc tính “cộng hòa” của chế độ này. Ông Long sinh năm 1952, gia nhập quân đội Singapore sau khi tốt nghiệp đại học. Mặc dù không có chiến công gì trong thời gian binh ngũ, ông vẫn lên đến chức chuẩn tướng và làm Phó Tổng Tư Lệnh Quân Đội năm 32 tuổi. Sau đó ông rẽ qua đường chính trị, bắt đầu ra làm dân biểu và gia nhập nội các chính phủ năm 1984 rồi lên phó thủ tướng năm 1990 và kiêm luôn chức Chủ Tịch Ngân Hàng Quốc Gia.

Đến ngày 12/8/2004 ông Lý Hiển Long chính thức lên nối ngôi năm 52 tuổi (trước cả Thái Tử Charles, một hoàng tử thứ thiệt, vẫn đang ngồi chờ dài cổ tại Anh Quốc).

Điều mà giới quan sát trong và ngoài Singapore đều công nhận là cho dù ông Long có thực tài đi nữa thì vẫn có khá nhiều ngưòi có tài ngang hoặc hơn ông và đứng trước ông trong cả bậc thang quân đội lẫn chính phủ. Dân chúng Singapore không nhất thiết ghét ông Long, nhưng họ đều thấy “con đường tắt” mà cha ông dành riêng cho ông. Một biệt danh của ông Long được truyền miệng – dĩ nhiên là lén lút – trong dân chúng là “B. G. Lee” tức Ông Trời Con họ Lý (viết tắt của chữ Baby God Lee).

C. Những ưu khuyết điểm của mô thức cai trị Singapore

Nhìn kỹ vào cách cai trị và những vận hành chính trị tại Singapore, người ta có thể nói thực chất chế độ tại đây là một triều đại phong kiến quây quanh một vị minh quân — một nhà vua biết chăm lo cho dân cho nước, một người cha nghiêm khắc nhưng lo liệu mọi bề, kể cả quyết định tương lai cho con cái. Mô thức này có cả điểm mạnh lẫn điểm yếu.

Điểm mạnh

Điều hiển nhiên mà mọi người phải công nhận là chính mô thức cai trị này đã đưa Singapore vượt qua giai đoạn hiểm nghèo khi mới thành lập. Nó có khả năng tập trung sức lực quốc gia vào một số mục tiêu giới hạn và đạt tới những mục tiêu đó khá nhanh chóng. Ngoài ra, với số lượng những dịch vụ xã hội được chính phủ cung cấp, khoảng cách giàu nghèo trong xã hội không còn ảnh hưởng là bao. Với một guồng máy trong sạch tối thiểu, mô thức này đã chứng tỏ mức hiệu quả không thể chối cãi, ít là cho đến nay.

Điểm yếu:

Điều cần nói ngay, đây không phải là mô thức đặc thù của Singapore. Cả Đài Loan, Nam Hàn, và Nhật Bản đều đã áp dụng công thức cai trị này, đã phải đối diện với nhiều phó sản tai hại của nó, và đã phải áp dụng nhiều cải tổ sâu rộng đến nền móng, mà cơ bản nhất là tình trạng (đã trở thành qui luật) giải quyết mọi vấn đề từ kinh tế đến chính trị ở đằng sau hậu trường. Một số điểm yếu lớn được liệt kê như sau:

Trước hết, khi mục tiêu của chính quyền và của dân chúng không còn giống nhau thì người dân không có cơ chế để thay đổi chính quyền ấy được. Nói rõ hơn, khi giai đoạn thập tử nhất sinh của Singapore đã qua, khi người dân nghĩ rằng lý do duy trì một chế độ hà khắc để đưa đất nước vượt qua hiểm nguy không còn nữa mà chỉ để duy trì chế độ cai trị hiện tại, thì người dân không có một cơ chế hợp pháp nào để thay thế chính phủ trong hòa bình và ổn định, hay ít nhất là thay đổi một phần chính sách của chính phủ hiện tại theo ý nguyện của dân.

Những người ủng hộ mô thức này biện luận rằng tuy giai đoạn sinh tử đã qua nhưng nhu cầu phát triển kinh tế nhanh chóng vẫn đòi hỏi phải có một chế độ chính trị nghiêm khắc. Hay nói cách khác, hướng phát triển kinh tế nhanh nhất phải là hướng mà chính phủ chọn. Câu hỏi được đặt ra ngay là có hẳn đây là công thức phát triển kinh tế nhanh nhất và tốt nhất cho Singapore chưa. Dĩ nhiên khó mà giả định lịch sử rằng nếu nước Singapore không theo chính sách hiện nay thì tình hình kinh tế sẽ ra sao, nhưng có lẽ nhìn vào nền kinh tế Hồng Kông người ta có thể có một so sánh khá chính xác. Hồng Kông và Singapore mang nhiều đặc tính giống nhau từ tính chất địa dư, dân số, ngôn ngữ, quá trình thuộc địa, đến các mục tiêu kinh tế hiện tại. Tuy nhiên, khác với Singapore, Hồng Kông mở rộng chính sách kinh tế tự do từ lâu cho khu vực tư nhân với các hãng nhỏ và trung vươn lên. Kết quả là tuy động lượng phát triển đã giảm sút đáng kể sau khi trả về tay Trung Cộng kèm với các biến động tài chánh và các trận dịch trong những năm gần đây, tổng sản lượng nội địa của Hồng kông vẫn gấp đôi Singapore hiện nay.

Một hệ quả khá nghiêm trọng của chính sách Nhà Nước quyết định mọi sự giùm cho dân là hiện tượng dân chúng dần dần phó mặc mọi sự cho Nhà Nước lo. Mối quan tâm lớn cho chính phủ Singapore hiện nay là sự xa cách chính phủ và những việc chung của đa số dân chúng, đặc biệt là giới trẻ. Họ chỉ tập trung vào việc kiếm tiền và tiêu thụ. Trong lời mở đầu của tập hồi ký của mình, ông Lý Quang Diệu, với tông điệu giậy dỗ con cháu, cho biết mục đích của tập hồi ký là để mở mắt cho thế hệ ngày nay, một thế hệ không biết trân quí những quyền lợi đang được thụ hưởng và quá thờ ơ với chuyện quốc gia. Người đọc những giòng này có thể cảm thông với phần nào oan ức cho giới trẻ Singapore. Không thể sau bao nhiêu năm không cho phép người dân được đụng đến chính phủ và cách làm việc của chính phủ (ngoại trừ những lời khen tặng), thì nay lại đột nhiên trách dân thờ ơ với quốc sự. Trong thực tế, không có loại “yêu nước vừa đủ” như chính phủ qui định.

Nhưng có lẽ nhược điểm nghiêm trọng nhất của mô thức này là phương thức quyết định hầu hết những vấn đề hệ trọng đằng sau hậu trường (thay vì cho cả nước bàn thảo và quốc hội công khai bỏ phiếu lấy quyết định) và các móc ngoặc giữa Nhà Nước và các đại công ty. Cả hai cách điều hành này đã sản sinh những ung thối tham nhũng tràn lan tại Đại Hàn và Nhật Bản, hai nước có kinh nghiệm áp dụng mô thức tương tự trước Singapore hàng thập niên. Cả Nhật Bản và Nam Hàn đều phải truy tố và thay thế 4, 5 vị thủ tướng liên tiếp trong nhiều năm vì các hồ sơ tham nhũng lần lượt xuất hiện trước ánh sáng. Liệu chính phủ Singpapore có là một biệt lệ và đảng PAP có bản chất đạo hạnh đặc biệt hơn người chăng? Nhiều nhà quan sát tin rằng hiện tượng tham nhũng chưa nổi lên mặt nước tại Singapore chỉ vì tại đây hầu như không có đảng phái đối lập, chưa có một giới truyền thông thực sự độc lập, và nhất là vì còn quá mới, chưa thực sự hết một “đời Vua”. Trong khi đó, chính phủ không thấy nhu cầu cần báo cáo các sai trái “nội bộ” với dân vì vẫn quen phong cách nhìn dân với ánh mắt “con cái không được hạch hỏi cha mẹ vốn đang hết lòng lo liệu cho chúng”

D. Áp dụng mô thức Singapore cho Việt Nam?

Hiển nhiên mọi chế độ đều có những đặc điểm chi tiết để ta học hỏi và áp dụng cho đất nước sau này, tuy nhiên, câu hỏi tại đây là liệu cả mô thức Singapore hay những phần chính yếu của mô thức này có thể áp dụng vào Việt Nam như Hà Nội đang cổ động hay không ?

Trước hết, nếu xét theo nhu cầu an ninh quốc gia thì khá rõ là mô thức “thoát hiểm” này không cần tại Việt Nam hiện nay vì đất nước ta không đang đứng trước một hiểm họa ngoại xâm trực tiếp nào.

Kế đến, nếu xét theo nhu cầu phát triển kinh tế, thì dù trên lý thuyết mô thức này có thể góp phần xây dựng một số nền móng buổi đầu, nhưng chưa hẳn nó đã có khả năng giúp nước ta phát triển nhanh chóng tối đa để bù lại thời gian tụt hậu của VN suốt 3 thập niên qua. Nhưng nguy hiểm nhất, mô thức này sẽ góp phần biện minh và làm trầm trọng hơn nữa tình trạng tham nhũng vốn đã lan tràn vào mọi ngõ ngách Nhà Nước cũng như xã hội. Việt Nam rất cần cách vận hành trong suốt chứ không cần thêm các quyết định ngầm lén đằng sau hậu trường.

Một điểm đặc thù khác của tình hình xã hội Việt Nam khiến mô thức Singapore không thích hợp là nhu cầu cần khơi dậy lòng phục vụ đất nước trong dân chúng, chứ không khuyến khích sự phó thác cho chính phủ. Lý do đơn giản là vì các tật bệnh trong xã hội Việt Nam hiện nay đã vượt quá khả năng của chính phủ, dù là một chính phủ biết lo cho dân cho nước. Chỉ có sự tham gia trực tiếp của quảng đại quần chúng xã hội Việt Nam mới có cơ may vượt qua các vấn nạn đang thấy.

Và nói cho cùng thì trên nguyên tắc, Trung Quốc và Việt Nam đã áp dụng mô thức cai trị độc đoán kiểu Singapore rồi ! Khác biệt chỉ ở mức độ ngặt nghèo hơn mà thôi. Do đó, khi đề cao các thành quả của Singapore và Lý Quang Diệu, Bắc Kinh và Hà Nội thực chất không đang nói đến các đổi thay, mà chỉ muốn dùng các hứa hẹn về thành quả kinh tế để biện minh cho việc tiếp tục chính sách cai trị hiện nay của họ. Liệu các thành quả kinh tế có đến không và nếu đến thì sẽ phúc lợi cho ai còn là những câu hỏi, nhưng các hệ quả của mô thức cai trị độc tài và độc đoán thì đã xuất hiện quá đầy đủ, cách riêng là căn bệnh tham nhũng, đục khoét trong chính quyền và sự thờ ơ việc nước trong nhân dân. Với mô thức Singapore, các quốc nạn này chỉ có thể ngày một trầm trọng hơn nhưng lại được che đậy bởi một tấm áo mới “Tất Cả Để Phát Triển Kinh Tế”.

Tóm tắt lại, mặc dù mang đầy đủ dáng vẻ của một nền cộng hòa, tại cốt lõi, chế độ cầm quyền tại Singapore vẫn chủ trương dựa vào một cá nhân, một minh quân thay vì dựa vào một cơ chế như các nước dân chủ thực sự khác. Vấn đề là (1) làm sao bảo đảm được người lên cai trị là một minh quân, và (2) cho dù có được một minh quân vẫn không đương nhiên có một chính quyền tốt, nhưng (3) quan trọng nhất là nếu người lên cai trị là một bạo chúa và/hoặc chính phủ của ông bất lực thì làm sao để thay thế họ.

Ttrong lúc nhân loại đã thấy ra sự giới hạn của chế độ phong kiến và tiến lên chế độ dân chủ thì Singapore và một vài nước châu Á khác vẫn muốn dừng lại ở chế độ cai trị bởi những nhà vua mặc áo cộng hòa và biết dùng máy vi tính.

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Tổng Bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng, tuổi cao, sức yếu, và bị coi là ngày càng mất dần quyền lực. Ảnh minh họa: Hoang Dinh Nam/ AFP via Getty Images

Vì sao chính trường CSVN rối ren?

Trong bối cảnh ông Trọng tuổi cao, sức yếu, và quyền lực suy giảm đáng kể, chiến dịch chống tham nhũng có thể bị suy giảm. Có ý kiến cho rằng “chiến dịch chống tham nhũng đang dần thoát khỏi tầm kiểm soát của ông Trọng và hiện giờ, chiến dịch chống tham nhũng được điều hành trực tiếp từ ông Tô Lâm, bộ trưởng Bộ Công An,” là điều đã được cảnh báo trước.

Ảnh minh họa: FB Nguyễn Tuấn

Bạn bè trên cõi mạng

Về nhà tôi nghĩ hoài về hiện tượng fb. Rất nhiều bạn tôi chưa bao giờ gặp ngoài đời, mà chỉ qua fb. Cũng chẳng sao. Tình bạn không phải chỉ là tiếp xúc hay tay bắt mặt mừng, mà có thể là tiếp xúc bằng trái tim và tâm hồn. Vậy là hạnh phúc rồi.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Nhân sự đại hội đảng XIV chủ trì phiên họp đầu tiên của Tiểu ban hôm 13/3/2024 tại trụ sở Trung ương đảng. Ảnh: Vietnam Plus

Từ trường hợp ông Võ Văn Thưởng nhìn về công tác nhân sự

Nhưng thống kê lại chuỗi cán bộ cấp cao bị kỷ luật trong thời gian qua, phân tích bản chất, tìm đến nguyên nhân cốt lõi, thì đi đến kết luận rằng, công cuộc chống tham nhũng cần phải đẩy mạnh, tiến hành triệt để, nhưng phải cần đến các biện pháp khác có khả năng tiệu diệt nguyên nhân gốc rễ của quốc nạn tham nhũng.