Sinh Hoạt 31 Năm Ngày Quốc Hận 30 Tháng 4 Tại Âu Châu

Tin tổng hợp

Thủ Đô Oslo, Na Uy

Dưới chủ đề “30.4.75 – 30.4.06, 31 Năm Quốc Hận, Quyết Tâm Chấm Dứt Chế Độ Độc Tài, Thực Hiện Tự Do Dân Chủ Cho Việt Nam”, một buổi lễ để tưởng niệm biến cố đau thương của Việt Nam do đảng Việt Tân tại Na Uy tổ chức, đã diễn ra vào ngày Chủ Nhật 30 tháng 4 năm 2006 lúc 14 giờ, tại phòng hội của đài Tiếng Nước Tôi, thủ đô Oslo. Buổi lễ bắt đầu bằng nghi thức chào quốc kỳ và phút mặc niệm để tưởng nhớ những chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh và đồng bào đã bỏ mình trên đường vượt biên, vượt biển tìm tự do khi quân cộng sản cưỡng chiếm miền Nam và đặt ách thống trị độc tài lên toàn cõi Việt Nam. Kế đến là lời chào mừng quan khách của ông Nguyễn Đức Thọ, đại diện cơ sở Việt Tân tại Na Uy, cũng là trưởng Ban tổ chức. Qua đó, ông Nguyễn Đức Thọ nhắc lại sự việc xẩy ra cách đây 31 năm, xe tăng quân cộng sản ủi sập cổng dinh Độc Lập và tướng Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, đã làm cho hàng triệu người Việt sau đó phải liều mình bỏ nước ra đi tìm tự do, và toàn miền Nam phải chịu dưới sự cai trị độc tài sắt máu của đảng cộng sản Việt Nam (CSVN). Cuối cùng ông Nguyễn Đức Thọ nhấn mạnh: “Tuy sống lưu vong nơi xứ người, chúng ta không bao giờ quên ngày trở về quê mẹ trong tự do dân chủ, không bao giờ quên quá khứ đau thương của dân tộc sau tháng tư đen…..”

Sau lễ dâng hương lên bàn thờ Tổ Quốc gồm đại diện tôn giáo và các tổ chức, đoàn thể thực hiện, cử tọa được nghe một số đoạn âm thanh về các buổi hội luận trên diễn đàn paltalk nhân tưởng niệm biến cố đau thương này. Sau giờ giải lao là phần hội thảo; trước hết ông Nguyễn Đức Thọ lược qua tình hình chung đang trên đà sôi động ở trong nước trong thời gian gần đây, như hiện trạng xã hội Việt Nam khi công nhân nhiều công ty đồng loạt đình công đòi quyền lợi thiết thực của mình, cùng sự khiếu kiện đất đai ngày càng gia tăng đang lan rộng từ Nam ra Bắc. Đặc biệt, các nhà đấu tranh dân chủ đã có sự kết hợp để ban hành Tuyên Ngôn đòi hỏi CSVN phải thực thi đứng đắn các quyền căn bản của người dân. Phần hội thảo diễn ra sau đó trong bầu không khí hài hòa và thân tình qua những góp ý thiết thực của cử tọa. Nhất là một bạn trẻ đưa ra đề nghị, mỗi đồng hương về thăm quê nhà, nên mua theo chiếc máy thâu thanh (radio) để về tặng cho thân nhân, bạn bè. Vì làm như vậy, theo sự nhận định của người bạn trẻ: “Đa phần người dân Việt Nam bây giờ ai ai cũng có một cái TV trong nhà, nhưng trong lúc đó radio hầu như rất ít. Do đó sự cập nhật tin tức từ các đài phát thanh vốn đứng ngoài vòng kiềm tỏa của chế độ rất nghèo nàn…..”. Đồng thời người bạn trẻ giới thiệu đến cử tọa các làn sóng của các đài phát thanh hàng ngày đưa tin trung thực cho người dân trong nước, như đài Chân Trời Mới, Á Châu Tự Do v.v…

Sau đó buổi hội thảo trở thành cuộc xuống đường phân phát truyền đơn có nội dung tố cáo tội ác của CSVN và kêu gọi sự hỗ trợ của người bản xứ cho công cuộc đấu tranh giành tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam, tại các đường phố và ngay trước công viên Quốc Hội Na Uy. Thông tín viên VNN ghi nhận Lễ Tưởng Niệm 31 Năm Quốc Hận có sự tham dự của đại diện chùa Khuông Việt, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại Na Uy; Liên Hội Người Việt Tự Do; Hội Bảo Tồn Truyền Thống Việt Nam; Hội Phụ Nữ Việt Nam Tỵ Nạn; Hội Bạn Đọc Sách Báo Việt Ngữ Bắc Âu; Phong Trào Giáo Dân Việt Nam Hải Ngoại tại Oslo; Trung Tâm Việt – Na Uy; Đài Tiếng Nước Tôi cùng thân hào nhân sĩ và đồng hương tại Oslo và vùng phụ cận. Buổi lễ chấm dứt vào lúc 17 giờ 30 cùng ngày.

Thành Phố Bergen, Na Uy

Vào lúc 15 giờ ngày 30 tháng Tư năm 2006, một buổi sinh hoạt tưởng niệm 31 năm ngày Quốc Hận đã diễn ra tại phòng sinh hoạt của trường Saint Paul.Mở đầu buổi sinh hoạt, ông Nguyễn Văn Chơi đã thay mặt Ban Tổ Chức để thắp hương cầu nguyện cho những người đã khuất trên đường tìm tự do. Sau đó là nghi thức Chào Cờ – Mặc Niệm. Trong lời ngỏ, ông Nguyễn Văn Chơi chia sẻ tâm tình:

31 năm quả là một chặng đường đời, đủ để làm mái tóc ta điểm sương hay bạc trắng.
31 năm với bao thăng trầm của cuộc sống nơi xứ người.
31 năm với bao thay đổi, nhưng trong tim của chúng ta luôn nghĩ đến một ngày vui bất tận, đó là ngày nhìn thấy đất nước Việt Nam thân yêu thực sự tự do, ấm nọ

Qua lời bầy tỏ ngắn gọn, ông kết thúc: Đơn sơ nhưng thật lòng, chúng ta hãy cùng nhau thắp lên ánh sáng Tự Do, để tưởng nhớ và cầu nguyện cho những người anh chị em đã hy sinh, cách này hay cách khác, cho Tự Do, một mặt khác để nhắc nhở chính chúng ta, anh chị em và tôi đang hiện diện nơi đây, đang được hưởng trọn vẹn hai chữ Tự Do, chúng ta sẽ cùng nhau góp phần mang Tự Do đến cho đất nước Việt Nam thân yêu.Sau đó là phần tâm tình của những tham dự viên quanh biến cố Quốc Hận 30 tháng Tư, cùng những quan tâm đến hiện tình đất nước. Buổi sinh hoạt tưởng niệm được chấm dứt vào lúc 17 giờ 30 sau khi thành lập Ban Vận Động cho ngày Quốc Hận năm 2007.

Thủ Đô Paris, Pháp

Mỗi năm cứ đến đầu tháng tư là các hội đoàn, tổ chức, cộng đồng người Việt hải ngoại đều chuẩn bị tổ chức buổi tưởng niệm ngày 30/04/1975, một biến cố đau thương đã bao phủ lên đất nước Việt Nam trong suốt 31 năm qua. Riêng tại Paris, Pháp quốc, trong ngày 30/04/2006 đã có ba chương trình sinh hoạt từ 10 giờ sáng cho đến 23 giờ tối.

Chương trình được bắt đầu từ 10 giờ sáng ngày 30/04/2006, dưới bầu trời âm u, và gió lạnh, một số tổ chức và đoàn thể trong Văn Phòng Liên Lạc Các Tổ Chức Người Việt Tự do tại Pháp, đã hiện diện tại khu chợ Á châu, Paris 13, để trưng bày những hình ảnh tang thương của Tết Mậu Thân, trong trại cải tạo, hình ảnh của những chiếc thuyền nhỏ bé lênh đênh trên biển cả để tìm tự do, những tấm hình nói lên nổi khốn khổ của những em bé bị trở thành nô lệ tình dục, những người con gái Việt Nam được mệnh danh là “Cô Dâu Đài Loan”… đã tạo được sự chú ý của người dân bản xứ, họ đã dừng lại xem hình ảnh và tìm hiểu nguyên nhân nào đã đưa đến thảm trạng này. Song song với buổi triển lãm hình ảnh này, một quầy thông tin với những tờ truyền đơn tố cáo tội ác của CSVN và kêu gọi sự hỗ trợ của thế giới cho công cuộc đấu tranh giành tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam, đã được đưa đến tận tay khách qua đường. Đông đảo đồng bào đã đến quầy hỏi thăm tin tức, ủng hộ chiến dịch Trưng Cầu Ý Kiến về việc chọn “Ngày Dân Việt Tỵ Nạn Cộng Sản”.

Kế đến, vào khoảng 14 giờ, Ban tổ chức và đồng bào đã di chuyển đến góc đường Boileau – Exelmans, Paris 16è, trước tòa đại sứ CSVN chuẩn bị cho cuộc biểu tình. Mặc dù dưới cơn mưa như trút nước, nhưng nhiều đại diện các đoàn thể đã hiện diện như ông Nguyễn Tấn Khang anh của ông Nguyễn Đan Quế đến từ Canada, cô Nguyễn Xuân Trang đại diện Nhóm Trẻ “Hướng Việt” đến từ Thụy Sĩ…Trong phần phát biểu ông Nguyễn Phúc Tửng Tổng Thư Ký Văn Phòng Liên Lạc Các Tổ Chức Người Việt Tự do tại Pháp, ông Nguyễn Ngọc Đức Ủy Viên Trung Ương Đảng Việt Tân, và một số đại diện các đoàn thể khác, đã nói lên ý nghĩa của cuộc biểu tình, đây là một bài học trong lịch sử Việt Nam và các thế hệ trẻ cần biết đến, cũng như ca ngợi sự can đảm của đồng bào trong nước, và kêu gọi cộng đồng người Việt hải ngoại bằng mọi cách hãy hỗ trợ đồng bào tại quốc nội, chấm dứt chế độ độc tài đảng trị của đảng CSVN.

Sau cùng chương trình ngày 30/04/2006 được kết thúc bằng buổi sinh hoạt văn nghệ, tâm tình từ 20 giờ 30 đến 23 giờ tại FIAP, 30 rue Cabanis, Paris 14, do đảng Việt Tân tổ chức.

Xen kẽ những phần trình bày về bối cảnh của ngày 30/04; chiến dịch Trưng Cầu Ý Kiến về việc chọn “Ngày Dân Việt Tỵ Nạn Cộng Sản”; về các vụ đình công khiếu kiện tại Việt Nam và cuối cùng là chiến dịch Tuyên Ngôn Tự Do Ngôn Luận… là phần văn nghệ với những bản nhạc như 1954 – 1975, Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên, Mẹ Việt Nam Ơi Chúng Con Vẫn Còn Đây… đã làm cho qua mọi người rơi lệ, nhớ đến quê hương, xót xa cho đồng bào trong nước đang sống trong lầm than, nhưng cũng uất hận về sự bạo tàn của đảng CSVN. Ngoài ra Ban tổ chức đã chiếu một đoạn phim Vượt Sóng của anh Hàm Trần. Một điều phấn khởi của đêm sinh hoạt tâm tình này là đồng bào tại Paris đã quyên góp tài chánh để hỗ trợ cho tờ báo Tự Do Ngôn Luận, vừa được xuất bản từ trong nước, cũng như đã đồng ký tên trên một tấm vải để ủng hộ những nhà đấu tranh dân chủ tại quốc nội.

Tại Bá Linh, Đức Quốc

Ngày 28.04 bắt đầu từ 16.00 tại công trường Wittenberg của thủ đô Berlin cộng đồng người Việt tại Berlin đã thực hiện một quày thông tin và một bàn thờ tổ quốc với dàn cờ VN và Đức cùng cờ phướn cùng những biểu ngữ với nội dung đòi tự do, dân chủ và nhân quyền cho VN, biểu ngữ cầm tay ủng hộ cuộc đấu tranh của đồng bào trong nước.Sau phần chào cờ mặc niệm và cầu nguyện cho quốc thái dân an theo nghi thức tôn giáo, mọi người đã phân phát truyền đơn đến đông đảo người Đức qua lại trong khu vực. Truyền đơn 2 mặt có nội dung tóm lược thực trạng hiện nay tại VN như phong trào khiếu kiện, đình công, tham nhũng, buôn bán phụ nữ trẻ em, đàn áp nhân quyền và tôn giáo… và Nghị quyết 1481 của hội đồng Âu châu. ó những đồng bào từ các nơi xa xôi cách hàng 700 cây số đã tranh thủ về thủ đô Berlin vào ngày thứ sáu để tham dự trong đó có những khuôn mặt quen thuộc và kiên trì từ nhiều năm qua trong các công tác đấu tranh như các ông Đỗ Hồng Sơn, Bùi Đức Tuấn, Bùi Văn Tân…

Sáng ngày 29.04 trời Berlin mưa dầm và lạnh, tuy nhiên đồng bào từ các nơi xa đã đến địa điểm công trường Wittenberg đúng giờ để tham dự cuộc mít tinh.Khai mạc buổi mít tinh là phần chào cờ và mặc niệm, sau đó Ban tổ chức trình bầy ý nghĩa cuộc mít tinh. BTC cũng đã giải thích bằng Đức ngữ đến người địa phương lý do người Việt biểu tình ngày hôm nay nhằm đánh dầu 31 năm ngày Quốc nạn, cũng như trình bày hiện trạng VN hiện nay: đàn áp tối đa các tôn giáo, trù dập những tiếng nói dân chủ trong nước… những khẩu hiệu Tự do, dân chủ, nhân quyền cho VN đã vang động 1 khu phố 2 bên quãng trường. Buổi mit tinh chấm dứt lúc 12 g 30.Sau đó mọi người di chuyển về trước sứ quán VC tại quận Treptow để sửa soạn cho cuộc biểu tình vào lúc 14 giờ.

Bầu trời vẫn vần vũ và mưa không ngưng rơi nhưng những người Việt Nam yêu nước không sờn lòng và vẫn hướng về quê hương để chia xẻ nỗi khổ đau của đồng bào trong nước và quyết tâm ủng hộ những tiếng nói dũng cảm, bất khuất của các nhà đấu tranh dân chủ trong nước.Mỗi người một tay để sắp xếp đội hình, 2 dàn cờ vàng đã được dựng lên cùng các biểu ngữ đả đảo CSVN, đòi nhân quyền và tự do cho VN… 4 giờ sau nghi thức chào cờ khai mạc, ông Nguyễn Thanh Văn, Chủ tịch Ủy Ban Điều Hợp Cộng đồng bằng những lời đanh thép đã lên án chế độ CSVN là nguyên nhân của tất cả mọi vấn nạn của đất nước từ hơn 60 năm nay. Ngoài ra ông cũng đã kêu gọi đồng bào hỗ trợ Tuyên Ngôn Tự Do Dân Chủ 2006 do những nhà đấu tranh dân chủ trong nước vừa phổ biến.

Tiếp theo đó là phát biểu của các ông Phạm Công Hoàng (Tổ chức Sinh Hoạt NV), Ô. Trần Văn Các (Hội NVTN Bremen), Ô. Nguyễn Văn Tân (Tổ Chức Dân Chủ VN), Bà Lê Nhất Hiền (Hội Phụ Nữ VNTD), Cô Hà Việt Anh, Ô. Hoàng Tôn Long (Tập Thể Cựu CSQLVNCH) đã đọc bản Tuyên Bố của Cộng đồng NVTN tại CHLB Đức ủng hộ Tuyên Ngôn Tự Do Dân Chủ 2006…Xen kẽ là những bài hát đấu tranh và khẩu hiệu được hô vang dội. rong buổi biểu tình đồng bào cũng đã được nghe một đoạn lời phát biểu của Linh mục Nguyễn Văn Lý về Tuyên Ngôn 2006. Buổi biểu tình chấm dứt lúc 16 giờ cùng ngày.