Sinh ra ở đâu mà ai cũng đổ khùng

Blogger Quê choa

Ban biên tập web VT: Tiết mục “Làng Dân Báo” sẽ giới thiệu thường xuyên đến quý độc giả những bài viết đa dạng từ các cây viết bloggers. Đây là những trăn trở chân thực và “ngoài luồng” của quần chúng Việt Nam.

Xin giới thiệu đến bạn đọc bài “Sinh ra ở đâu mà ai cũng đổ khùng” của blogger Quê choa: http://quechoablog.wordpress.com/20…

— –

Sở dĩ có cái tít giật gân như thế vì nửa đêm khó ngủ, nghĩ ngợi lan man từ chuyện thuỷ điện đến các dòng sông ô nhiễm. Chợt nhớ hai câu thơ nổi tiếng của cố nhà thơ Bế Kiến Quốc viết thời chống Mỹ: Sinh ra ở đâu mà ai cũng anh hùng/ tất cả trả lời sinh bên một dòng sông.

Bây giờ các sông đã sinh ra các anh hùng ấy đã chết, đang chết và sẽ chết. Chẳng những thế, chính chúng là nguyên nhân huỷ diệt con người. Cứ vào google gõ ba chữ sông ô nhiễm là hiện ra hàng mấy chục trang liền nói về các dòng sông ô nhiễm. Từ Nam ra Bắc không sông nào không ô nhiễm bởi vì không sông nào lại không có các nhà máy và khu công nghiệp đang mọc lên như nấm.

Tôi nhớ từ năm 1990, khi nền kinh tế thị trường bắt đầu phát triển, dân đã kêu về nạn ô nhiễm các dòng sông, đến nay ngót nghét hai chục năm tình trạng ấy chẳng những giảm đi mà càng ngày càng trầm trọng hơn.

Vì sao thế nhỉ? Thôi không hỏi thế nữa, đã bao nhiêu người hỏi thế rồi, vả có hỏi cũng sẽ nhận được những sự giải thích khiến ta đổ khùng mà thôi.

Sông Thị Vải bị công ty Vedan thả nước thải gây ô nhiễm làm cho hàng chục ngàn hộ dân sống dở chết dở, thì sản phẩm của nó vẫn đựơc trao giải thưởng vì sức khoẻ cộng đồng. Một ông thứ trưởng còn nói Sản phẩm của Công ty Vedan VN không có tội. Quy trình, công nghệ sản xuất gây ô nhiễm chứ người ăn sản phẩm ấy thì không sao. Thế có điên không.

Thêm một nhà báo còn mô tả sông Thị Vải sạch đẹp như mơ, như là sông nước Tây chứ không phải sông nước ta: Đứng trên cảng Phước Thái lộng gió, tôi nhìn xuống dòng sông Thị Vải, nước trong vắt, từng đàn cá bơi bơi, phía ngoài xa, những chiếc thuyền câu đang quăng lưới. Lạ thay, cả khu công nghiệp qui mô này không hề ngửi thấy một mùi lạ, nếu không nói là chỉ có mùi thơm của gió từ đại ngàn thổi tới… Một công nhân của công ty bắt được con trăn gấm rất to trong lúc anh ta rẫy cỏ. Ông Chủ tịch Hội đồng quản trị đã ra lệnh cho anh thả con trăn về rừng (Thời báo Tài chính Việt Nam số 50, ngày 14.12.1995). Thế mới biết các nhà văn, nhà báo họ hàng với ông Lã Thanh Tùng còn nhiều lắm, có thể nói là vô thiên lủng. Chỉ cần một chút lộc nhỏ là họ có thể nặn ra những mấy món văn, báo vô sỉ kiểu như thế.

Trong khi dân trí ta còn thấp, bệnh quan liêu, thói tắc trách vẫn còn đầy ra thì mấy món văn, báo vô sỉ kia rất dễ lừa cả dân lẫn quan lắm chứ chẳng phải chuyện đùa. Mấy ông môi trường sinh ra để bảo vệ môi trường cũng chẳng làm gì khác hơn là che chắn thông tin, sao cho đừng để lọt thông tin xấu ra ngoài là coi như thành công tốt đẹp, vớ phải mấy món văn báo vô sỉ đó thì thích lắm, sướng lắm.

Thế nên mới có chuyện kênh Ba Bò, ở Sài Gòn chứ không phải ở vùng sâu vùng xa đâu nhé, bị ô nhiễm kinh hoàng, báo chí nói ầm ầm thế mà ông sở môi trường vẫn báo cáo ngon lành, cây cối hai bên kênh xanh tốt, khiến một ông đại biểu HĐND phải đem cả mớ ảnh, bụi cỏ chết, nhành cây héo, radio bị ăn mòn lên tận bàn nơi chỗ ông sở môi trường ngồi để làm chứng. Nhìn mặt ông sở môi trường lúc đó cứ tỉnh bơ, không chút xấu hổ, thật phục quá đi mất.

Chỉ chừng đó thôi cũng đủ biết vì sao các dòng sông đang chết dần chết mòn mà hầu như các vị vẫn bình chân như vại. Quí vị chẳng lo, ai chết mặc ai, quí vị chỉ lo nhiệm kì mình yên ổn, dân có kêu thì đổ lỗi cho trời, đổ lỗi cho lịch sử, cùng lắm thì đổ lỗi cho cậu đánh máy.

Đổ lỗi rồi, hễ ai còn kêu ca phàn nàn chê bai trách móc thì qui cho là thiếu xây dựng, là phát ngôn vô trách nhiệm, vô chính trị, là bất mãn chế độ, bị lực lượng thù địch lợi dụng. Chao ôi là chán. Bây giờ lại nhớ hai câu thơ của Bế Kiến Quốc, tự nhiên muốn kêu lên: sinh ra ở đâu mà ai cũng đổ khùng/ tất cả trả lời sinh bên một dòng sông.