Sóng Gió Kinh Tế Gây Hiểm Nghèo Cho Giới Lãnh Đạo CSVN

Roger Mitton

Roger Mitton, Asia Sentinel 4/8/08,
Khánh Ðăng lược dịch

Lạm phát, lao động bất ổn và nhiều rắc rối khác đe dọa thủ tướng

Cách đây một năm, vào tháng 8/2007, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng rất tự tin phát biểu trước một cử tọa gồm các doanh nhân trong khu vực tại một “Diễn đàn 100 nhà doanh nghiệp khu vực Đông Nam Á’’ (ASEAN 100 Leadership Forum) ở Khách sạn Merlin tại Hà Nội.

Ông ta đọc một bài diễn văn có đặc tính rất hùng hồn về việc Việt Nam đánh giá tư cách thành viên Hiệp hội Các Quốc gia Ðông Nam Á của mình như thế nào, việc Việt Nam đã tăng cường hội nhập vào kinh tế toàn cầu ra sao sau khi được thu nạp vào Tổ chức Mậu dịch Thế giới, và quan trọng nhất là việc kinh tế Việt Nam đang bận rộn đi tới một cách tốt đẹp liên tục với các tỷ lệ tăng trưởng và đầu tư cao.

Cuối cùng, sau khi trả lời vài câu hỏi dễ dãi, ông Dũng ngừng lại, nhìn xuống hàng cử tọa đang ngưỡng mộ, và nói: “Một điều tôi có thể bảo đảm với quý vị là sự ổn định chính trị”.

Các cử tọa quyền cao chức trọng cùng nhau vỗ tay hoan nghênh om sòm, cứ như là họ đang vui mừng cổ vũ một thị trường chứng khoán nhộn nhịp, chứ không phải hoan nghênh một thủ tướng không do dân chúng bầu lên của một chế độ cộng sản phi dân chủ.

Chẳng có gì đặc biệt bất thường về chuyện đó, vì lẽ dĩ nhiên là doanh nhân khắp nơi trên thế giới thích sự ổn định và chắc chắn của các chế độ độc tài như Việt Nam, Trung Quốc và Tân Gia Ba.

Thật là một sự khác biệt mà một năm có thể tạo ra. Trong những ngày này giới mặc com-lê thắt cà vạt không còn quá mức hớn hở cổ vũ các thành tích của Việt Nam, và ông thủ tướng tịt ngòi của Việt Nam không còn có được một nửa sự tự tin như trước. Kể từ khi ông Dũng phát biểu hồi tháng Tám năm ngoái, không phải chỉ có nền kinh tế Việt Nam ngừng lại những tiếng reo mừng, mà ngay cả sự ổn định chính trị cũng không còn được bảo đảm. Và vì thế, ngay vị trí của chính cá nhân ông thủ tướng cũng không được an toàn như hồi đó.

Nói một cách chính xác ngắn gọn thì nền kinh tế Việt Nam đã xụp đổ và chính phủ của ông Dũng đã thất bại trong việc sửa chữa các tác động của sự xụp đổ đó trên quần chúng, và hậu quả là càng có thêm nhiều người vỡ mộng về khả năng lãnh đạo của ÐCSVN.

Từ quan điểm kinh tế, sự biểu lộ mang tính chất đe dọa liên tục nhất của những ảo tưởng bị tan vỡ đó là các cuộc đình công càng ngày càng gia tăng trên toàn quốc. Ở lần đếm được gần đây nhất, đã có khoảng 400 vụ bãi công kể từ đầu năm, phần lớn là ở các cơ xưởng chế tạo sản xuất do các nhà đầu tư nước ngoài làm chủ.

Tuần trước, trong một vụ đình công điển hình, 14 ngàn công nhân ở một xí nghiệp sản xuất giày dép của Nam Hàn gần TPHCM, đã dẹp bỏ đồ nghề để phản đối ban giám đốc không tăng cho họ một mức lương thỏa đáng. Các công nhân muốn được trả thêm 18 đô la một tháng, nhưng công ty chỉ cho họ được tăng thêm 12 Mỹ kim. Nghe thì không có vẻ gì khác biệt nhiều, nhưng khi mức lương của công nhân khoảng từ 50 đến 60 đô la một tháng, và phải đối diện với tỷ lệ lạm phát khoảng 30%, thì mức lương được tăng thêm cùng quan trọng. Ðại diện của các nước có nguồn đầu tư hàng đầu ở Việt Nam từ Nam Hàn, Ðài Loan, Tân Gia Ba, và Nhật Bản đã bảo ông Dũng phải làm một cái gì đó để chặn đứng tình trạng bất ổn lao động đang gia tăng trước khi các công ty của họ giảm bớt đầu tư hoặc thậm chí bắt đầu rút ra khỏi Việt Nam.

Hồi tháng trước, ông Theodore Huang, người đứng đầu Hội Kỹ nghệ Thương mãi Quốc gia Trung hoa của Ðài Loan đã than phiền tại một cuộc hội thảo kinh doanh rằng sự lan rộng của các cuộc đình công đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc là khía cạnh quan trọng nhất của sự đi xuống của kinh tế Việt Nam hiện nay. Bối cảnh của tình hình lao động sôi sục đang bắt đầu có tác động tiêu cực đến việc đầu tư. Mặc dù nền kinh tế bị suy sụp mới đây, Hà Nội vẫn chính thức tuyên bố rằng đầu tư trực tiếp nước ngoài —được báo cáo cho đến nay là hơn 30 tỷ đô la trong năm nay — vẫn tiếp tục đổ vào.

Nhưng thực tế ở một mức nào đó thì khác xa bởi vì con số chính thức chỉ biểu hiện cho các nguồn đầu tư được đăng ký hoặc dự định, và có thể là sẽ không thành hiện thực. Khi nói đến các ngân khoản đầu tư thực sự, thì giá trị chỉ có 5 tỷ Mỹ kim – và đó là tổng số được cam kết trước khi nền kinh tế bị đổ vỡ. Hiện thời có những dấu hiệu là nhiều công ty đang ngập ngừng trước khi đầu tư thêm.

Nhưng đối với nhà nước Việt Nam, vấn đề trước mắt là làm thế nào để thoả mãn giới công nhân đang bồn chồn khó chịu cùng các nông dân ở nông thôn đang bất mãn, và một số nhỏ nhưng đang gia tăng tầng lớp trung lưu có uy thế ở thành thị, trong khi vẫn duy trì tình trạng ổn định về chính trị và xã hội. Ðiều này sẽ không dễ dàng. Những cuộc khảo sát nội bộ do chính đảng cộng sản thực hiện đã cho thấy rằng một con số vô cùng ngạc nhiên 80% dân số bây giờ nghĩ rằng ÐCSVN không còn phục vụ cho nhu cầu của người dân nữa.

Có lẽ con số trên không có gì là quá ngạc nhiên. Bởi vì kể từ khi có bài phát biểu của ông thủ tướng cách nay một năm, lạm phát đã gia tăng từng tháng, lên đến 27% hồi tháng Bảy, là một con số kỹ lục ghi nhận được từ năm 1991. Giá cả thực phẩm tăng 73%, xăng dầu và khí đốt tăng 46%, tiền thuê mướn nhà cửa tăng 25%.

Nguồn cung cấp loại mực tẩy trắng White–Out đang hiếm hoi đã trở thành một câu chuyện tiếu lâm thường ngày ở Việt Nam vì các quán cà phê phải thay đổi các con số giá tiền trên thực đơn mỗi ngày. Chủ nhà thì bảo người thuê rằng tiền mướn sẽ được tăng gấp đôi hoặc gấp ba, ngay giữa kỳ hạn của hợp đồng, chấp nhận hoặc dọn đi chỗ khác. Số xe đạp bán ra đã gia tăng vì giới công nhân không thể nào trả nổi tiền xăng dùng cho xe gắn máy của họ.

Và mọi thứ chắc chắn sẽ tồi tệ hơn trước khi trở nên tốt hơn. Hồi tháng trước, chính phủ của ông Dũng, đối diện với một sự suy sụp nguy hiểm về mức dự trữ của Ngân hàng Nhà nước, phải dỡ bỏ sự trợ giá xăng dầu hơn 30% vì làm cạn kiệt ngân quỹ của ngân hàng. Việc đó quá muộn màng, nhưng một biện pháp chính trị nhậy cảm sẽ hầu như chắc chắn bảo đảm rằng nạn lạm phát trong tháng này sẽ vượt qua khỏi mức 30% và khích động thêm giới công nhân và nông dân —vốn là nền tảng ủng hộ truyền thống của đảng.

Mặc dù có nguồn cung cấp dầu lửa và khí đốt rộng rãi cùng với lượng gạo, rau cải và trái cây thu hoạch phong phú, sự láo khoét về tình trạng ổn định chính trị xã hội đang bắt đầu nhìn thấy vẻ mỏng manh trước nạn lạm phát. Và ông Dũng cùng với các đồng chí lãnh đạo đảng biết rõ điều đó. Ðó là lý do tại sao giới lãnh đạo đảng triệu tập một hội nghị bất thường của uỷ ban trung ương đảng gồm 161 đảng viên hồi tháng trước. Một đề tài chủ yếu được đưa ra bàn cãi là làm thế nào để lấy lại sự tin tưởng và ủng hộ của các tầng lớp thanh niên, trí thức và nông dân –là 3 nhóm đã trở nên đặc biệt bất mãn với khả năng, đường lối của đảng trong thời gian qua.

Uỷ ban trung ương đảng cũng tranh cãi về tình trạng kinh tế suy sụp trong 6 tháng đầu năm nay và cố gắng hết sức để đưa ra những biện pháp chữa trị có thể được thi hành trong 6 tháng sắp tới.

Nhiều đảng viên kỳ cựu đã bày tỏ thái độ không hài lòng về việc trước đây chính phủ cứ ngoan cố liên tục thúc đẩy cho một tỷ lệ tăng trưởng cao, mãi sau khi đã trở nên rõ ràng là việc chống lại nạn lạm phát nên nắm phần ưu tiên. Họ chỉ ra cho thấy rằng mặc dù sự thật là nạn lạm phát tăng lên đến mức 2 con số như trở ngược lại hồi tháng 11 năm ngoái, thì chính phủ của ông Dũng vẫn tiếp tục khẳng định rằng họ có thể duy trì một mức tăng trưởng hàng năm là 9%, trong khi cũng áp đặt các biện pháp thắt lưng buộc bụng để giảm bớt lạm phát.

Chỉ đến khi tháng Ba năm nay, lúc thị trường chứng khoán đi xuống, một mức thâm thủng mậu dịch gia tăng nhanh chóng cùng với các cuộc đình công lan rộng gây ra nhiều lo ngại về một nền kinh tế bị xụp đổ hoàn toàn, thì lập trường đó mới được đóng ngăn xếp xó và mục tiêu tăng trưởng cho năm nay được giảm xuống còn 7%, nhiều đề án lớn cuả nhà nước bị huỷ bỏ. Không mấy ai nghĩ là sẽ đạt được ngay cả với mục tiêu tăng trưởng thấp như vậy –Ngân hàng Phát triển Á Châu hiện thời đang tiên đoán là mức tăng trưởng sẽ lui xuống 6.5% cho năm nay. Các nhà phân tích tư nhân thì cho rằng mức tăng trưởng có thể rơi xuống đến một mức thấp như 5%.

Vào đầu tháng Tư, bộ chính trị là cơ quan đầu não của đảng, đã đưa ra một lời khuyến cáo công khai cho chính phủ của ông Dũng, chỉ thị phải thực hiện ngay thêm việc thắt lưng buộc bụng, hạn chế thêm thanh khoản và nâng cao lãi suất. Rồi đến hồi tháng trước hội nghị bất thường của uỷ ban trung ương đảng, đã đề ra đường hướng phải chấm dứt những điều thối nát – nhưng không có sự nhất trí về việc làm thế nào để thực hiện nó.

Thực ra, có nhiều sự phân hoá sâu xa tận gốc rễ trong giới lãnh đạo về vấn đề làm sao để tiến hành.

Các nguồn tin trong đảng cho biết có nhiều chia rẽ trong Bộ chính trị giữa thành phần ủng hộ chính sách tiếp cận với quốc tế của ông Dũng, và những kẻ muốn có một đường lối thiên về quốc gia hơn như Tổng bí thư Nông Ðức Mạnh và cựu bộ trưởng tài chánh Nguyễn Sinh Hùng.

Sự bế tắc càng trầm trọng hơn bởi một thực tế rằng những cội rễ gây ra sự xáo trộn kinh tế là có hệ thống.

Một số các nhà phân tích đã chỉ ra rằng, việc đưa ra các quyết định dưới chế độ cộng sản Hà Nội, đặc biệt là trong phạm vi kinh tế, thì rời rạc cho đến độ như tê liệt. Không một ai trong thành phần bảo thủ, cấp tiến hoặc bất cứ kẻ nào khác đang nắm quyền lực sẵn sàng muốn thay đổi hệ thống vì điều đó có nghĩa là phá bỏ ưu quyền tuyệt đối của đảng.

Cho nên, trong thời gian sắp tới, một trong hai điều sẽ xảy ra: đảng sẽ đoàn kết lại và cố đẩy lui cơn bão tố, hoặc sẽ hy sinh vài đảng viên cao cấp để phô trương rằng đảng sẵn sàng hành động vì lợi ích của nhân dân. Vì chưa có cái đầu nào bị rơi tại hội nghị trung ương đảng mới đây – ngoại trừ, một cách trớ trêu, một trong những tay chân thân cận trung thành của chính ông Dũng ở quê quán ông ta tại Cà Mau – thì bằng chứng có vẻ là chiêu bài đoàn kết được ưa thích nhất hiện nay.

Nhưng nếu mọi sự tiếp tục theo chiều hướng đi lên, thì nhiều cái đầu có thể rơi. Và trong khi những nhân vật như thống đốc ngân hàng nhà nước, bộ trưởng tài chánh hoặc bộ trưởng kế hoạch và đầu tư có khả năng là những ứng viên, thì cảnh tàn sát có thể cuối cùng kéo đến cho chính bản thân ông Dũng. Kiểu cách cá nhân của ông thủ tướng được công khai nhân nhượng – mặc dù thường bị chỉ trích kín đáo – bởi một tầng lớp lãnh đạo đồng thuận cho đến khi nào mà kiểu cách đó vẫn còn hiệu lực. Bây giờ kiểu cách đó đã thất bại, ông Dũng đang gặp rắc rối.

Những rắc rối của ông Dũng bị chồng chất bởi việc thiếu sót hoàn toàn sự ủng hộ vô điều kiện từ Bộ chính trị. Ða số 14 đảng viên trong Bộ chính trị đứng về phe có khuynh hướng bảo thủ dẫn đầu bởi tổng Mạnh, Bộ trưởng công an Lê Hồng Anh, Bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh, Phó thủ tướng Hùng và Trưởng ban Tổ chức Trung ương đảng Hồ Ðức Việt. Cả hai ông Hùng và Việt quê quán ở tỉnh Nghệ An –quê hương của “cha gìa dân tộc” Hồ Chí Minh – chống đối lại mưu tính của ông Dũng nhằm củng cố thêm địa vị của mình qua việc cải tổ nội các hồi cuối tháng Sáu năm ngoái và ông thủ tướng đã bị bó buộc phải ngưng lại.

Ðiều tốt nhất mà ông ta có thể làm là giảm thiểu đi một phần ảnh hưởng của phe Nghệ An bằng cách bổ nhiệm hai nhà kỹ trị có khuynh hướng cải cách, được đào tạo ở Tây phương vào chức vụ tân phó thủ tướng: Hoàng Trung Hải và Nguyễn Thiện Nhân. Nhưng cả hai đều không làm được gì thuận lợi cả, và đặc biệt là ông Nhân bị coi như là vô hiệu quả một cách thảm não trong vai trò bộ trưởng giáo dục.

Từ kết quả đó, ông Dũng hiện thời được bị xem như là có vẻ phải tạm ngưng lại bất cứ ý định mơ hồ nào về việc cố gắng chiếm đoạt vai trò lãnh đạo đảng của ông Mạnh –-và thậm chí có cả một sự thừa nhận mặc nhiên rằng việc ông Dũng chắc chắn sẽ được bổ nhiệm vào một nhiệm kỳ thứ hai thì bây giờ có nhiều dấu hỏi. Hình như có khả năng xảy ra nhiều hơn là người thay thế ông Mạnh để lãnh đạo đảng sẽ được lôi ra từ thành phần đảng viên bảo thủ. Nếu không phải là ông Việt thì có thể xảy ra nhiều nhất sẽ là ông Trương Tấn Sang, thường trực Ban Bí thư Trung ương, hoặc Phạm Quang Nghị, bí thư thành uỷ Hà Nội.

Cho dù là cách nào đi nữa thì ông Dũng cũng sẽ bị mất mát. Và điều không có khả năng xảy ra là ông ta sẽ bảo đảm thêm về tình trạng ổn định chính trị, hoặc ông ta sẽ được nghe thêm bất cứ sự hoan nghênh chúc mừng nào từ giới doanh nhân trong thời gian sắp tới.

http://asiasentinel.com/index.php?option=com_content&task=view&id=1363&Itemid=31