Standard&Poor Cảnh Báo Các Rủi Ro Kinh Tế Việt Nam

Thiện Giao

Thiện Giao, phóng viên đài RFA
2008-05-07

Cuối tuần qua, công ty Standard&Poor đã cho công bố bản lượng giá liên quan đến tình hình kinh tế tài chánh Việt Nam. Bản lượng giá này đưa ra cái nhìn khá bi quan về tình hình kinh tế Việt Nam hiện nay, đặc biệt là các rủi ro trong lãnh vực ngân hàng.

Các công nhân xây dựng đang gắn bảng hiệu cho Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Thị trường chứng khoán non trẻ của Việt Nam đã lên cơn sốt trong thời gian đầu, nhưng nay đang trên đà tụt dốc khiến giới đầu tư phải lo lắng. AFP PHOTO/Hoang Dinh Nam.

Lượng giá của Standard&Poor quan ngại về yếu tố nào? Và có hay không, khả năng của những sai lầm trong chính sách của chính phủ?

Các rủi ro kinh tế tài chính

Bản đánh giá của công ty Standard&Poor, gọi tắt là S&P, về môi trường kinh tế tài chánh của Việt Nam, có thể được xem là nhận định quốc tế quan trọng đầu tiên về nền kinh tế phát triển nhanh nhất Châu Á, kể từ lúc chỉ số tiêu dùng lên cao phi mã trong nhiều tháng qua.

Bản lượng giá S&P được công bố hồi cuối tuần qua, xếp hạng tình hình tín dụng của Việt Nam ở mức “tiêu cực,” tức là giảm một bậc so với trước đây, ở mức “ổn định”. Lượng giá của S&P có ý nghĩa lớn đối với giới đầu tư nước ngoài. Cho đến nay, công ty này, cùng với Moody’s và Fitch, được xem là uy tín hàng đầu thế giới trong việc lượng giá môi trường kinh tế và xếp hạng tín dụng các nền kinh tế trên thế giới.

S&P quan tâm chủ yếu đến các rủi ro về sự bất ổn kinh tế và tài chánh lan rộng tại Việt Nam. Trong các quan tâm ấy, những yếu tố được quan ngại nhiều nhất là lượng dư nợ tín dụng, chi tiêu trong khu vực công, và tình trạng đầu cơ địa ốc. Và điều gây quan ngại lại là: tất cả các yếu tố này liên quan trực tiếp với nhau.

Từ Việt Nam, tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận định, đánh giá như vậy là phù hợp tình hình thực tế:

“Tôi nghĩ việc họ đánh giá như vậy cũng phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam hiện nay. Thật ra, từ nhiều năm rồi, tình hình kinh tế Việt Nam có nhiều vấn đề. Trong đó, vấn đề hệ thống ngân hàng rất đáng xem xét. Thật sự, giới chuyên gia trong nước cũng cảnh báo điều này khá lâu rồi.”

Lạm phát, thâm thủng ngân sách tăng cao

Tình hình kinh tế Việt Nam đang có những diễn biến phức tạp. Lạm phát, tính riêng tháng Tư năm nay, lên đến hơn 21% so với cùng thời kỳ năm ngoái. Đây là mức cao kỷ lục trong gần 15 năm qua.

Thâm thủng ngân sách lên đến hơn 6% trong khi tỷ lệ đầu tư cho khu vực công vẫn cứ chiếm tỷ trọng lớn trong tổng đầu tư của chính phủ. Nhận định về điều này, Tiến sĩ Vũ Quang Việt, nguyên là chuyên viên kinh tế cao cấp của Liên Hiệp Quốc, cho biết:

“Luôn luôn là như vậy, nếu nhìn vào sự thiếu hụt ngân sách Việt Nam thì thấy. Không một nước nào cho phép thiếu hụt trên 3% của GDP, mà hiện nay Việt Nam thâm hụt đến 6% hoặc hơn, mà cũng không thể nắm được vấn đề thiếu hụt vì ngân sách không minh bạch.”

Chuyên viên phân tích của S&P phát biểu với tờ Washington Post, rằng chính phủ Việt Nam rõ ràng là có kế hoạch làm dịu nền kinh tế, nhưng nhiệm vụ ấy là hết sức phức tạp. Chuyên viên này nói rằng, sự yếu kém của hệ thống ngân hàng đưa đến lượng dư nợ tín dụng quá cao trong những năm qua, làm cho tình hình trở nên trầm trọng hơn. Trong những tình huống như thế, khả năng của sự sai lầm trong chính sách không phải là không đáng kể.

Tiến Sĩ Nguyễn Quang A cho rằng, chính phủ Việt Nam đã nhận ra vấn đề của nền kinh tế, tối thiểu là về mặt giải pháp.

“Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam hiện nay, để giữ ổn định kinh tế vĩ mô, chống lạm phát, thật ra cơ quan nhà nước đã nhận ra đúng vấn đề. Họ đã đưa ra những gói giải pháp mà tôi cho là đúng hương. Tuy nhiên, đúng hướng chưa có nghĩa là giải quyết được vấn đề.”

Nhiều vấn đề phức tạp

Nền kinh tế Việt Nam được giới quan sát tin rằng đang trong tình trạng quá “nóng,” tức là đạt đến mức tới hạn về khả năng đáp ứng trong khi lượng đầu tư đang ngày càng tăng.

Trong lãnh vực ngân hàng, tình trạng cho vay quá nhiều, mà phần lớn tiền vay được dùng để đầu cơ địa ốc, đã khiến môi trường tín dụng Việt Nam trở nên bất ổn. Bản tin của tờ Washington Post liên quan đến bản báo cáo của S&P viết rằng, tình trạng gia tăng của giá cả hiện nay được xem là hệ quả của sự quản lý lỏng lẻo hệ thống ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng nhỏ, ra sức cho vay để chiếm thị phần.

Theo dự báo của S&P, lượng tín dụng của thị trường trong nước sẽ đạt đến 95% tổng thu nhập nội địa vào cuối năm nay. Con số này, hồi năm 2006, chỉ có 71%.

Giới quan sát tại Việt Nam cho rằng các khoản dư nợ tín dụng chủ yếu được rót vào thị trường địa ốc và hàng loạt đầu tư công của nhà nước. Trong các đầu tư công này, một phần lớn cũng lại được đầu tư vào địa ốc và các lãnh vực không phải công việc chính của các tập đoàn.

Về hiện tượng các tập đoàn quốc doanh “lấn sân” sang các lãnh vực kinh tế không phải của mình, tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhận định rằng đã đến lúc nhà nước cần phải có sự rà soát kỹ càng khu vực công và nếu cần thì phải cắt giảm các chương trình kém hiệu quả:

“Đầu tư công hiện nay rất dàn trải. Không những đầu tư vào lãnh vực do nhà nước làm, Việt Nam đầu tư công vào cả các lãnh vực thương mại. Các lãnh vực này đáng lẽ do tư nhân hay đầu tư nước ngoài làm, và làm tốt hơn, hiệu quả hơn. Chẳng hạn, tỷ suất đầu tư công cho 1 triệu tấn thép hay xi măng thường cao hơn rất nhiều do nước ngoài hoặc tư nhân làm, cho nên việc cắt giảm các chương trình công kéo dài quá lâu, kém hiệu quả là điều rất cần thiết.”

Các hệ quả lâu dài

Trong một tài liệu do các giáo sư thuộc chương trình Việt Nam của Đại Học Harvard thực hiện và phổ biến hồi đầu năm nay, các tác giả chỉ ra rằng, sự yếu kém trong đầu tư công là một trong các nguyên nhân đưa đến lạm phát.

Điều đáng nói, cho đến nay, một tỷ lệ rất lớn của tín dụng vẫn được dành riêng cho các xí nghiệp quốc doanh kém hiệu quả. Các giáo sư đại học Harvard cũng nhắc đến việc, Việt Nam hiện nay có quá nhiều sự tác động của các nhóm đặc quyền đặc lợi.

Về vấn đề này, tiến sĩ Vũ Quang Việt nhận định rằng: “Các nhà nghiên cứu của Harvard nói rằng đó là các nhóm lợi ích. Việt Nam bây giờ lập ra công ty mới, lập ngân hàng, kinh doanh bất động sản, kinh doanh chứng khoán. Ngay cả công ty dầu hoả và điện lực cũng đi vào chứng khoán, địa ốc, mà không làm công việc kỹ thuật của mình. Tôi ngờ là họ tự mua của nhau khiến giá chứng khoán, địa ốc tăng cao. Còn cơ bản, tiền ấy không tạo ra sản phẩm vì họ không đi vào sản xuất.”

Bản lượng giá S&P cảnh báo rằng, khả năng về sự sai lầm trong chính sách của nhà nước cũng như các bất ổn của hệ thống ngân hàng có thể sẽ khiến chính phủ phải ra tay nâng đỡ. Trong những tình huống như thế, sự thâm thủng ngân sách sẽ lại tiếp tục tăng cao.

Chuyên viên phân tích của S&P nói với Washington Post rằng rất nhiều ngân hàng tại Việt Nam cho vay quá khổ; chỉ cần một ngân hàng lâm vào tình trạng khó khăn, hàng loạt ngân hàng khác cũng bị cuốn theo. Tình huống này, nếu xảy ra, bắt buộc chính phủ phải can thiệp. Và vì thế, bội chi ngân sách lại càng trầm trọng.

S&P nói rằng lượng giá về tình hình môi trường kinh tế tài chánh của Việt Nam có thể sẽ còn xuống thấp hơn nữa nếu khả năng của một cuộc khủng hoảng ngân hàng lên cao. Tuy nhiên, bản đánh giá có thể sẽ tích cực hơn nếu Việt Nam có những chỉ dấu cho thấy nền kinh tế phát triển một cách có cơ sở.

Trong khi S&P đánh giá môi trường tín dụng tại Việt Nam là “tiêu cực,” chỉ số Moody’s vẫn cho rằng Việt Nam ở mức “lạc quan,” còn chỉ số của Fitch thì duy trì mức độ “ổn định” đối với nền kinh tế có mức tăng trưởng cao nhất Châu Á.