Sư Minh Tuệ, thách thức an ninh mới đối với chế độ

LS Đặng Đình Mạnh - FB Manh Dang

Ảnh: FB Manh Dang

Theo sách lược an ninh của chế độ, một cá nhân hoặc tổ chức có khả năng tập hợp, hiệu triệu, điều khiển quần chúng, có tầm ảnh hưởng lớn trong xã hội đều là sự thách thức, là mối đe dọa tiềm ẩn đối với an ninh chế độ cho dù cá nhân hoặc tổ chức ấy không có hoạt động gì liên quan đến chính trị.

Biện pháp được đặt ra để giải quyết luôn luôn là phải bóp nghẹt mọi mối đe dọa ấy từ trong trứng nước.

Đó là lý do dù hiến pháp quy định, nhưng chế độ vẫn cố tình cho trì hoãn vĩnh viễn việc soạn thảo các đạo luật về lập hội, công đoàn hoặc bất kỳ tổ chức độc lập nào khác nếu chúng không được thành lập bởi chế độ và phục vụ cho chế độ. Đồng thời, buộc giải tán hầu hết các tổ chức chính thức đã từng được thành lập dưới thời chính quyền Sài Gòn cũ hoặc vừa tập hợp theo cách không chính thức. Bên cạnh đó, chế độ luôn sẵn tay đàn áp các cá nhân sở hữu các yếu tố có dấu hiệu đe dọa chế độ.

Có thể kể vài trường hợp điển hình xảy ra gần đây như: Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ, Đồng Tâm, ông Lưu Bình Nhưỡng, bà Nguyễn Phương Hằng, thậm chí, người mẫu Ngọc Trinh vốn chỉ hoạt động trong lĩnh vực giải trí… cũng đều bị chế độ ra tay đàn áp nếu có khả năng tập hợp quần chúng.

Với sách lược như thế, chắc chắn, sư Minh Tuệ, người đang thu hút sự quan tâm đặc biệt từ công chúng ở mọi miền đất nước, người vô tình khai tử trên danh nghĩa cả một đế chế Giáo hội Phật giáo quốc doanh giàu có phủ rộng trên khắp 63 tỉnh thành được chế độ chống lưng từ bốn thập kỷ qua… Cho nên, sẽ không bình thường nếu hồ sơ về sư chưa được đặt trên bàn làm việc của cơ quan an ninh. Trong đó, tiểu sử, các ảnh chụp trên đường hành đạo, danh tính các sư sãi đi theo cũng như cá nhân tiếp cập sư… Tất tần tật đều được thu thập. Theo đó, việc chế độ ra tay đàn áp sư chỉ là việc ngày một, ngày hai mà thôi.

Mà sao không thể đàn áp khi sự hiện diện của sư đã trở thành tấm gương chiếu yêu đối lập hoàn toàn với nhiều giá trị mà chế độ hoặc Giáo hội Phật giáo quốc doanh hành xử trên đất nước không có đối lập này.

Sự chân thật của sư chẳng phải đã đối lập với sự xảo trá mà chế độ hàng ngày hành xử với công chúng?

Sự khiêm nhường xưng con của sư chẳng phải đã đối lập với sự xưng bác với cả dân tộc một cách đầy trịch thượng của lãnh tụ?[*]

Sự thuyết phục của một mình sư với công chúng chẳng phải đã đối lập với cả một hệ thống truyền thông hàng nghìn báo đài nhưng nói chẳng ai tin?

Sự hành đạo đơn sơ nhưng đầy Phật tính của sư chẳng phải đã đối lập với những chùa to, tượng lớn nhưng đặc sệt màu kim tiền?

Sự khất thực một bữa ăn trong ngày chẳng phải đã đối lập với lời điệp khúc kêu gọi cúng dường tiền tỷ nhằm tạo phước của ma tăng?

Việc đàn áp có thể chính thức bằng quyết định hành chính, bằng sự sách nhiễu, đe dọa của côn đồ hoặc chính quyền nơi sư Minh Tuệ đi qua, bằng cách ném đá dấu tay thông qua “quần chúng tự phát”… đều là những nghiệp vụ điển hình của lực lượng an ninh cả. Tất cả đều chỉ hướng đến mục tiêu chung cuộc là vô hiệu hóa khả năng thu hút công chúng của sư Minh Tuệ, cho dù điều đó/sự thu hút công chúng hoàn toàn nằm ngoài mục đích tu hành của sư.

Mới đây, lực lượng an ninh đã sử dụng đến xe phá sóng viễn thông là một phương tiện nghiệp vụ an ninh để ngăn chặn sự truyền tải thông tin về việc di chuyển của đoàn sư sãi tháp tùng theo sư Minh Tuệ là dấu hiệu mở đầu, hứa hẹn các bước đàn áp sắp tới.

Đàn áp bằng cách thức nào đi nữa, với bậc chân tu, chúng đều chỉ là những khổ nạn, nghiệp chướng thử thách mà thôi. Cứ nhìn tấm gương Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thì rõ, đời tu hành của ngài không hề được rải hoa hồng, trái lại chúng đầy chông gai cho đến khi ngài đắc đạo.

Với sư Minh Tuệ cũng vậy, sư chọn con đường Đức Phật đã đi, trong đó, sư biết rõ có khổ nạn và nghiệp chướng. Sư có thể đi bằng đời này, hoặc nhiều đời sau nếu đó là nghiệp, là duyên của sư…

DC, ngày 30/05/2024
LS Đặng Đình Mạnh

Nguồn: FB Manh Dang