Sự Phản Bội Giống Nhau Của Thế Vận Hội 1936 Và 2008

Thomas Kleiber

Thomas Kleiber.
The Epoch Times 12/5/08.

Khánh Ðăng lược dịch

Thế vận hội lần đầu tiên được tổ chức tại Hy Lạp, là nơi khai sinh ra dân chủ, và từ lúc khởi đầu đã mang một thông điệp nói rằng tất cả các quốc gia sẽ tụ họp lại trong hoà bình và cùng nhau tranh tài về thể dục thể thao. Có một mối liên hệ tự nhiên giữa Thế vận hội và đường lối hòa bình trong dân chủ với các quốc gia tự do, và Thế vận hội là lúc tuyệt vời nhất khi được tổ chức ở các quốc gia dân chủ.

Năm 1936 và 2008 có chỗ giống nhau là việc tổ chức Thế vận hội do hai chế độ độc tài: Ðức quốc xã và Trung Hoa cộng sản.

Ðức quốc xã là một chế độ độc đảng, cũng như tại Trung cộng ngày hôm nay. Cả hai đảng Quốc xã và Cộng sản Trung Hoa đều vật vã để cướp quyền lực và Ðức quốc xã đã gắng sức cũng như Trung cộng đang gắng sức ngày hôm nay, là cố tạo ra một uy tín tốt đẹp bằng cách đứng ra tổ chức Thế vận hội.

Ðức quốc xã đã sáng tạo ra truyền thống rước đuốc luân lưu, để phục vụ cho việc kết nối và ràng buộc càng nhiều quốc gia càng tốt vào với nhau cho cuộc tranh tài tại Bá Linh. Ðó là một cuộc vận động tuyên truyền, vẫn tiếp tục có tác động.

Trung cộng đã đem cuộc rước đuốc luân lưu lên đến một mức quá sức tưởng tượng, bằng cách đưa ra một lộ trình rước đuốc dài nhất chưa bao giờ có trong lịch sử, bao gồm cả chuyến đi lên đỉnh núi Everest. Ở tất cả mọi chặng đường, ngọn đuốc Thế vận Bắc Kinh được bảo vệ bởi “toán bảo vệ ngọn đuốc”, mà sự hiện diện của họ đã là một sự bẻ gẫy tinh thần Thế vận.

Các chế độ độc tài tổ chức Thế vận hội có lẽ đã đóng ngoặc cuộc rước đuốc luân lưu lại. Sau cuộc rước đuốc Thế vận 2008 đầy rẫy những vụ biểu tình phản đối, Uỷ ban Thế vận Quốc tế đang xem xét đến việc chấm dứt truyền thống rước đuốc quanh thế giới, được khởi đầu từ Thế vận hội Bá Linh.

Trước khi tổ chức Thế vận hội Bá Linh, Ðức quốc xã đã khởi sự ngược đãi cộng đồng người Do Thái rồi, mặc dù chưa bắt đầu “giải pháp cuối cùng”cho đến nhiều năm sau đó. Ðức quốc xã đã không dám một cách chính thức loại trừ người Do Thái, không cho tham gia tranh tài trong Thế vận hội (tuy rằng người Do Thái bị cấm đoán không được đại diện nước Ðức trong Thế vận hội).

Chế độ cầm quyền Trung Quốc không những đã bắt đầu ngược đãi một thành phần dân chúng vì tín ngưỡng của họ, thậm chí lại còn rất thẳng thừng về chính sách ngược đãi này. Vào cuối năm 2007, một phát ngôn viên của Uỷ ban Thế vận Bắc Kinh đã tuyên bố rằng tất cả những người thuộc phái Pháp luân công sẽ bị loại trừ khỏi tất cả các hoạt động có liên quan đến Thế vận hội.

Tất cả các tổ chức nhân quyền và chính phủ trên thế giới đều biết rằng phái Pháp luân công là một trong những thành phần nạn nhân chính của chính sách ngược đãi được nhà nước thừa nhận tại Trung Hoa. Hàng ngàn môn đồ của Pháp luân công đã bị tra tấn cho đến chết vì niềm tin của họ.

Dưới chế độ Ðức quốc xã, Bác sĩ Josef Mengele đã khởi đầu việc thí nghiệm trên người Do Thái trong thời kỳ Holocaust, sau khi Thế vận hội đã được tổ chức.

Ngày hôm nay tại nước Trung Hoa cộng sản, các bác sĩ y khoa hàng năm trời qua đã giải phẩu lấy nội tạng từ các môn đồ Pháp luân công còn sống để gây lợi. Việc thu hoạch nội tạng từ các môn đồ Pháp luân công còn sống được biết là đã bắt đầu từ năm 2001, là năm mà Trung cộng đạt được quyền tổ chức Thế vận hội 2008.

Ðức quốc xã cần tất cả các quốc gia đến tham dự Thế vận hội Bá Linh như một dấu hiệu hợp pháp hóa cho chế độ Quốc xã. Trường hợp của Trung cộng cũng không có gì khác hơn: Sự hiện diện của các giới chức chính phủ trên thế giới tại lễ khai mạc được coi như một mức đo lường cho sự chấp nhận chế độ cộng sản Trung Hoa.

Thế Vận Hội Berlin 1936

Hai chế độ phát-xít Ðức và Trung Hoa cộng sản có vẻ như đối nghịch nhau, nhưng cùng giống nhau ở chỗ là phản bội lại tinh thần Thế vận. Dù sao đi nữa thì chế độ cộng sản ở Trung Hoa đã áp dụng khá nhiều biện pháp kinh tế tư bản cho nên họ không thể nào được coi là cộng sản nữa. Kể từ năm 1989 họ đã tự chuyển đổi thành một chế độ phát-xít nhưng vẫn xử dụng Ðảng cộng sản để thống trị xã hội với các biện pháp kinh tế tư bản rất tàn nhẫn để cung cấp nguồn sinh lực cho sự cai trị của Ðảng.

Lẽ dĩ nhiên, chế độ cộng sản Trung Hoa không có một Quốc trưởng như Adolf Hitler, là lãnh tụ một phong trào tìm cách để bào chữa cho sự vĩ đại của nước Ðức. Nhưng tại Trung Hoa, Ðảng cộng sản đang đóng một vai trò tương tự như của Quốc trưởng Hitler, đòi hỏi tất cả để phục vụ cho sự hiện thân của vận mệnh quốc gia Trung Hoa.

Vận động viên da đen Jesse Owens.

Trong sự tranh cãi về việc Thế vận hội Bá Linh (1936) đã có nên bị tẩy chay hay không, thì có vài luận cứ cho rằng việc lực sĩ da đen Jesse Owens tranh tài tại đó đã dẹp bỏ lý thuyết chủng tộc của Adolf Hitler. Nhưng 4 huy chương vàng của Jesse Owens đã không thể ngăn chận được nạn tàn sát người Do Thái (Holocaust), với khoảng 8 triệu người bị thiệt mạng. Bây giờ nhìn lại, có lẽ chúng ta tự hỏi là không biết việc tẩy chay Thế vận hội Bá Linh, có thể đã thành công hơn trong việc giúp thế giới tránh khỏi Thế chiến thứ 2 và Holocaust chăng.

Năm 1936, không có một tiền lệ làm sao để đối phó với một Thế vận hội được tổ chức trong một nước độc tài. Năm 2008, một lần nữa chúng ta lại phải đối diện với câu hỏi làm sao để đối phó với một chế độ độc tài tổ chức Thế vận hội.

Chế độ cộng sản Trung Hoa lập luận rằng thể thao và chính trị nên được tách ra riêng rẽ.

Hiến chương Thế vận nói rằng đặt “thể thao vào mục đích phục vụ cho sự phát triển thuận hoà của nhân loại, với quan điểm nhằm cổ xuý cho một xã hội an lành quan tâm đến việc bảo tồn phẩm cách con người”.

Bản Hiến chương cũng nói rằng, “tôn trọng các nguyên tắc đạo đức phổ thông căn bản”.

Bằng cách diễn tả “chính trị” về bất cứ sự phản đối nào đối với việc vi phạm nhân quyền có hệ thống làm trì hoãn sự phát triển thuận hoà của nhân loại, tước đoạt sự an lành của xã hội, huỷ diệt phẩm cách con người, và vi phạm “các nguyên tắc đạo đức phổ thông căn bản”, thì chế độ cộng sản Trung Hoa không tách riêng “chính trị” ra khỏi thể thao. Họ đang tách rời Thế vận hội ra khỏi mục đích thiêng liêng của nó. Thậm chí cộng sản Trung Hoa còn làm như vậy trong khi ngày càng gia tăng việc bách hại đối với các nhóm như người Tây Tạng và phái Pháp luân công.

Thật là phù hợp khi Thủ tướng Ðức, bà Angela Merkel, đã từng lớn lên dưới chủ nghĩa cộng sản tại Ðông Ðức, là một trong những vị nguyên thủ quốc gia đầu tiên qua hành động của bà, đã cho thấy một sự hiểu biết về tầm quan trọng của Thế vận hội Bắc Kinh. Bà biết rằng quyền làm người căn bản không thể nào được coi là riêng rẽ khỏi các vấn đề khác, và dĩ nhiên là cả Thế vận hội, cho nên bà đã dẫn đầu mở lối cho các nhà lãnh đạo Âu Châu khác bằng cách thông báo rằng bà sẽ không tham dự lễ khai mạc tại Bắc Kinh.

Thế giới vào năm 1936, khi phải đương đầu với sự phản bội Thế vận hội của một chế độ độc tài, đã thất bại trong việc gìn giữ bảo vệ các nguyên tắc căn bản trọng tâm của phong trào Thế vận. Năm nay, thế giới có một cơ hội thứ hai. Các quốc gia trên thế giới có thể lựa chọn tham gia vào việc tự quảng bá cho một chế độ tàn ác, và làm như vậy tức là phản bội lại tinh thần Thế vận, hoặc họ có thể nhất định đòi hỏi rằng Thế vận hội phải được gìn giữ cho đúng với tinh thần của nó.

The Epoch Times