Tại Sao CSVN Chỉ Đòi Bỏ Án Tử Hình Cho Hai Tội Kinh Tế & Tham Nhũng?

Ngô Văn

Hiện nay đã có nhiều quốc gia phế bỏ án tử hình, Phong trào vận động đòi bỏ cái án này đang lan rộng khắp thế giới và ngày 10 tháng 10 hàng năm được được chọn làm ngày Phế Bỏ Án Tử Hình. Theo tổ báo cáo của tổ chức Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International) thì đến nay đã có 90 quốc gia phế bỏ hẳn án tử hình cho tất cả mọi tội phạm, 11 quốc gia chỉ giữ án này đối với các tội phạm chiến tranh, 32 nước khác trong suốt 10 năm qua không đem hành quyết tử tù và đang tính đến chuyện phế bỏ án phạt này. Chuyện có nên phế bỏ án tử hình hay không vẫn còn là vấn đề tranh cãi rất sôi nổi giữa các nước và các tổ chức quốc tế. Hiện nay vẫn còn 64 quốc gia duy trì án tử hình, trong đó có những nườc tiên tiến như Hoa Kỳ, Nhật Bản… vì các nước này cho rằng đó cũng là một biện pháp hữu hiệu để ngăn chận những tội phạm tày trời.

Khởi đầu việc phế bỏ án tử hình tại hơn 111 quốc gia như vừa nói ở trên, không phát xuất từ kiến nghị của phía chính phủ mà là do sự tranh đấu bền bỉ của các tổ chức Nhân quyền, Tôn giáo… dựa trên tinh thần nhân đạo. Tại Việt Nam, dưới chế độ cộng sản, không một tổ chức Phi chính phủ (NGO) nào được hoạt động, tất cả đều do Đảng hay nhà nước lập ra để đánh bóng cho chế độ về mặt tuyên truyền. Vì là công cụ nên các tổ chức NGO loại này chỉ làm theo lệnh chứ đâu dám kiến nghị bất cứ điều gì, nên chẳng bao giờ có cái chuyện đòi nhà nước phải phế bỏ án tử hình. Đảng và nhà nước CSVN chẳng phải không biết về những bước tuần tự trong tiến trình đòi phế bỏ án tử hình, nhưng không bật đèn xanh cho các tổ chức NGO ngoại vi của mình làm mà tự làm lấy cho nhanh và khỏi lôi thôi vì lãnh đạo chỉ muốn phế bỏ án tử hình về hai tội kinh tế và tham nhũng mà thôi.

Hà Hùng Cường.

Trong kỳ họp thứ 2, khóa XII của Quốc hội CSVN, ông Hà Hùng Cường (Bộ trưởng bộ Tư pháp) cho biết chính phủ dang kiến nghị sửa bộ luật Hình sự theo hướng bỏ khung hình phạt tử hình đối với một số loại tội như kinh tế, tham nhũng. Theo ông Bộ trưởng này thì có một số tội phạm trong quá trình xét xử thực tế vừa qua cho thấy không nhất thiết phải áp dụng khung hình phạt tử hình thì cũng cần giảm bớt khung hình phạt tử hình đi như các án về kinh tế, tham nhũng.

Lập luận kiểu ông Cường nghe vừa ấu trĩ vừa buồn cười, cũng giống như bảo là thôi bỏ luật đá phạt đền Pê Nan Ty (penalty) đi vì căn cứ những trận cầu gần đây có tuyển thủ nào chơi xấu ở trong vòng cấm địa đâu. Phạm tội đến mức nào thì bị tử hình, đương nhiên là đã được quy định rõ trong luật tử hình, ai không phạm tội đến mức đó thì làm sao xử tử hình người ta được. Nhiều tổ chức, hội đoàn trên thế giới đòi phế bỏ án tử hình là vì lý do nhân đạo chứ không ai cho rằng chẳng có kẻ nào phạm tội nặng đến mức phải tử hình nên cần phải bỏ án tử hình đi.

Trở lại vấn đề kiến nghị bỏ án tử hình của ông Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường thì những đối tượng nào ở Việt Nam có khả năng phạm tội về kinh tế và tham nhũng đến mức có thể bị lãnh án tử hình theo như luật lệ hiện hành quy định. Tội tham nhũng thì nhất quyết chỉ có cán bộ và quan chức nhà nước, chứ người dân thì làm gì mà phạm vào tội này được; tham nhũng đến mức có thể lãnh án tử hình thì phải là mấy ông chóp bu ở trên mà thôi. Còn về tội phạm kinh tế phải chịu án tử hình thì không lý người dân buôn thúng bán bưng, phải là những tay tư bản làm ăn bất chính, chuyên đầu cơ trục lợi lớn. Thật ra phải dùng từ Tư Bản Đỏ mới đúng vì hầu hết họ là con cái hay thân bằng quyến thuộc của cán bộ, quan chức lớn trong đảng hay trong bộ máy nhà nước. Chính vì những lý do đó cho nên từ trước đến nay dù có tham nhũng cách mấy, làm ăn bất chính, đầu cơ trục lợi đến đâu chẳng có ông cán bộ, quan chức hay tên tư bản đỏ nào bị đem ra xử với bản án tử hình, ấy vậy mà nhà nước vẫn chưa yên tâm, đưa ông Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường lên tiếng kiến nghị để bỏ luôn cái luật tử hình về hai tội danh này cho chắc ăn và nhiều khi còn sử dụng nó để tuyên truyền lừa đảo là chế độ cộng sản cũng nhân đạo như ai.

Mới nói là sẽ kiến nghị thế mà ông Bộ trưởng Tư pháp đã biết chắc là sẽ được thông qua vì theo ông Cường thì Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã đồng ý quan điểm là phải sửa rồi nhưng phải chờ Quốc hội quyết định chính thức.

Chuyện CSVN chỉ đòi bỏ án tử hình đối về tội kinh tế và tham nhũng là cả một trò hề đầy tính gian manh, nhưng đối với họ trò hề cũng được, gian manh cũng chẳng sao miễn là không còn bị cái án tử hình ám ảnh trong đầu họ mỗi khi làm những chuyện xấu tày trời là được. Bao giờ cái chế độ này mới chấm dứt cho người dân được nhờ, câu trả lời rất đơn giản, tùy thuộc vào sức đấu tranh của tất cả người Việt chúng ta.

Ngô Văn