Tại Sao CSVN Dẹp Bỏ Bầu Cử Trực Tiếp?

Trần Đức Tường

Những tưởng cái vụ để nhân dân trực tiếp bầu cử chủ tịch xã đã chìm xuồng trong phiên họp bế mạc kỳ họp thứ tư của Quốc Hội khóa XII này, ngày 15/11/2008 vừa qua. Không ngờ mới đây Bí Thư tỉnh ủy Đà Nẵng lại đề cập đến. Từ nhiều năm nay, Nhà nước CSVN đã nói đến chuyện bãi bỏ những Hội Đồng Nhân Dân các cấp quận, huyện, trở xuống và nhất là chuyện để người dân bầu trực tiếp chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân cấp xã. Thực ra thì đây cũng chẳng phải là một bước tiên phong gì trong số các nước còn sót lại trên thế giới, tự nhận mình là đang theo chủ nghĩa Mác Lênin, và chủ nghĩa xã hội lai tư bản. Trung Quốc, một nước XHCN đàn anh của CSVN đã làm công việc này cách đây 20 năm rồi. Nhưng với bản chất vừa coi dân như cỏ rác, vừa sợ tuột tay mất chính quyền, đảng CSVN đã không dám thực hiện những điều họ nói từ cả chục năm nay. Câu hỏi được đặt ra là lý do nào khiến CSVN nay lại nói đến “dân chủ cơ sở” hay “dân bầu trực tiếp lãnh đạo” cấp xã?

Nhiều người còn nhớ, từ năm 1945 CSVN đã khoe rằng chế độ của họ dân chủ gấp ngàn lần các nước theo thể chế dân chủ trên thế giới. Những ai có tối thiểu nhận xét cũng biết dưới chế độ CSVN không hề có dân chủ. Vì thế lãnh đạo đảng và Nhà Nước đã phải viện lẽ chiến tranh để bào chữa cho những hành vi phi dân chủ của họ. Nhưng sau chiến tranh, khi thấy không cần biện bác cho chủ trương độc tài của họ nữa, thì ngay cả cái tên Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa cũng bị xóa hẳn hai chữ dân chủ, và đổi thành Cộng Hòa XHCN Việt Nam. Tiếp theo đó là sự tận dụng chủ trương “chuyên chính vô sản”, mượn danh “giai cấp” để áp dụng chế độ độc tài phi nhân tại miền Nam nói riêng và cả nước nói chung. Mười hai năm sau khi chiếm gọn đất nước và vênh vang với chế độ độc tài công an trị, bỗng một ngày tháng Tư năm 1997, các quan chức CSVN đã bị một cái tát nẩy lửa vào mặt. Đây là một cái tát với cả nghĩa den và nghĩa bóng. Nhân dân Thái Bình, cái nôi của “cách mạng”, đã nổi lên tố cáo tham nhũng, đã chống lại sự đàn áp của bạo quyền, đã truy lùng bọn tham quan Nhà nước, đã chiếm đóng các dinh thự mà bọn này xây cất bằng tiền bóc lột nhân dân. Nhiều tên chạy thoát thân, cũng có tên bị nhân dân kéo ra hỏi tội.

Nhà nước Trung Ương vội vàng hội họp tìm cách đối phó. Nghe đâu, cũng như hồi “sửa sai” cải cách ruộng đất, ông Võ Nguyên Giáp, đã về hưu từ lâu, cũng được mời tới họp “cứu nguy”. Tại đây, ông long trọng cảnh cáo: “Thái Bình chỉ là một thôi, nếu chúng ta tiếp tục quay lưng lại với dân như thế này, quên đi những đóng góp, gian khổ của dân, thì ngay ở cả miền Núi phía Bắc, miền Trung Tây Nguyên… nếu sau này có sự biến gì xảy ra, không ai chắc là đồng bào sẽ tiếp tục bảo vệ chúng ta đâu”. Sau đó, trong số lãnh đạo Đảng, có kẻ nhất định dùng « bạo lực cách mạng » để trấn áp, có kẻ muốn lùi một bước. Và thế là chế độ đã một mặt đàn áp, bắt bớ những người dân Thái Bình, một mặt cho xuất hiện những từ ngữ mới, như “dân chủ cơ sở”. Có thể nói, nếu không có biến cố Nhân Dân Thái Bình nổi dậy thì chắc còn lâu lắm đảng CSVN mới nói đến dân chủ, dù là dân chủ cấp cơ sở.

Kết quả là sau đó, Nghị Định 71/1998/NĐ-CP hay còn gọi là “Nghị Định ban hành quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan” do Thủ tướng thời đó là ông Phan Văn Khải ký tên, đã được ban hành ngày 08/09/1998. Thực chất, nghị định này là bản mệnh lệnh phải tiêu diệt mọi mầm mống dân chủ. Ngay trong điều 1, bản văn này xác định: “Quy chế thực hiện dân chủ trong sinh hoạt của cơ quan nhằm phát huy quyền làm chủ của cán bộ, công chức,..”; và giải thích ở điều 2 là ” Phát huy quyền làm chủ của cán bộ, công chức gắn liền với việc bảo đảm sự lãnh đạo của tổ chức Đảng ở cơ quan, chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ,…”.

Kể từ đó đến nay, tham quan ở mọi cấp tiếp tục thi nhau cướp bóc tài sản của dân làm giầu cho bản thân và dòng họ. Phong trào khiếu kiện cũng lan ra ngày một rộng hơn và nhiều khi đã quy tụ hàng ngàn người. Nguy cơ của nhiều Thái Bình khác đang lớn dần.

Vì thế, Nhà nước lại đem ra cái bánh vẽ « dân chủ », và quảng cáo có thể sẽ để dân bầu trực tiếp chủ tịch UBND xã. Tất cả các báo trong nước đều đăng tải những cuộc phỏng vấn, bàn thảo về chủ đề này. Cho đến ngày cuối cùng của khóa họp, Quốc Hội đã thảo luận tổ, thảo luận hội trường rất sôi nổi và theo báo chí phản ánh đã có sự đồng thuận cao. Nhưng vào giờ chót, đảng đã ra lệnh cho các đại biểu phải bỏ phiếu “quyết định hoãn việc thí điểm người dân bầu trực tiếp chủ tịch xã, để nghiên cứu cân nhắc thêm, áp dụng vào thời điểm thích hợp khác”. Lý do tại sao?

Theo ông Uông Chu Lưu, phó chủ tịch Quốc Hội, cho biết thì họ lo ngại là: “không loại trừ đa phần dân cư ở địa phương thuộc một dòng họ, thuộc một gia tộc nào đó, nếu như người ta không công tâm, không vì lợi ích chung mà chỉ bỏ phiếu cho người thuộc dòng họ của người ta…”. Câu giải thích này vừa lộ ra sự coi thường người dân vừa vi phạm vào chính định nghĩa của « dân chủ », mà thực chất chỉ để che đậy nỗi lo âu khác của Đảng. Với tình hình cán bộ địa phương tham nhũng, bạo hành, cướp bóc tràn ngập khắp nơi, nếu để cho người dân chọn lựa thì việc đảng CSVN mất quyền cai trị tại hàng trăm ngàn xã trên cả nước không còn là câu hỏi, đặc biệt tại những xã có đông bà con Công Giáo, Hòa Hảo, Cao Đài, Phật Giáo, Tin Lành đang bị công an trấn áp ngày đêm.